1.1 .Cơ sở lý luận
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Quá trình xây dựng Thành Nhà Hồ
1.2.1.1. Vị trí địa lý
Theo cách chia địa giới hiện nay, trên bản đồ Việt Nam Thành Nhà Hồ nằm ở Bắc Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 150km về hướng Nam, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km.
Thành được xây dựng trên vùng đồng bằng rộng lớn khoảng 10 ngàn ha trong lưu vực sông Mã ở phía Tây – Nam, sông Bưởi phía Đông – Bắc thuộc địa phận động An Tôn (hay hang Nàng) và bên ngoài có nhiều dãy núi đá vôi vòng cung bao bọc. Thành Nhà Hồ cách thị trấn Vĩnh Lộc 1km và cách di tích đàn tế Nam Giao trên núi Đốn khoảng 2,5km.
Đầu thế kỷ XIX, sách Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí chép: “Thành cũ trên đất An Tôn, nay là đất các làng Hoa Nhai, Phương Nhai, Tây Nhai, Đông Môn thành... Có lẽ các làng này xưa kia là các đường phố nên mới gọi tên như vậy... Cổng Nam thành có con đường lớn chạy thẳng đến Đốn Sơn dài
chừng vài dặm, đều lát đá vân làm thành đường phố...” [23; tr.75-76].
Ngày nay, Thành Nhà Hồ, nằm trên khu đất thuộc các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Phía Nam giáp khu dân cư thôn Xuân Giai và thị trấn Vĩnh Lộc Phía Đông là thôn Đông Môn thuộc xã Vĩnh Long
Phía Tây là thôn Tây Giai thuộc xã Vĩnh Tiến
Thành Nhà Hồ nằm ở khu đất tương đối bằng phẳng, có độ cao trung bình so với mực nước biển là 12,5km, có hướng dốc từ Nam đến Bắc, vị trí
cao nhất là chân núi Đốn (phía Nam) [60; tr.10-11].
Phía Nam là núi Đốn, nhà Hồ đã cho xây dựng đàn tế Nam Giao, mà theo quan niệm của dân gian thì núi Đốn được coi là “tiền án ”của thành.
Phía Bắc nơi có hồ Mỹ Đàm cùng dãy núi đá trùng điệp như núi Rồng, núi Phượng, núi Rùa... và núi Thổ Tượng (phía Tây Bắc) được xem là “hậu chẩm” của thành. Từ cổng Bắc lên Eo Lê và có thể thông ra sông Mã.
Phía Đông địa hình cao hơn, có núi Hắc Khuyển và sông Bưởi chảy qua hợp với sông Mã. Chếch hướng Đông Bắc Thành Nhà Hồ là hệ thống đồi thấp xen kẽ các dãy núi đá vôi làm thành tường nối tự nhiên như một công sự kiên cố.
Phía Tây là các làng chài thôn hạ, thôn Thượng, Thọ Đồn... nơi có hệ thống núi Kim Ngọ, Kim Ngưu, hệ thống đồi thấp án ngữ phía Tây thành và sông Mã bao quanh thành các cồn cát.
Ngoài các núi đá bao chắn bốn phía vòng trong, Thành Nhà Hồ còn được che chắn bởi các dãy núi đá vòng ngoài từ xa như núi Tam Điệp, Thần Phù, Thúy Đại và Đồng Cổ “làm thành một vòng cung ôm ấp chầu về. Không
khác gì Hổ Lao, Thành Cao của nước Tấn, nước Trịnh vậy” [23; tr.76].
Cấu tạo địa tầng khu vực Thành Nhà Hồ chủ yếu là nền đất sét và sét
cát pha có khả năng chịu lực, có cường độ từ 1,2 đến 1,6kg/cm2. Mực nước
ngầm xuất hiện ở độ sâu 10-12m [60; tr.11].
Như vậy, mặc dù bị bao bọc bởi hệ thống sông suối, nhưng Thành Nhà Hồ nằm trên khu đất bằng phẳng và rộng lớn, không tốn công sức san lấp khi xây dựng thành mà cấu trúc tòa thành lại không bị phụ thuộc vào địa hình.
Đây là yếu tố tư nhiên quan trọng nhất và cũng là cơ sở để Hồ Quý Ly quyết định xây dựng tòa thành bằng đá.
1.2.1.2. Thời gian xây dựng
Thời gian xây dựng Thành Nhà Hồ, sách ĐVSKTT (bản dịch xuất bản năm 1971) cho biết: “Đinh Sửu năm thứ 10 (1397) (Minh Hồng Vũ thứ 30), sai thượng thư Lại bộ Đỗ Tĩnh (có sách chép là Mẫn) đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà Miếu nền Xã, mở đường
phố, có ý muốn dời kinh đô đến đây, 3 tháng làm xong” [11; tr.219]
Thời gian xây dựng Thành Nhà Hồ, sách ĐVSKTT (bản dịch xuất bản năm 1998 từ bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697)) cho biết: “Đinh Sửu (Quang Thái) năm thứ mười (1397) (Minh Hồng Vũ năm thứ 30), mùa xuân, tháng giêng sai Lại bộ thượng thư, kiêm thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa đắp thành, đào hào, lập nhà Miếu nền Xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất” [88; tr.190].
Rõ ràng, ngay thời gian ghi trong các bản dịch ĐVSKTT không có sự trùng khớp. Bản dịch năm 1971 ghi “3 tháng làm xong”, riêng ở bản khác năm Chính Hòa ghi “tháng 3 thì công việc hoàn tất” và cũng không cho biết cụ thể là tháng 3 năm nào. Ở đây mốc thời gian “3 tháng” hoàn toàn khác với “tháng 3”. Nên thời gian xây dựng thành vẫn là một ẩn số cần được lý giải
khoa học [44; tr.71-72].
Sách ĐVSKTT chép thời gian Đỗ Tĩnh bắt đầu đi “xem xét đo đạc động An Tôn” là vào tháng giêng năm 1397 và “ba tháng làm xong” (tức tháng 3 cùng năm). Đến “mùa đông, tháng 11, Hồ Quý Ly bức vua dời đô đến phủ Thanh Hóa... dỡ gạch, ngói, gỗ lim ở các cung điện Thụy Chương, Đại An, giao hết cho các châu Từ Liêm và Nam Sách chở đến kinh đô mới”. Ngày 15/3 năm Mậu Dần (1398), Quý Ly ép Trần Thuận Tông phải nhường ngôi
cho thái tử An và “ngày hôm ấy lên điện ở kinh đô mới” [88; tr.190-191]. Sau đó tháng 3 năm Kỷ Mão (1399) lại sai “đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía Tây thành... vây quanh làm tòa thành lớn bao bọc bên ngoài”. Năm Tân Tỵ (1401) “Hán Thương lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào
việc xây thành” và tháng 8/1402 xây dựng đàn tế Nam Giao tại núi Đốn [88;
tr.190,202].
Sách Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí còn cho biết tháng 9, năm Kỷ Mão, niên hiệu Kiến Tân thứ 2 (1399) cho xây dựng La Thành, xung quanh trồng tre gai, dần dần thành rậm rạp, người dân vào đó trộm măng sẽ bị tội
chết [23; tr.74].
Theo các mốc thời gian trên chúng ta có thể sắp xếp như sau: công trình khởi công vào tháng giêng, hoàn tất vào tháng 3 và thời gian vận chuyển vật liệu từ Thăng Long vào tiếp tục xây dựng kinh đô mới là tháng 11 trong cùng năm (1397). Thời gian vận chuyển về kinh đô mới là 15/3 năm sau (1398), xây La thành vào tháng 9 (1399), năm 1401 tiếp tục nung gạch để bổ sung xây tường thành và năm 1402 xây đàn Nam Giao.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Tạo cho rằng: Công việc chuẩn bị xem xét, đo đạc, lập đồ án trước khi khởi công triều đình đã giao cho Đỗ Tĩnh. Từ Thăng Long vào Thanh Hóa có thể đi theo đường thủy (dù bằng đường biển hay hệ thống sông ngòi) cuối cùng cũng phải vượt ngược dòng sông Mã, hoặc theo đường bộ vào phía Nam (gần 150km) sau đó phải vượt đèo dốc vách đá cheo leo (gần 50km), nếu dùng thuyền buồm chèo hoặc dùng ngựa – phương tiên cơ động nhất lúc này thì ít nhất cũng mất vài ngày. Tiếp theo là hoàn thành đồ án, công việc nay nếu tập trung được những kiến trúc sư tài năng và cố gắng nhất cũng khó hoàn thành trước 10 ngày. Theo tính toán số học thì thời gian trước khi công trình khởi công do Đỗ Tĩnh phụ trách
đã mất ít nhất trên dưới 10 ngày. Vậy thời gian giành cho thi công tổng công
trình Tây Đô còn lại không quá 80 ngày? [37; tr.78].
Mặt khác, để có bốn bức tường thành kiên cố, với độ cao trung bình 6,5 đến 8m và các vòm cổng (Đông, Tây, Nam và Bắc) cao gần 10m, ngoài việc
phải đào đắp trên 100.000m3
đất, thì công việc chính là phải khai thác, vận
chuyển và lắp đặt lên cao hơn 200.000m3
đá phiến, trong đó có những khối đá nặng trên 20 tấn. Bao quanh tòa thành đồ sộ là hệ thống thành cao, hào sâu, dài hàng ngàn mét thông ra sông Bưởi. Để xây dựng thành Tây Đô cho dù Hồ Quý Ly có sự chuẩn bị trước về khai thác, vận chuyển, gia công các khối đá và mọi công việc đều được thực hiện đồng thời, nhưng với điều kiện phương tiện, kỹ thuật đương thời và công trình này đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao nên thời gian hoàn tất trong 80 ngày là điều không thể xảy ra.
Từ lý giải trên thì sự kiện tháng 11 âm lịch cùng năm, vật liệu vẫn tiếp tục vận chuyển từ Thăng Long sẽ được lý giải là khoảng thời gian vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các công trình kiến trúc trong khu nội thành. Thành nội kiên cố và hệ thống cung điện là hệ thống công trình cơ bản nhất của Tây Đô, nên việc đưa xa giá vua Trần chuyển lên kinh đô mới (3/1398) chỉ có thể được thực hiện sau khi hoàn thành hai công trình này. Còn những công việc khác trong và ngoài thành như xây La Thành (9/1399), bổ sung tường gạch (1401), đàn tế Nam Giao (1402)... vẫn phải tiếp tục xây dựng trong những năm sau đó.
Lý giải trên là cơ sở để chúng tôi khẳng định công trình Tây Đô về cơ bản sẽ được hoàn thành ít nhất trong khoảng thời gian một năm (từ tháng Giêng năm 1397 đến tháng 3 năm 1398). Đồng thời chúng tôi cũng tán thành ý kiến của Tiến sĩ Lê Tạo cho rằng mốc thời gian 15/3 Âm lịch năm Mậu Dần
là thời gian khánh thành Tây Đô [37; tr.78]. Nhưng cần phải nhấn mạnh thêm
dựng thành đá và các cung điện chính trong thành nội được hoàn tất trong hơn một năm kể từ tháng giêng âm lịch năm Đinh Sửu (1397) đến tháng 3 âm lịch năm Mậu Dần (1398).
Nhưng, dù là ba tháng hay hơn một năm để xây dựng công trình vừa là quốc đô, vừa là thành lũy quân sự kiên cố trong điều kiện cuối thế kỷ XIV vẫn là thời gian không tưởng.