.Cách tiếp cận tâm lý học

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu stress ở những trẻ em vị thành niên qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trang 38 - 44)

2 .Những cơ sở lý luận chung về stress

2.3.3 .Cách tiếp cận tâm lý học

Cách tiếp cận này nghiên cứu mối quan hệ giữa nhân cách, sự mong đợi, sự lý giải biến cố cá nhân, xã hội và sự hình thành đồng thời giải đáp câu hỏi: stress làm thay đổi hành vi con người ra sao, cũng như các hành vi chống stress làm giảm ảnh hưởng và ngăn chặn stress tái xuất hiện như thế nào.

a)Mô hình phân tâm học(8,tr34;27,tr79-80;57,tr20-28)

Học thuyết của Sigmund Freud đã có nhiều cố gắng trong việc tìm cách lý giải cơ thể đáp ứng với stress. Freud mô tả hai loại: lo hãi tín hiệu và lo hãi chấn thương.

- Lo hãi tín hiệu: xuất hiện khi mối nguy hiểm khách quan bên ngoài xuất hiện. Nó tạo ra với đáp ứng đối phó với mối liên quan tác nhân gây stress, căng thẳng.

- Lo hãi chấn thương: lo lắng mang tính bản năng, phát sinh từ bên trong (các xung năng tình dục và bản năng hung hãn bị dồn nén) tạo sự căng thẳng đè nặng lên sinh hoạt nội tâm, tạo ra những triệu chứng tâm bệnh. Khái niệm “bảo tồn” cuả Freud cũng rất quan trọng. Đó là một quá trình thiết yếu biến năng lượng trong các cuộc xung đột tâm lý thành những triệu chứng cơ thể vô hại như giật cơ mặt..

Franz Alexander(1950), cũng là một nhà phân tâm học nổi tiếng, đã đưa ra quan điểm cho rằng một người bị mắc bệnh hen là nạn nhân của ba sự kiện tương quan với nhau.Trước hết, một nhược điểm do gen chi phối trong một cơ quan của cơ thể khiến nó có khả năng trở thành một cơ quan sẽ bị tổn hại nếu stress xảy ra.Thứ 2, một xung đột tâm lý đặc hiệu làm yếu đi hệ phòng vệ cá nhân nếu stress xảy ra.Thứ 3, một tình huống đe doạ nào đó xuất hiện. Nhìn chung thì stress trong cuộc sống, mối đe doạ, làm thức dậy xung đột chưa được giải toả (nguy cơ tâm lý) và ngược lại không có năng lực phòng vệ chống lại nó. Và hậu quả là mắt xích yếu nhất trong cơ thể, trong trường hợp này là hệ tiểu phế quản, biểu thị stress thành các cơn hen.(27, tr80).

b)Thuyết học tập (Learning Theory)

Thuyết học tập được coi như là sự giải thích về stress.Thuyết này sử dụng cả hai: mô hình điều kiện cổ điển của Ivan Pavlov và mô hình vận hành của B.F.Skinner.

J.Watson và Rayner (1920) làm thực nghiệm xem xét mối quan hệ giữa bé Albert (11 tháng tuổi) và một con chuột nuôi. Lúc đầu, bé không sợ chuột. Sau đó, Watson cho bé thấy con chuột cùng lúc với một tiếng động khủng khiếp. Albert biểu lộ sự hoảng sợ với tiếng động đó. Chỉ sau bảy lần lặp đi lặp lại, Albert hoảng sợ với tiếng động đó và sợ luôn con chuột, kể cả khi nó xuất hiện nhưng không có tiếng động nào xảy ra. Nỗi sợ cũng xuất hiện với một loạt các vật khác giống với con chuột như thỏ, áo khoác da hải cẩu, mặt nạ ông già Noel.

Hai khía cạnh của quá trình điều kiện hoá rất quan trọng trong thuyết stress là:

- Kích thích không điều kiện (con chuột) lúc đầu được xem là kích thích mới mẻ hoặc trung tính, sau đó sẽ trở thành điều kiện gây lo hãi.Về mặt chủ quan, con người sẽ trải nghiệm căng thẳng bên trong nếu đương đầu với một sự kiện gây sợ hãi. Nếu tình huống gây stress làm phát sinh lo hãi ở mức độ cao không thể xử lý được thì sẽ thúc đẩy ứng xử tránh né hoặc tháo chạy.

- Thứ hai: lo lắng có thể biết trước sẽ xảy ra khi điều kiện đầu tiên xuất hiện. Lo lắng có thể sinh ra dù chỉ nghe nói đến, nghĩ đến kích thích gây sợ hãi, thậm chí khi không có áp lực khẩn cấp nào. Nếu con người không thể điều khiển nỗi lo lắng, sợ hãi khi đối đầu với tình huống nguy cấp, thì cá nhân sẽ bị suy yếu.

Theo Skinner, khi hành vi tạo ra một kết quả tốt hoặc phần thưởng, hành vi này sẽ gia tăng. Khi nó tạo ra một kết quả bất lợi, hoặc trừng phạt, hành vi này sẽ giảm. Sự giải thích của ông nhấn mạnh vào sự đạt được hành vi thoát ly và hành vi điều khiển phân biệt. Hành vi thoát ly là một phản ứng vận hành, mục đích làm giảm nỗi sợ và lo lắng được báo trước. Nỗi sợ là cảm giác khó chịu làm tăng căng thẳng bên trong. Nói chung, bất cứ tình huống gây stress nào khó giải quyết hoặc tạo ra lo lắng tột độ đều thúc đẩy hành động thoát ly, làm giảm căng thẳng, khó chịu. (8,tr35;57,tr98-100)

c)Thuyết nhận thức

Theo các nhà lý luận nhận thức, con người vốn chủ động, quyết đoán, có lập luận. Họ nhận thức, xác định vấn đề, lưu giữ thông tin về kinh nghiệm đã trải qua và phục hồi, sử dụng thông tin đó theo nhiều cách khác nhau. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tạo ra stress và các chiến lược chống stress.

Quá trình rối loạn liên quan đến stress không chỉ có tác nhân kích thích và phản hồi mà còn có hai yếu tố cũng quan trọng trong quá trình ứng phó stress là khả năng đoán biết kích thích gây stress và ý thức kiểm soát các kích thích đó.

Kích thích được biết trước ít gây stress hơn kích thích không được biết trước.Tuy nhiên, khả năng kiểm soát kích thích còn quan trọng hơn việc biết trước đó (S.C.Thompson,1981).

Có nhiều thuyết nhận thức, nhưng nổi bật nhất vẫn là thuyết của Richard S.Lazarus (1978).Thuyết này có nguồn gốc từ nhiều lĩnh vực khoa học: nhận thức, nhân cách, xã hội, sức khoẻ, y khoa, hành vi…Lazarus cho rằng stress và sức khoẻ có ảnh hưởng qua lại. Stress có thể có tác động mạnh lên sức khoẻ, và ngược lại, sức khoẻ cũng có thể ảnh hưởng đến sức chịu đựng của con người.

Điểm chính của thuyết nhận thức là: stress không phải là một kích thích môi trường, một tính cách của con người; nó cũng không phải là một phản ứng, mà là một mối quan hệ giữa nhu cầu và sức mạnh liên quan đến nhu cầu (Coyne và Holroyd,1982). Phân tích mối quan hệ này, một số kết luận đã được rút ra là:

+ Sự kiện môi trường giống nhau có thể gây stress cho người này mà không gây stress cho người khác (ví dụ những kỳ thi là tác nhân gây stress đối với nhiều sinh viên nhưng lại có thể là những thách đố đầy hào hứng đối với những sinh viên đã chuẩn bị kỹ và lòng đầy tự tin). Chính quá trình đánh giá của cá nhân diễn ra trong một tình huống nhất định tạo nên hoặc không tạo nên stress chứ không phải do kích thích bên ngoài. Đánh giá của con người liên hệ mật thiết với văn hoá và giới tính.

+Một sự kiện có thể tạo ra stress trong thời điểm này nhưng không tạo ra stress ở thời điểm khác cho cùng một người. Lý do có thể là: do những thay đổi về mặt sinh lý, thay đổi trạng thái tâm lý, tình trạng thúc đẩy và tình cảm khác nhau qua thời gian. Điều này có thể tác động lên quá trình đánh giá.(57,tr22-27;49,tr237)

d.Thuyết nhân cách

Phân tâm học cố gắng thiết lập sự liên hệ giữa triệu chứng bệnh viện với bản chất của xung đột và kiểu nhân cách. Cách tiếp cận này thu hút nhiều nhà lý luận(49,tr229-237).

- Thuyết xác định kiểu nhân cách của C.Jung (26,tr81)

Theo C.Jung, nhà tâm thần học người Thuỵ Sĩ, một nhân cách phát triển hoàn bị là nhân cách trong tất cả năng lượng phát ra từ libido được phân phối đều cho các hệ thống. Nhưng, sự phân phối này thường không đều nên có sự căng thẳng.

Hai kiểu nhân cách, theo Jung, là hướng nội và hướng ngoại. Cùng trong một mối quan hệ gây stress, mỗi kiểu nhân cách sẽ sử dụng một cách thức khác nhau để đối mặt với nó. Khi người hướng ngoại bị stress, họ đi mua sắm, gặp bạn bè, hoặc thu xếp một bữa tiệc để thư giãn. Họ được tiếp thêm năng lượng và tìm kiếm ý nghĩa bên ngoài bản thân họ. Còn người hướng nội khi bị stress, mệt mỏi…họ tìm một chỗ yên tĩnh và chìm đắm trong hoạt động hồi tưởng phản ánh. Họ nhìn vào thế giới nội tâm để tìm kiếm năng lượng và ý nghĩa.

- Thuyết xác định kiểu nhân cách của Meyer Friedman và Ray Rosenman

Hai chuyên gia tim mạch Friedman và Rosenman (Mỹ) đã nhận thấy nhiều bệnh nhân tim có đặc điểm cá tính giống nhau và họ thường khó điều chỉnh nếp sống của họ theo cách có lợi cho sự phục hồi. Hai ông nhận thấy có một mối liên hệ theo một số kiểu xử sự theo thói quen và các bệnh có liên quan đến stress. Những người có nhóm như vậy được xếp là kiểu A, còn những người không có được xếp là kiểu B. Hai nhà tim mạch cũng thống kê rằng 50% dân số có nhóm hành vi kiểu A.

Theo Meyer Friedman và Ray Rosenman, những người có nhân cách kiểu A là những người thường xuyên phải vật lộn để vượt khó khăn trở ngại, có thể là những trở ngại thực sự nhưng cũng có thể phát sinh do trí tưởng tượng của họ.Trong những trở ngại về thời gian thường gặp nhất, thậm chí các bác sĩ đã đặt tên là “bệnh vội vàng”. Những người đàn ông có nhân cách kiểu A thường gia tăng ước muốn thành công trong công việc. Họ thường nóng tính, hay cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, hay nghi ngờ, có tính cạnh tranh, làm nhiều công việc một lúc và có thái

độ không thân thiện. Những người phụ nữ kiểu này cũng có hầu hết những đặc tính trên, chỉ có điều thường đối xử nhũn nhặn hơn đàn ông. Còn những người có nhân cách thuộc kiểu B là người thành công thậm chí thành công hơn những người có nhân cách kiểu A.

Friedman và Rosenman cho rằng những người có nhân cách kiểu A cũng có những nỗ lực nhằm đẩy lùi cảm giác bất an hay nghi ngờ bản thân. Nhưng những sự nỗ lực này lại tạo nên vòng xoắn làm tổn hại đến bản thân hơn. Người có nhân cách kiểu A thường “chọn” những tình huống có tính yêu cầu cao, hoặc tự đánh giá tình huống của họ có tính yêu cầu cao, mặc dù trên thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Họ có những phản ứng mang tính tiêu cực như tự thúc ép bản thân trước những tình huống này. Sự phản ứng này lại gây cho họ cảm giác bất an và dẫn đến stress.

Tiến sĩ Karen Matthews, trường Đại học tổng hợp Pittsburg, đưa ra sự so sánh thú vị về nhân cách kiểu A ở những người trưởng thành và ở trẻ nhỏ. Cũng giống người lớn, trẻ nhỏ có nhân cách kiểu A thường làm việc với cường độ cao, không kiên nhẫn và tính khí nóng nảy. Bà cũng quan sát thấy những nét nhân cách này được tạo thành do bố mẹ hoặc người lớn áp đặt ra cho trẻ những tiêu chuẩn quá cao, ví dụ nói với trẻ: “Con đang thực hiện tốt, nhưng lần sau cần phải nỗ lực hơn nữa”. Điều này khiến cho trẻ nản lòng và có cảm giác lạc lõng và mất niềm tin tưởng đối với xã hội. Hơn thế nữa, những tác động này còn có tính khuyếch trương: trẻ phản ứng với việc kết hợp sự đánh giá tích cực (“con đang thực hiện tốt”) và với sự hối thúc (“nhưng lần sau phải nỗ lực hơn nữa”) bằng việc tạo ra tính cạnh tranh cao và quyết liệt hơn. Điều này lại càng làm những đứa trẻ như vậy được đánh giá cao và càng bị hối thúc nỗ lực hơn nữa.(44).

Việc phân loại theo kiểu nhân cách này giúp giải thích vì sao một số người dễ mắc các bệnh liên quan đến stress. Tuy nhiên, sự phân biệt này không phải là tuyệt đối, phần lớn người ta sẽ ở vào khoảng giữa của hai thái cực này.

Ngoài ra, nhà tâm lý học Frank Farley (1990) còn nhắc đến nhân cách kiểu T (Thrill: rung động, cảm xúc, xảm giác mạnh) và phân biệt thành hai loại: kiểuT sáng tạo (xây dựng) và kiểu T phá hoại (có hành vi phạm tội, phá hoại, nghiện ngập). Nhân cách kiểu T và các ứng xử có liên quan đến kiểu T là những ví dụ về các biến cố điều tiết ảnh hưởng đến tâm lý học về stress(22,tr631).

Như vậy, stress đã và đang được hầu hết các nhà khoa học ở các nước nghiên cứu dưới cả hai góc độ lý thuyết và thực nghiệm. Điều đó diễn ra không chỉ trên từng lĩnh vực mà còn trở thành vấn đề nghiên cứu liên ngành: y, sinh học, tâm lý, xã hội…Thành công của các kết quả nghiên cứu trên đã góp phần đáng kể cho việc giảm bớt stress và hậu quả của nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu stress ở những trẻ em vị thành niên qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)