.Những nguyên nhân gây stres sở tuổi vị thành niên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu stress ở những trẻ em vị thành niên qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trang 45)

Nguyên nhân gây stress ở tuổi vị thành niên bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

3.2.1. Những nguyên nhân chủ quan

a) Những chuyển biến sinh lý lứa tuổi

Ở tuổi vị thành niên diễn ra những thay đổi lớn về sinh lý. Các em tăng chiều cao, trọng lượng và sức khoẻ, phát triển tính dục và về vóc dáng. Các bé gái nở vú, bé trai vỡ giọng, mọc lông và những thay đổi xảy ra ở cơ quan sinh dục. Những thay đổi sinh lý này diễn ra trong một khoảng thời gian và có những mức độ khác nhau ở thanh thiếu niên khác nhau. Kết quả là có những vấn đề làm cho các em cảm thấy bối rối, ngượng ngùng, vụng về và không theo nhịp với các bạn cùng lứa tuổi nhưng phát triển ở mức độ khác.

Những sự gia tăng quan trọng và đầy ý nghĩa của các hooc môn tính dục xảy ra trong tuổi dậy thì. Điều này không những dẫn tới những thay đổi thân thể mà còn kích thích sự gia tăng bừng dậy, ham muốn và đỏi hỏi tính dục ở trẻ trai và trẻ gái. Những thay đổi này có thể là nguyên nhân khó chịu nơi vị thành niên. Do sự bừng dậy của động cơ tính dục, trẻ vị thành niên phải đối diện với những vấn đề tính dục cá nhân và nhận thức về giới tính của mình. Ở giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên, trẻ có khuynh hướng tạo mối quan hệ gần gũi với các bạn đồng giới. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của trẻ về các mối quan hệ đó.

b) Những chuyển biến tâm lý lứa tuổi

Tuổi vị thành niên không còn là tuổi trẻ con. Lúc này, một con người mới đang xuất hiện hình thành bản ngã mới.Trẻ vị thành niên nổi bật với phản ứng tình cảm và một cường độ cao về sự đáp ứng tình cảm. Điều này gây khó khăn cho vị thành niên trong việc kiểm soát và chỉnh sửa các đáp ứng về hành vi. Các kích động có giá trị tương đối nhỏ đối với người lớn có thể tạo ra chuyển biến tâm trạng mạnh mẽ ở vị thành niên khiến người vị thành niên phản ứng ở mức độ xúc động cao bất ngờ như: hung hăng, giận hờn, buồn bã, chán nản và bối rối. Rõ ràng là vị thành niên có một giai đoạn khó khăn trong việc đối phó với sự căng thẳng cao về cảm xúc và các phản ứng của mình.

Một xúc cảm lớn gây suy sụp ở tuổi vị thành niên ở giai đoạn đầu là sự xấu hổ. Các em thường cảm thấy bị trêu chọc, làm nhục, bối rối, cảm thấy chán ghét và xấu hổ về chính mình. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu tại sao có sự phát triển cơ chế phòng vệ mạnh mẽ, có thể là sự khước từ, chối bỏ, phóng ngoại và thu mình lại. Những cơ chế phòng vệ này giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của vị thành niên, khi các em phản ứng với hoàn cảnh và tác động qua lại với người khác. Thường các hành vi không thích hợp là do hậu quả của các cơ chế phòng vệ bản thân này xuất hiện từ bên trong.

c) Định hướng giá trị

Tuổi vị thành niên với vấn đề quan niệm sống là một yếu tố không nhỏ dẫn đến stress. Những quan niệm về hạnh phúc, tình yêu, tình bạn chi phối rất nhiều đến hành vi của các em. Quan niệm không đúng đắn sẽ dẫn đến hành vi buông thả đến khi xảy ra hậu quả không biết cách khắc phục như thế nào, khiến các em bị stress.

Nhu cầu giải trí cũng là yếu tố có thể dẫn đến stress đối với trẻ vị thành niên. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, tuổi vị thành niên được tiếp cận với nhiều loại hình giải trí khác nhau.Tuy nhiên có những loại hình giải trí không lành mạnh là nguyên nhân stress ở vị thanh niên (ví dụ các em có thể truy cập intenet một cách dễ dàng lại do tính hiếu kỳ của lứa tuổi dậy thì, các em truy cập vào các trang sex làm nhiều em bị ám ảnh bởi những hình ảnh đó không thoát ra được). Bên cạnh đó, các trò chơi game ngày một đa dạng, hiện đại, cuốn hút, khiến cho nhiều em lứa tuổi vị thành niên trở thành nghiện game có thể ngồi cả ngày không ăn uống để chơi, dẫn đến tình trạng suy yếu về sức khoẻ kiệt quệ về tinh thần và trở thành trầm cảm.

3.2.2 Những nguyên nhân khách quan

3.2.2.1.Yếu tố gia đình

a) Gia đình bất hoà

Gia đình, tự bản chất là một cộng đồng yêu thương. Cộng đồng này gồm nhiều thành viên khác nhau theo các mặt như: thế hệ, tính cách, giới tính, nghề nghiệp…Từ những sự khác nhau đó, gia đình cũng là nơi ẩn chứa nhiều mâu thuẫn.Tự nó, mâu thuẫn không tiêu cực, trái lại, có thể là điều tích cực nếu biết cách giải quyết. Nhưng nếu không biết cách giải quyết, mâu thuẫn sẽ kéo dài gây nên những căng thẳng, xung đột và là nguồn gây stress.

Bầu không khí tình cảm trong gia đình có ảnh hưởng phần nào đối với khả năng thích nghi của trẻ vị thành niên. Những gia đình có xung đột và bất hoà, có sự

giao tiếp kém, tính bao dung với hành vi của người khác còn thấp và thiếu kỹ năng giải quyết xung đột khiến vị thành niên có thể phải chịu những mức độ căng thẳng và lo âu, làm cho bước tiến thích nghi của tuổi vị thành niên gặp khó khăn. Một trong những chấn thương tâm lý đối với trẻ vị thành niên là phải chứng kiến bạo lực trong gia đình.

Những kỳ vọng của cha mẹ cũng quan trọng. Phần lớn cha mẹ kỳ vọng ở con mình trong độ tuổi vị thành niên về hành vi, niềm tin, thái độ, giá trị và việc chọn bạn. Kỳ vọng của cha mẹ cũng có thể về học vấn và công việc. Những kỳ vọng này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các em, nhiều khi sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ có thể tạo những cảm xúc tiêu cực và đẩy các em tới chỗ có hành vi chống đối xã hội.

Thách thức với vị thành niên là duy trì những mối quan hệ tích cực với cha mẹ trong khi hoàn thành những mục tiêu phát triển, một trong những mục tiêu đó, có phần nghịch lý là tách rời và cắt đứt quan hệ với cha mẹ.

Tuổi vị thành niên đang tìm kiếm sự độc lập, cho nên, các em thường nói chuyện với cha mẹ vào lúc thích hợp với bản thân chứ không phải đáp ứng theo yêu cầu của cha mẹ. Chính vì vậy, trong khi nhiều cha mẹ phê phán rằng các em đã không nghe lời, các em thì lại nghĩ cha mẹ không hiểu và không lắng nghe mình. Vì vậy, nhiều em đã thu mình lại vào thế giới riêng và trở nên cô độc trong chính tổ ấm gia đình.

Cha mẹ đặt nhu cầu của họ lên trên trong khi con cái của họ cần sự giúp đỡ, công nhận và ủng hộ để có hành vi tích cực. Làm thế, các bậc cha mẹ này tự đánh mất tình cảm của con cái họ. Hậu quả là các em sẽ tìm đến những phương cách mới để thoả mãn các nhu cầu của mình như: dính dáng vào ma tuý, gia nhập các nhóm bạn đồng lứa tuổi có những hành vi có nguy cơ phạm pháp.

Một số các bậc cha mẹ có đặc điểm chung là không nhận trách nhiệm về hành vi của họ, đổ tội cho con, không nhất quán, nói một đằng làm một nẻo, dùng

quyền lực đối với con cái, không tin cậy các con, ích kỷ và quá quan tâm đến nhu cầu của chính họ. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến vị thành niên bị stress nhiều nhất.

Sự phân biệt đối xử của cha mẹ đối với những đứa con trong gia đình, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự bỏ bê, không quan tâm cũng là một vấn đề khiến cho nhiều trẻ vị thành niên sống khép mình và mang thái độ giận hờn đối với người chăm sóc.

Mâu thuẫn giữa anh, chị em trong gia đình, sự tranh chấp quyền lợi, sự ganh đua với nhau cũng là vấn đề làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ vị thành niên có những trường hợp dẫn đến sang chấn tâm lý.

b)Gia đình bất thường

Vào lúc vị thành niên cố gắng tạo lập tính độc lập mà gia đình sụp đổ, chia ly, ly hôn, ly tán, có thêm thành viên mới, đó vấn đề gây “sốc”.Vị thành niên để xác định tính độc lập cần sự quan tâm về an toàn và yên ổn của gia đình mình.

Gia đình có người thân mắc vào các tệ nạn xã hội, bệnh tật ốm đau vị thành niên cảm thấy tù túng, bế tắc, không khí gia đình ngột ngạt, các em không còn ý chí vươn lên.

3.2.2.2. Yếu tố nhà trường

a)Mối quan hệ với thầy, cô giáo và những người liên quan trong nhà trường

Sự phân biệt đối xử của thầy, cô giáo tạo nên tâm trạng lo lắng của học sinh tuổi vị thành niên, các em cho rằng những cố gắng của mình không được các thầy, cô giáo ghi nhận, các em luôn là những người chịu thiệt thòi dẫn đến tâm trạng chán chường triền miên và không tìm thấy niềm vui trong học tập.

Sự thiếu tư cách sư phạm, thiếu nhân cách của một số thầy, cô giáo, nạn dạy thêm tràn lan, nhiều em không muốn học nhưng cũng phải đi vì sợ thầy, cô giáo “trù úm” khiến cho nhiều em hoang mang dẫn đến stress.

Những hình phạt nặng nề cho những vi phạm của các em học sinh như: đánh, chửi, bắt chép phạt bài nhiều lần, dọn nhà vệ sinh khiến cho các học sinh lo hãi và tủi nhục.

b)Bạn bè

Cùng với việc tạo thành tình bạn và các mối quan hệ gần gũi, phần lớn vị thành niên thích thuộc vào một nhóm mà các thành viên có cùng thái độ và sở thích. Ở trong các nhóm này, trẻ có những kỳ vọng mạnh mẽ rằng bạn của trẻ sẽ đáng tin cậy và trung thành với trẻ. Trẻ có khuynh hướng khó chấp nhận những hành động thiếu tôn trọng, trạng thái buồn rầu, tính bướng bỉnh, tự phụ, uống rượu quá nhiều và khoác lác. Trẻ lên án sự “ thay lòng đổi dạ” với bạn bè, đồng chí, từ chối sự giúp đỡ, ích kỷ và tham lam…Những hành vi ấy thường dễ gây xung đột và dẫn đến stress đối với vị thành niên.

Một nguyên nhân có thể dẫn đến stress của trẻ vị thành niên đó là mặc cảm tự ti, thua kém bạn bè. Hiện nay, sự phân hoá giàu nghèo ở xã hội ngày càng trở lên rõ rệt, nhiều em do điều kiện kinh tế của gia đình không đầy đủ như của bạn đã tạo nên những tâm lý ghen ghét đố kỵ.

Kết quả học tập giữa các bạn trong cùng một lớp, tâm lý ganh đua muốn mình là “số một” cũng là tâm lý nặng nề đối với trẻ.

Sự mất mát một người bạn, sự thay đổi chỗ ở của chính trẻ hay người bạn của trẻ tạo nên một sự hẫng hụt trong tâm lý của trẻ.

c)Học tập

Áp lực học đường là một vấn đề nổi cộm của xã hội hiện nay. Với chương trình học quá tải, các em không có thời gian để nghỉ ngơi, khiến nhiều em bị rơi vào trạng thái chán nản, thậm chí có những trường hợp tự tử vì không chịu được áp lực từ phía thầy cô giáo.

Căn bệnh thành tích của nhà trường, của thầy, cô giáo đã khiến cho nhiều em lo lắng và hoảng sợ khi không đáp ứng được những kỳ vọng của nhà trường và thầy, cô.

Sự giới hạn về kiến thức, với một số lượng kiến thức các em không thể theo kịp, các chương trình học gây cho vị thành niên nỗi ám ảnh mỗi khi tới trường

Áp lực trước những kỳ thi, sự lo lắng khi lựa chọn trường khi thi chuyển cấp, những hành vi tiêu cực tồn tại trong nhà trường như: chạy điểm, ép học thêm, … cũng là nguyên nhân dẫn đến các em bị stress.

3.2.2.3. Yếu tố xã hội

Trong xã hội ngày nay, với truyền hình và các phương tiện in ấn, vị thành niên phải chịu các áp lực cao về các kỳ vọng kinh tế xã hội. Các phương tiện truyền thông liên tục đưa lên những người mẫu và những người hấp dẫn có vẻ như có những tiêu chuẩn cao về của cải vật chất như quần áo và các vật sở hữu khác. Điều này sẽ gây nên tình trạng hoang mang, lo lắng cho những em khó kiếm được việc làm và phải đi lao động sớm.

Sự lo lắng trước những lựa chọn ngành nghề, sự thất nghiệp là những nguy cơ gia tăng rối nhiễu nơi vị thành niên. Các em dễ bị trầm cảm, có trạng thái tiêu cực, mất kiểm soát về hành vi và tình cảm.

Vị thành niên phải sống trong môi trường không an toàn, ô nhiễm tiếng ồn, không gian chật hẹp không có nơi vui chơi giải trí, vấn đề tắc đường ở các thành phố lớn, thiên tai lũ lụt nhất là những nơi kinh tế khó khăn, tệ nạn xã hội… là những mối đe dọa của lứa tuổi vị thành niên khi các em còn ít kinh nghiệm để chống đỡ nó.

Những bất ổn về tài chính, nhữmg bất ổn về kinh tế chính trị cũng là những vấn đề ảnh hưởng nhiều đến vị thành niên.

3.3.Ảnh hƣởng của stress đối với tuổi vị thành niên

a)Rối loạn hoạt động nhận thức

Biểu hiện của các rối loạn do hậu quả của các sự kiện gây stress trong đời sống có thể có nhiều dạng, phạm vi từ lo âu nhẹ đến loạn thần phản ứng.Trong “Phân loại bệnh tật quốc tế lần 10 (ICD-10)”, các rối loạn sự thích nghi được đặc trưng bằng các triệu chứng hành vi hoặc cảm xúc có ý nghĩa lâm sàng đáp ứng với một hoặc nhiều tác nhân gây stress tâm lý và xã hội có thể nhận dạng được. Các rối loạn này được phân biệt với một rối loạn stress cấp trên cơ sở cả hai thành phần tác nhân gây stress và các triệu chứng. (29,tr74)

Theo sách chẩn trị thống kê thực hành về các rối loạn tâm thần xuất bản lần 4 (Diagnostic and Statistical Munual of Metal Disonters, Fourth Edition (DSM-IV), rối loạn stress sau sang chấn thuộc nhóm những rối nhiễu lo âu. Một trong những nguyên nhân của nó là “cơ thể con người có phản ứng sinh học trước tác động của stress tâm lý. Cả hệ thần kinh tự chủ và hệ thống trục: vỏ thượng thận, tuyến yên, đồi thị đều liên quan đến những phản ứng stress của cơ thể” (16,tr58).

Phần lớn stress diễn biến cấp tính gây ra cảm giác khó chịu, chỉ làm phát sinh những cảm xúc tiêu cực và những nỗ lực làm giảm nhẹ cảm giác khó chịu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Những thay đổi nào trong cuộc sống gây ra stress có dính líu đến sự mất hoặc phải xa cách bạn bè và người thân thường là những tác nhân mở đường cho trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy, trầm cảm có khả năng phát sinh nhiều hơn nếu người đó bị bỏ rơi so với cuộc chia ly vì chính hành động của mình gây ra (Paykel,1973). (22,tr423-424)

Stress càng bất ngờ càng có cơ hội gây bệnh trầm cảm (16,tr59). Kinh nghiệm của các nhà tâm thần cho thấy: bệnh nhân trầm cảm thường kể về yếu tố gây stress trong thời gian ngay trước đó. Người ta cho rằng stress phổ biến trong trạng thái trầm cảm nhẹ hơn “trầm cảm phản ứng”. Vì quá phổ biến, stress có thể xảy ra đồng thời với khởi phát của trầm cảm (29,tr169).

Khi có tình huống gây stress tác động, chủ thể có cảm giác bất lực và mất khả năng kiểm soát thay thế vì né tránh. Dần dần, cảm giác bất lực này làm cho chủ thể mất năng lực và khả năng học cách phản ứng hữu hiệu với những tình huống gây stress có thể kiểm soát được(16,tr42).

b) Rối loạn cảm xúc

Dưới góc độ tâm lý, stress ở mức độ cao sẽ ngăn cản con người đương đầu với cuộc sống một cách phù hợp. Ở mức độ cao nhất, phản ứng cảm xúc nghiêm trọng đến nỗi con người không thể hoạt động được. Ngoài ra, bị stress nhiều sẽ làm cho chúng ta giảm khả năng ứng phó với tác nhân gây ra stress sau này

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu stress ở những trẻ em vị thành niên qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)