Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nhật bản hàn quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 71 - 75)

3. Giao lưu khu vực (Bộ quản lý công cộng, Bộ Nội vụ, Bưu chính viễn thông)

2.3.2. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục

Trong quan hệ văn hóa Nhật Bản - Hàn Quốc, bên cạnh các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung thì việc hai nước hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực giáo dục là một trọng những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ hai nước và được coi là cơ sở của sự thành công và phát triển của mỗi quốc gia.

Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hoạt động trao đổi giáo dục đã được hai nước tiến hành mặc dù vẫn còn thưa thớt nhưng đó lại là tiền đề quan trọng cho sự phát triển hợp tác giáo dục giữa hai nước giai đoạn về sau, tiêu biểu là Chương trình trao đổi sinh viên đại học Nhật - Hàn năm 1972. Đến đầu những năm 1990, Bộ giáo dục Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành ký kết

Hiệp định về việc tăng cường trao đổi học sinh giữa hai nước. Theo Hiệp định này mỗi năm sẽ có 100 sinh viên và đến năm 2010 là 1000 sinh viên Hàn Quốc được sang học tại các trường Cao đẳng Kỹ thuật tại Nhật Bản [27]. Tiếp đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 10 năm 1998, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Bản Obuchi đã thống nhất việc trao đổi các học sinh nhỏ hơn thuộc bậc tiểu học và trung học của hai nước mà bước đầu là 10.000 học sinh tiểu học và trung học của Nhật Bản và Hàn Quốc được trao đổi với nhau với ngân sách là 1 tỷ yên. Kèm theo các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên, hai chính phủ còn xúc tiến chương trình tặng thiết bị nghe nhìn, khuyến khích học tiếng Nhật, tiếng Hàn, biên soạn tài liệu cho các cơ sở giáo dục, trao tặng phẩm cho các sinh viên đạt thành tích xuất sắc của hai nước.

Một trong những sự kiện hợp tác giáo dục quan trọng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc thời kỳ này là việc tiến hành trao đổi giảng dạy các ngành Nhật Bản học và Hàn Quốc học trong các trường đại học của hai nước. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, trường Đại học Waseda đã cho biên soạn nhiều loại giáo trình về tiếng Hàn Quốc để chính thức đưa vào giảng dạy tại trường và khuyến khích các sinh viên tham gia học tập. Càng ngày càng có nhiều sinh viên Nhật nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Quốc ở trường, mỗi năm tăng trung bình khoảng 50 sinh viên. Năm 1999, có 465 sinh viên Nhật nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Quốc, trong đó có 293 sinh viên tại các viện đào tạo, 97 sinh viên nghiên cứu trong khoa kinh doanh và 129 sinh viên trong khoa Văn học [9, tr.30]. Cho đến nay các lớp học tiếng Hàn Quốc được sự quản lý của Viện đào tạo ngôn ngữ thuộc trường và Viện này cũng gửi các giảng viên đến các khoa giảng dạy khác để dạy tiếng Hàn. Đối với sinh viên trong một số khoa như khoa Luật, Giáo dục và Kinh doanh thì tiếng Hàn được coi là một môn học chính. Giáo trình ngoại ngữ cơ bản có 3 cấp độ là: sơ cấp, trung cấp và cao cấp, ngoài ra có các bài giảng đặc biệt về hội thoại tiếng Hàn. Các giáo trình này đều được các giáo sư của Nhật Bản và Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn. Ngoài ra, gần đây trường còn cho áp

dụng một số khóa học chính như Lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, Văn hóa và xã hội Hàn Quốc do các giáo sư trong trường biên soạn nhằm mở rộng hơn nữa việc nghiên cứu Hàn Quốc tại các trường. Các khóa học này tập trung vào giảng dạy toàn bộ lĩnh vực văn hóa Hàn Quốc từ kiến trúc, hội họa, văn học cho đến phim ảnh Hàn Quốc để qua đó so sánh nghiên cứu về văn hóa giữa hai bên.

Nhìn chung việc nghiên cứu Hàn Quốc đang ngày càng được hệ thống hóa tại trường Đại học Waseda và phía Nhật Bản hy vọng rằng đây sẽ là một mô hình mới giúp tăng cường hơn nữa việc giao lưu giáo dục Nhật - Hàn trong tương lai. Ngoài trường Waseda, còn có một số tổ chức nghiên cứu Hàn Quốc khác cũng góp phần đáng kể vào việc phát triển giáo dục giữa hai nước. Đó là Hiệp hội nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc được thành lập năm 1979, đứng đầu là Giáo sư Omura Masuo. Trong vòng 3 thập kỷ qua, Hiệp hội này đã đạt được nhiều bước phát triển trong việc nghiên cứu Hàn Quốc giúp cho việc giảng dạy văn hóa Hàn Quốc tại các trường đại học. Bên cạnh đó còn có Viện nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc được thành lập vào năm 1998. Tuy mới được thành lập hơn 10 năm và không thuộc cơ quan chính phủ nhưng hầu hết các giáo sư của Nhật Bản và Hàn Quốc đều rất quan tâm và dự định thông qua Viện này để tiến hành đào tạo một số lượng lớn học giả nghiên cứu đất nước và con người Hàn Quốc.

Ngoài các hoạt động tích cực của phía Nhật Bản, để hệ thống hóa hơn nữa việc nghiên cứu Hàn Quốc tại Nhật Bản, Quỹ tài trợ Hàn Quốc đã cung cấp kinh phí hỗ trợ thành lập Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc tại trường Đại học Kyushu theo Hiệp định ký kết vào tháng 7 năm 1999. Còn trường Đại học Kyushu đã cam kết xây dựng các phòng nghiên cứu để phục vụ với tư cách là một Trung tâm nghiên Hàn Quốc tại Nhật Bản, chỉ đạo các dự án nghiên cứu chung về Hàn Quốc cũng như trao đổi các học giả nghiên cứu, thực hiện đa dạng các hoạt động nghiên cứu tại Nhật Bản. Ngoài ra, Quỹ cũng có một thỏa hiệp dưới hình thức sẽ tài trợ cho việc thành lập trung tâm nghiên cứu tại trường Đại học tổng hợp Mongolia của Nhật Bản. Dưới thỏa hiệp này, dự án đã được

thực hiện trong năm 1999, khi đó trường Đại học Mongolia phải đảm bảo chịu trách nhiệm cho các chương trình bao gồm việc biên soạn và xuất bản cuốn từ điển Mongolia - Hàn Quốc, cùng việc xuất bản các cuốn sách và tài liệu nghiên cứu liên quan đến Hàn Quốc.

Về phía Hàn Quốc, việc tiến hành nghiên cứu Nhật Bản cũng được tổ chức một cách có quy mô. Một Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản đã được thành lập tại trường Đại học Hàn Quốc và bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 8 năm 1999. Mặc dù Trung tâm này được thành lập chưa lâu nhưng dưới sự tài trợ của Quỹ tài trợ Nhật Bản các hoạt động nghiên cứu Nhật Bản trong trường Đại học Hàn Quốc diễn ra hết sức sôi động. Đã có nhiều bài giảng, nhiều buổi thuyết trình về chủ đề Nhật Bản như “Văn hóa- xã hội Nhật Bản”, “Đất nước và con người Nhật Bản”... Sau lễ kỷ niệm một năm thành lập của Trung tâm, một hội nghị chuyên đề về “Toàn cầu hóa với văn hóa Nhật - Hàn” đã được tổ chức tại đây. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều học giả nổi tiếng của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là hoạt động rất bổ ích cho việc học tập và nghiên cứu Nhật Bản trong các trường đại học của Hàn Quốc.

Như vậy, có thể nói là giai đoạn sau chiến tranh lạnh là giai đoạn khởi sắc của quan hệ văn hóa Nhật Bản - Hàn Quốc. Chưa bao giờ lĩnh vực quan hệ đặc biệt này lại đạt được những bước tiến lớn như vậy. Tất cả là nhờ những cố gắng không ngừng của chính phủ và nhân dân hai nước. Chắc chắn rằng đây sẽ là nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác Nhật - Hàn toàn diện trong tương lai.

Chương 3

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC TRONG TƯƠNG LAI VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG Á

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nhật bản hàn quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)