Tư tưởng khoan dung và nhập thế của Phật giáoViệt Nam truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của một số nhà tư tưởng việt nam đầu thế kỷ XX về phật giáo (Trang 28 - 32)

7 .Kết cấu của luận văn

1.2. Tiền đề hình thành quan niệm về Phật giáo ở các nhà tƣ tƣởng Việt Nam

1.2.1. Tư tưởng khoan dung và nhập thế của Phật giáoViệt Nam truyền thống

truyền thống

Muốn tìm hiểu căn nguyên của sự hình thành và phát triển của đặc điểm tư tưởng khoan dung và nhập thế của Phật giáo Việt Nam truyền thống, thì trước hết phải tìm hiểu điều kiện lịch sử Việt Nam, lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Thứ nhất, về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên: Việt Nam thuộc vị trí “ngã tư đường” giao lưu văn hóa và kinh tế Bắc Nam – Đông Tây, một vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp, gần gũi với nhiều luồng giao thương, giao lưu văn hóa các quốc gia Châu Á. Trong đó có hai quốc gia có nền văn minh lớn của nhân loại: Trung Hoa và Ấn Độ. Việt Nam có bờ biển dài dọc theo đất nước, rất thuận lợi cho sự giao lưu bằng đường biển với các nước lân cận, là cầu nối giữa các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) với các nước Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi trong việc giao lưu giữa các nước và các luồng tư tưởng văn hóa khác nhau, hình thành một thế ứng xử lối sống “mở”, nên các tôn giáo truyền thống cơ bản của Trung Hoa và Ấn Độ như: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đều du nhập rất sớm vào Việt Nam, mà các tôn giáo này mang đặc điểm tinh thần khoan dung, nên phía ngược lại người Việt, văn hóa Việt Nam cũng thấm nhuần và chịu ảnh hưởng từ tinh thần khoan dung trong các tôn giáo ấy, làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa khoan dung của mình.

Việt Nam cũng là một xứ sở mà người dân sống ở đó phải thường xuyên đối đầu với một môi trường tự nhiên đầy cam go, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thường xảy ra hạn hán, lũ lụt, vỡ đê, dịch bệnh…những việc một người không thể làm được, mà phải cần đến sức của nhiều người, đến cộng đồng. Do vậy, tính cố kết, tính đồng cam cộng khổ, khoan dung của người Việt được hình thành từ rất sớm. Người Việt rất coi trọng tình nghĩa láng giềng. Trong văn học dân gian của người Việt có rất nhiều câu thành ngữ diễn tả việc coi trọng tình làng, nghĩa xóm, cố kết cộng đồng như “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Lá lành đùm lá rách”…Từ đó tạo ra phong cách sống, lối sống trọng tình và nhu cầu về một cuộc sống hòa thuận là cơ sở cho sự hình thành tinh thần khoan dung trong quan hệ xã hội. Thêm nữa, vị trí địa lý của Việt Nam lân bang với một nước lớn, mà nước lớn đó lại luôn coi mình là trung tâm Thiên tử, luôn coi thiên hạ đâu đâu cũng là thấp, nhỏ phụ thuộc vào trong tay của họ. Nên, thế sinh tồn của dân tộc Việt Nam luôn phải đối chọi với một nước lớn. Cha ông chúng ta vừa lo dựng nước, vừa lo làm sao giữ được nước, tâm thế đó đòi hỏi con người phải cố kết cộng đồng để bảo vệ sự sinh tồn của mình và của dân tộc. Chính từ điều kiện lịch sử của dân tộc, một đất nước luôn phải chống thiên tai, địch họa mà đặc điểm khoan dung từ rất sớm đã trở thành một trong những đức tính tốt đẹp trong truyền thống dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Thứ hai, về điều kiện kinh tế: Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, nóng, ẩm, nhiều ao hồ nên thích hợp với nông nghiệp tiểu nông, nghề trồng trọt. Hoạt động kinh tế của người Việt cổ chủ yếu là nông nghiệp lúa nước, nên lao động, sản xuất lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, do đó, người Việt rất tôn trọng tự nhiên, hình thành tính cách sống hòa hợp với với thiên nhiên, gắn kết, hòa hợp con người với con người. Cũng vì cơ sở hạ tầng, phương thức nền sản xuất nông nghiệp lúa nước nên

con người không thể ruộng nhà ai nhà ấy cấy, nước nhà ai nhà ấy dùng, họ cần phải hỗ trợ, liên kết, dựa dẫm vào nhau để cùng lao động sản xuất, hình thành nên đặc trưng quan trọng của văn hóa nông nghiệp là coi trọng tập thể, cộng đồng. Nên, truyền thống khoan dung, thực tế tinh thần tương thân, tương ái và hòa hợp của người Việt rất cao.

Chính vì đặc điểm có cơ sở một nền kinh tế thuần nông, nên vai trò của phụ nữ được đề cao. Từ tâm lý coi trọng mẹ, người Việt đi đến những triết lý sống thiên về lực lượng Mẫu, Mẹ mà giới nghiên cứu văn hóa gọi là Mẫu tính trong văn hóa. Với khuynh hướng thiên về “Mẫu tính” ấy, hệ quả tất yếu của nó là lối sống tình cảm, mềm dẻo, khoan dung.

Thứ ba về cơ sở tâm lý, xã hội: Người Việt có cơ sở là nền nông nghiệp lúa nước nên có lối suy tư phồn thực, đề cao những yếu tố Sinh, Dưỡng, Dục, mà yếu tố đó là thuộc tính của “Mẫu tính”. Tính Mẫu có phần nổi trội đó là cơ sở tâm lý cho sự hình thành lối sống duy tình trong sinh hoạt. Nguyên tắc sống trọng tình là cơ sở tâm lý cho sự hình thành một cuộc sống hòa thuận, khoan dung, độ lượng trong quan hệ xã hội. Thêm nữa, người Việt không có quốc giáo, tín ngưỡng tôn giáo của người Việt cổ trước khi có các tôn giáo ngoại nhập là vật linh giáo, đa thần giáo, nên phần nào các tôn giáo mới ngoại nhập cũng có thể dễ dàng bén rễ và phát triển ở Việt Nam.

Như vậy, đặc điểm khoan dung trong tôn giáo, văn hóa của người Việt được đúc kết nên từ trong điều kiện lịch sử, tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tác động ngược đến đời sống tôn giáo trong đó có Phật giáo.

Việt Nam nằm ở cửa ngõ của sự giao lưu văn hóa khu vực: Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa…và sau này là văn hóa phương Tây. Chính vì vậy, đã tạo nên một nước Việt Nam là một quốc gia với nhiều tín ngưỡng và tôn giáo được du nhập từ bên ngoài. Các học thuyết, tôn giáo như Nho giáo – Phật giáo – Lão giáo, Công giáo khi du nhập vào Việt Nam đều bị “khúc xạ” mạnh mẽ bởi văn hóa Việt Nam. Những yếu tố tích cực trong tư tưởng khoan dung

của các học thuyết tôn giáo đó đều được nhân dân ta khai thác, làm bổ sung cho phù hợp với con người Việt Nam.

Phật giáo vốn là một tôn giáo nghiêng về xuất thế được truyền bá vào Việt Nam từ thời khoảng đầu công nguyên. Tinh thần khoan dung và nhập thế của Phật giáo do gắn kết với ý chí độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước tạo nên sức mạnh cho dân tộc hiên ngang, quật khởi chống lại nô dịch phong kiến phương Bắc, giành độc lập cho dân tộc. Lý thuyết về giải thoát cá nhân khỏi bể khổ của Phật giáo đã khúc xạ theo xu hướng nhập thế của văn hóa Việt Nam làm nên xu hướng Phật giáo là khuông phò dân tộc, là cứu nhân độ thế nơi trần gian. Đến thời Lý – Trần, các vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều là các vị vua uyên thâm về lý luận Phật giáo và là những người vận dụng nhiều tư tưởng của Phật giáo vào việc cai trị đất nước. Vua Lý Thánh Tông sáng lập Thiền phái Thảo Đường, vua Trần Nhân Tông lập Thiền phái Trúc Lâm. Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của đặc điểm Thiền Tông Việt Nam, dòng chảy chính trong tư tưởng Phật giáoViệt Nam.

Với sức tiếp thu mạnh mẽ của văn hóa bản địa nên tinh thần nhập thế đã hình thành từ khi đạo Phật mới du nhập và trong suốt thời gian tồn tại ở Việt Nam, Phật giáo bao giờ cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ độc lập tự chủ, Phật giáo đời Lý - Trần với đỉnh cao Thiền phái Trúc Lâm thì tinh thần nhập thế mới được đúc kết, phát huy cao độ. Những nội dung, tư tưởng của các đại diện tiêu biểu, Phật giáo qua các thời kỳ đã cung cấp những chỉ dẫn quan trọng cho các nhà tư tưởng, người cầm quyền trong các triều đại phong kiến vận dụng trong việc cai trị và quản lý đất nước. Nó không chỉ tạo ra bản sắc khoan dung và nhập thế của Thiền Tông Việt Nam mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị văn hóa – xã hội nước nhà.

Nội dung đặc sắc tư tưởng “tùy duyên lạc đạo” của Trần Nhân Tông không phải ngẫu nhiên xuất hiện mà tư tưởng về nó đã có cả quá trình phát triển trong lịch sử trước đó của Phật giáo Việt Nam. Nó được kế thừa từ sự đúc kết từ quan niệm tùy tục của Thường Chiếu rồi đến biện tâm của Trần Thái Tông, chuyển qua tiếp thu tư tưởng “hoa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Những tư tưởng trên dù có những điểm khác biệt nhưng cùng thống nhất ở mấy điểm: thứ nhất, nên sống hòa mình với đời; thứ hai, hành động tùy duyên không làm trái quy luật tự nhiên; thứ ba, tự tin vào mình, không tìm cầu tha lực; thứ tư, không nô lệ vào bất cứ cái gì.

Nhờ tinh thần khoan dung và nhập thế, ngay từ khi mới du nhập, và về sau Phật giáo đã được đông đảo nhân dân bản địa đón nhận và cải biến cho phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Lòng từ bi, khoan dung của nhân sinh quan Phật giáo đã thấm nhuần sâu sắc vào tư tưởng, tâm hồn người Việt, hòa quyện cùng tinh thần nhân văn yêu nước Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của một số nhà tư tưởng việt nam đầu thế kỷ XX về phật giáo (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)