Vài nét khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của một số nhà tư tưởng việt nam đầu thế kỷ XX về phật giáo (Trang 43 - 47)

7 .Kết cấu của luận văn

2.1. Quan niệm của Phan Bội Châu về Phật giáo

2.1.1. Vài nét khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu

Phan Bội Châu (tên là Phan Sào Nam) hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại quê ngoại làng Sa Nam, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học- đời đời theo nghiệp đọc sách. Thân sinh của Phan Bội Châu là cụ Phan Văn Phổ “một người thông nho” và sống bằng nghề dạy học. Thân mẫu Nguyễn Thị Nhàn là người phụ nữ “rất nhân từ ham làm ơn”. Cuộc sống tuy nghèo nhưng thân mẫu rất thương yêu bà con làng xóm, một đồng tiền bát gạo cũng chia sẻ cho nhau. Phan Bội Châu là người nổi tiếng thông minh, sớm có tinh thần yêu nước, thương nhân dân lao động và ý chí căm thù giặc sâu sắc. Lúc bốn, năm tuổi, chưa biết xem chữ, nhưng đã thuộc lòng được vài bài thơ Chu Nam, Kinh Thi. Lúc sáu

tuổi theo cha đến Thục quán để học. Bảy tuổi đã hiểu kinh truyện, đã có thể sử dụng khá thông thạo chữ Hán.

Năm mười sáu tuổi, ông đỗ đầu xứ, nên cũng có tên gọi là đầu xứ San. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, tỉnh Nghệ An cũng rơi vào tay giặc. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, “Thân hào Nghệ Tĩnh phụng chiếu xuất đế Cần Vương khởi nghĩa, dậy khắp mọi nơi”. Nhưng Phan Bội Châu đã nhận thấy sự yếu kém của phong trào Thân hào Nghệ Tĩnh. Phan Bội Châu cũng vì đại nghĩa nung nấu tổ chức ngay một hội “Thí Sinh Hội” gồm 60 người chuẩn bị lên đường ứng nghĩa giết giặc cứu nước. Nhưng chưa kịp hành động thì tan rã sau một trận địch kéo về làng càn quét. Công việc tuy chưa thành nhưng chí hướng diệt thù cứu nước của Phan Bội Châu đã chuyển mạnh từ đây. Thực tế đó giúp cho Phan Bội Châu có cái nhìn sâu sắc hơn về sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo ông muốn tập hợp quần chúng giải phóng dân tộc trước hết cần phải nâng cao trình độ, đúc kết kinh nghiệm và chăm lo tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Giai đoạn từ năm 21 tuổi cho đến năm 31 tuổi đây là giai đoạn Phan Bội Châu theo nghề dạy học, để có dịp “tu dưỡng” hòa mình trong quần chúng, “gây giống, trồng cây” tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho đồng bào và giáo dục rèn luyện những thanh niên ưu tú sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Có lẽ đây chính là thời gian mà ông nhận thức được thực chất của vai trò đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo lại với nhau.

Năm 34 tuổi ông dự kỳ thi Hương và đỗ thủ khoa trường Nghệ. Điều đó được ông xem là cơ sở, điều kiện, tiền đề cơ bản để khẳng định vị trí của mình trước quần chúng. Sau khi đỗ kỳ thi Hương, Phan Bội Châu chính thức tham gia vào hoạt động cách mạng trong điều kiện việc nhà ổn định, tâm trí lớn mạnh. Đó là lúc Phan Bội Châu kiên định lập trường và mục tiêu chiến đấu cho độc lập, tự do của nước nhà. Ông đã mang bầu máu nóng đi khắp Bắc, Trung, Nam, dùng thơ văn để cổ động lòng yêu nước, và kết nạp thêm

đồng chí, tập hợp thêm lực lượng. Ông đã thành lập hội Duy Tân (1904) chủ trương dùng đường lối vũ trang bạo động với chủ trương ngoại viện để đuổi giặc Pháp. Phan Bội Châu mong muốn khôi phục nước Việt Nam độc lập, tự chủ. Phong trào của Duy Tân Hội không chỉ là một tổ chức chính trị chặt chẽ với một tôn chỉ rõ ràng mà nó còn có một chương trình hành động cụ thể. Ngày 23 tháng 2 năm 1905 theo kế hoạch hoạt động của Duy Tân Hội, ông và các đồng chí lên tàu xuất dương Đông du. Phan Bội Châu và các đồng chí sang Trung Quốc rồi tiếp tục lên tàu đi Nhật. Hành trình đó của Duy Tân Hội nhằm tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Mục đích là tạo cơ sở vững chắc cho phong trào cách mạng Việt Nam, Phan Bội Châu đã về nước chọn những thanh niên ưu tú nhất xuất dương, những thanh niên có tinh thần yêu nước mãnh liệt, ham học, hiếu thảo, nhẫn khổ nại lao, cần cù, chịu khó, quyết tâm giành độc lập dân tộc cho nước nhà.

Theo Phan Bội Châu, nhân dân Việt Nam phải lĩnh hội những kiến thức khoa học tiến bộ, mới có thể thắng được chủ nghĩa thực dân. Với việc làm đó, Phan Bội Châu đã thu hút và bố trí được khoảng 200 thanh niên ưu tú tham gia học tập văn hóa, chính trị, quân sự ở các trường của Nhật. Sinh sống và học tập trên đất Nhật, ông cùng các lưu học sinh Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ…thành lập các hội có tính chất đoàn kết quốc tế, đoàn kết về mọi mặt đời sống vật chất đến tinh thần, không phân biệt đẳng cấp, màu da, không phân biệt văn hóa, đoàn kết cùng nhau chống lại bọn đế quốc. Điển hình như hội Điền Quế Việt Liên minh, hội Đông Á đồng minh…Nhưng vì lợi ích của chủ nghĩa đế quốc trong mối quan hệ Pháp – Nhật, thực dân Pháp đã gây áp lực buộc Nhật phải giải tán tổ chức Đông Du và trục xuất Phan Bội Châu ra khỏi nước Nhật. Sau khi bị trục xuất, Phan Bội Châu đến Trung Quốc và qua Xiêm (Thái Lan) tính kế lâu dài “gieo hạt giống cách mạng ở nơi non xanh nước biếc” ấy, để đợi ngày trở về nước hoạt động.

Tháng 10 năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công, đã thôi thúc Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc. Từ đó Phan Bội Châu quyết tâm xóa bỏ xu hướng quân chủ chuyển hẳn sang xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Phan Bội Châu giải tán Duy Tân Hội và thành lập Việt Nam Quang Phục Hội. Thời kỳ này các hoạt động chính trị, xã hội, tôn giáo ở Việt Nam diễn ra khá sôi nổi. Cũng như dựa trên cơ sở của sự phân hóa giai cấp và tình hình chính trị mới. Phan Bội Châu đã nhận thức được những chuyển biến của xã hội, đồng thời nhìn thấy được vấn đề tôn giáo đang trở thành vấn đề phức tạp nhất trong xã hội Việt Nam. Do vậy, bước đầu Phan Bội Châu đã thành công với những quan điểm tiến bộ về tôn giáo của mình.

Ngày 30 tháng 6 năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Chúng âm mưu thủ tiêu Phan Bội Châu nhưng kế hoạch không thành. Lo sợ nhân dân nổi lên chống án tử hình ông, nên thực dân Pháp buộc giam lỏng ông ở Bến Ngự (Huế) từ năm 1926 đến cuối đời (20/10/1940). Thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc và cách ly ông với phong trào cách mạng. Mặc dù vậy, với một tấm lòng yêu nước thiết tha, ông vẫn tìm cách lọc lựa trong di sản triết học Đông phương để đóng góp cho dân tộc. Ông chỉ rõ những yếu tố tôn giáo nói chung, của Phật Giáo nói riêng có ích cho quần chúng nhân dân. Ông vận dụng chúng khéo léo nhằm để nỗ lực duy trì cổ vũ lòng yêu nước thương nòi và tinh thần quật khởi cho nhân dân. Khi phải sống và bị quản thúc giữa mảnh đất kinh kỳ, nơi mà những giá trị, yếu tố văn hóa truyền thống lưu giữ bao đời nay vẫn còn ảnh hưởng lớn. Đặc biệt trong những năm 30 của thế kỷ XX có sự khởi phát của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở toàn quốc và tại Huế, thực tiễn phong trào đó đã tác động nhiều đến Phan Bội Châu, có thể thấy Phan Bội Châu tuy mất mùa “cách mạng” nhưng lại được mùa tư tưởng “thơ ca”. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, Phan Bội Châu đã đi từ quan niệm về vai trò tôn giáo nói chung, về Phật giáo nói riêng trong lịch sử dân tộc đến chỗ tiếp thu và

truyền bá nhiều nội dung đề cao tự do tôn giáo ảnh hưởng của tư tưởng khai sáng tư sản. Đặc biệt hơn Phan Bội Châu ít nhiều tiếp cận với cách lý giải về tôn giáo của chủ nghĩa Mác – Lênin để hướng tác động phong trào chấn hưng Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Quan niệm về Phật giáo của Phan Bội Châu không chỉ được hình thành và phát triển từ yêu cầu thực tiễn giải phóng con người đặt ra mà còn trên sự kế thừa, tiếp thu có tính chủ động, chọn lọc và sáng tạo những tinh hoa văn hóa phương Đông và cả tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Những tư tưởng, quan niệm của Phan Bội Châu đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử tư tưởng giai đoạn chuyển tiếp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Phan Bội Châu là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng bởi tấm lòng cao thượng và cuộc đời đầy hy sinh, nhiều nguy nan của ông cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người Việt Nam lúc bấy giờ. Ông không chỉ là nhà văn, nhà thơ, nhà yêu nước mà còn là nhà tư tưởng, nhà triết học, văn hóa học, xã hội học… Trên lĩnh vực tư tưởng ông là người có tư tưởng tiến bộ, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế xã hội, và là chiếc cầu nối tư tưởng tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở Việt Nam, góp phần chuyển biến tư tưởng Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của một số nhà tư tưởng việt nam đầu thế kỷ XX về phật giáo (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)