7. Bố cục của luận văn
2.2. Quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch tỉnh Ninh Bình những
2.2.1. Công tác quản lý nhà nước về du lịch
Thực hiện những chủ trương của Đảng bộ tỉnh về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm 2001 - 2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều biện pháp triển khai nhằm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh xuống đến huyện và bộ máy tổ chức quản lý tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của
tỉnh; đề ra nhiều chính sách liên quan đến công tác quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm đưa du lịch Ninh Bình đi vào hoạt động có hiệu quả hơn. Kết quả bước đầu đã xây dựng được các cơ chế, chính sách hợp lý đối với việc kinh doanh du lịch và tăng cường quản lý, giám sát được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Trong 10 năm đầu của thế kỷ mới (2001 - 2010), bộ máy quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện và nâng cao hiệu lực như: tinh giản biên chế, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí chủ chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tiến trình hội nhập. Ngay từ năm 2001 - năm đầu tiên của kế hoạch 2001 - 2005, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được điều chỉnh một cách có hiệu quả. UBND tỉnh đã ra quyết định về việc sát nhập phòng Nghiệp vụ với phòng Kế hoạch, thành lập Trung tâm xúc tiến và phát triển du lịch. Củng cố và sắp xếp lại các doanh nghiệp trực thuộc Sở Du lịch. Sát nhập xong Công ty Khách sạn Non Nước và Công Ty Du lịch Ninh Bình, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh mới, bước đầu thực hiện có hiệu quả.
Ngày 18/8/2005, căn cứ vào Thông tư số 48/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương, UBND tỉnh ra quyết định số 1806/2005/QĐ-UBND về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức và biên chế của Sở Du lịch Ninh Bình. Tiếp đó, ngày 3/8/2006, UBND tỉnh ra Quyết định số 1584/2006/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch tỉnh Ninh Bình. Việc cơ cấu lại tổ chức của Sở Du lịch và kiện toàn Ban quản lý nhà nước về du lịch là nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh du lịch Ninh Bình lên ngang tầm với các địa phương khác trong cả nước.
Năm 2008, thực hiện chủ trương của Trung ương, nhằm tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, ngày 3 tháng 3 năm 2008, UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 422/QĐ-UBND về việc hợp nhất Sở Thể dục Thể thao, Sở Du lịch và Sở văn hóa, Thông tin thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tiếp đó, ngày 16 tháng 10 năm 2009, theo chủ trương được đề ra tại Nghị quyết 15-NQ/TU, UBND tỉnh ra Quyết định số 399/QĐ-CT Về việc thành lập Hiệp hội Du lịch Ninh Bình. Hiệp hội ra đời với mục đích là tập hợp, liên kết các doanh nghiệp để hợp tác, hỗ trợ nhau trong kinh doanh, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm du lịch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, cùng nhau góp sức phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đối với các huyện, thị, UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Du lịch từng bước xây dựng hệ thống quản lý nhà nước về du lịch ở cấp địa phương, nơi có điểm du lịch, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch, quy hoạch du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đồng thời tích cực tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án phát triển du lịch, tạo điều kiện cho các chủ dự án đầu tư phát triển du lịch thực hiện đúng tiến độ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch ở các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh lưu trú. Năm 2004, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch làm tốt công tác chống khủng bố tại các điểm du lịch có nhiều khách quốc tế đến thăm quan. Hướng dẫn cho các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm túc quyết định số 894/QĐ-BCA ngày 27/8/2004 của Bộ Công an về tổ chức quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép nhập - xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan du lịch.
Đặc biệt, ngành du lịch Ninh Bình đã quan tâm, chú trọng hơn đến việc xây dựng cơ chế quản lý và mô hình quản lý các khu du lịch lớn. Thực hiện Luật Du lịch, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã mạnh dạn tiến hành
nghiên cứu áp dụng xây dựng mô hình ban quản lý khu du lịch để quản lý khu du lịch. Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động ra đời đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý, giải quyết những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm ở điểm du lịch Tam Cốc - Bích Động như tổ chức, sắp xếp, bố trí hợp lý các bộ phận: bán vé, điều hành đò, hướng dẫn, chụp ảnh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Năm 2007, gắn biển số đò cố định cho 650 chiếc thuyền. Hàng tháng, Ban quản lý tổ chức giao ban với công an và UBND xã Ninh Hải (Hoa Lư) đánh giá tình hình phục vụ khách, những việc đã làm được và chưa làm được đồng thời bàn biện pháp khắc phục những khó khăn tồn tại. Do đó, khách đến du lịch ngày một đông, hình ảnh khu du lịch xanh sạch đẹp đã được lập lại. Đối với khu núi chùa Bái Đính là một khu du lịch mới, đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình cũng đã xây dựng quy chế quản lý hoạt động bán hàng, xe ôm, chụp ảnh, trông giữ xe… Để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này, Giám đốc công an tỉnh đã ra quyết định thành lập cụm an ninh khu vực Bái Đính, gồm 5 - 6 cán bộ chiến sĩ công an chính quy, phụ trách cụm 4 xã Gia Minh, Gia Phong, Gia Lạc, Gia Sinh. Ngay sau khi thành lập, Cụm an ninh này đã tích cực phối hợp với công an các xã trong khu vực, nhất là công an xã Gia Sinh duy trì thường xuyên chế độ trực, bảo vệ tại địa bàn khu vực quanh núi chùa Bái Đính. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân, vấn đề văn minh du lịch tại các khu, điểm trên địa bàn tỉnh đang dần đi vào nề nếp.
Về việc xây dựng cơ chế thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch và doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, ngày 10/4/2002, UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 568/2002/QĐ-UB về việc ban hành Quy định về ưu đãi, đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Năm 2006, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1556/2006/QĐ-UBND cũng về vấn đề này. Theo đó các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch
trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt trước; ưu đãi về vốn đầu tư; ưu đãi lãi suất vay vốn, lãi suất cho thuê tài chính và phí cung cấp các dịch vụ của ngân hàng và các tổ chức tín dụng; ưu đã về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương; ưu đãi về thông tin quảng cáo; về thủ tục hành chính; hỗ trợ các dịch vụ xúc tiến kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, đối với một số dự án quan trọng có quy mô lớn, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh căn cứ từng trường hợp cụ thể và khả năng ngân sách của tỉnh để có những ưu đãi riêng và được báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
So với Quyết định số 568/2002/QĐ-UB thì Quyết định 1556/2006/QĐ- UBND có nhiều điều khoản khuyến khích và ưu đãi hơn đối với các nhà đầu tư. Nếu như những chính sách về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong Quyết định 568/2002/QĐ-UB chỉ áp dụng đối với các hình thức đầu tư mới, mở rộng, đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư thì theo Quyết định 1556/2006/QĐ-UBND, chính sách này được áp dụng với tất cả các nhà hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh đồng thời đưa ra nhiều ưu đãi hơn về thủ tục hành chính, về hỗ trợ dịch vụ xúc tiến kêu gọi đầu tư nhất là những ưu đãi đối với các dự án quan trọng có quy mô lớn.
Những Quy định này được ban hành đã có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch của các dự án đã được chấp thuận đầu tư trong lĩnh vực du lịch và việc sử dụng đất của các chủ dự án; thẩm định chất lượng các hạng mục công trình.
Đối với vấn đề quản lý các cơ sở lưu trú, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức thẩm định và tái thẩm định các cơ sở lưu trú du
lịch. Qua đó đã lập được danh sách chi tiết các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh.Nếu năm 2000 toàn tỉnh chỉ có 25 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 240 phòng ngủ thì đến tính đến 31/5/2010 toàn tỉnh đã có 126 cơ sở lưu trú du lịch với 2.377 phòng ngủ. Ngành du lịch cũng đã đã tiến hành phân loại hạng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 19 khách sạn 2 sao, 3 khách sạn 1 sao, 104 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, thực hiện tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về việc “tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác với các tỉnh bạn và nước ngoài để tạo thêm nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch.” [53, tr 2], ngành du lịch Ninh Bình trong giai đoạn này đã không ngừng tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong việc trao đổi kinh nghiệm, thông tin về công tác quản lý nhà nước, công tác quy hoạch, công tác quản lý các khu, điểm du lịch thông qua hội thảo, hội nghị, hội chợ trong nước và quốc tế.
Nhìn chung, những năm 2001 - 2010, các mặt quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã dần đi vào nề nếp, bộ máy tổ chức được điều chỉnh hợp lý. Đã tạo ra được cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn nhằm thu hút vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và kinh doanh du lịch tại Ninh Bình. Công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch được duy trì, chất lượng phục vụ, dịch vụ được nâng lên. Việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp đã làm tích cực và đang trong quá trình củng cố, phát huy kết quả.