Những thuận lợi:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nhật bản hàn quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 76 - 78)

3. Giao lưu khu vực (Bộ quản lý công cộng, Bộ Nội vụ, Bưu chính viễn thông)

3.1.1. Những thuận lợi:

Thứ nhất, đó là xu hướng hội nhập, liên kết khu vực. Trong thời gian qua, trên thế giới đã xuất hiện trào lưu liên kết với nhau nhằm tạo ra những khu vực kinh tế để tăng cường khả năng cạnh tranh về kinh tế, chính trị như: thị trường chung châu Âu, Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN… Riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện có ba tổ chức quan trọng là: Hội nghị hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC; Hội nghị Á - Âu (ASEM); Diễn đàn ASEAN mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những thành viên chính thức tham gia vào các tổ chức này. Vì vậy, ngoài những chuyến thăm chính thức lẫn nhau của nguyên thủ hai nước, những nơi này còn là nơi để lãnh đạo hai nước gặp gỡ giải quyết những vướng mắc, đề ra những biện pháp tăng cường quan hệ song phương. Ngoài ra, tuy ở khu vực Đông Bắc Á chưa có tổ chức riêng, nhưng theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Obuchi tại Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 tại Hà Nội năm 1998, ở khu vực này đã hình thành khuôn khổ đối thoại giữa ba nước Nhật - Hàn - Trung. Như vậy đây sẽ là một trong những yếu tố đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Thứ hai, sự ràng buộc kinh tế giữa hai nước ngày càng chặt chẽ. Không kể đến nguồn ODA của Nhật Bản hàng năm dành cho Hàn Quốc, đầu tư của Nhật Bản và quan hệ thương mại cũng là chiếc van để điều chỉnh quan hệ giữa hai nước. Hiện tại, Hàn Quốc vẫn đang cần đầu tư của Nhật Bản, nhất là đối với các ngành kỹ thuật cao, còn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản thì Hàn Quốc cũng là một thị trường đầy tiềm năng. Ví dụ theo điều tra của tổ chức ngoại thương Nhật Bản có tới 96% doanh nghiệp nước này muốn đầu tư vào Hàn Quốc, nên ngoại trừ mấy năm do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, năm 2009 đầu tư vào Hàn Quốc đã chiếm 4,6% tổng đầu tư của Nhật Bản trên toàn thế giới.

Thương mại giữa hai nước cũng tăng mạnh, tháng 3 năm 2011, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt con số 9,5 tỷ USD. Như vậy, sự tăng cường về quan hệ kinh tế sẽ dẫn tới sự ràng buộc lẫn nhau, có sự bổ sung cho nhau. Nhược điểm lớn nhất trong quan hệ kinh tế giữa hai nước như đã nêu trong chương hai là sự thâm hụt thương mại, song không phải là không có biện pháp để khắc phục tình trạng này.

Phần lớn thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản là từ lĩnh vực vật liệu và linh kiện, vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Nhật Bản. Song hai nước có thể tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, ví dụ như công nghệ thông tin hay công nghệ sinh học. Nếu chính quyền của Đảng Dân chủ thúc đẩy hợp tác công nghiệp, nhập khẩu linh kiện và đầu tư vào Hàn Quốc thì Hàn Quốc sẽ có rất nhiều cơ hội để giảm thâm hụt, thậm chí có thể đạt thặng dư thương mại với Nhật Bản.

Thứ ba, chính sách đối ngoại của mỗi nước:

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, Nhật Bản vẫn đang cố gắng tìm cách nâng cao vai trò chính trị trên trường quốc tế mà trước hết là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình. Chẳng hạn, ngoài việc trở thành nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhật Bản còn tham gia tích cực vào các hội nghị hay diễn đàn khu vực, đẩy mạnh điều chỉnh chính sách ngoại giao đa phương đồng thời tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Thay cho tư tưởng “thoát Á nhập Âu” kéo dài trong nhiều thập niên thời kỳ chiến tranh lạnh, thì trong giai đoạn sau chiến tranh lạnh Nhật Bản tiến hành chính sách ngoại giao “quay về châu Á”. Một mặt vẫn coi liên minh Nhật - Mỹ là hòn đá tảng, mặt khác, Nhật Bản điều chỉnh chính sách ngoại giao chú trọng vào châu Á mà trước hết là các nước và lãnh thổ Đông Á. Nhật Bản muốn tạo lập “sân sau” bằng cách xây dựng quan hệ tin tưởng và tăng cường đối thoại với các nước láng giềng. Là

nước bại trận trong thế chiến thứ hai nhưng cũng là nước có quân đội đi xâm lược gây ra nhiều tội ác với nhân dân một số nước trong khu vực, vì thế Nhật chủ trương cố gắng cùng dàn xếp với các nước đó theo nguyên tắc “dĩ hòa vi quý”, quên dần quá khứ không hay để hướng về tương lai tốt đẹp cùng chung sống hòa bình và phát triển thịnh vượng. Đối với bán đảo Triều Tiên, chính sách của Nhật là duy trì một nền an ninh vững chắc trên bán đảo này tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, đồng thời có thể tham gia tiến trình giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên với tư cách là một cường quốc Đông Bắc Á. Phát triển mối quan hệ với Hàn Quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản để tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc

Trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh, mục tiêu chính sách đối ngoại của Hàn Quốc là tập trung vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời tìm ra giải pháp thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình và xây dựng Hàn Quốc trở thành trung tâm của khu vực Đông Bắc Á. Kể từ khi ông Lee Myung-bak lên nắm quyền, Hàn Quốc đã có những chính sách cởi mở hơn đối với nước láng giềng và tuyên bố tiếp tục theo đuổi những nỗ lực phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai với Nhật Bản.

Tất cả những khía cạnh nêu trên đều tác động tích cực đến sự phát triển mối quan hệ Nhật - Hàn trong thời gian tới. Song trên thực tế cũng đang tồn tại những khó khăn thách thức gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ Nhật - Hàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nhật bản hàn quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 76 - 78)