Những vấn đề đặt ra

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình lãnh đạo kinh tế du lịch của đảng bộ tỉnh ninh bình từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 112 - 161)

Chương 3 : MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu và những vấn đề đặt ra

3.2.2. Những vấn đề đặt ra

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, luận văn xin đưa ra một số kiến nghị, giải pháp đối với sự phát triển kinh tế du lịch ở Ninh Bình như sau:

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa hiệu quả tổ chức chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng nói chung và Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nói riêng đối với vấn đề phát triển kinh tế du lịch.

Các cấp ủy và tổ chức Đảng phải đặc biệt coi trọng công tác tổ chức chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đề ra các chương trình, kế hoạch hoạt động, các nội dung, nhiệm vụ cần sát đúng với tình hình cụ thể của địa phương, khắc phục tình trạng dập khuôn, sao chép một cách máy móc.

Song song với công tác chỉ đạo trên, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn chỉnh quy hoạch, tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Thứ hai, có những cơ chế chính sách hợp lý về thuế, về đầu tư, về thị trường và về tổ chức quản lý.

Kinh nghiệm thực tế trong những năm qua cho thấy vai trò quan trọng của cơ chế chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của từng ngành kinh tế nói riêng trong đó có du lịch. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, khi Việt Nam đang hội nhập với trào lưu phát triển ở khu vực và trên thế giới. Để đảm bảo sự phát triển du lịch của Ninh Bình với các mục tiêu đã đề ra, phải tập trung nghiên cứu một số cơ chế, chính sách cơ bản sau:

+ Cơ chế chính sách về thuế phải phù hợp với đặc thù địa phương và chính sách chung của Nhà nước trong đó có sự ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế có giới hạn nhằm thay đổi cơ cấu đầu tư vào các khu vực còn hoang sơ, đặc biệt ở Kim Sơn, Tam Điệp; các hình thức và kinh doanh du lịch

mới mẻ có khả năng tăng thời gian lưu trú của khách, tăng vốn đầu tư, hấp dẫn với cộng đồng dân cư.

+ Cơ chế và chính sách đầu tư: trên cơ sở luật pháp và tình hình thực tế của địa phương, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các chủ thể địa lý hành chính, chủ thể có quyền sử dụng đất, tài nguyên du lịch được trực tiếp hoặc cùng phối hợp khai thác, đầu tư, kinh doanh du lịch không giới hạn ở các ngành nghề chuyên môn. Có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư.

Một trong những nội dung quan trọng của các cơ chế, chính sách này là đảm bảo được sự công bằng và điều hòa quyền lợi trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh giữa các chủ đầu tư, chủ thể quản lý lãnh thổ hành chính, chủ thể có quyền quản lý sử dụng tài nguyên du lịch, tài nguyên đất, rừng… và cộng đồng dân cư địa phương.

Ngoài ra, cơ chế chính sách này còn đảm bảo có được cơ chế đặc biệt và hành lang pháp lý không chỉ phù hợp với luật pháp Việt Nam, mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Có như vậy, du lịch Ninh Bình nói riêng, du lịch cả nước nói chung mới có được môi trường thuận lợi để hội nhập với sự phát triển chung về du lịch ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Có cơ chế chính sách về thị trường thích hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của các thị trường.

Đối với thị trường nước ngoài, trước mắt, cần phối hợp với các địa phương trong vùng nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh hải quan đới với thị trường tiềm năng là Châu Á - Thái Bình Dương mà trước mắt là các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước ASEAN và Trung Quốc. Tiếp theo đó, thị trường ưu tiên là Tây Âu và trong tương lai là Tây Âu, Bắc Mỹ. Kèm theo các cơ chế, chính sách trên là các cơ chế, chính sách về dịch vụ bảo

hiểm, dịch vụ ngân hàng… nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất đối với khách du lịch quốc tế khi đến Ninh Bình.

Đối với thị trường nội địa cũng phải có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả thị trường khách ở các đô thị, trước mắt là Hà Nội, khu công nghiệp tập trung nơi người dân có thu nhập cao hơn và có thời gian nhàn rỗi nhiều hơn. Ngoài ra, thông qua chính sách và cơ chế phù hợp với giá cả và các điều kiện kèm theo để khai thác tốt thị trường khách hết sức lớn ở các vùng nông thôn vốn chiếm hơn 80% tỷ lệ dân số cả vùng.

+ Cơ chế, chính sách về tổ chức quản lý: đảm bảo sự quản lý có hiệu quả, sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hệ thống cơ chế, chính sách với quá trình tổ chức năng lực thực thi của bộ máy quản lý và đội ngũ công chức địa phương.

Thứ ba, tăng cường đầu tư hơn nữa cho phát triển du lịch.

+ Đầu tư xây dựng các khu du lịch:

Đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với du lịch cả nước.

Cho đến nay, ở vùng du lịch Bắc Bộ và trên phạm vi cả nước, đã và đang hình thành tương đối rõ các tuyến, điểm du lịch. Tuy nhiên, những khu khu lịch với đầy đủ ý nghĩa của nó bao gồm các sản phẩm du lịch đặc sắc có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao; các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ tương ứng thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu của khách, với những chính sách, mô hình tổ chức quản lý và đội ngũ lao động tốt, hiện còn rất hạn chế. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư xây dựng phát triển các khu du lịch, đặc biệt là các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, là một hướng ưu tiên đầu tư và là yêu cầu bức xúc đối với sự phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng và đối với du lịch vùng ĐBSH cũng như du lịch cả nước nói chung.

Trong xu thế của du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch khu vực và thế giới thì các tiêu chuẩn về dịch vụ khách du lịch phải được nâng cao phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ như tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng là hết sức quan trọng.

Về hướng đầu tư phát triển không gian hệ thống khách sạn thì cần ưu tiên xem xét các dự án đầu tư khách sạn cao cấp thương mại ở những đô thị lớn và ở trung tâm du lịch quan trọng trong đó có thành phố Ninh Bình . Hệ thống khách sạn cao cấp cũng cần được xem xét xây dựng trong một số khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế của địa phương, bao gồm: quần thể khu du lịch sinh thái Tràng An, cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và khu du lịch sinh thái Vân Long. Ở các trọng điểm du lịch khác của tỉnh chỉ nên đầu tư xây dựng các khách sạn chuyển tiếp với tiêu chuẩn trung bình để đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh.

+ Đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi, giải trí:

Một trong những khâu còn hạn chế trong hoạt động phát triển du lịch của Ninh Bình là sự nghèo nàn của hệ thống các công trình vui chơi, giải trí. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú của khách và hiệu quả kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, phải xem xét ưu tiên xây dựng phát triển các công trình vui chơi, giải trí tại các điểm du lịch như thành phố Ninh Bình, khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa.

+ Đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch:

Một trong những mục đích chính của khách du lịch đến Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng là để tìm hiểu về lịch sử và nền văn hóa Việt Nam. Do đó việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội truyền thống không chỉ có ý nghĩa giáo dục những thế hệ sau về những

giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch. Vì vậy, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực này. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Ninh Bình, một địa phương có tập trung cao các di tích lịch sử văn hóa có giá trị của đất nước.

Thứ tư, có giải pháp trong việc huy động nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển du lịch.

+ Vốn ngân sách nhà nước: tập trung vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển các công tác cơ bản như: đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch sinh thái Vân Long, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ tại các khu du lịch lớn có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

+ Huy động vốn từ nguồn tích lũy trong tỉnh: đây thực sự là giải pháp tích cực về vốn, mở ra một khả năng cho phép ngành du lịch của tỉnh chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng xây dựng các kế hoạch phát triển cụ thể trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình.

+ Ngoài ra, có thể huy động vốn cho phát triển du lịch từ các nguồn như: vay từ các nguồn vốn ODA, thu hút vốn đầu tư trong nước, thu hút vốn đầu ta trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài.

Thứ năm, có các biện pháp cụ thể và sát thực nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch.

Để tạo được sự mới mẻ và sức hấp dẫn đối với du khách, ngành du lịch Ninh Bình cần có các biện pháp cụ thể, sáng tạo hơn nữa trong việc đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm khai thác tối đa những lợi thế của địa phương. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc phát triển làng nghề, cung cấp sản phẩm phục vụ dịch vụ bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Khai thác hợp lý

những sản vật địa phương để thông qua đó giới thiệu về văn hoá, truyền thống lâu đời của Ninh Bình một miền quê ngàn năm văn hiến.

Thứ sáu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn CNH, HĐH.

Cũng như đối với các ngành nghề kinh tế khác, vấn đề con người, trình độ nghiệp vụ là những vấn đề quan trọng có tính then chốt đối với sự nghiệp phát triển của ngành du lịch. Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp hơn đối với khách, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao tiếp của cán bộ, nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên, lễ tân… rất cao.

Ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, trong thời gian qua do sự bức xúc trong phát triển cũng như do những tồn tại của lề lối làm ăn bao cấp một thời đã phải tạm thời chấp nhận một đội ngũ cán bộ, nhân viên với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, hiện nay do yêu cầu phát triển của ngành, đặc biệt, trong điều kiện du lịch Việt Nam đang vươn tới hội nhập với du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ, cán bộ, nhân viên trong ngành cần phải được nâng lên để đạt được những chuẩn mực quy định của quốc gia và quốc tế.

Để đáp ứng được yêu cầu đó, Ninh Bình phải có một chương trình đào tạo toàn diện với những kế hoạch cụ thể về đào tạo mới và đào tạo bổ túc, nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực đang công tác trong ngành. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình cũng phải có biện pháp tích cực để nâng cao hơn nữa nhận thức về du lịch trong các cấp, các ngành và trong nhân dân, thực hiện xã hội hóa du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu về sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đối với vấn đề phát triển kinh tế du lịch từ năm 1996 đến năm 2010, luận văn rút ra được một số kết luận như sau:

1. Trước hết, phải khẳng định rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Hiện nay, ngành du lịch cùng với những đóng góp to lớn của nó đang giữ vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Du lịch phát triển làm tăng ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống xã hội, thúc đẩy các ngành kinh tế có liên quan phát triển theo. Đồng thời, du lịch là một hình thức quan trọng để các dân tộc tăng cường hiểu biết về đất nước, con người, lịch sử truyền thống dân tộc và giao lưu văn hóa lẫn nhau.

Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử, lại được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú nên có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch một cách toàn diện cả về du lịch nhân văn và du lịch tự nhiên. Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế du lịch trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; trên cơ sở nắm vững những lợi thế vượt trội về các nguồn tài nguyên, ngay sau khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (1986), Đảng ta đã nhanh chóng có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch. Năm 1994, Ban bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 46- CT/TW về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”. Đến năm 2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã chính thức đề ra chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung của cả nước. Và trong suốt 10 năm đầu của thế kỷ 21, Đảng và Nhà nước không ngừng đề ra những chủ trương, biện pháp mới sát thực, phù hợp với những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Những chính sách quan tâm của Đảng đã vạch rõ con đường và tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi để ngành du lịch phát huy đầy đủ những

tiềm năng dồi dào và nguồn nội lực mạnh mẽ trong điều kiện mới, từ đó góp phần đắc lực vào việc xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Vận dụng đường lối sáng tạo của Đảng vào tình hình thực tế của Ninh Bình, Đảng bộ tỉnh đã đề ra những chủ trương và biện pháp cụ thể để phát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình lãnh đạo kinh tế du lịch của đảng bộ tỉnh ninh bình từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 112 - 161)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)