Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG R&D
3.1. Cơ sở hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy hoạt động R&D trong DN
3.1.2. Định hướng phát triển của thành phố Cần Thơ
3.1.2.1. Định hướng phát triển KT-XH
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TPCT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nêu rõ “Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”.
Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TPCT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 với các mục tiêu KT-XH chủ yếu:
i) Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 15%/năm (tốc độ tăng ở các khu vực I, II, III tương ứng là 2,5%/năm, 16%/năm và 15,3%/năm); giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,5%/năm (tốc độ tăng ở các khu vực I, II, III tương ứng là 2%/năm, 10,4%/năm và 10,9%/năm). Tỷ trọng của 3 khu vực I, II, và III đến năm 2015 là 5,9%, 47% và 47,1% và đến năm 2020 là 3,3%, 48,8% và 47,9%; GDP bình quân/người đến năm 2015 đạt 3.200 USD, năm 2020 đạt 6.480 USD và năm 2030 đạt 14.200 USD;
ii) Về xã hội: dự báo quy mô dân số vào các năm 2015, 2020, và 2030 tương ứng là 1,4 triệu; 1,6 triệu và 1,95 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt trên 65%, năm 2020 khoảng 75 - 80%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2015 đạt 70%, đến năm 2020 đạt 73,5%;
iii) Về môi trường và an ninh quốc phòng: đến năm 2015 có 100% hộ được dùng điện; đến năm 2020 có 80-85% dân số nông thôn được cấp nước sạch. Đến năm 2020, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đạt 100% và tỷ lệ nước thải được xử lý đạt 70 - 80%. Gắn phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Quyết định số 1533/QĐ-TTg cũng đã xác định tầm nhìn phát triển thành phố đến năm 2030: Xây dựng và phát triển TPCT thành đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL; đô thị hạt nhân gắn với dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và vùng ĐBSCL; Vào năm 2030, TPCT sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, trình độ tiên tiến; Kinh tế của thành phố về cơ bản là nền kinh tế tri thức, dựa vào các ngành công nghệ cao, chất lượng cao; KH&CN trở thành một trong những động lực chính trong phát triển KT-XH; Là trung tâm dịch vụ lớn về đào tạo, khoa học công nghệ, là trung tâm y tế chuyên sâu…
3.1.2.2. Định hướng phát triển KH&CN
Quyết định số 1533/QĐ-TTg, định hướng phát triển lĩnh vực KH&CN: i) Phát triển KH&CN trở thành một trong những động lực chính trong phát triển KT-XH của thành phố. Một số lĩnh vực KH&CN trọng điểm có khả năng phát triển đi trước và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
ii) Hình thành và phát triển các khu công nghệ cao. Xây dựng TPCT thành trung tâm khoa học, công nghệ cấp vùng; làm chủ một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến, công nghệ cơ khí, công nghệ vật liệu xây dựng; bước đầu đi vào xây dựng luận cứ khoa học cho công nghệ tự động hóa, vật liệu mới. Đẩy mạnh NCKH xã hội và
nhân văn, trong đó đặt trọng tâm vào các vấn đề quản lý nhà nước, quản lý đô thị, phát triển các thành phần kinh tế trong điều kiện thực tế của TPCT. Xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, nhất là nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ.
Chương trình KH&CN TPCT giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được UBND TPCT phê duyệt tại Quyết định số 2428/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 đề ra các mục tiêu:
i) Đến 2020, yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 40% cho tăng trưởng GDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao khoảng 45% GDP;
ii) Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016-2020;
iii) Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15%/năm;
iv) Tăng số lượng văn bằng SHTT được bảo hộ và số lượng báo cáo công bố quốc gia và quốc tế; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao và phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn TPCT;
v) Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020;
vi) Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm;
vii) Tạo lập các đơn vị nghiên cứu phát triển (Phòng Nghiên cứu Phát triển - R&D) trong các DN và các sở ngành có sử dụng khoa học công nghệ; phát triển, đào tạo cán bộ R&D (mở rộng trong các đơn vị sự nghiệp và DN theo chuẩn quốc tế dựa trên nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đến năm 2020;
viii) Xây dựng mới Phân viện Khoa học Công nghệ thuộc Viện Khoa học Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các Trung tâm NCKH Công nghệ cho ĐBSCL đặt tại TPCT; thúc đẩy phát triển hiệu quả Vườn ươm công nghệ công nghiệp, khu công nghệ cao, triển khai các giải pháp, chương trình ươm tạo công nghệ cao, DN công nghệ cao và gia tăng số lượng DN KH&CN trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình KH&CN TPCT giai đoạn 2014- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã cụ thể hóa bằng vào 5 chương trình nhánh về (i) công nghệ trọng điểm, (ii) phục vụ đời sống xã hội, sản xuất, môi trường và an ninh quốc phòng, (iii) phát triển tiềm lực KH&CN, (iv) đổi mới tổ chức hoạt động KH&CN, và (v) phát triển thị trường KH&CN. Mỗi Chương trình nhánh có các đề án và nội dung KH&CN khác nhau, trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra:
- Nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; vốn phát KH&CN của DN và hợp tác quốc tế; khai thác hiệu quả các quy định mới của Luật KH&CN về quỹ KH&CN, tăng đầu tư KH&CN tương xứng với tăng trưởng GDP và chi ngân sách,...) phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng KH&CN của TPCT và vùng ĐBSCL.
- Xây dựng và thực hiện các dự án hỗ trợ, khuyến khích hình hành tổ chức KH&CN trong DN và khu vực nhà nước trên địa bàn TPCT (phát triển nhân lực và
cơ sở hạ tầng bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D); hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển KH&CN).
- Xây dựng và thực hiện các dự án đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng thu hút vốn xã hội hóa (tăng cường hợp tác giữa các lực lượng cung và cầu KH&CN, phát triển cơ sở ươm tạo công nghệ, phát triển DN KH&CN và quỹ KH&CN, phát triển dịch vụ KH&CN,..) góp phần phát triển thị trường KH&CN.
- Xây dựng và triển khai các dự án phổ biến các chủ trương, chính sách về KH&CN chẳng hạn như: chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về KH&CN, Luật KH&CN, các Chương trình, chủ trương chính sách phát triển KH&CN của thành phố đến với cộng đồng DN và các đối tượng có liên quan.
- Nghiên cứu và thực hiện các dự án hình thành và phát triển Quỹ và hệ thống quỹ phát triển KH&CN, khuyến khích và thúc đẩy các DN đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN.
- Nghiên cứu cơ chế và xây dựng các dự án chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập, chuẩn bị tốt các tiền đề phát triển thị trường KH&CN,…
Định hướng phát triển KT-XH của TPCT là cơ sở để UBND TPCT ban hành Chương trình KH&CN, cụ thể hóa các nhiệm vụ KH&CN thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố. Để Chương trình KH&CN TPCT giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai có đạt hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN của TPCT cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các chính sách về KH&CN tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan khoa học, viện, trường, DN… nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống.