5 .Cấu trúc của luận văn
2.2 Xung đột cá nhân
2.2.1 Xung đột giữa các thành viên trong gia đình
Tiểu thuyết là cuốn từ điển của cuộc sống và vì thế nó không chỉ bao quát bức tranh toàn cảnh mà còn mang hơi thở của đời sống thường nhật, giản dị. Chính điều bình thường ấy khiến tiểu thuyết dù đang viết về hàng trăm năm, hàng nghìn năm trước vẫn khiến người đọc thổn thức, xúc động. Và đề tài những xung đột trong gia đình đã được tác giả đan cài hết sức khéo léo trong
Những người nuôi giữ bồ câu.
Xuyên suốt tác phẩm là sự xung đột trong mối quan hệ giữa người cha sát thủ Yosef Bar Elhanan và cô con gái Yael có mái tóc màu phượng vĩ. Tác giả đã bắt đầu bi kịch cha con ấy bằng ngày Yael chào đời, dù chỉ là một đứa trẻ mới sinh nhưng Yael “tin chắc đã nghe thấy tiếng gào thét vì đau khổ của bố tôi, âm thanh duy nhất phá vỡ sự im lặng khủng khiếp của một đứa trẻ được sinh ra từ cái chết” [20, tr.16] . Với nỗi đau mất vợ, Yosef Bar Elhanan đã đổ hết mọi tội lỗi và sự giận dữ lên đầu cô con gái nhỏ đáng thương. Ông đã bỏ rơi cô ngay từ giây phút chào đời và mãi tới tận sau này. Thay vì an ủi đứa con nhỏ thiếu thốn tình thương của mẹ ngay từ phút chào đời thì người cha ấy đã bắt người vú em không được hát ru , không được cho Yael ăn đủ no. Nhưng tàn nhẫn hơn là từ khi cô bé chỉ mới biết đi chập chững, ông đã kể cho con mình biết bi kịch đã xảy ra và khăng khăng buộc tội rằng Yael là kẻ sát nhân. Ông không bao giờ xuất hiện cùng con gái, bỏ mặc con trong những xó tối tăm cùng những con bọ cạp đáng sợ. Người cha ấy đã luôn cay nghiệt, khinh bỉ và giận dữ với đứa con gái nhỏ vô tội. Ông đã nhấn chìm tuổi thơ của con trong nước mắt và đắng cay, trong sự căm tức chính mình vì tưởng mình là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Sự kì thị, ghét bỏ của Yosef Bar Elhanan khiến Yael trở nên câm lặng, luôn
giữ kín cảm giác tủi hổ. Ngay cả tiếng khóc của cô cũng khiến người bố trở nên giận dữ: “Có lẽ mày đã giết chết bà ấy vì cái trò nức nở đó. Mày đã gây ra một cơn lũ và nhận chìm bà ấy từ bên trong” [20, tr. 24]. Cái ý nghĩ mình đã nhận chìm mẹ bằng nước mắt khiến Yael không chịu nổi, nó khiến cô quá sức chịu đựng khiến cô dám cự lại người cha rằng cô không phải người có lỗi “bất chấp người trước mặt cô là một sát thủ lạnh lùng. Để rồi cả hai cha con cùng cay đắng , nhận chìm nhau trong nỗi dằn vặt về cái chết của người mẹ. Yael đã lớn lên trong sự oán giận bởi cô luôn khát khao một người cha “không quay mặt khi nhìn thấy tôi, một người cha nói rằng tôi xinh đẹp”[ 20, tr. 25], một người cha không tàn nhẫn đến mức cho rằng những đốm lấm tấm trên mặt cô là máu của mẹ. Cô thiếu nữ ấy đã cố cạy những vết lấm tấm đến bật máu bởi những tội ác mà cha gán cho mình. Cô lớn lên với suy nghĩ giận dữ đeo bám rằng cha là tòng phạm với mình trong việc giết chết mẹ và đau khổ nhận ra ông giữ cô bên cạnh chỉ vì sợ mẹ oán trách ở Thế Giới Bên Kia.
Trên sa mạc khô nóng và khốc liệt, tưởng chừng những khó khăn gian khổ sẽ làm cho mối quan hệ huyết thống của Yosef Bar Elhanan và con gái trở nên bền chặt hơn. Vậy mà không, họ hoàn toàn xa cách nhau như thể là những người lạ xa: “bố và tôi hầu như chẳng liên quan gì đến nhau, dù chúng tôi thường ở chung một nơi chật chội và cùng nhau dùng bữa. Chúng tôi quay lưng lại với nhau. Ông không còn lựa chọn nào ngoài ăn những thứ tôi xoay xở được để bày ra trước mặt ông cho dù tôi dám chắc ông coi chúng là không sạch sẽ”. [20,tr. 63 ] Có chăng ở trong tác phẩm này, thông qua xung đột gia đình của Yael, tác giả muốn viết về những mâu thuẫn muôn đời giữa các thế hệ và những hệ lụy khủng khiếp của nó.Còn gì đáng sợ hơn khi cô con gái, với tất cả sự uất ức đã khinh suất hỏi bố của mình: “Bố có nghĩ con có thể giết chết bố từ trong ra không?”. Một câu hỏi đã bộc lộ biết bao nỗi uất hận kìm nén lâu nay của Yael.
Xung đột giữa hai cha con Yael càng căng thẳng hơn khi cô biết đến những rung động đầu đời với Simon. Có lẽ đây là thời khắc cô gái ấy cần nhất sự cảm thông và chỉ dẫn của người cha về tình yêu thì điều mà cô nhận được là bố đã nhổ nước bọt xuống đất khi nhìn thấy cô. Ông khinh thường thứ tình yêu tước đoạt, tội lỗi của Yael đối với người đàn ông có vợ: “Ông đay nghiến, buộc tội tôi đã lừa Ben Simon vào bẫy như thể ông tin chắc chính tôi là con sư tử đã ngấu nghiến người đàn ông này, cướp đoạt ông khỏi người vợ” [20, tr.78] . Đỉnh cao của sự tàn nhẫn, mâu thuẫn trong lối sống và suy nghĩ của hai cha con là khi bố tới bên Yael và hỏi “ Liệu tôi có muốn trở thành một Zonah. Tôi có cảm giác ông đã tát tôi. Ông so sánh tôi với những ả điếm sống ngoài rìa Jerusalem và sẵn sàng cởi áo ra cho bất kì ai trả tiền cho bọn họ, kể cả đám lính Roma”. Vốn đã căm ghét con gái nay trong ông còn trào dâng cả sự khinh bỉ với cốt nhục của mình. Để đáp trả lại, Yael đã nhìn bố đầy thách thức tự hỏi ông sẽ nghĩ gì nếu cô bỏ mặc ông ở nơi sa mạc khốc liệt, hoang vắng này. Và rồi trong khi Yael mang thai, bố của cô “ không một lần hỏi han đến con gái mình trong những ngày cuối cùng của thai kì”. Không những thế thay vì an ủi động viên con gái, người cha đã đẩy con đến trạng thái tuyệt vọng phải tìm đến sự giúp đỡ của những người xa lạ sau cái tát trời giáng khiến Yael “khuôn mặt xám ngoét lại” và có một “dải bầm màu xanh sẫm trên má”.
Không chỉ có tình phụ tử bị thử thách mà cả tình mẫu tử trong mối xung đột giữa các thế hệ cũng đã được phản ánh một cách sâu sắc trong tác phẩm. Tình yêu giữa Shirah và hai con gái Nahara, Aziza hẳn sẽ mãi mãi là sự ngưỡng mộ và yêu thương cho đến khi hai cô gái đến tuổi biết yêu. Mâu thuẫn giữa người mẹ và các con là do sự khác biệt trong suy nghĩ, tư tưởng. Shirah sợ sức hút của cậu thanh niên Malachi tới con gái mình, bởi cậu ta sinh ra trong một cộng đồng sống khổ hạnh – cộng đồng người Essence, cộng đồng của những đức tin mãnh liệt. Người mẹ hẳn là có lí do ngăn cản tình yêu ấy bởi với bà: “Malachi là một người quá mộ đạo để có thể nhìn thấy gì khác ngoài Chúa và chính cậu ta, điều
đó quả là đúng; người con gái cậu ta chọn sẽ không thể bước đi bên cạnh cậu ta mà phải theo sau, đầu cúi gằm ”[tr276]. Nahara là một thiếu nữ, và đối với một thiếu nữ mà nói thì chẳng có điều gì thu hút hơn tình yêu. Chính vì thế cô cảm thấy mẹ thật tàn nhẫn, mẹ không quan tâm tới hạnh phúc của cô và vì thế cô dành cho bà những ánh mắt căm hận. Xung đột ấy đã đem tới tổn thương sâu sắc cho cả người mẹ Shirah và cô con gái Nahara, nỗi đau ấy tràn ra qua lời nói, qua ánh mắt mà họ dành cho nhau. Xung đột ấy đã không thể hóa giải để rồi người mẹ phải đau đớn, bất lực lặng nhìn con sống khổ hạnh, đi trong cơn mê về ân phước của Đấng Toàn Năng. Và Nahara đã sống suốt những chuỗi ngày còn lại không chỉ trong đói khổ mà còn trong cả sự dằn vặt về một người mẹ không yêu thương mình. Đỉnh điểm của xung đột là khi Shirah tha thiết khẩn nài con quay về với mình, cô gái đã hoàn toàn xa lạ với những đối đáp gây tổn thương sâu sắc cho người mẹ.Cô đã dám gọi cả chị và mẹ của mình bằng những ngôn từ khủng khiếp: “Bà còn trông đợi gì nữa đây? Một con điếm luôn học nghề từ người biết rõ thứ đó hơn bất kì ai” [20, tr. 408]. Nahara đã nhận một cái tát trời giáng với vẻ mặt bình thản, đắc thắng vì tin rằng đã làm tổn thương được người mà cô đã từng gọi là mẹ đầy yêu thương. Không gì có thể gây xúc động hơn trước cảnh: “Mẹ tôi cúi gằm xuống, đầy nhục nhã. Tôi nhớ tới lần vượt cạn khổ sở của bà để đưa em gái tôi tới thế gian này, vì tôi đã là nhân chứng của bà
ngày hôm ấy. Cứu lấy em con, bà đã ra lệnh cho tôi như thế. Và không hề nói một lần Cứu lấy mẹ.” Bi kịch mà Shirah trải qua với Nahara lặp lại với Aziza
nhưng dưới một cách thức khác. Hai mẹ con sống cùng nhau nhưng đều tự giữ những bí mật của riêng mình, không sẻ chia và vì thế khoảng cách cứ ngày một xa. Ngay cả ngày mà Shirah bị xiềng, người lao đến bên cô ôm lấy cô không phải là con gái Aziza, hẳn là người mẹ ấy sẽ đau khổ biết bao nhiêu. Và từ xa con gái Aziza cũng quay mặt đi, cố nuốt vào trong nỗi ghen tị cay đắng bởi cô nghĩ rằng mẹ yêu thích một người xa lạ hơn mình. Cuộc đối thoại của Shirah và Aziza khi bà buộc phải thừa nhận mình đã dối gạt con thật xót xa và cay đắng. Ngay cả khi biết mẹ chỉ vì yêu mình nên đành lòng nói dối mà Aziza vẫn uất
hận: “Nước mắt trào ra, lăn xuống trên gương mặt mẹ trong khi bà nói ra những lời đó song tôi không hề thấy thương hại. Bà đã hủy hoại con người đáng ra tôi có thể trở thành nếu bà không can thiệp vào vận mệnh của tôi. Cả cuộc đời tôi đã dựa trên những lời dối trá của bà” [20, tr.452].
Thông qua bi kịch gia đình của những con người Do Thái nơi vùng đất Israel xa xôi, với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, Alice Hoffman có lẽ mong muốn cuốn tiểu thuyết của mình như một lời nhắc nhở với cả hai thế hệ bố mẹ và con cái : rằng ẩn đằng sau những cử chỉ, những lời nói có phần nghiêm khắc cay nghiệt của những ông bố bà mẹ là tình yêu thương, sự quan tâm con cái sâu sắc và vô bờ bến, rằng con cái cũng có suy nghĩ riêng và cuộc đời của riêng, đôi khi những áp đặt vô hình của cha mẹ đã khiến tuổi thơ và cuộc sống của con trở thành địa ngục mà cả hai không hề hay biết.