1.2. Khái niệm và đặc điểm những rào cản đối với hoạt động
1.2.2. Phân loại rào cản đối với hoạt động nghiên cứu khoa học
trong lĩnh vực Quốc phòng
1.2.2.1. Rào cản về nhân lực
Hiện nay, nguồn nhân lực KH&CN trong LVQP còn những mặt hạn chế, bất cập cả về số lượng, chất lượng, thiếu sự cân đối trong ngành nghề, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, thiếu đội ngũ kế cận cho hoạt động NCKH. Trong khi đó các yếu tố như chế độ đãi ngộ, môi trường nghiên cứu, công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực KH&CN còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ở khối dân sự, việc thu hút nhân lực KH&CN cũng thường xuyên gặp khó khăn, nguyên nhân có thể do chất lượng, do trình độ, do chuyên mô không phù hợp… Ở khối quân sự, ngoài những khó khăn gặp phải kể trên, còn gặp phải những rào cản đặc thù khác như: lý lịch phù hợp, môi trường làm việc gò bó, chấp hành nghiêm kỷ luật…
Với những chính sách hiện tại, còn những hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực bên ngoài cũng như đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ:
Thứ nhất, hệ thống chính sách phát triển nhân lực NCKH chưa đầy đủ; nhiều chủ trương chậm được cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh chưa được quan tâm xây dựng và triển khai; chính sách phục vụ xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ KH&CN đầu ngành chưa được quan tâm đúng mực; chưa có những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính đột phá được thực hiện một cách có hiệu quả. Hiện nay, chế độ đãi ngộ cán bộ khoa học vẫn còn dàn trải, đồng đều cho cả đội ngũ, thiên về số đông và thiếu những công cụ đặc biệt cho số ít tinh hoa là cán bộ có trình độ cao như: Các chủ nhiệm công trình, dự án, đề tài khoa học; các chuyên gia đầu ngành về công nghệ cao.
Thứ hai, chính sách tiền lương hiện nay quy định đối với cán bộ NCKH hoàn toàn không phù hợp với việc bảo đảm duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ trong lực lượng vũ trang. Sự cách biệt về tiền lương giữa các bậc lương, hạng chức danh nghề nghiệp chưa phản ánh thỏa đáng mức chênh lệch về trình độ cũng như đòi hỏi của công việc; việc nâng lương, thăng quân hàm chỉ phụ thuộc vào niên hạn, chức danh, bằng cấp…, chưa có cơ chế chú ý đến khối lượng, hiệu quả hay hàm lượng KH&CN đóng góp cho công việc của cán bộ nghiên cứu đảm nhận.
Thứ ba, một số quy định còn chưa thống nhất nên chưa thực sự tạo được môi trường thông thoáng nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo; sự đãi ngộ, tôn vinh đối với các nhà khoa học trong LVQP vẫn chưa xứng đáng với chất xám mà họ bỏ ra cho các công trình nghiên cứu. Đặc biệt trong khối quân sự, do đặc thù tính bảo mật nên các nhà khoa học khó có thể hợp tác với nhau cùng nghiên cứu, khó chia sẻ thông tin và đặc biệt là trong một số trường hợp không thể công khai công bố công trình nghiên cứu.
Thứ tư, công tác quy hoạch đội ngũ chuyên gia khoa học, công nghệ vẫn chưa được chú ý. Đây là lực lượng nòng cốt của hoạt động khoa học trong LVQP nhưng lại thiếu một chiến lược thu hút nhân lực bên ngoài và bồi
dưỡng, đào tạo, quy hoạch cho nhóm nhân lực KH&CN tại đơn vị. Đây cũng là hạn chế lớn của hầu hết các tổ chức KH&CN trong và ngoài khối quân sự. Điều này làm hạn chế, chưa phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo và đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ; chưa có cơ chế thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động NCKH trong LVQP.
Thứ năm, công tác tuyển dụng còn nhiều hạn chế do đặc thù của lực lượng vũ trang khi tuyển dụng phải thẩm tra lý lịch; nhiều người giỏi có trình độ nhưng không thể tuyển dụng vì vướng mắc về lý lịch bản thân cũng như gia đình. Do đó, rất khó có thể thu hút Việt kiều có trình độ cao ở nước ngoài, du học sinh về làm việc vì những vấn đề liên quan đến LVQP.
1.2.2.2. Rào cản về tài chính
Về tổng thể, có thể nhận thấy, việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho hoạt động NCKH trong LVQP có một số hạn chế sau: - Kinh phí NCKH thực hiện theo cơ chế kế hoạch, chủ yếu từ nguồn cấp trên phân bổ. Điều này có nghĩa là kinh phí cho hoạt động KH&CN chưa được phân bổ theo tầm quan trọng của các dự án, đề án nghiên cứu, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thiết thực của đơn vị.
- Các nguồn lực tài chính phân bổ riêng biệt giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa khối đơn vị nghiên cứu và các cơ sở sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động nghiên cứu bị tách khỏi quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạch định chính sách… nên tính ứng dụng không cao. Tiếp đó, mô hình này tạo ra sự tách biệt giữa công tác nghiên cứu và công tác giảng dạy. Sự hạn hẹp của các nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu KH&CN tại các trường đại học đã hạn chế việc các giảng viên tham gia tích cực vào công tác NCKH.
- Không có nguồn kinh phí nào khác để bổ sung cho hoạt động NCKH. Để có thể thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động NCKH cần đẩy mạnh việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, tuy nhiên do đặc thù của LVQP nên chưa thể thực hiện được việc này. Các thiết chế cho
việc tìm kiếm sự hợp tác, huy động tài chính từ khối dân sự cũng phức tạp và nhiều hạn chế.
Nguồn lực tài chính cho hoạt động NCKH thường khó có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, ngay cả trong LVQP, dù có ngân sách riêng song ngân sách cho NCKH trong LVQP vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa kể việc phân bổ kinh phí còn nhiều hạn chế. Ngoài ra việc huy động các nguồn lực tài chính từ bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục hành chính, do đặc thù của khối quân sự. Nếu như ở khối dân sự, việc thương mại hóa sản phẩm được khuyến khích và là mục tiêu của các viện nghiên cứu thì trong khối quân sự do đặc thù về tính bảo mật nên nhiều kết quả nghiên cứu không được công bố chưa nói đến thương mại hóa. Cũng do đặc thù bảo mật trong LVQP nên việc hợp tác, liên kết trong hoạt động NCKH giữa các tổ chức trong và ngoài khối quân sự gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, thiếu tiêu chí đánh giá phù hợp với thực tiễn dẫn đến sự bất cập khi phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu.
Ví dụ: có những trường hợp đề tài nghiên cứu mang tính chiến thuật (về một chi tiết rất nhỏ của vũ khí chẳng hạn), thường chỉ được đánh giá ở đề tài cấp Khoa, cấp Học viện, nhưng khi thành công ứng dụng của nó có thể tạo một bước nhảy vọt, bổ sung sức mạnh cho cả một hệ thống vũ khí, làm thay đổi cả cách đánh, chiến thuật, cách bố trí lực lượng v.v… nó lại trở thành vấn đề lớn mang tầm chiến thuật, chiến lược, phải được cơ quan quản lý KH&CN cấp cao hơn quản lý. Tất nhiên, trong thực tế, các đơn vị thường khắc phục bằng cách: nâng cấp đề tài, hoặc đăng ký thêm đề tài đó ở cấp quản lý cao hơn…. nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều bất cập.
1.2.2.3. Các rào cản khác
Ngoài các rào cản chính như tài chính, nhân lực còn những rào cản khác như về cơ sở vật chất (vật lực), hệ thống thông tin (tin lực) và những hạn chế trong công tác quản lý và rào cản do tính đặc thù của lĩnh vực QP. Do sự hạn chế về tài chính dẫn đến vật lực trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong lực lượng vũ trang còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu. Các
phòng thí nghiệm hiện đại, các hệ thống mô phỏng, các khu vực sản xuất thử nghiệm còn thiếu rất nhiều. Tình trạng này cũng là tình trạng chung của hầu hết các cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Trong khi đó, hoạt động NCKH trong LVQP có môi trường đặc thù là môi trường quân sự bởi vậy càng khó khăn trong thực nghiệm nghiên cứu cũng như xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi thực nghiệm nhiều.
Việc khai thác, bổ sung và phát triển nguồn thông tin KH&CN còn chưa hiệu quả, trong khi đó hạ tầng và trình độ công nghệ thông tin của khối quân sự còn chưa cao. Hơn nữa, nguồn lực thông tin KH&CN còn chưa thực sự được chú trọng và khai thác đúng mức trong các đơn vị lực lượng vũ trang. Ngoài ra, do đặc thù bảo mật nên việc khai thác thông tin trong khối quân sự rất khó khăn. Nếu như ở khối dân sự việc công bố công trình, kết quả NCKH, vinh danh nhà khoa học là một hoạt động thường xuyên, là mục tiêu hướng đến của nhiều nhà khoa học thì trong khối quân sự việc tìm kiếm các kết quả nghiên cứu là vô cùng khó khăn, thậm chí là cuộc chiến tình báo công nghệ giữa các quốc gia nên việc hạn chế thông tin về công trình nghiên cứu cũng như nhà khoa học tham gia là một trong những yêu cầu bảo mật khắt khe.
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế về nguồn lực thông tin cho khoa học và công nghệ trong LVQP, như:
Việc khai thác, bổ sung và phát triển nguồn thông tin KH&CN còn chưa hiệu quả. Chúng ta tập trung nhiều đến các thông tin tình báo về khí tài, công nghệ liên quan đến chiến sự nhưng các mảng nghiên cứu khác thì còn chưa được chú trọng. Ngoài ra, việc thiếu tính liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu dẫn đến việc kết nối và chia sẻ thông tin còn chưa hiệu quả thậm chí có lúc còn trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí các nguồn lực khác.
Hạ tầng và trình độ công nghệ thông tin của cả nước nói chung và trong lực lượng vũ trang nói riêng còn chưa cao, còn phụ thuộc nhiều từ thiết bị,
trang bị cho đến công nghệ của nước ngoài. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề bảo mật thông tin. Trong khi trình độ công nghệ thông tin của các nhà khoa học chưa cao mà thiếu sự hỗ trợ về khai thác, cung cấp nguồn thông tin từ các đơn vị chuyên môn thì đó cũng được coi là rào cản trong việc khai thác nguồn lực thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Còn thiếu những quy định pháp lý cho công tác quản lý hoạt động thông tin khoa học và công nghệ quân sự bao gồm hệ thống các nội dung có sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, như: về xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách; về đổi mới ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; về thực hiện tổ chức, biên chế, trang bị, chức danh, chính sách cho đội ngũ nhân lực chuyên trách; về quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; về hợp tác liên kết thông tin; về sử dụng, quản lý ngân sách phục vụ cho việc khai thác bổ sung và phát triển nguồn thông tin. Đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ, mặc dù BQP và Bộ KH&CN đã sớm thống nhất về vấn đề này, nhưng hiện nay vẫn còn vướng mắc về: vấn đề bảo mật quân sự; việc xác định giá thành các sản phẩm nghiên cứu quân sự; quyền tác giả của cá nhân, tổ chức...
Còn thiếu cơ sở hạ tầng cho hệ thống thông tin như: thư viện điện tử, thư viện số, các trung tâm khai thác, lưu trữ và cung cấp thông tin có quy mô lớn và hiện đại.
Rào cản về tính đặc thù của lĩnh vực Quốc phòng chính là tính bảo mật và tính kỷ luật. Do đặc thù yêu cầu bảo mật cao nên công tác tuyển dụng nhân sự, trao đổi thông tin, liên kết hợp tác với các tổ chức khác trong và ngoài khối quân sự gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Các hoạt động như công bố, đăng ký Sở hữu trí tuệ hoặc vinh danh các nhà khoa học trong nhiều trường hợp cũng gặp vướng mắc, thậm chí không thể thực hiện được. Tính quân kỷ bắt buộc phải tuân theo quân lệnh cũng là rào cản khi cần tạo môi trường khuyến khích sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tiểu kết chƣơng 1
Chương 1 đã trình bày một số vấn đề cơ bản về lý luận của luận văn, bao gồm: Khái niệm về NCKH nói chung, NCKH trong LVQP nói riêng; Khái niệm và đặc điểm những rào cản đối với hoạt động NCKH trong LVQP, làm cơ sở cho Chương 2 và Chương 3 khi nghiên cứu về thực trạng và đưa ra giải pháp khắc phục những rào cản đối với hoạt động NCKH trong LVQP.
Chƣơng 2
THỰC TRẠNG VỀ NHỮNG RÀO CẢN
ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG