Tác động đối với Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nhật bản hàn quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 84 - 91)

3. Giao lưu khu vực (Bộ quản lý công cộng, Bộ Nội vụ, Bưu chính viễn thông)

3.3.2. Tác động đối với Việt Nam

Có thể nói quan hệ Nhật - Hàn dù tốt hay xấu đều có tác động tới Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đối tác quan trọng, giàu tiềm năng đối với Việt Nam, lại gần nhau về mặt địa lý, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa. Các cơ chế hợp tác song phương cơ bản giữa Việt Nam với từng nước này đã được thiết lập đầy đủ và ngày càng hoàn thiện.

Cặp quan hệ này phát triển tốt đẹp sẽ tạo ra xu thế hòa dịu trong khu vực thì Việt Nam cũng có thuận lợi trong hội nhập, phát triển các quan hệ đối ngoại, tận dụng cơ hội phát triển để nâng cao vị thế của mình trong khu vực. Trong những năm vừa qua với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã có những thành công lớn trong phát triển quan hệ đối ngoại, trong đó có quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản luôn giữ vai trò là nhà cung cấp Viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam, là bạn hàng thương mại số một của Việt Nam liên tục trong nhiều năm liền, và cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam nếu tính theo số lượng dự án và số vốn được thực hiện.

Còn đối với Hàn Quốc, kể từ khi hai nước Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện Hàn Quốc là nước cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản [48] và đứng thứ ba sau Nhật Bản và Singapore trong tổng số 93 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt gần 18 tỷ USD. Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Dae Jung đã tuyên bố thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”. Tháng 10/2009, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lee Myung Bak, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Lee Myung Bak đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”[48]. Và trong năm 2012 này là dấu mốc quan trọng đánh dấu tròn 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và hai bên cũng đã quyết định tổ chức “Năm Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc” 2012. Với những cơ sở này thì trong thời gian tới quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Nhật Bản sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

* * *

Từ những tác động của quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc tới Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tác giả xin nêu lên một số khuyến nghị chính sách của Việt Nam nên làm để phát triển quan hệ tốt hơn với cả hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc như sau:

Trong những năm vừa qua với đường lối đổi mới, Việt Nam đã có những thành công lớn trong phát triển quan hệ đối ngoại, trong đó có quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Quan hệ Việt - Nhật và Việt - Hàn từ sau chiến tranh lạnh đến nay đã có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, đã trở thành những đối tác chiến lược quan trọng của nhau. Với những tác động nhiều chiều của sự biến động trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc nói riêng, cũng như những vấn đề đặt ra ngay trong quan hệ hợp tác của bản thân Việt Nam với hai quốc gia này, Việt Nam cần có những giải pháp tổng thể tận dụng cơ hội, tạo ra bước đột phá trong quan hệ quốc tế để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả và bền vững.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn trong việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để hợp tác phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế đối ngoại như thương mại, đầu tư, du lịch, dịch vụ… và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA). Riêng trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, nếu Việt Nam cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt chú ý sự ổn định chính trị và minh bạch trong kinh doanh, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa, tạo điều kiện đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế đến năm 2020 là nước công nghiệp với nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, cũng không nên quá nhấn mạnh vào nguồn vốn bên ngoài, mà phải xem nội lực là chính và phải chú trọng xây dựng những tiền đề, điều kiện để phát huy nội lực, điều đó sẽ đảm bảo tính bền vững trong tăng trưởng.

Cuối cùng là thái độ ứng xử của chúng ta về những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ Nhật - Hàn cần hết sức khôn khéo, linh hoạt vì đó là vấn đề chính trị hết sức nhạy cảm, dễ được lòng nước này nhưng lại làm mất lòng nước kia, trong khi chính sách đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế.

KẾT LUẬN

Có thể nói rằng mối quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay cũng như nhiều cặp quan hệ khác đã trải qua nhiều thăng trầm. Là hai nước láng giềng cách nhau bởi eo biển Triều Tiên, hai quốc gia có quan hệ gần gũi về văn hóa và lịch sử bang giao tích cực từ thời cổ đại. Tuy gặp nhiều bất lợi do quá khứ không đẹp trong Chiến tranh thế giới II khi Hàn Quốc trở thành thuộc địa của Nhật Bản dẫn đến sự muộn mằn trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1965, khi quan hệ hai nước được nối lại, nhờ đó họ có thể khai thác các thế mạnh về mặt địa lý và những điểm đồng về văn hóa để thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau. Rất nhiều chương trình tăng cường trao đổi du lịch song phương, trao đổi hàng hóa đã góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước, đồng thời nâng kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt hơn 53 tỷ USD. Những con số này là minh chứng rõ ràng về mức độ phụ thuộc ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Nhật Bản hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc. Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Hàn Quốc và Nhật bản đang được tiến hành thảo luận một cách cụ thể. Hai quốc gia cũng đã tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, công nghệ và một số vấn đề kinh tế khác. Trong thế kỷ 21, sẽ ngày càng có thêm nhiều cuộc trao đổi và hợp tác tích cực diễn ra giữa hai quốc gia. Hai nước sẽ không chỉ hợp tác chung để tăng cường thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Việc hai nước đồng tổ chức vòng chung kết bóng đá World Cup 2002 Nhật Bản – Hàn Quốc mang một vai trò quan trọng cho thấy hai bên đã nỗ lực hết mình không chỉ để hàn gắn vết thương trong quá khứ, mà còn tạo ra một lộ trình cho một tương lai tươi sáng hơn với vai trò là đối tác hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, hai nước đã nhất trí tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các chương trình trao đổi

thanh thiếu niên nhằm thắt chặt sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường hoạt động nghiên cứu chung về lịch sử quan hệ Nhật - Hàn nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa hai phía liên quan đến quan điểm của hai bên về các vấn đề lịch sử.

Cùng với quan hệ đang ngày càng bền chặt, lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên gặp gỡ lẫn nhau. Hàng loạt các cuộc đàm phán song phương đã góp phần tạo nên bầu không khí thân thiện giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, bất chấp những bước phát triển đáng khích lệ này, vẫn còn những đám mây đen của lịch sử đe dọa bao trùm mối quan hệ giữa hai nước và có nguy cơ làm lu mờ những gì đã đạt được. Những bước lùi đôi khi xảy ra trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia do những phát biểu gây khó chịu của các chính trị gia cánh tả Nhật Bản về những vấn đề liên quan đến sự chiếm đóng thuộc địa của Nhật Bản và những cuốn sách giáo khoa lịch sử của nước này, cũng như việc chính phủ hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo đang tranh chấp làm cho quan hệ Nhật – Hàn gợn sóng. Dư luận chưa quên khi Hàn Quốc công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân qui mô lớn tại đảo Ulleung như một lời khẳng định mạnh mẽ hơn về chủ quyền của mình tại khu vực đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản. Điều đó khiến cho mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Seoul bị đẩy lên nấc thang mới. Nhật Bản thậm chí còn đang cân nhắc đưa vụ tranh chấp quần đảo Takeshima ra Tòa án Công lý quốc tế. Có vẻ như sẽ chẳng có bên nào chịu nhượng bộ trong vấn đề này, song những chuyến thăm ngoại giao con thoi giữa hai bên được kỳ vọng làm dịu đi ít nhiều không khí căng thẳng đó.

Bên cạnh vấn đề lãnh thổ, những mặt tồn tại của chiến tranh cũng trở thành cái gai trong quan hệ Nhật- Hàn, khiến các nhà lãnh đạo hai nước phải xoay sở rất khó khăn để tránh làm bùng phát các cuộc tranh cãi ngoại giao. Ngày 12/10/2011, Hàn Quốc đã đề nghị Liên hợp quốc can thiệp, yêu cầu Nhật Bản phải chịu trách nhiệm pháp lý về các phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Từ năm 1992 đến nay,

năm nào Hàn Quốc cũng đưa vấn đề này lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đưa vấn đề này ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong bối cảnh Hàn Quốc tỏ ra kiên quyết như vậy, xem ra Nhật Bản cũng không dễ gì xoa dịu vết thương chiến tranh trong lòng người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Noda năm 2011, ông đã mang theo một số cổ vật của các triều đại phong kiến Hàn Quốc mà Nhật Bản chiếm giữ từ thời chiến tranh để trao trả lại cho nước này được xem như những cử chỉ thiện chí giúp Nhật Bản hóa giải những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước.

Những xích mích Nhật - Hàn khó giải quyết là thế, song vẫn có những vấn đề mà hai nước dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Trước hết phải kể đến quan điểm thống nhất của hai nước đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Mỹ đang muốn gây sức ép với Triều Tiên bằng yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân trước khi nối lại đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, Triều Tiên không chấp nhận một điều kiện tiên quyết như vậy. Trong bối cảnh các nước rất lo ngại khả năng Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần 3 trong nay mai, mọi nỗ lực ngoại giao có lẽ cũng để ngăn chặn điều này xảy ra. Điểm thứ hai đó là cả hai nước cùng là đồng minh thân cận của Mỹ, lại cùng là những trụ cột kinh tế trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc hiểu rõ giá trị của sự hợp tác giữa họ. Có thể nói nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước những thách thức rất nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế, do thảm họa động

đất, sóng thần… Vì thế, nước này muốn tìm kiếm những cơ hội hợp tác cho các

kế hoạch tái thiết kéo dài trong nhiều năm. Thỏa thuận thương mại tự do Nhật- Hàn sẽ là vấn đề được các nhà lãnh đạo 2 nước quan tâm thúc đẩy sau khi các cuộc đàm phán về thương mại tự do giữa Seoul và Tokyo bị trì hoãn kể từ cuối năm 2004, chủ yếu do Nhật Bản không sẵn lòng hạ thấp biểu thuế về hàng nông sản.

Một mục đích ngầm nữa không thể không nói đến trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước là để củng cố vị thế trên bình diện khu vực. Trước việc Trung Quốc soán ngôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Nhật Bản và ngày càng trở nên “lấn lướt” tại khu vực Đông Bắc Á, đương nhiên Nhật Bản muốn hợp tác hơn nữa với Hàn Quốc để tạo thế cân bằng trong khu vực Đông Bắc Á. Giới quan sát cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cần nhau hơn lúc nào hết trong các vấn đề khu vực và điều đó sẽ tạo thành chất keo gắn kết mối quan hệ láng giềng giữa hai quốc gia này.

Có thể những yếu tố trên đây sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng một điều chắc chắn rằng với quyết tâm và nhu cầu tăng cường hợp tác giữa chính phủ và nhân dân hai nước Nhật - Hàn thì trong tương lai quan hệ giữa hai nước này sẽ có những bước phát triển hơn nữa và là một trong những cặp quan hệ chủ đạo có ảnh hưởng lớn đến hòa bình và thịnh vượng của khu vực Đông Á.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nhật bản hàn quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 84 - 91)