3.1. Nhóm giải pháp khắc phục rào cản về các nguồn lực
3.1.2. Giải pháp khắc phục rào cản về tài chính
NCKH thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm QP-AN. Bởi vậy cần tập trung các nguồn lực đẩy mạnh hoạt động NCKH trong LVQP. Khi nguồn kinh phí từ NSNN và ngân sách riêng của quân đội không đủ đáp ứng nhu cầu thì cần liên kết với các tổ chức bên ngoài, kêu gọi sự hợp tác, đầu tư.
- Thứ nhất, cần cân đối lại tỷ lệ phân bổ ngân sách, đảm bảo tỷ lệ thích đáng cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho các nhà khoa học được chủ động sử dụng nguồn kinh phí này đi đôi với tự chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả nghiên cứu, đặc biệt được hưởng lợi chính đáng, hợp pháp từ kết quả nghiên cứu của họ.
- Thứ hai, cần cải thiện các thiết chế giám sát và sử dụng nguồn kinh phí dành cho hoạt động NCKH trong LVQP nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả tránh sự cào bằng, “xin-cho”, lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính.
- Thứ ba, cần xây dựng khung pháp lý tiến đến các thành quả nghiên cứu có thể có một phần hoặc toàn bộ được đưa vào thương mại hóa. Việc đưa các kết quả nghiên cứu vào thị trường cũng là một thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả của hoạt động nghiên cứu cũng như mang lại nguồn kinh phí phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo.
- Thứ tư, cần xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của quân đội ta những cũng cần chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công
nghệ từ các tổ chức, cá nhân kể cả của nước ngoài đang hoạt động trên đất nước ta. Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN và đào tạo trong quân đội với doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cá nhân bên ngoài khối quân sự. Mỹ là một trong những nước đứng đầu về vũ khí, khí tài và công nghệ trong LVQP. Một trong những yếu tố mang lại sự thành công này là từ sự liên kết hợp tác giữa BQP với các tổ chức KH&CN bên ngoài. Ở Mỹ chương trình nghiên cứu cơ bản phần lớn do các trường Đại học trên toàn nước Mỹ và các phòng thí nghiệm của BQP thực hiện. Các phòng thí nghiệm Quốc gia của Bộ Năng lượng, BQP và các phòng thí nghiệm khác của Chính phủ được bao cấp, dành cho cả nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ. Sự kết nối giữa KH&CN gắn liền với quân sự và các trường Đại học đã có từ lâu. NCKH của các trường Đại học có tác dụng kép: nó không chỉ cung cấp tri thức mới mà còn đào tạo ra các nhà khoa học, kỹ sư trình độ cao, có tầm quan trọng sống còn đối với nền QP-AN của đất nước. Các phòng thí nghiệm của BQP do các binh chủng điều hành và thực hiện. Các lực lượng này cũng chịu trách nhiệm mua các kết quả nghiên cứu và công nghệ, để thực hiện các chức năng quan trọng sau đây: Xác định mối quan hệ giữa nhu cầu của quân đội và năng lực công nghệ; Đáp ứng nhanh chóng các giải pháp kỹ thuật chất lượng cao cho các nhu cầu của người lính khi có thay đổi và cung cấp kịp thời, hỗ trợ trực tiếp theo yêu cầu của trang thiết bị kỹ thuật mới nhất. Giống như trường hợp của các phòng thí nghiệm an ninh quốc gia của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, cung cấp các kết quả nghiên cứu KH&CN đảm bảo rằng, các loại vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ đáp ứng những tiêu chuẩn hoạt động và độ an toàn cao nhất. Và chính việc nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của các phòng thí nghiệm đó đã thúc đẩy những đột phá về KH&CN và nhiều phát minh to lớn. Từ đó tạo ra những cơ hội khoa học mới và tạo khả năng cho các phòng thí nghiệm hướng vào và giải quyết các vấn đề quan trọng trong QP-AN. Chẳng hạn công nghiệp siêu máy tính ra đời từ chương trình nghiên cứu về vũ khí nhiệt hạch đã không chỉ thúc đẩy mức tăng trưởng một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, mà nó còn giúp mô phỏng thực nghiệm một loạt các vũ
khí hiện đại, không cần phải thực nghiệm trên thực địa các loại vũ khí đó. Có thể nói, năng lực của các ngành công nghiệp là niềm tự hào của nước Mỹ và là sự “thèm muốn” của thế giới. Nước Mỹ coi việc phát triển các năng lực quân sự là vấn đề sống còn và là nền tảng cho sức mạnh của Mỹ. Hiện nay, do phải cắt giảm chi tiêu QP, chính phủ Mỹ tìm cách duy trì những năng lực thiết yếu của các cơ sở công nghiệp hỗ trợ QP từ khu vực công nghiệp tư nhân. Hợp tác quốc tế về công nghệ QP là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh quốc gia và các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Hợp tác quốc tế về công nghệ nhằm hỗ trợ nâng cao các khả năng QP-AN qua tiêu chuẩn hóa và tập trận chung giữa lực lượng của các nước đồng minh. Nó giúp san sẻ gánh nặng về tài chính, giúp Mỹ tiếp cận được công nghệ tiên tiến nước ngoài, mở ra cơ hội về thị trường sản xuất toàn cầu cho ngành công nghiệp QP Mỹ. Các công nghệ phục vụ cho việc phát triển, giám sát và kiểm tra là trọng tâm của chương trình KH&CN kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí của Mỹ. Từ các vệ tinh, có thể chụp nhanh những bức ảnh về cơ sở sản xuất vũ khí đang được xây dựng, các bộ cảm biến trên không có thể “đánh hơi” được khí thải từ các nhà máy sản xuất hóa học, những tàu thủy trinh sát điện tử có khả năng lần theo dấu vết tên lửa đạn đạo khi chúng đang bay trên bầu trời. Hiện nay, Mỹ là nước đứng đầu thế giới trong việc phát triển công nghệ và những phương pháp mới để giám sát tại hiện trường có hiệu quả. Nhiều NCKH và triển khai công nghệ trong lĩnh vực này được thực hiện trong các phòng thí nghiệm tại BQP, Bộ Năng lượng, các công ty thương mại và các trường Đại học theo hợp đồng với Chính phủ Mỹ [18]. Bài học từ Mỹ cho thấy việc liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài khối quân sự và việc mạnh dạn kêu gọi sự hợp tác và đầu tư từ khu vực tư nhân là giải pháp hữu hiệu nhằm đa dạng hóa các nguồn lực cho hoạt động KH&CN trong LVQP. Cùng với đó, cần có chính sách nhằm phát huy tối đa hiệu quả lưỡng dụng trong phát triển KH&CN để đáp ứng đồng thời các yêu cầu của QP-AN và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là gắn kết CNQP với công nghiệp quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy thế mạnh của CNQP trong các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng như: công nghệ cơ khí chính xác và hóa nổ, công
nghệ điện tử, vệ tinh - viễn thông, tin học, công nghệ tự động hóa, vật liệu siêu nhẹ, công nghệ laser…
- Thứ năm, với Học viện nói riêng và các tổ chức KH&CN nói chung phải xây dựng được Quỹ dành riêng cho hoạt động NCKH hàng năm, (quỹ NCKH phải ổn định, công khai, minh bạch; đặc biệt không bị cắt xén).
- Thứ sáu, với Học viện nên thành lập Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ để có thể tiến tới thương mại hóa một số các kết quả nghiên cứu mà không ảnh hưởng tới bí mật QP cũng như kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức bên ngoài. Đặc biệt là với Trung tâm có thể xây dựng chính sách riêng cho phép giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho nhà khoa học hoặc Học viện để có thể chuyển nhượng hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, có thể dùng làm vốn để lập doanh nghiệp KH&CN. Khi giao quyền sở hữu để phục vụ sản xuất, kinh doanh cần quy định rõ việc phân chia lợi ích hợp lý, rõ ràng giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và nhà khoa học.