Chính sách và sự phát triển của DN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai ( rd) trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại thành phố cần thơ (Trang 29 - 34)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG R&D

1.4. Chính sách và sự phát triển của DN

1.4.1. Khái niệm và những vấn đề cơ bản về chính sách

1.4.1.1. Khái niệm và phân loại chính sách

Có nhiều khái niệm và định nghĩa khác nhau về chính sách. Tùy vào cách tiếp cận mà có thể xem xét khái niệm chính sách ở một khía cạnh phù hợp nhất.

Theo Vũ Cao Đàm, “Chính sách là tập hợp biện pháp mà một chủ thể quyền lực đưa ra để định hướng xã hội thực hiện mục tiêu chính trị của chủ thể quyền lực” [10, tr.12]. Hay, “Chính sách là một thiết chế xã hội. Nó bao gồm những chuẩn mực và những giá trị được cấu trúc thành những khuôn mẫu tác phong, được xã hội thừa nhận dưới dạng các điều khoản pháp luật, và đóng vai trò những công cụ nhằm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của xã hội” [10, tr.33-34].

Từ cách tiếp cận tâm lý học, chính sách có thể hiểu là tập hợp biện pháp đối xử ưu đãi đối với một nhóm xã hội, nhằm kích thích vào động cơ hoạt động của nhóm này hướng theo việc thực hiện mục tiêu của chủ thể quyền lực.

Có nhiều cách tiếp cận phân loại chính sách, tùy thuộc vào ý nghĩa ứng dụng: có thể phân loại theo mục tiêu của chính sách, theo công cụ tác động của chính sách, theo chủ thể ban hành chính sách,…

- Phân loại theo mục tiêu của chính sách: chính sách đối ngoại của quốc gia, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách công nghiệp hóa.

- Phân loại theo công cụ tác động của chính sách: chính sách tài chính, chính sách tiền lương, chính sách lao động.

- Phân loại theo chủ thể ban hành chính sách: chính sách của một quốc gia, chính sách của một DN, chính sách của một chính đảng.

- Phân loại theo tầm hạn của chính sách: chính sách vĩ mô, chính sách vi mô. - Phân loại theo thời hạn của chính sách: chính sách dài hạn, chính sách ngắn hạn, chính sách trung hạn, chính sách nhất thời.

Chính sách của nhà nước được thể hiện trên một loại văn bản của nhà nước như: luật, nghị định, quyết định, chỉ thị, nghị quyết, thông tư. Về nguyên tắc, UBND các tỉnh, thành phố chỉ có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện chính sách của cấp trên mà không có thẩm quyền quyết định các chính sách. Tuy nhiên, có thể vận dụng chính sách chung để cụ thể hóa các chính sách của mình, nhưng không được trái với những chính sách chung của Chính phủ.

Trong khuôn khổ của đề tài, tác giả nghiên cứu về chính sách tài chính, đây là chính sách được phân loại theo công cụ tác động của chính sách.

Theo Vũ Cao Đàm, “Chính sách tài chính là một chính sách công cụ nhằm phục vụ một mục tiêu phát triển nào đó, chẳng hạn, chính sách phát triển của quốc gia, hoặc chính sách phát triển một ngành cụ thể trong một quốc gia, như chính sách công nghiệp, chính sách nông nghiệp, chính sách KH&CN,… Chính sách tài chính rất đa dạng: từ chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, đến các chính sách cụ thể như chính sách thuế, chính sách giá” [10, tr.17].

Theo cách hiểu khác, chính sách tài chính là hệ thống các quan điểm, nguyên tắc xử sự của nhà nước đối với các quan hệ tài chính quốc gia thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính, cụ thể là thuế và chi tiêu ngân sách. Trong kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính là việc Chính phủ sử dụng thuế khóa và chi tiêu công cộng

để điều tiết mức chi tiêu chung của nền kinh tế, đưa nền kinh tế về mức sản lượng tiềm năng [14, tr.56].

Mục tiêu của chính sách tài chính là nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định. Trên thực tế, bằng chính sách tài chính không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực công nghiệp, duy trì ổn định nền kinh tế bước vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính sách tài chính được tác giả nghiên cứu là chính sách tài chính cấp tỉnh, thành phố do UBND thành phố ban hành trên cơ sở cụ thể hóa các chính sách của Trung ương áp dụng tại địa phương, nhằm phục vụ phát triển KH&CN, cụ thể là thúc đẩy hoạt động R&D trong DN ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, đề xuất với Chính phủ có các chính sách riêng cho TPCT hoặc điều chỉnh các chính sách hợp lý hơn trong trường hợp các chính sách hiện tại chưa phù hợp với Cần Thơ nói riêng và các địa phương nói chung.

1.4.1.2. Tác động của chính sách

Tác động của chính sách được hiểu là sự hiện thực hóa các mục tiêu của chính sách trong hành vi của con người và nhóm người trong xã hội. Một chính sách được ban hành sẽ có ba loại tác động diễn ra đồng thời:

- Tác động dương tính của chính sách: là những tác động dẫn đến kết quả phù hợp với mục tiêu của chính sách mà cơ quan quyết định chính sách mong muốn đạt tới.

- Tác động âm tính của chính sách: là những tác động dẫn đến kết quả ngược lại với mục tiêu của chính sách.

- Tác động ngoại biên của chính sách: là những tác động dẫn đến những kết quả nằm ngoài dự liệu của cơ quan quyết định chính sách. Trong tác động ngoại biên, có thể thấy xuất hiện tác động ngoại biên dương tính và tác động ngoại biên âm tính. Tác động ngoại biên dương tính là tác động góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách, tác động ngoại biên âm tính là tác động ngoại biên dẫn đến giảm thiểu hiệu quả của chính sách.

Phân tích các tác động âm tính, ngoại biên âm tính của chính sách có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu và đề ra các chính sách mới, chính sách bổ

sung để không ngừng hoàn thiện các chính sách của chủ thể quản lý. Mỗi chính sách phải tác động vào một hoặc một số nhóm xã hội nào đó nhằm tạo ra động cơ hoạt động của họ phù hợp với mục tiêu phát triển mà cơ quan quyết định chính sách đang hướng tới.

1.4.2. Vai trò của chính sách nhà nước đối với sự phát triển của DN

Nhà nước quản lý DN bằng chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm cho DN quyền tự do kinh doanh theo pháp luật. Hệ thống công cụ được nhà nước sử dụng để thực hiện chức năng quản lý của mình bao gồm: công cụ định hướng (kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế,…), công cụ kinh tế, tài chính tiền tệ (chính sách đầu tư, thuế khóa, chi tiêu ngân sách, hệ thống ngân hàng, lãi suất, điều kiện tín dụng,…), công cụ pháp lý (hệ thống pháp luật, các văn bản pháp quy,…)… Tùy tính chất của đối tượng quản lý và nội dung của vấn đề phải giải quyết mà nhà nước lựa chọn công cụ, phương pháp quản lý và cách thức sử dụng chúng một cách thích ứng, đạt hiệu quả.

Chính sách của nhà nước được ban hành có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của đối tượng được nhà quản lý hướng đến. Một chính sách được xem là hiệu quả khi nó thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu phát triển xã hội. Chính sách của nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường cho các DN phát triển SXKD và hướng các hoạt động của DN phục vụ chiến lược phát triển KT-XH trong mỗi thời kỳ. Chính sách của nhà nước giúp định hướng đầu tư kinh doanh, khuyến khích các DN đầu tư, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có lợi cho xã hội, cho đất nước. Trong mỗi thời kỳ, nhà nước sẽ định hướng, khuyến khích DN đầu tư, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có lợi cho kinh tế đất nước bằng những ưu đãi dành cho DN.Các chính sách của nhà nước có thể tác động mạnh tới sự phát triển và lớn mạnh của DN. Nỗ lực phát triển SXKD của DN góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tiểu kết chương 1

1. Nội dung chương giúp có cái nhìn tổng quan về hoạt động R&D nói chung và hoạt động R&D trong DN nói riêng; các vấn đề chung về DN; vai trò của DN đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

2. Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, trong đó trang thiết bị - công nghệ, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, các yếu tố về chính trị và pháp luật,…; xác định tầm quan trọng của KH&CN trong nền kinh tế thị trường, sự cần thiết thực hiện hoạt động R&D trong DN.

3. Xác định các nguồn lực cần thiết đối với hoạt động R&D trong DN bao gồm hạ tầng thông tin, hạ tầng công nghệ, hạ tầng công nghiệp, cơ cấu nhân lực và sự đảm bảo về mặt tài chính. Việc xác định nguồn lực cần thiết đối với hoạt động R&D trong DN làm cơ sở để đề xuất giải pháp hỗ trợ cho DN trong điều kiện DN còn hạn chế về nguồn lực và cần có lực hỗ trợ của nhà nước.

4. Chính sách của nhà nước đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho DN phát triển, định hướng DN đầu tư phát triển theo mục tiêu phát triển mà nhà nước mong muốn DN hướng đến. Sự phát triển của DN sẽ là động lực thúc đẩy phát triển KT- XH bằng sự đóng vào GDP và tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.

Cơ sở lý luận của chương giúp minh chứng cho tầm quan trọng của hoạt

động R&D trong DN đối với sự phát triển của DN nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung; minh chứng tầm quan trọng của chính sách nhà nước đối với sự phát triển của DN. Đồng thời, phục vụ cho việc phân tích, nhận định các vấn đề ở chương 2 cũng như đề xuất giải pháp ở chương 3.

Chương 2. THỰC TRẠNG CÁC CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG R&D TRONG DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH

TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai ( rd) trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại thành phố cần thơ (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)