2.2. Chỉ đạo phát triển kinh tế công nghiệp
2.2.1. Công tác đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng
Đảng bộ huyện luôn xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện trong thời kỳ CNH, HĐH, công nghiệp ngày càng được đẩy mạnh phát triển. Trong giai đoạn trước năm 2008, công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đạt được những thành tựu nhất định, có vị trí quan trọng trong cơ cấu của kinh tế huyện.
Trong những năm từ 2008 đến năm 2015, Huyện ủy, UBND huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả công tác đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hệ thống kết cấu hạ tầng thị trấn Vân Đình và các địa phương trong huyện, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được thực hiện tích cực. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành của Thành phố đẩy nhanh tiến độ, thời gian các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn huyện do thành phố làm chủ đầu tư như tuyến đường 428 (Vân Đình - Cống Thần); 429 (Quán Tròn - Phú Xuyên); 432 (Thanh Bồ - Đục Khê); Cầu Lão- Xóm Cát; Quàn Xá - Thái Bằng; bê tông hóa mặt đê Sông Đáy Vân Đình - Sơn Công... Đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm mà huyện làm chủ đầu tư, cơ bản đảm bảo chất lượng và tiến độ như : Đường Cần Thơ- Xuân Quang; Minh Đức- Ngăm; Trầm Lộng - Giang Triều... Hạ tầng kỹ thuật trung tâm thương mại, nhà ở thị trấn Vân Đình, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Trung tâm dạy nghề huyện được xây dựng kiên cố; các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, trạm bơm, cứng hóa mặt đê, nạo vét lòng dẫn các sông, xây kè chống sạt lở; làm đường giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư; 80% đường liên xã; 76% đường liên thôn, 12% đường trục chính ra đồng đã được kiên cố hóa; trạm bơm Cống Thần, Thái Bình, trạm bơm đầu kênh I2
14 là những công trình phục vụ sản xuất rất hiệu quả. Các dịch vụ phục vụ nhu cầu dân sinh được cải thiện, hệ thống cung cấp nước sạch của thị trấn tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và triển khai xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Quảng Phú Cầu, xã Phương Tú và xã Liên Bạt. Hệ thống chiếu sáng công cộng được chỉnh trang, nâng cấp tạo ra diện mạo mới cho huyện Ứng Hòa.
Phát triển hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, Ứng Hòa tập trung đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp Bắc thị trấn Vân Đình, với quy mô trên 50 ha, đồng thời tiếp tục quy hoạch 50 điểm công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp tập trung theo hướng bền vững với diện tích 150 ha để thu hút đầu tư của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh phát triển các làng nghề, năm 2012 UBND huyện đã triển khai nhân cấy 6 làng nghề thuần nông: Bài Thượng (Hồng Quang); Thọ Vực (Đội Bình); Tứ Kỳ (Đồng Tân); Đông Dương (Tảo Dương Văn); Đặng Giang (Hòa Phú); Quảng Tái (Trung Tú). Đưa nghề trẻ tăm hương, dệt mành, sơn mài, mây tre đan vào một số xã Đội Bình, Hồng Quang, Trầm Lộng, Đồng Tân. Triển khai đề án khôi phục làng nghề truyền thống: làng nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc Đào Xá - Đông Lỗ (theo Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 04/7/2011 của UBND Thành phố Hà Nội). Triển khai mở rộng cụm công nghiệp Xà Cầu và cụm công nghiệp Cầu Bầu xã Quảng Phú Cầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho phát triển nghề tăm hương.
Năm 2015, huyện tiến hành mở rộng khu công nghiệp phía Bắc thị trấn Vân Đình lên 100 ha, đề nghị thành phố cho xây dựng khu công nghiệp Khu Cháy rộng 300 ha. Triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2012-2015 với 3 làng Bặt Bún xã Liên Bạt (Bạt Ngõ, Bặt Trung, Bặt Chùa). Hoàn thành di rời các điểm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2015 của 2 làng nghề Đống Vũ xã Trường Thịnh và Quảng Nguyên xã Quảng Phú Cầu. Triển khai xây dựng 3 cụm làng nghề: Hòa Xá - Hòa Nam; Hoa Sơn - Trường Thịnh - Cao Thành; Minh Đức - Đồng Tân - Đại Cường - Đông Lỗ.
Với những chủ trương chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện trong công tác đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện đã tạo ra sức hút lớn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện chủ động đầu tư phát triển sản xuất, từng bước phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp
truyền thống của huyện. Đồng thời, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường xung quang các khu công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề.