Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG R&D
2.3. Thực trạng hoạt động R&D trong DN thành phố Cần Thơ
2.3.2. Những khó khăn và nhu cầu được hỗ trợ của DN
2.3.2.1. Khó khăn của DN
Thu thập thông tin từ các DN, tác giả tổng hợp một số khó khăn của DN trong SXKD cũng như trong hoạt động R&D như sau:
- Khó khăn xuất phát từ nội tại DN:
+ Về nguồn vốn: Trong kinh doanh, vốn là yếu tố không thể thiếu đối với DN, nó chiếm vai trò quan trọng trong khởi sự cũng như quyết định năng lực cạnh tranh của DN. DN trên địa bàn TPCT hầu hết là DN vừa và nhỏ, và luôn trong tình trạng thiếu vốn để cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô SXKD. Việc vay vốn từ các ngân hàng buộc phải có tài sản thuế chấp (thường là bất động sản), DN đôi khi không có tài sản để thế chấp, nếu sử dụng máy móc thiết bị đem thế chấp phải qua Công ty cho thuê tài chính thường lãi suất rất cao; lãi suất vay vốn cao làm tăng gánh nặng cho DN về mặt tài chính; thủ tục vay phức tạp trong khi DN yếu về năng lực lập dự án vay vốn. Việc chủ yếu sử dụng nguồn vốn của DN làm hạn chế việc hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến để nâng giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Có trường hợp DN đã thực hiện dự án thử nghiệm thành công nhưng không có vốn để triển khai áp dụng ở quy mô lớn buộc phải tạm ngừng.
Nhìn chung, hiện tại DN khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ chính sách hỗ trợ phát triển DN, hầu hết DN sử dụng nguồn vốn của DN để nghiên cứu chế tạo thực nghiệm, một số DN phải vay vốn lãi suất cao để thực hiện.
+ Về mặt bằng sản xuất, kinh doanh: Qua ý kiến của DN được khảo sát cho thấy DN còn gặp khó khăn để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Việc tiếp cận thông tin, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy, trụ sở, cửa hàng cũng như việc tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua cơ chế thoả thuận để có đất sản xuất, kinh doanh của các DN còn nhiều trở ngại. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng ở địa phương, việc bố trí mặt bằng cho các DN chưa được quan tâm; DN thiếu thông tin quy hoạch,
khó khăn tiếp cận với đất. Với những mặt bằng mà DN có thể tiếp cận để xây dựng thì lại không thuận lợi cho hoạt động của DN vì quá xa với địa điểm DN hiện đang hoạt động. Trong quá trình tiến hành bồi thường để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh các DN đều rơi vào tình trạng tự thoả thuận với dân nên đôi khi không thành công, nên nhiều DN phải bỏ dở công trình.
+ Về nhân lực: Trình độ nhân lực còn hạn chế, đôi khi thiếu tiếp cận thông tin và các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là các thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước; không đủ kinh nghiệm để xây dựng các dự án tham gia vào các chương trình do nhà nước thực hiện hỗ trợ. Việc tổ chức nghiên cứu ở DN đơn giản hơn về mặt hồ sơ, thủ tục, đối với các đề tài, dự án nhỏ chỉ cần xây dựng phương án thực hiện. Chưa có kinh nghiệm trong thanh quyết toán Quỹ phát triển KH&CN nên DN đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN chỉ đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, ngán ngại trong việc chi các khoản khác như chi thuê nhân công, thuê chuyên gia,… do định mức chi không cao nhưng thủ tục rườm rà, phức tạp. Chính vì thế, DN chọn phương án sử dụng kinh phí của DN không thuộc Quỹ phát triển KH&CN để chi bằng hình thức khen thưởng hoặc bồi dưỡng đối với các sáng kiến mang lại hiệu quả.
- Khó khăn xuất phát từ chính sách của nhà nước:
+ Các văn bản pháp lý để Quỹ phát triển KH&CN hình thành và đi vào hoạt động đã có như: Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và DN; Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của DN; Thông tư số 105/2012/TT- BTC ngày 25/6/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011, tuy nhiên, DN đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN vẫn chưa áp dụng được để sử dụng kinh phí từ Quỹ: chưa nắm căn cứ pháp lý, thủ tục, chứng từ quyết toán. Chẳng hạn, việc quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án KH&CN của DN hiện nay chưa có văn bản quy định về các khoản chi cho phép thanh toán từ kinh phí của Quỹ phát triển KH&CN, cũng như các thủ tục quyết toán kinh phí từ Quỹ. Khi thực hiện thủ tục quyết toán, cơ quan thuế buộc DN thực hiện theo quy định
hiện hành trong xét duyệt, nghiệm thu đề tài, dự án KH&CN của DN như đối với các đề tài, dự án cấp thành phố sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này bất hợp lý đối với DN khi DN sử dụng nguồn vốn của DN để thực hiện hoạt động R&D, việc căn cứ theo quy định hiện hành của nhà nước trong sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các đề tài, dự án không khuyến khích được DN thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Các định mức chi cho các đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước còn rất thấp và rườm rà về mặt thủ tục thanh quyết toán.
+ Cá nhân được khen thưởng phải nộp thuế thu nhập, điều này làm hạn chế việc khuyến khích cán bộ nhân viên DN đề xuất, thực hiện các ý tưởng, sáng kiến phục vụ SXKD của DN. Có trường hợp DN tự trang trải kinh phí khen thưởng không đưa vào phần chi phí của DN.
+ Cơ quan quản lý nhà nước chưa đi sâu sát để nắm bắt những khó khăn của DN, phổ biến kịp thời các chương trình hỗ trợ của nhà nước để DN tham gia.
2.3.2.2. Nhu cầu được hỗ trợ của DN
Với những khó khăn xuất phát từ điều kiện nội tại của DN cũng như từ các chính sách của nhà nước, DN đề xuất các nhu cầu được nhà nước hỗ trợ giúp DN có thể trụ vững cũng như đủ sức cạnh tranh với các DN khác trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế:
- Các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước bằng cách triển khai trực tiếp cho DN các chính sách tài chính của nhà nước hỗ trợ cho DN, hướng dẫn hình thức tham gia, quyết toán nguồn vốn ưu đãi của nhà nước dành cho DN.
- Hỗ trợ kinh phí sản xuất thử nghiệm các giải pháp sáng chế, các sản phẩm mới, cải tiến công nghệ sản xuất: hỗ trợ DN vay không lãi suất (có hợp đồng hỗ trợ vay vốn giữa Nhà nước và DN), hỗ trợ tối đa 30% kinh phí thực hiện khi DN nghiên cứu đầu ra sản phẩm đạt yêu cầu, trường hợp DN nghiên cứu đầu ra sản phẩm không đạt yêu cầu thì DN hoàn trả khoản đã vay cho nhà nước.
- Đơn giản hóa hồ sơ đăng ký tham gia được hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước; đổi mới cách thức xét duyệt hồ sơ bằng các cách sau:
+ Tuyển chọn 03-05 DN để duyệt nội dung, ý tưởng nghiên cứu sau đó xem xét tính khả thi, lựa chọn DN hỗ trợ.
+ DN đăng ký thực hiện, cơ quan nhà nước đến DN kiểm tra đầu ra sản phẩm nếu đạt theo yêu cầu thì cấp kinh phí.
- Hình thành các dịch vụ hỗ trợ DN xây dựng các thuyết minh, đề cương cụ thể từ các ý tưởng, sáng kiến của DN.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận với quỹ đất đai của thành phố làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh là một việc làm hết sức cần thiết trong công tác quản lý nhà nước đối với DN.
- Hướng dẫn DN thủ tục quyết toán kinh phí từ Quỹ phát triển KH&CN theo hướng đơn giản không như thủ tục quyết toán kinh phí đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước; cho phép DN được sử dụng Quỹ theo quy chế của DN, không theo định mức chi theo quy định của nhà nước dành cho đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước vì định mức chi của nhà nước rất thấp không phù hợp với DN.
- Nhà nước cần phải có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai cụ thể nhằm hỗ trợ DN trong việc nắm bắt thông tin một cách đầy đủ kịp thời về cơ chế, chính sách liên quan đến DN cho các chủ DN.