Những tên gọi và giá trị của Thành Nhà Hồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo phát triển du lịch thành nhà hồ từ năm 2001 đến năm 2012 (Trang 39 - 46)

1.1 .Cơ sở lý luận

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.3. Những tên gọi và giá trị của Thành Nhà Hồ

1.2.3.1. Các tên gọi khác của Thành Nhà Hồ

Trong các thành cổ Việt Nam, Tây Đô là một trong nhưng tòa thành đã chứng kiến những diễn tiến của lịch sử. Với thời gian khá dài, gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. Tây Đô mang nhiều tên gọi khác nhau và mỗi tên đều gắn với những sự kiện, quan điểm và ý nghĩa khác nhau. Đây là một trong những lý do tạo nên nét đặc biệt của tòa thành này.

An Tôn là tên gọi đầu tiên của tòa thành này. Thành An Tôn được gọi theo tên địa danh vùng đất An Tôn. Tên thành An Tôn được dùng trong khoảng thời gian từ khi Hồ Quý Ly quyết định chọn An Tôn để xây dựng kinh đô mới đến khi chính thức trở thành kinh đô của Đại Việt sau đó là Đại Ngu, tòa thành lại mang tên mới.

Tên gọi Tây Đô gắn liền với sự kiện dời đô vào ngày 15/3 năm Mậu Dần (1398), sau khi vua Trần Thuận tông ban chiếu nhường ngôi tại cung Bảo Thanh cho Thái tử An (tức Trần Thiếu Đế). Và để phân biệt với kinh đô cũ ở Thăng Long, kinh đô mới ở An Tôn được gọi là Tây Đô. Tây Đô tức kinh đô ở phía Tây và cố đô Thăng Long lúc này được gọi là Đông Đô. Từ đây Tây Đô trở thành trung tâm chính trị, quân sự của Đại Việt những năm cuối vương triều Trần.

Năm 1407 nước ta rơi vào ách đô hộ, cùng vơi việc thực thi các chính sách bóc lột tàn bạo nhân dân, nhà Minh đã sắp đặt các đơn vị hành chính theo mô hình Trung Hoa. Chia nước ta thành quận, huyện và đặt quan lại cai trị. Đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, dưới quận là 15 phủ và 5 châu lớn, phủ Thiên Xương đổi thành phủ Thanh Hóa. Nên “thành Tây Đô của nhà Hồ trở thành lỵ sở của phủ

Thanh Hóa với tên gọi là thành phủ Thanh Hóa” [33; tr.13].

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi (1428), Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Việt, quốc đô đặt ở Thăng Long. Thành Thanh Hóa thời thuộc Minh nay lại được gọi là thành Tây Đô.

Trong 50 mươi năm thời Nam – Bắc triều (1553 - 1593), lấy núi Tam Điệp làm ranh giới để phân biệt hai trung tâm chính trị quan trọng, thành Tây Đô và kinh đô Yên Trường của chính quyền Nam triều được gọi là Tây Việt Kinh và kinh đô của Bắc triều gọi là Đông Việt Kinh. Tây Việt Kinh được gọi cho đến khi vua Lê trở về kinh đô Thăng Long.

Đến triều nhà Nguyễn thì thành Tây Đô có tên gọi là thành Tây Giai. Để phù hợp với chế độ chính trị mới, nhiều địa danh về tỉnh, huyện, thành, lỵ, sở cũng được thay đổi. Đặc biệt sau cải cách hành chính của Minh Mạng (1831-1832), các tổng trấn bị xóa bỏ, các dinh trấn đổi thành tỉnh, dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, và tổng,

xã, phủ Thanh Hóa được gọi là tỉnh Thanh Hóa [36; tr.439-440].

Cũng theo lệ đó, thành Thăng Long – Đông Kinh có tên gọi từ nhiều thế kỷ trước đổi thành trấn Bắc Thành, đến năm 1831 lại đổi tên là tỉnh Hà Nội. Thành An Tôn lúc này không được gọi là thành Tây Đô hay Tây Kinh nữa mà mang tên mới (thành Tây Nhai). Tây Nhai là mang tên gọi của một làng ở cửa Tây thành (làng Tây Nhai). Sau đó từ “Nhai” đổi thành từ “Giai” nên thành được gọi là thành Tây Giai. Ngoài ra, qua tư liệu dân gian được biết thành mang tên gọi Tây Giai vì khi tòa thành này mới xây xong rất đẹp, nên

người ta tăng cho chữ “giai” có nghĩa là đẹp. Thành Tây Giai có nghĩa là thành đá đẹp nằm ở phía Tây.

Thành Nhà Hồ là tên gọi được sử dụng phổ biến hiện nay, dùng để chỉ kinh đô của nhà Hồ. Với quan điểm của các sử gia phong kiến trước đó đều cho rằng Hồ Quý Ly là “loạn thần tặc tử” và triều Hồ là “Nhuận Hồ” nên đồng nghĩa với việc không thừa nhận kinh đô của nhà Hồ. Nhưng sau cách mạng tháng Tám 1945, xuất phát từ việc nhận thức khách quan về Hồ Quý Ly và triều đại của ông, vương triều Hồ đã được chấp nhận là vương triều chính thống trong lịch sử dân tộc. Mặt khác, tòa thành đá này không chỉ là kinh đô mà còn là di sản văn hóa lớn của vương triều Hồ nên được gọi là Thành Nhà Hồ.

1.2.3.2. Giá trị của Thành Nhà Hồ Với vai trò là Kinh đô

Thành Nhà Hồ được xây dựng năm 1397, thì sau hơn một năm (15/3/1398) việc dời đô được thực hiện. Mặc dù chỉ tồn tại với tư cách là một kinh đô trong thời gian ngắn nhưng Tây Đô chính thức là kinh đô, trung tâm chính trị của Đại Việt và Đại Ngu qua hai vương triều Trần (2 năm cuối) và Hồ (1400 - 1407).

Nếu kinh đô Hoa Lư được cấu trúc theo hai lớp vòng thành giống nhau thì Tây Đô với cấu trúc hai vòng tường thành khác biệt. Đây không thuần túy là nơi ở và hoạt động của bộ máy quân sự, chính trị trung ương mà còn bao gồm cả khu vực rộng lớn dân cư sinh sống xung quanh.

Khu dân cư chính là vành đai bảo vệ với chức năng đảm bảo cung ứng mọi nhu cầu sinh hoạt cho Hoàng thành. Bởi thế ngoài các xưởng đúc tiền, kho vũ khí, nơi tập luyện binh lính, các làng nghề thủ công gắn với các cơ sở sản xuất mà còn là hệ thống chợ (chợ kinh thành, chợ quê).

Cùng với việc xây dựng tòa thành, nhà Hồ còn ra sức mở mang, xây dựng các cơ sở vật chất cần thiết cho vùng đất kinh kỳ. Ngày từ đầu đã cho đắp thành,

đào hào, lập nhà tông miếu, lập đàn xã tắc, mở đường phố, lập kho chứa thóc, đào kênh mương... Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển giao thông, lần lượt là các đường phố trong và ngoài thành được mở mang xây dựng.

Trong thời gian ngắn các phố phường, chợ, hệ thống giao thông đã kích thích mọi hoạt động kinh tế, văn hóa ở vùng đất kinh thành phát triển, xứng đáng với tầm vóc của một kinh đô phong kiến.

Với tư cách là kinh đô nhà Hồ trong một thời gian ngắn (1400 - 1407), nhưng nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đó là những cải cách về chế độ chính trị, giáo dục, tiền tệ, thuế khóa, quân sự của Hồ Quý Ly. Việc xây dựng Tây Đô và thiết lập triều Hồ “đã đánh dấu một nét vạch về sự chuyển biến của chế độ chính trị Việt Nam từ thế kỷ XIV sang thế kỷ XV” [89; tr.19].

Ngay sau khi thiết lập vương triều mới, tại Tây Đô năm 1401 nhà Hồ đã thực hiện kiện toàn bộ máy nhà nước, như cho định quan chế và hình luật của đất nước. Đồng thời, để tăng cường sức mạnh chống ngoại xâm, Hồ Quý Ly và triều Hồ đã ban hành nhiều luật lệ để nhanh chóng xây dựng lực lượng quân sự mạnh. Hoặc để bổ sung tầng lớp quan lại cho triều đình mới, sau khi lên ngôi tháng 8 năm 1400, Hồ Quý Ly đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh, chọn được 20 người trong đó có những người ưu tú như Nguyễn Trãi, Vũ Mộng Nguyên, Lý Tử Tấn...

Mặc dù Hồ Quý Ly xây dựng Tây Đô trên vùng đất đai chật hẹp và thời gian tồn tại với tư cách là một kinh đô lại quá ngắn, nhưng tên gọi Tây Đô – Thành Nhà Hồ với ý nghĩa thực tế tòa thành này là một kinh đô trong thời loạn và gắn liền với một triều đại đã sản sinh ra nó. Vậy nên, tên gọi Tây Đô không chỉ để phân biệt với Đông Đô mà tòa thành này dược triều Lê “liệt vào

Với vai trò là một thành lũy quân sự

Trong lịch sử xây dựng thành lũy Việt Nam, thành Tây Đô không chỉ là một trung tâm chính trị mà còn là một trong những thành lũy quân sự độc đáo và kiên cố. Giá trị của tòa thành Tây Đô được xét từ mục đích chống xâm lược, vị trí hiểm yếu đến cấu trúc quân sự phòng thủ và cuối cùng là tính năng kiên cố.

Xét góc độ quân sự, khi xây dựng kinh đô mới, Hồ Quý Ly đã đặt yêu cầu hiểm yếu lên hàng dầu. Địa thế vùng đất này hoàn toàn phù hợp với một đại bản doanh quân sự. Vị thế Tây Đô rất thích hợp trong thế nước “nội loạn” và “giặc ngoài”. Rất có thể lời can ngăn “hợp với loạn mà không hợp với trị” của các cận

thần đã củng cố thêm quyết tâm xây thành của Hồ Quý Ly [43; tr.48].

Trong điều kiện vũ khí công thành cuối thế kỷ XIV chủ yếu dựa vào các loại vũ khí tầm ngắn như cung, nỏ, gươm, giáo và sức của con người, để có được một công trình quân sự phòng thủ kiên cố thì hai yếu tố tiên quyết phải đáp ứng được là hào sâu và thành cao. Nghiên cứu tổng thể cấu trúc cho thấy thành Tây Đô đã đắp ứng được hai yêu cầu này.

Tây Đô ngoài hệ thống hào tự nhiên (sông Mã, sông Bưởi) còn có hệ thống hào đào vừa sâu vừa rộng. Trong hoàn cảnh trang bị vũ khí tầm ngắn, không có khả năng vượt thành thì việc xây dựng thành lũy có kèm thêm hào xung quanh khu trung tâm như Tây Đô càng làm cho tòa thành này có khả năng phòng thủ cao.

Thành nội Tây Đô là tường thành đá thẳng đứng với độ cao trung bình gấp ba, bốn lần độ cao của người. Cấu trúc của tường thành theo hình thang vuông; bên trong được đắp bằng đất thoải dần và bên ngoài được ốp bằng đá theo phương thắng đứng. Từ bên ngoài quân địch cũng khó đột nhập thành, ngược lại trong thành, quân triều đình có thể cơ động dễ dàng trên mặt thành và phối hợp hỗ trợ được cho nhau khi tác chiến. Cho dù đối phương vượt qua

được hai lớp hào sâu và vòng thành ngoài thì cũng khó vượt tường thành cao

thẳng đứng này [43; tr.49].

Hơn nữa, để tạo nên tường thành kiên cố, phần tường thành lại được xây ghép bắng đá phiến lớn, loại vật liệu cứng chắc đương thời. Nhưng việc thiết kế một tòa thành bằng đá không chỉ cho thấy Tây Đô là một sự vượt trội về việc sử dụng vật liệu cũng như kỹ thuật xây dựng thành lũy Việt Nam mà

ở tòa thành này yếu tố “thành” nhiều hơn yếu tố “thị” [43; tr.49].

Tây Đô thực sự là một thành lũy quân sự từ trong dự kiến ban đầu cũng như hiện thực. Tây Đô không chỉ đẹp mà còn là tòa thành kiên cố nhất và có giá trị nhất trong các thành lũy Việt Nam. GS Hà Văn Tấn có cơ sở khi cho rằng Tây Đô “là thành đá kiên cố bậc nhất trong lịch sử xây dựng thành quách

Việt Nam” [38; tr.113].

Tiểu kết chương 1

Vĩnh Lộc là một huyện có vị thế đặc biệt quan trọng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là một vùng có kiến tạo địa chất phức tạp, đan xen các dạng địa hình đồng bằng, vùng đồi và núi đá. Từ xa xưa Vĩnh Lộc đã là địa bàn sinh tụ của nhiều tộc người khác nhau, trong đó người Kinh giữ vai trò chủ thể.

Đặc điểm phong phú về môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng về cư dân đã có tác động không nhỏ đến phương thức sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, tạo nên những đặc trưng văn hóa của các cộng đồng cư dân Vĩnh Lộc.

Việc dời đô từ Thăng Long về Vĩnh Lộc vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV là một sự kiện lịch sử trọng đại. Với vị thế kinh đô – trung tâm chính trị của cả nước, tạo điều kiện cho Vĩnh Lộc, các vùng lân cận và cả vùng đất Thanh Hóa nói chung đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa. Sự phát triển này không chỉ diễn ra trong thời kỳ Vĩnh Lộc là kinh đô mà ảnh hưởng của nó còn tiếp tục trong các giai đoạn sau này.

Việc Hồ Quý Ly chọn vùng đất Vĩnh Lộc để xây dựng kinh đô mới không chỉ chứng tỏ tầm quan trọng của vùng đất này mà còn là một quyết định táo bạo.

Trong các thành lũy Việt Nam thời kỳ trung đại, có thể nói Tây Đô là tòa thành kiên cố nhất với kiến trúc độc đáo và được xây dựng trong thời gian nhanh nhất.

Tây Đô là kết tinh sức lao động và trí sáng tạo không chỉ của người dân xứ Thanh mà của nhân dân cả nước. Nếu sự độc đáo của thành Thăng Long là sự kết hợp hài hòa giữa công năng sử dụng của công trình với địa hình tự nhiên với hệ thống lũy đất bao bọc theo địa hình sông, hồ khiến cho hình dáng vòng thành không có hình dáng thường thấy ở các kiến trúc thành lũy thì Tây Đô lại được xây dựng trên bình đồ gần vuông với hệ thống tường đá đồ sộ, kiên cố. Đá là nguyên liệu sẵn có ở xứ Thanh nhưng loại nguyên liệu này cũng không bị lạm dụng. Trong tổng khối lượng tạo nên kiến trúc, chỉ khoảng 25 – 30% được làm bằng đá. Phần còn lại tạo nên dáng vẻ bề thế, vững trãi của tòa thành lại chính là đất. Có điều đất là phần cốt bên trong các lớp bọc bằng đá nên khó nhận ra.

Dù không hoàn thành xứ mệnh một kinh đô kháng chiến, nhưng Tây Đô xứng đáng được đánh giá cao như một công trình kiến trúc quân sự đặc sắc. Ngoài những kinh nghiệm truyền thống được kế thừa từ những thế hệ đi trước, Tây Đô còn là bước đột phá về trình độ kỹ thuật cũng như thẩm mỹ.

Chƣơng 2: Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo phát triển du lịch Thành Nhà Hồ từ năm 2001 đến năm 2012

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo phát triển du lịch thành nhà hồ từ năm 2001 đến năm 2012 (Trang 39 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)