Ngoài yếu tố lịch sử và tranh chấp lãnh thổ thì sự cạnh tranh về kinh tế trong quan hệ thương mại cũng là một yếu tố không nhỏ tác động xấu tới quan hệ của hai nước.
Có thể nói quan hệ song phương Nhật Bản - Hàn Quốc nói chung và quan hệ thương mại nói riêng luôn có những vấn đề rất nhạy cảm. Bất cứ lúc nào quan hệ hợp tác Nhật - Hàn cũng luôn vấp phải những quan điểm phản đối liên quan đến quá khứ và vị thế của Nhật Bản với Hàn Quốc. Trong quan hệ kinh tế thì những va chạm về kinh tế, mà chủ yếu trong lĩnh vực mậu dịch giữa hai nước ngày một nhiều khi thâm hụt mậu dịch của Hàn Quốc với Nhật Bản ngày càng gia tăng [40]. Trong bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh hay cấp chính phủ nào giữa hai nước, Hàn Quốc luôn bắt đầu với đề xuất cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại với Nhật Bản thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác công nghệ giữa hai nước và thu hút đầu tư của Nhật Bản.
Điều này làm cho người ta không khỏi đặt ra câu hỏi rằng Hàn Quốc có nhất thiết phải luôn bắt đầu với sự thua thiệt với Nhật Bản trong bất cứ cuộc đàm phán nào hay không? Tại sao người Hàn Quốc lại quá ám ảnh, quá chú
trọng vào vấn đề thâm hụt thương mại với Nhật Bản trong khi Hàn Quốc đã đạt
thặng dư với hầu hết phần còn lại của thế giới? Tất nhiên, có thể hiểu được tại
sao Hàn Quốc không coi nhẹ thâm hụt thương mại với Nhật Bản. Thâm hụt
thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản đã vượt quá 10 tỷ USD trong năm 2000 và tiếp tục tăng mạnh và lên đến 33 tỷ USD ở thời điểm hiện nay [39]. Trong lịch sử hơn 4 thập kỷ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc chưa từng đạt thặng dư thương mại với Nhật Bản. Điều này khiến
thâm hụt thương mại trở thành gánh nặng tâm lý với Hàn Quốc. Cho dù vậy,
cần phải nhìn nhận quan hệ thương mại với Nhật Bản với một triển vọng lớn
Đánh giá sự bất lợi của Hàn Quốc trước Nhật Bản trong cán cân thương
mại, thiết nghĩ Hàn Quốc cần tìm kiếm nhằm mở ra những mối quan hệ dựa
trên nền tảng lợi ích chung. Hàn Quốc và Nhật Bản có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác. Với vị trí là những quốc gia dẫn đầu thế giới trong công nghiệp điện tử, hai bên cần hợp tác tiêu chuẩn hóa các sản phẩm công nghiệp đồng thời cùng nỗ lực tạo cơ sở hợp tác trong các lĩnh vực mới như: công nghệ bảo tồn năng lượng và năng lượng tái sinh, cùng hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên ở nước ngoài, hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ vận tải ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc. Trong suốt hơn nửa thế kỷ phát triển kinh tế của Hàn Quốc, có thể nhận thấy rằng người Hàn Quốc không có gì hơn ngoài mục tiêu đuổi kịp Nhật Bản và mục tiêu vượt Nhật Bản luôn được đặt lên hàng đầu. Sự thật này có ý nghĩa tích cực là nó giúp Hàn Quốc có động lực và thành công trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, nó làm thu hẹp tầm nhìn bởi chỉ tập trung vào một quốc gia như một đối thủ cạnh tranh duy nhất. Hàn Quốc đã khẳng định thế mạnh hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp điện tử, bán dẫn và đang nổi lên mạnh mẽ trong công nghệ truyền thông, điện thoại di động. Hàn Quốc hiện nay đang phải đối mặt với những đối thủ khác nặng ký như Trung Quốc, Ấn Độ và những nền kinh tế đang nổi ở Trung và Nam Mỹ.
Nếu Hàn Quốc tiếp tục nhìn nhận Nhật Bản như ''đối thủ cạnh tranh kinh tế lâu dài'' thì rất có thể sẽ phải chịu hậu quả từ những tác động của Nhật Bản trong tiến trình hồi phục kinh tế hiện nay. Chính vì vậy, sẽ là tốt hơn khi Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác với Nhật Bản thay vì coi họ như đối thủ, điều khiến phát sinh xung đột với quốc gia láng giềng của mình.
Chương 2