7. Bố cục của luận văn
2.2. Quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch tỉnh Ninh Bình những
2.2.3. Đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển
phát triển du lịch
Việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được đầu tư xây dựng tích cực. Từ năm 2000 đến nay, với nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển du lịch đã được triển khai. Sự kết hợp giữa nguồn vốn địa phương và nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của Trung ương thật sự là “xúc tác” góp phần quan trọng trong việc tạo ra môi trường thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong công tác quy hoạch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã và đang tiến hành quy hoạch tổng thể (theo Quyết định số 2845 /QĐ- UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh) và quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, trong đó tập trung quy hoạch chi tiết Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; bổ sung một số dự án thành phần vào quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái Tràng An; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết Khu du lịch hồ Đồng Chương. Với các khu du lịch khác, khi chủ đầu tư lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều đã có phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sở Công thương cũng xây dựng xong đề cương, đề án quy hoạch hệ thống thương mại, quy hoạch hệ thống làng nghề phục vụ du lịch.
Về việc quy hoạch hệ thống cấp nước, đường điện, hệ thống xử lý rác thải tại các khu du lịch, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho các điểm dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn, trong đó có định hướng quy hoạch hệ thống cấp nước, đường điện, hệ thống xử lý rác thải.
Để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho các hoạt động dịch vụ du lịch, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lập đề cương và dự toán quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, rà soát bổ sung quy hoạch vùng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản.
Đối với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành và áp dụng các Quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu du
lịch trên địa bàn tỉnh (Quyết định 568/2002/QĐ-UB năm 2002 và Quyết định 1556/2006/QĐ-UBND năm 2006) nhằm tạo thêm sức hút đối với các nhà đầu tư. Tính đến giữa năm 2010, UBND tỉnh đã chấp thuận cho 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn là 9.267,714 tỷ đồng, riêng năm 2009 có 7 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn là: 1.428,587 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu là đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, khách sạn du lịch cao cấp, đầu tư phát triển các khu du lịch và khu vui chơi giải trí hiện đại nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho tỉnh, đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch. Hiện nay các dự án đang triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đã được phê duyệt. Nhiều hạng mục công trình của các dự án đã đưa vào khai thác sử dụng phục vụ khách du lịch, điển hình như:
+ Khu du lịch sinh thái Tràng An: Theo Quyết định số 865/QĐ-TTg năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, Tràng An sẽ cùng với Hạ Long, Cát Bà ở miền Bắc là những địa danh du lịch được đầu tư để trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Trong tương lai Tràng An sẽ trở thành khu du lịch tổng hợp lớn nhất Ninh Bình. Vì vậy, đây là khu du lịch đang nhận được nhiều quan tâm đầu tư nhất của Ninh Bình. Hiện nay, khu du lịch này đã cơ bản hoàn thành nâng cấp ở các phân khu chức năng. Đã nạo vét được 15 thung, tạo hai tuyến đường thuỷ trong khu hang động, đơn vị thi công vừa đón khách thăm quan vừa tiếp tục nạo vét các thung còn lại. Ở khu trung tâm, đã hoàn thành khu đón tiếp, bến thuyền, san lấp bãi đỗ xe và nạo vét tuyến đường thuỷ từ khu đón tiếp đến khu hang động Tràng An. Các khu dịch vụ, núi chùa Bái Đính, dự án thành phần cải tạo núi Rạch, núi Nghẽn, khu công viên văn hoá Tràng An, đơn vị thi công đang tích cực huy động nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
+ Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng tuyến đường từ Đình Các đến chùa Bích Động; sân bến thuyền cây Đa, bến xe Bích Động và bến thuyền Bích Động.
+ Trong vùng bảo vệ đặc biệt di tích Cố đô Hoa Lư, dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành được triển khai thi công từ tháng 11-2009, đến năm 2010 các hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Việc thám sát, khai quật khảo cổ học tại Trung tâm Cố đô Hoa Lư đã có báo cáo kết quả khai quật. Dự án xây dựng đường bao hào nước, dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích có nhiều hạng mục hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế ở thành phố Ninh Bình triển khai vào tháng 10-2009, giai đoạn I tập trung vào xây dựng khu Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, giai đoạn II gồm các hạng mục còn lại, dự kiến hoàn thành bàn giao vào cuối năm 2011.
+ Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã hoàn thành việc nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn; bảo tồn và phát triển đàn dê bản địa, hoàn chỉnh bến xe Gia Vân và đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch. Ngoài những dự án đầu tư trong nước, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long còn có dự án FDI. Đó là dự án khu du lịch sinh thái Đông Phương Sư (100% vốn của Đài Loan), tổng vốn đầu tư là 32 triệu USD ( tại Vân Long, Gia Viễn).
+ Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tuyến du lịch đường thủy Bích Động- Hang Bụt, Thạch Bích - Thung Nắng, cơ sở hạ tầng Khu du lịch các làng nghề truyền thống cũng đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào khai thác.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư cải thiện là đệm phóng cho những dự án đầu tư của khu vực tư nhân. Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như ở trong nước đang liên tiếp đăng kí đầu tư. Hiện nay, các dự án đang được triển khai thực hiện đầu tư theo đúng tiến độ, nhiều hạng mục công trình của các dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ khách du lịch hiệu quả.
Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn được xây dựng, chỉnh trang, tu bổ tạo diện mạo hoành tráng, ấn tượng như Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, đem lại lợi ích thiết thực để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh
Cùng với đó, trong thời gian qua, ngành du lịch Ninh Bình đã không ngừng nâng cấp, xây mới khách sạn, nhà nghỉ nhằm kịp thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch. Vì vậy hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô. Nếu như năm 2001, cả tỉnh mới chỉ có 28 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 2 sao thì đến năm 2010, toàn tỉnh đã có 126 cơ sở lưu trú với 2.377 phòng nghỉ tương đương 4.227 giường. Trong đó có 22 cơ sở lưu trú được công nhận đạt loại hạng từ 1 đến 2 sao, chiếm 17,46% tổng số cơ sở lưu trú hiện có. Hiện nay, khu dịch vụ khách sạn cao cấp có một số dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư như Dự án xây dựng khu nhà hàng ẩm thực và vui chơi giải trí cao cấp của Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Du lịch Minh Thiết, tổng vốn đầu tư 177 tỷ đồng, quy mô công suất phục vụ 350 nghìn lượt người/năm; Dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch cao cấp Thanh Hải, tổng vốn đầu tư trên 209 tỷ đồng; Dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Toàn Cầu với tổng vốn đầu tư 579 tỷ đồng… Theo dự kiến, đến năm 2015, tỉnh sẽ có thêm 20 khách sạn trong đó có 4 khách sạn lớn tiêu chuẩn 4-5 sao...
Riêng đối với khu vực thành phố Ninh Bình, ngày 12 tháng 12 năm 2008, Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết số 13/2008/NQ-HĐND về việc
ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào Khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình. Nhờ đó, tính đến năm 2010 trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã kêu gọi được 4 dự án nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao, tổng mức trên 780 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện ngay quy hoạch khu dịch vụ khách sạn cao cấp tại thành phố Ninh Bình. Điều này khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, thiếu vắng những khách sạn cao cấp trên địa bàn, nâng cao khả năng lưu trú, đáp ứng nhu cầu
phục vụ du khách đến tham quan, tăng nguồn thu du lịch và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Khu dịch vụ khách sạn cao cấp được quy hoạch tại phường Ninh Khánh với trên 22 ha, chia thành 8 lô, lô có diện tích rộng nhất trên 21.000 m2. Trong tổng thể của dự án, mật độ xây dựng từ 25- 45% diện tích lô đất, số tầng từ 8 - 25 tầng, tạo sự thông thoáng và là điểm nhấn cho trung tâm thành phố.
Giá phòng trung bình của các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nhìn chung không cao lắm, đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch và tương đối cạnh tranh so với hầu hết các địa phương khác trong vùng. Tính đến năm 2010, bình quân số khách lưu trú tại Ninh Bình đạt 1,5 ngày.
Về hệ thống các cơ sở ăn uống phục vụ du lịch, năm 2005 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 35 cơ sở phục vụ dịch vụ ăn uống cho khách du lịch với sức chứa 7.710 ghế thì đến năm 2010 đã tăng lên 140 cơ sở phục vụ ăn uống với hơn 9.000 chỗ ngồi. Các cơ sở này đều phục vụ đa dạng các món ăn từ cao cấp đến bình dân. Ngành du lịch Ninh Bình đã chú trọng đến việc đưa các món ẩm thực mang sắc thái riêng của quê hương như: thịt dê, cơm cháy… vào phục vụ du khách. Hệ thống các cơ sở dịch vụ này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng ấn tượng đối với khách du lịch khi đến Ninh Bình.
Về các khu vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ trợ, ở Ninh Bình, các khu vui chơi - giải trí - thể thao chưa phong phú. Đó là một nguyên nhân chính không giữ được khách lưu lại dài ngày. Hiện nay, tình trạng này đang dần được cải thiện. Nếu như năm 2005, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 bể bơi, 2 sân tennis, 65 phòng xông hơi - massage thì năm 2010, Ninh Bình đã có 8 bể bơi, 1 sân golf, 48 sân tennis, 82 phòng xông hơi - massage - vật lí trị liệu. Một số cơ sở vui chơi giải trí mới thành lập như Club Number One City, Trung tâm giải trí Newstar, Massage Kinh Đô, Massage Hương Trà, Khu nghỉ dưỡng tắm ngâm nước khoáng Kênh Gà,… đã bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch
Ngành du lịch Ninh Bình cũng đẩy mạnh quan tâm đến các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Ngành chức năng đã tổ chức điều tra, khảo sát về hoạt động của các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, như đá mỹ nghệ, thêu ren, cói, rượu Kim Sơn; xét chọn công nhận danh hiệu làng nghề, nghệ nhân cấp tỉnh; vận động các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống tham gia các triển lãm làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh.
Hệ thống giao thông cũng được chú trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải; quy hoạch chi tiết giao thông đô thị thành phố Ninh Bình, mạng lưới bến xe, giao thông đường thuỷ nội địa, quy hoạch các điểm đầu mối và các tuyến Quốc lộ trên địa bàn; nhà ga đường sắt cao tốc và đề nghị Chính phủ cho phép lập quy hoạch xây dựng sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng Tràng An, Ninh Bình. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công khẩn trương xây dựng các dự án, hạng mục, đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn I của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình; tập trung nâng cấp cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ; dự án ĐT 477 và cầu Trường Yên.
Các cơ sở kinh doanh theo hình thức siêu thị cũng ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, tạo tiền đề xây dựng ngành dịch vụ văn minh, hiện đại.