.Phân loại stress

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu stress ở những trẻ em vị thành niên qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trang 27 - 33)

2 .Những cơ sở lý luận chung về stress

2.1.3 .Phân loại stress

Có thể phân loại khác nhau về stress, nếu dựa vào những cơ sở khác nhau,và mỗi cách phân loại này đều có ý nghĩa nhất định.

a) Dựa vào tác nhân gây stress, người ta có thể phân ra stress vật lý, stress hoá lực, stress sinh lý, stress tâm lý.

b) Dựa vào thời điểm của yếu tố tác động gây stress có thể có:

- Stress quá khứ (khi nhớ về quá khứ tốt đẹp hoặc không tốt đẹp người ta có thể bị stress trở lại ví dụ như vô tình gặp lại những người quen trong quá khứ, những kỷ niệm với người đó lại hiện về có thể kỷ niệm tốt đẹp làm cho chúng ta cứ luyến

tiếc, hoặc những kỷ niệm là đau buồn làm cho chúng ta buồn rầu, đó chính là yếu tố gây stress ).

- Stress hiện tại: yếu tố gây stress đang tác động và phát huy tác dụng trong hiện tại gặp nhiều những biến cố không mong muốn và không chờ đợi khiến cho cơ thể không chuẩn bị sự đáp ứng, thích nghi dẫn đến stress .

- Stress tương lai : cá nhân bị stress khi nghĩ về tương lai (ví dụ những sinh viên năm cuối nghĩ về tương lai không biết mình ra trường đi đâu, về đâu, làm gì, cũng có thể bị stress).

c) Dựa vào cấp độ của stress, có thể phân ra stress sơ cấp và stress thứ cấp - Stress sơ cấp là: stress lần thứ nhất do yếu tố gây stress khách quan gây ra.

- Stress thứ cấp là : khi chủ thể đang ở trạng thái stress sơ cấp cho rằng có tình trạng như hiện nay là bởi lỗi lầm của mình, do đó rất ân hận, hối tiếc, giận bản thân làm cho stress tăng nặng thành thứ cấp.

d) Dựa vào mức độ, theo H.Selye phân ra stress bình thường (eustress) và stress khó chịu (distress):

- Stress bình thường (eustress).

Trong một tình huống stress bình thường, cơ thể phản ứng lại với tác động của môi trường bằng giai đoạn báo động và giai đoạn chống đỡ.

+Giai đoạn báo động: bị chi phối bởi sự cảnh tỉnh cao độ, kích thích các quá trình tâm lý, đặc biệt là quá trình tập trung chú ý, ghi nhớ, phán đoán, trong cơ thể triển khai những phản ứng đến trước đối với một tác động có thể xảy ra thể hiện bằng việc tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng nhịp thở, tăng lực cơ bắp. Các thay đổi tâm sinh lý này góp phần vào việc đánh giá tình huống stress và có được sự cân bằng mới đối với chính bản thân người đó, cũng như đối với môi trường xung quanh.

+Giai đoạn chống đỡ: Đặc trưng bởi việc huy động các đáp ứng thích hợp nhằm giúp cơ thể làm chủ được tình huống stress và có được một cân bằng mới đối

với chính bản thân người đó.Tuy nhiên, cường độ của stress có thể khác nhau, và động cơ cá nhân cũng có thể thay đổi. Như vậy, một hoàn cảnh gây stress bình thường có thể chuyển sang distress khi có sự thay đổi về một trong các cực của mối quan hệ qua lại giữa chủ thể và môi trường.

- Stress khó chịu (distress):

Phản ứng stress trở thành distress khi tình huống gây stress bất ngờ, quá dữ dội, hoặc ngược lại, quen thuộc nhưng lặp đi lặp lại, vượt quá khả năng thích ứng của chủ thể. Distress là stress có cả giai đoạn tiếp sau giai đoạn báo động và chống đỡ. Đó là giai đoạn kiệt sức với khả năng thích nghi bình thường bị thất bại.Trong distress, các rối loạn tâm lý, cơ thể và tập tính xuất hiện cấp diễn và tạm thời hoặc nhẹ hơn và kéo dài.

Distress cấp tính: Các biểu hiện của stress này thường gặp trong các tình huống không lường trước, có tính chât dữ dội, như lúc bị tấn công, gặp thảm hoạ, hoặc khi chủ thể biết mình hay người thân bị bệnh nặng nguy hiểm, khó cứu chữa (AIDS, ung thư..).Trong stress bệnh lý cấp tính, các phản ứng xúc cảm cấp diễn, tức thì.Trạng thái cấp tính của stress được đặc trưng bởi những biểu hiện như: lực cơ gia tăng được biểu thị rõ trên nét mặt căng thẳng, những cử chỉ cứng nhắc, không linh hoạt, kèm theo cảm giác đau do căng thẳng bên trong; có sự rối loạn thần kinh thực vật như: nhịp tim nhanh, cơn đau trước tim, cao huyết áp, khó thở, ngất xỉu, chóng mặt, ra mồ hôi, nhức đầu, đau ở nhiều nơi, nhất là ở các cơ bắp; phản ứng giác quan quá mức, nhất là tai có cảm giác khó chịu trước những tiếng động thường ngày. Distress cấp tính dẫn đến các rối loạn trí tuệ thể hiện ở việc khó tập trung suy nghĩ, kèm theo tư duy bị nhiễu do nhớ lại các tình huống gây stress.Những biểu hiện khác thường thấy là dễ cáu gắt, trên cơ sở cảm giác bất an có thể đưa đến những rối loạn trong hành vi, nhất là trạng thái kích động nhẹ kèm theo khó khăn trong quan hệ với những người xung quanh. Chủ thể ở trạng thái lo âu lan rộng, kèm theo sợ hãi mơ hồ. Phản ứng distress cấp tính thường kéo dài từ

vài phút đến vài giờ, rồi mờ nhạt đi. Sự có mặt của những người xung quanh, nhất là người thân sẽ làm cho chủ thể distress yên tâm hơn và khuây khoả ít nhiều tuỳ theo tính chất và tiến triển của stress.

Những phản ứng cảm xúc cấp tính xảy ra chậm: Trong trường hợp này, các rối loạn tâm sinh lý đều xảy ra chậm, chủ thể có vẻ chịu đựng và chống đỡ được với tình huống gây stress. Nhưng thực tế, các biểu tượng của tình huống gây stress vẫn tiếp tục phát huy tác dụng và từng bước xâm chiếm chủ thể. Giai đoạn chống đỡ của chủ thể tiếp diễn, nhưng chỉ tạo ra một sự cân bằng rất tạm thời, không bền vững, và chỉ kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, sau đó đột nhiên xuất hiện một phản ứng distress cấp tính xảy ra chậm, có biểu hiện và tiến triển giống như phản ứng cấp, tức thì, chứng tỏ về mặt tâm lý chủ thể không còn khả năng dàn xếp được tình huống stress nữa. Chủ thể bị suy sụp và mất khả năng bù trừ một cách chậm chạp.

Distress kéo dài: thường gặp nhất trong các tình huống stress quen thuộc lặp đi lặp lại, như xung đột, bất toại, phiền nhiễu trong cuộc sống hàng ngày. Nó có thể xảy ra tiếp theo như một phản ứng cấp ban đầu và không thoái lui hoàn toàn, hoặc sau một loạt nhiều phản ứng cấp nhưng không mạnh. Nhưng dù cho có nguồn gốc nào, những biểu hiện của stress kéo dài cũng rất đa dạng thay đổi tuỳ theo ưu thế của các biểu hiện tâm lý, thể chất và có sự pha trộn của nhiều hiện tượng khác nhau. Con người khi bị distress kéo dài thường phản ứng quá mức với hoàn cảnh xung quanh và đây là biểu hiện nổi trội nhất. Nó kèm theo với sự cáu giận, cảm giác khó chịu, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi về trí tuệ không thể thư giãn được. Ngoài ra, còn có biểu hiện về rối loạn giấc ngủ, như khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, hay thức giấc, và cảm giác không thấy phục hồi sau khi ngủ. Những rối loạn này tuỳ theo bối cảnh, tính chất cũng như mức độ lặp đi lặp lại của tình huống stress, có thể tiến triển thành trạng thái bi quan kéo dài, tính dễ cáu giận và sự căng thẳng

nội tâm. Chủ thể thậm chí có biểu hiện lo âu, ám ảnh sợ khi gặp lại những nơi đã gây nên tình huống distress, hoặc nhớ lại tình huống này.

Khi bị stress lâu dài, cơ thể thường có những rối loạn thực vật ở mức độ vừa phải, chúng chỉ tăng lên khi hồi tưởng về các tình huống stress, hay khi phải đương đầu với những tình huống đó. Chúng thường xuất hiện cùng với các rối loạn tâm lý và biểu lộ trong những lời than phiền của chủ thể về các rối loạn chức năng cơ thể. Đó là những than phiền về:

- Trạng thái suy nhược kéo dài;

- Căng thẳng cơ bắp với cảm giác bị chuột rút; - Chứng run và đổ mồ hôi;

- Nhức đầu do căng thẳng và đau nửa đầu kéo dài; - Đau cột sống dai dẳng;

- Đau vùng trước tim, huyết áp tăng và không ổn định; - Bệnh đại tràng chức năng;

- Đau bàng quang kèm theo nước tiểu trong;

Như vậy, dựa vào ảnh hưởng có lợi hay có hại của stress đối với cơ thể, người ta thấy có hai loại stress : Stress bình thường (eustress) là stress mà chủ thể có thể đối phó được; Đó là phản ứng stress thích nghi, loại stress này không thể thiếu được trong cuộc sống của người, không có stress này cơ thể sẽ chết. Distress xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng đối phó với tình huống đe doạ, cơ thể đã mất khả năng bù trừ để lấy lại cân bằng, hay nói cách khác, khả năng thích nghi bị rối loạn.(18,tr23-28).

e) Dựa vào đặc tính của stress người ta cũng chia ra làm 2 loại: Stress lạc quan (Positive) và stress bi quan (Negative).

- Stress lạc quan ( Positive) : Trong tính chất lạc quan, stress đưa đến những thử thách, kích thích, để tạo cho đời sống thêm phần thú vị, vui tươi, nhưng không làm tổn hại đến sức khoẻ. Theo các nhà chuyên môn, stress là một kinh nghiệm học

tập, giúp con người có cơ hội trưởng thành và phát triển. Ngoài ra, stress giúp tập trung sức lực nhằm vào mục tiêu, và thực thi, để tiến đến hiệu quả công việc, trong một thời gian ngắn nhất. Sau một tiến trình vội vã, đầy áp lực (stress), để hoàn thành công việc chúng ta dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, và thư giãn cơ thể, để phục hồi sinh lực thân tâm, nhằm chuẩn bị cho những thử thách sắp tới. Sự nghỉ ngơi, để phục hồi sinh lực, chính là một trong những yếu tố chính yếu của tính chất stress lạc quan.

- Stress bi quan: Trong tính chất bi quan, stress có liên quan đến việc gây nên nhiều bệnh chứng cho cơ thể như: nhức đầu, cao huyết áp, đau tim, nhức mỏi gân thịt, suy nhược thể chất và tinh thần…Khi cơ thể bị đặt trong tình trạng thử thách dài hạn, hoặc những kích thích ngắn hạn liên tục và thiếu thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thích đáng, stress là tiêu hao sinh lực, đưa cơ thể đến tình trạng kiệt sức và tổn hại sức khoẻ.(41)

g)Theo bác sĩ Đặng Phương Kiệt, có các mức độ stress như sau:

+Stress mức độ nhẹ: là mức độ mà bạn có thể cảm nhận như một thách thức và làm tăng thành tích.

+Stress mức độ vừa: là mức độ phá vỡ ứng xử và có thể dẫn đến những hành động rập khuôn, lặp đi lặp lại.

+Stress mức độ nặng: là mức độ dẫn đến ngăn chặn ứng xử và gây ra những phản ứng lệch lạc, dễ bối rối, giận dữ và trầm nhược.(27,tr39).

Chúng tôi nhận thấy ý kiến của bác sĩ Đặng Phương Kiệt đưa nhầm vai trò của stress vào mức độ, “Stress mức độ nhẹ: là mức độ mà bạn có thể cảm nhận như một thách thức và làm tăng thành tích” “ làm tăng thành tích” ở đây là vai trò của stress.

Tham khảo những ý kiến khác nhau đồng thời dựa vào số mặt biểu hiện của chủ thể khi bị stress, chúng tôi phân loại stress theo các mức độ như sau:

- Ít trầm trọng: stress chỉ biểu hiện ở một mặt, không kéo dài, nó chỉ như một thách thức và chủ thể có thể tự khắc phục được.

- Trầm trọng: stress biểu hiện ở hai hay một số mặt, dẫn đến hậu quả phá vỡ những ứng xử và có những hành động rập khuôn, lặp đi lặp lại trong một thời gian tương đối dài, phải khắc phục trong một thời gian nhất định.

- Rất trầm trọng: stress biểu hiện ở nhiều mặt, diễn ra trong một thời gian dài, dẫn đến hậu quả ngăn chặn những ứng xử phù hợp và gây ra những phản ứng lệch lạc, dễ bối rối, giận dữ, có thể có những hành vi tự huỷ hoại mình và người khác, phải khắc phục trong một thời gian rất dài.

Tuy nhiên chúng tôi áp dụng các tiêu chí này một cách linh hoạt, nhiều khi chúng tôi chỉ dựa vào 1 tiêu chí hay 2 tiêu chí để xếp loại mức độ, đặc biệt là dựa vào hậu quả, cách khắc phục và thời gian khắc phục. Bởi vì có những trường hợp chỉ biểu hiện ở một hoặc hai mặt nhưng phải mất thời gian dài mới có thể khắc phục được hậu quả. Những trường hợp này vẫn phải xếp loại stress ở mức rất trầm trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu stress ở những trẻ em vị thành niên qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)