3.1. Nhóm giải pháp khắc phục rào cản về các nguồn lực
3.1.1. Giải pháp khắc phục rào cản về nguồn nhân lực
Để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ hoạt động NCKH trong LVQP cũng cần sự linh hoạt và đa dạng hóa. Một mặt cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực trong LVQP nói chung và Học viện nói riêng. Mặt khác cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài. Cụ thể ở một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, BQP cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý. Trong đó, đặc biệt, cần chú ý ban hành: chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; chính sách tuyển dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia khoa học và công nghệ học tập và làm việc ở trong và ngoài nước, nhất là các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực; chính sách đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học và công nghệ dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong NCKH và cải tiến kỹ thuật; chính sách áp dụng nâng lương vượt cấp, tăng lương trước hạn.
Có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KH&CN trẻ tài năng (về mức lương, nhà ở, bổ nhiệm, giao quyền hạn, chế độ tự chủ tài chính).
Có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động; tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình KH&CN; hoàn thiện hệ thống chức danh, chức vụ KH&CN.
Cần có những chính sách khuyến khích động viên cả về tinh thần cần đánh giá đúng, công bằng năng lực và cống hiến của các nhà khoa học thông qua hệ thống đánh giá (văn bằng, học vị, khả năng và thành tích hoạt động, lao động nghề nghiệp, giá trị sáng tạo); cần tôn vinh cống hiến của các nhà khoa học bằng những danh hiệu vinh dự, xứng đáng và các phần thưởng cao quý của Nhà nước; cần có nhiều hình thức động viên, khích lệ ở địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của họ.
Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học giỏi ở các nước có trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự tiên tiến; thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng phù hợp nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo VKTBKT trong Quân đội; tăng cường cử cán bộ đi thực tập sinh tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất VKTBKT ở các nước tiên tiến để học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm”. Cần có chiến lược phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả “nhân tài” trong nội bộ. Cần đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo trong khối quân sự. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, đóng góp về tài chính, nhân lực, vật lực cùng xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo và nghiên cứu và trong LVQP. Mặt khác cần đa dạng hóa các nguồn nhân lực thu hút từ bên ngoài thông quan các dự án, đề tài nghiên cứu, các hợp đồng thuê chuyên gia, các hợp đồng thuê khoán để khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài khối quân sự.
Cần chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế, đồng thời tiên phong mở mới một số chương trình đào tạo thí điểm ở Việt Nam mang tính liên ngành và ứng dụng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu.
Đặc biệt là với trường hợp HVPKKQ nên thành lập một trung tâm nghiên cứu KH&CN trực thuộc Học viện nhằm thu hút nguồn nhân lực dành riêng cho hoạt động NCKH để có thể khai thác được nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Học viện.