Chương 3 : MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu và những vấn đề đặt ra
3.2.1. Một số kinh nghiệm chủ yếu
Trong 15 năm qua (1996 - 2010), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, ngành du lịch Ninh Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển vững chắc và thu được những thành tựu đáng khích lệ. Mặc dù
còn tồn tại những hạn chế nhất định, song quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu:
Một là, phải bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương để đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiê ̣n cụ thể của tỉnh.
Trong quá trình đổi mới đất nước nói chung và phát triển các ngành kinh tế nói riêng, Đảng ta luôn giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối với việc hoạch định những đường lối chiến lược cho sự phát triển phù hợp với yêu cầu của đất nước. Những năm qua, cùng với các ngành kinh tế khác, du lịch đã nhận được không ít sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế. Đây là một chủ trương vô cùng đúng đắn, phù hợp với những lợi thế vượt trội về cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử văn hóa của đất nước cũng như xu thế phát triển chung của thời đại.
Nắm vững tinh thần đó, các địa phương trong cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng đã tiếp tục phổ biến và quán triệt các Nghị quyết Trung ương Đảng, các Chương trình hành động quốc gia về du lịch, các quy định của Luật du lịch 2005 sâu rộng tới các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch và người dân tại các địa phương có khu, điểm du lịch. Coi đây là một việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch trên toàn tỉnh có thể nắm rõ các chính sách của Đảng và Chính phủ, từ đó, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế du lịch trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Đồng thời, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình cùng với các ban ngành có liên quan cần phải thống nhất chủ trương từ Trung ương đến cơ sở, thực hiện triển khai bằng việc ra các Nghị quyết chỉ đạo cụ thể phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đi liền với đó là việc các cấp lãnh đạo, các ban ngành có liên quan phải luôn luôn đề cao vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đến việc phát triển kinh tế du lịch, coi đó là một việc làm thường xuyên, không thể thiếu để tạo ra môi
Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và vận dụng đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Trung ương để Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đề ra phương hướng lãnh đạo, cơ chế sát đúng với tình hình của địa phương là một bài học kinh nghiệm mang tính chủ đạo.
Hai là, có những Nghị quyết, kế hoạch cụ thể và sâu rộng hơn nữa đối với tất cả các mặt, các lĩnh vực của hoạt động kinh doanh du lịch.
+ Tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chấn chỉnh, đưa các hoạt động kinh doanh du lịch (lưu trú, ăn uống, lữ hành, giải trí...) đi vào nề nếp. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình cần có biện pháp kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh xuống đến huyện, bổ sung biên chế chuyên trách về du lịch tại phòng kinh tế huyện. Kiện toàn và hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Thành lập các Ban quản lý du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở kinh nghiệm và mô hình thành công của Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động với các chức năng nhiệm vụ chủ yếu như quản lý và bảo vệ tài nguyên du lịch theo quy hoạch, quản lý quy hoạch và các hoạt động đầu tư xây dựng trong khu du lịch, quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên kinh doanh du lịch, quản lý và điều tiết các nguồn thu từ vé danh lam, phí khai thác tài nguyên nộp vào ngân sách tỉnh, cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch đủ điều kiện.
+ Chú trọng hơn nữa đến việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để tăng khả năng cạnh tranh.
Kinh nghiệm phát triển du lịch ở Ninh Bình trong những năm qua cho thấy, xúc tiến, quảng bá là tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch, cần được tiến hành một cách khoa học, chuyên nghiệp, sâu rộng và thường xuyên. Vì vậy, ngành du lịch cần phải có thêm nhiều hình thức truyền tải thông tin đến với du
khách, làm cho những ai từng đến và chưa một lần đến với Ninh Bình đều có chung những dấu ấn tốt đẹp về vùng đất ken dày di tích lịch sử và danh thắng. Đồng thời, cần tích cực cập nhật và cung cấp thông tin cho phóng viên, báo, đài Trung ương và địa phương, ra bản tin du lịch theo định kỳ nhằm giới thiệu đầy đủ hơn tiềm năng, thế mạnh, những đổi mới trong đầu tư, phát triển và kinh doanh du lịch của địa phương. Mặt khác, vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền, quảng bá ở tầm vĩ mô và quảng cáo ở tầm doanh nghiệp thật sâu, rộng cả trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức, thành những chiến dịch, quy mô lớn, tập trung vào những thị trường trọng điểm để phát động, củng cố và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, muốn tăng cường thu hút khách du lịch, với số lượng nhiều, thời gian lưu trú lâu và mức chi tiêu cao, phải nghiên cứu thị trường tỷ mỷ, hệ thống, làm cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, đa dạng, giá cả phù hợp khả năng thanh toán của khách. Đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với việc bảo vệ môi trường, du lịch văn hóa tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống, du lịch thể thao, mạo hiểm gắn với hệ thống các núi đá, hang động; các món ăn đặc sản và các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống để làm quà lưu niệm cho khách du lịch.
+ Có các chính sách cụ thể về việc phát triển du lịch gắn vớ i đảm bảo tính bền vững từ góc độ về kinh tế, tài nguyên - môi trường, văn hóa - xã hội.
Gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như bảo tồn giá trị cảnh quan là những yếu tố mang lại sự phát triển bền vững cho hoạt động du lịch. Du lịch Ninh Bình đã xác định các giá trị về văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc đang sinh sống tại đây, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống… là các động lực quan trọng để thu hút khách. Do vậy, phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường xã hội, ngăn chặn và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động du lịch tác động đến môi trường xã hội, thuần phong mỹ tục. Đảng bộ tỉnh cần có những chính sách
ưu tiên phát triển đối với các sản phẩm du lịch dinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch văn hóa,… góp phần bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phát triển du lịch. Đặc biệt, phải quán triệt sâu sắc quan điểm này tới các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, khắc sâu ý thức đảm bảo môi trường trong phát triển du lịch là yếu tố sống còn của du lịch Ninh Bình.
Ba là, phát triển du lịch phải dựa trên cơ sở phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho du lịch.
Đối với các ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, việc đẩy mạnh phát triển trên cơ sở phát huy nguồn nội lực vốn có đem lại sự phát triển bền vững. Giai đoạn 1996 - 2000, trong điều kiện tỉnh vừa được tái lập chưa lâu nên chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, nhưng từ năm 2001 đến nay, khi những khó khăn đã tạm lắng, nền kinh tế đã đi vào phát triển ổn định hơn, để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đảng bộ tỉnh đã có những giải pháp tích cực để huy động tối đa nguồn vốn, tập trung cho phát triển du lịch. Đáng chú ý là nguồn lực của các doanh nghiệp trong tỉnh và nguồn lực từ trong dân. Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hóa đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách có tác dụng thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào lĩnh vực kinh doanh du lịch. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ bổ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài; giữa tư nhân với Nhà nước.
Bốn là, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế du lịch phải quan tâm đến việc tăng cường hợp tác, liên kết vùng.
Du lịch là ngành kinh tế mang tính liên vùng vì vậy phối hợp liên kết vùng là hướng mở phát triển du lịch cho các địa phương nói chung và Ninh Bình nói riêng. Du lịch Ninh Bình là một cực của Trung tâm du lịch Hà Nội - phụ cận, ngoài ra mối quan hệ giữa du lịch Ninh Bình với du lịch các tỉnh duyên hải Đông Bắc, với các tỉnh miền Trung và miền Nam theo trục quốc lộ 1A không thể thiếu được trong hướng phát triển du lịch tỉnh những năm tiếp theo. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh phải có tầm nhìn chiến lược, thấy được tầm quan trọng của mối liên kết này, sớm đề ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời trong việc xây dựng các tours và sản phẩm du lịch, trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ… Phải tạo thành “sân chơi chung” cho du lịch các tỉnh trong khu vực để vươn lên nhiều mặt.
Năm là, phát triển du lịch phải gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Phát triển du lịch phải luôn dựa trên phương châm bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Tại các khu, điểm du lịch, không thể để diễn ra tình trạng lộn xộn và phải có biện pháp đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Quan điểm này cần được quán triệt đầy đủ trong việc đưa ra các định hướng mang tính chiến lược và các đề xuất, giải pháp về tổ chức, quản lý, thiết kế, quy hoạch, tổ chức không gian, phân tích, đánh giá thị trường… để hình thành và phát triển các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Mỗi năm một bước đi, trăn trở, tìm tòi, khi chậm, khi nhanh nhưng với những kinh nghiệm đã có được, trong thời gian tới, ngành du lịch cần nỗ lực vươn lên mạnh mẽ để làm chủ vận hội, đưa du lịch Ninh Bình vào thời kỳ tăng tốc để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từ đó tạo dựng một thế đứng vững vàng trong "làng" du lịch quốc gia.