Nguyên nhân lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động của các điện thờ mẫu tư nhân trên địa bàn huyện bình xuyên, tỉnh vĩnh phúc (Trang 62 - 64)

7. Bố cục của luận văn

3.1. Nguyên nhân định hình phát triển

3.1.1. Nguyên nhân lịch sử

Nhân tố lịch sử đã có tác động mạnh mẽ tới các hoạt động tâm linh nói chung và hoạt động thờ Mẫu tư nhân nói riêng. Bản thân mỗi một tôn giáo, tín ngưỡng cũng như lễ hội gắn liền với nó đều có lịch sử của riêng mình, đó chính là quá trình/diễn trình phát triển, từ lúc hình thành, phát triển, thậm chí tiêu vong hay thăng trầm của bản thân loại hình (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội) đó. Không những chỉ có lịch sử của riêng mình, mỗi tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội lại phải sống trong nhịp đập, dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, khu vực hoặc thế giới. Yếu tố lịch sử dân tộc, hay khu vực chính là nhân tố quyết định đến sự ra đời, định hình, phát triển, biến đổi, thậm chí tiêu vong của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng hay lễ hội. Các điện thờ Mẫu tư nhân cũng nằm chịu sự tác động của lịch sử chính bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu và đồng thời nó cũng chịu sự tác động của lịch sử dân tộc nói chung.

Trước hết, các điện thờ Mẫu tư nhân chịu sự tác động của lịch sử Đạo Mẫu ở Việt Nam, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ nữ thần của cư dân Việt. Nhiều học giả đều thống nhất rằng, hiện tượng thờ nữ thần của cư dân Việt bắt nguồn từ nền tảng sản xuất kinh tế nông nghiệp, xã hội phân hóa không cao, những yếu tố mẫu hệ nguyên thủy vẫn dư tồn trong đời sống cộng đồng một cách mạnh mẽ. Trong sản xuất (kinh tế tự nhiên) hái lượm đến sản xuất nông nghiệp, người đàn bà vẫn tham gia phần lớn các công việc làm ra vật chất, họ gánh vác cùng đàn ông, nên họ luôn nhận được sự tôn trọng của gia đình và cộng đồng. Không những thế, xã hội phân hóa không cao, việc phân chia quyền lực giữa nam và nữ không có nhiều khoảng cách biệt giống với các

nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, nó còn bắt nguồn từ những tư duy nguyên thủy về những bà Mẹ (cây, đất, nước và trời), vì Mẹ sinh ra muôn loài trong tự nhiên.

Theo thời gian, trong hàng các nữ thần có một số vị được tôn vinh làm Thánh Mẫu - Vương Mẫu - Quốc Mẫu. Điều này cũng để khẳng định, không phải vị nữ thần nào cũng trở thành Mẫu. Theo Ngô Đức Thịnh thì “về mặt danh xưng, Mẫu là từ gốc Hán - Việt, còn thuần việt là Mẹ, Mụ. Mẹ, Mụ là từ danh xưng chỉ người phụ nữ đã sinh thành ra một người nào đó, là tiếng xưng hô thân thiết của con cái và người đã sinh hạ ra mình. Tuy nhiên, Mẹ, Mẫu còn bao hàm nghĩa rộng hơn mang tính tôn xưng, tôn vinh”.

Từ tục thờ Mẫu thần đến Mẫu Tam - Tứ phủ là một giai đoạn phát triển tiếp theo của Đạo Mẫu. Nhiều nhà nghiên cứu cũng thống nhất quan điểm rằng, không nên đồng nhất hoàn toàn giữa thờ Mẫu với Mẫu Tam/Tứ phủ, mà từ tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần đến Mẫu Tam/Tứ phủ là một bước phát triển về nhiều mặt. Theo Ngô Đức Thịnh, tác nhân của sự phát triển ấy vừa có nhân tố nội sinh và vừa có nhân tố ngoại sinh. Ông cho rằng, Mẫu Tam/Tứ phủ so với tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần nói riêng và thờ thần nói chung đã có bước phát triển đáng kể về tính hệ thống. Mẫu Tam/Tứ phủ đã bước đầu hình thành, chứa đựng những nhân tố về vũ trụ luận nguyên sơ. Mẫu Tam/Tứ phủ bước đầu thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước, chứa đựng tinh thần yêu nước. Mẫu Tam/Tứ phủ đã bước đầu hình thành một hệ thống thờ cúng trong các Đền, Phủ, những nghi lễ thờ cúng bước đầu đã được chuẩn hóa, trong đó nghi lễ hầu bóng và lễ hội Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ là một điển hình. Một “cú hích” quan trọng nữa để tục thờ Nữ thần, Mẫu thần phát triển trở thành Mẫu Tứ phủ là Đạo giáo từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam. Có lẽ từ thời Bắc thuộc, Đạo giáo đã đến Việt Nam, để sang giai đoạn Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần nó đã trở thành một trong Tam giáo đồng nguyên.

Một đặc điểm nữa của nhân tố lịch sử cũng tác động không nhỏ tới các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đó chính là quan niệm của thời đại, của người dân sống trong thời đại đó. Mỗi thời đại có những quan niệm về loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, từ đó, nó cho con người của mỗi thời đại lịch sử ấy đưa ra cách ứng xử khác nhau. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng chịu sự chi phối của quan niệm và cách thức ứng xử của thời đại. Cho đến nay, quan niệm của thời đại đã có những thay đổi rõ rệt, nhận thức cũng như cách ứng xử đối với tôn giáo, tín ngưỡng của người dân hiện nay đã khoan dung và đúng đắn hơn. Họ coi đó là một sinh hoạt văn hóa tâm linh của đời sống cộng đồng, đôi khi còn được đề cao bởi tính thiêng liêng và quyền năng của nó đối với đời sống xã hội. Việc phụng thờ Thánh Mẫu và nghi thức hầu đồng, con người không chỉ thỏa mãn nhu cầu niềm tin tâm linh, mà còn nhận được sự che chở ban phúc của thần linh, giúp họ ổn định về tâm lý, sức khỏe tốt mà làm ra của cải vật chất, hướng đến cuộc sống no đủ thịnh vượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động của các điện thờ mẫu tư nhân trên địa bàn huyện bình xuyên, tỉnh vĩnh phúc (Trang 62 - 64)