2 .Những cơ sở lý luận chung về stress
2.1.2 .Những mặt biểu hiện cơ bản chung khi bị stress
Stress có thể hoành hành theo nhiều cách, gây ra các hậu quả về mặt tâm lý và sinh lý. Nếu tiếp cận thường xuyên với stress, toàn bộ chức năng sinh học của cơ thể sẽ bị giảm sút bởi các loại hormone liên quan đến stress tiết ra không ngừng. Nếu bị stress lâu ngày, các mô cơ thể, như mạch máu và bộ phận tim có thể bị thoái hoá thực sự. Không kể đến các triệu chứng nghiêm trọng, rất nhiều cơn đau lặt vặt bao gồm : nhức đầu, đau lưng, ban ngứa ở da (skin rashes), khó tiêu, mệt mỏi và táo bón...gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.
Ngoài ra, stress cũng có thể dẫn đến một nhóm rối loạn bệnh lý gọi là các rối loạn cơ thể tâm thần (Psychosomatic disorders). Các dạng rối loạn bệnh lý này phát sinh do sự tương tác giữa các rối loạn tâm lý, tình cảm và cơ thể gây nên. Các rối loạn cơ thể tâm thần thường thấy nhất là loét bao tử (ulcer), hen suyễn, viêm khớp (arthritis), áp huyết cao và chàm (eczema).
Trên bình diện tâm lý, tình trạng có quá nhiều stress sẽ ngăn cản người ta đối phó đúng mức với cuộc sống. Nhận định về cuộc sống của họ có thể kém sáng suốt đi (ví dụ một lời phê phán không đáng kể của một người bạn cũng có thể làm cho họ mất bình tĩnh), và khi stress quá mức, các phản ứng xúc cảm có thể trầm trọng khiến ta không còn khả năng hành động gì cả. Hơn nữa, người bị quá nhiều stress sẽ dẫn đến giảm khả năng đối phó với các tác nhân gây stress mới nảy sinh.
Về lâm sàng, phản ứng stress cấp tính làm người bệnh hưng phấn quá mức cả về tâm lý lẫn cơ thể, với các biểu hiện: tăng trương lực cơ làm cho nét mặt căng
thẳng, cử chỉ cứng nhắc, có các cảm giác đau bên trong cơ thể; rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, huyết áp tăng, khó thở, ngất xỉu, vã mồ hôi, nhức đầu, đau nhiều nơi, nhất là đau các cơ bắp. Bệnh nhân bị tăng cảm giác (giảm ngưỡng kích thích của các giác quan), nhất là thính giác, làm cho tiếng động bình thường cũng trở nên khó chịu. Họ còn có biểu hiện rối loạn hoạt động trí tuệ (khó tập trung suy nghĩ do nhớ lại các tình huống stress), dễ nổi cáu, bất an, kích động, rối loạn hành vi và khó khăn khi giao tiếp với người khác; lo âu, sợ hãi, mơ hồ, trầm cảm, ý thức thu hẹp.(44)
Có khi sau stress, bệnh nhân trở nên bất động (sững sờ), mất phương hướng, không hiểu chuyện gì xảy ra, tiếp đến có thể bị kích động, bỏ chạy.Thời gian tiến triển nhanh từ vài giờ đến vài ngày.(47)
Như vậy, stress ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách, có thể tăng nguy cơ bị các bệnh tật cơ thể, cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh, hoặc cũng có thể làm cho khả năng phục hồi cơ thể thoát khỏi bệnh tật chậm hơn so với khi bình thường. Hoặc stress có thể làm giảm khả năng đương đầu với stress trong tương lai.( 44)