5 .Cấu trúc của luận văn
2.2 Xung đột cá nhân
2.2.2 Bi kịch trong tình yêu của các nhân vật
Tình yêu và những bi kịch của nó luôn là nguồn cảm hứng bất tận của
những nhà văn. Xuyên suốt trong tác phẩm Những người nuôi giữ bồ câu là
những câu chuyện tình yêu tha thiết, nồng nàn, mãnh liệt nhưng lại luôn xuất hiện trong dạng thức của những bi kịch, đau khổ, mất mát. Để rồi từ đó Alice Hoffman ca ngợi sức mạnh của tình yêu đã cải hóa cá nhân với những sức mạnh nội tại mãnh liệt, đem yêu thương và sự sống đến cho con người ngay cả trong những hoàn cảnh hoang tàn, đổ nát, khốc liệt của chiến tranh.
Yael, người con gái sinh ra từ lửa với một trái tim đầy mặc cảm và tổn thương, đã đem lòng yêu Simon, một người đàn ông có gia đình với người vợ tên là Sia và hai đứa con. Yael yêu Simon với một thứ tình yêu đầy bản năng và hết sức mãnh liệt. Trong lòng Yael là một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội bởi cô biết tình yêu ấy là sự tước đoạt, là lỗi lầm đối với người vợ Simon cũng là người bạn gái đầu tiên trong đời của cô. Trước hết, Yael đầy đau khổ khi phải nhận sự kì thị ,ghẻ lạnh của Sia, của 2 đứa bé và của ngay cả người bố của mình khi
dâng tâm hồn và trái tim cho người đàn ông “đắng ngắt”. Yael ngay cả trong những phút giây giao hoan đầu tiên đầy bỡ ngỡ, hạnh phúc và cuồng si vẫn tự nhắc mình rằng: “Ông là chồng của một người khác nhưng tối hôm đó ông là của tôi , con sư tử tôi luôn biết sẽ tìm đến tôi”. Sau những giây phút hãnh diện khi được Simon tặng một con dê cái (thứ đáng lẽ phải thuộc về người vợ Sia), Yael đã phải chứng kiến sự ghen tị thiêu đốt Sia, biết những giọt nước mắt mặn đắng và đớn đau của Sia là do mình gây ra nhưng lại không thể ngừng yêu người đàn ông ấy. Dù đã tự tách mình sống đơn độc nhưng Yael vẫn không thôi mường tượng ra cảnh Sia phải thao thức trong đêm hay tệ hơn là phải bịt tai lại khi biết chồng đang tìm sang với người đàn bà khác. Nhưng không chỉ có vậy, Yael dâng cho Simon một thứ tình yêu dâng hiến trọn vẹn, đầy trung thành nhưng chỉ được nhận về những giọt lệ mặn chát, cay xót. Cô đến bên Simon ngoan ngoãn như một con chó trung thành, dùng thân thể và tình yêu của mình hòng mong sẽ trói buộc người đàn ông ấy. Vậy mà khi cảm thấy hổ thẹn về nhu cầu của chính mình thì Simon lại trút sỉ nhục ấy xuống đầu Yael và rồi rời xa cô để trở về với gia đình mặc cho những giọt nước mắt khóc than không ngừng tuôn rơi. Yael nhận ra “đam mê của chúng tôi là một thứ tình yêu hủy diệt” nhưng lại không thể khước từ và hàng ngày hàng giờ phải vừa ngóng trông khao khát trong tội lỗi và dằn vặt.
Tình yêu của Yael và Simon còn nhuốm màu sắc bi kịch bởi nó được dựng nên bởi sự tham lam bản năng của người đàn ông và sự chịu đựng của người vợ, sự hi sinh tận cùng vô điều kiện của người phụ nữ lần đầu được yêu. Alice Hoffman đã khéo léo và vô cùng tinh tế trong trường đoạn miêu tả sự giằng xé của Yael khi một mặt phải tìm cách bảo vệ những đứa trẻ và Sia một mặt đầy mâu thuẫn và ghen tuông với việc tâm hồn Simon đã hoàn toàn thuộc về vợ con của ông. Khi hai đứa trẻ con của Simon bị ốm, hơi thở khò khè nặng nhọc , không còn chịu ăn súp đậu tằm mẹ nấu thì chính Yael đã phải đau khổ khi nhìn Simon “bị những nỗi lo âu làm cho biến dạng” [20,tr.71]. Và người
phụ nữ tóc đỏ hoang dã dám đối mặt với cả con báo đã phải “cúi đầu trước mặt ông , cầu khẩn được chăm sóc con ông”. [20,tr. 72] . Hẳn là Yael đã phải giằng xé nội tâm khủng khiếp khi một mặt mong Simon hoàn toàn thuộc về mình một mặt lại phải tìm mọi cách để cứu gia đình ông. Để rồi cơn ghen tuông của Yael đã bùng lên thật dữ dội như một ngọn lửa “khi hàng đêm ông không còn tìm tới tôi” [20,tr. 72] , khi nhìn thấy gia đình Simon ngồi bên nhau bên cạnh đống lửa mà cô đã tìm thấy, ăn món súp cô nấu, uống thứ nước cô đào được dưới cây sung dâu, khi Simon cầm tay vợ áp lên môi. Cô chợt cay đắng nhận ra cái rùng mình trong hoang lạnh cô đơn nơi hang sâu với nỗi đau rằng mình đang cố chữa lành cho họ để họ trở về bên nhau. Và ngay cả khi Simon (một lần hiếm hoi lúc con ốm ) đã tìm tới bên Yael trong sự biết ơn lớn hơn mọi mức độ hình dung thì vẫn làm trái tim cô quặn đau khi nói : “Ta không nên có mặt ở đây” [20, tr.74]. Ngay cả bùa chú cũng không giúp Yael có được Simon, cô đánh cược với số phận, bất chấp nguy hiểm của bản thân khi mong muốn được đi tìm phương thuốc để cứu con ông bởi vì đó là cách duy nhất khiến Yael không trở nên vô hình lúc này. Bởi vì với một trái tim đang yêu còn gì đau đớn hơn khi nhận ra đối với người kia mình “không phải là người thứ nhất, thứ hai, thậm chí thứ ba” [20,tr.76]
Nỗi bất hạnh của Yael lên đến đỉnh điểm bởi sau bao vất vả khó khăn cô đã tìm ra được phương thuốc của người Essence với ước mong lại có những ngày tháng bên Simon như xưa đã tan vỡ khi nhìn thấy cả gia đình họ nằm chết bên nhau. Cái chết lúc này đã trở thành biểu tượng của nỗi thống khổ tột cùng, chia cắt hoàn toàn và làm cho Yael như có thể chết theo người tình. Cô đã “quì phục xuống hai đầu gối và ôm chặt lấy ông, tuyệt vọng tìm chút hơi ấm còn sót lại. Tôi áp miệng lên miệng ông, nhưng ở đó không còn hơi ấm, không còn sự sống . Tôi có thể cảm nhận được mùi vị của Thế Giới Bên Kia”. Alice Hoffman đã thực sự làm người đọc vô cùng xúc động trước một tình yêu mạnh mẽ mãnh liệt đến như thế . Người phụ nữ ấy thậm chí đã không sợ những vết lằn thâm tím
qua lưng khi bị bố đánh, không sợ bị nhiễm bệnh, không hề ăn uống, đau buồn đến mức xám ngoét như một thứ tro bụi và chờ đợi để cùng sang “Thế Giới Bên Kia” với tình nhân. Và cô chỉ chịu ăn uống và có ước mong sống sót khi biết còn một mảnh linh hồn của Simon còn lưu lại, là giọt máu của ông mà cô đang mang . Và lí do sống sót của cô cuối cùng vẫn lại là vì Simon.
Sự xung đột mạnh mẽ, nỗi đau giằng xé của Yael tưởng chừng kết thúc khi cả Simon, Sia và hai đứa trẻ đều đã chết trên sa mạc. Nhưng không, bóng ma Sia đã đi theo cô miệt mài từ vùng sa mạc khô cằn đến tận thành Masada khốc liệt để ám ảnh cô đêm ngày trong nỗi cô đơn, sự hối hận và niềm đau không gì có thể hóa giải nổi. Tình yêu của nhân vật vì thế mà bao hàm cả nỗi chua xót, day dứt và cả niềm hân hoan, hạnh phúc, cả những rung động thể xác mãnh liệt và những giọt nước mắt tủi nhục, đớn đau. Chính tình yêu mãnh liệt với Simon đã khiến Yael vượt qua bão tố, những cơn khát đắng của sa mạc, sự kì thị của người đời để mạnh mẽ và kiêu hãnh sống, để bảo vệ và yêu thương sinh linh bé bỏng của họ.Và vì thế bi kịch hay nỗi bất hạnh mà Yael phải gánh chịu vẫn mang trong đó ánh sáng nhân văn lấp lánh, thức tỉnh.
Bi kịch tình yêu của Shirah – người được mệnh danh là phù thủy xứ Moab- với người anh họ Eleazar Ben Ya’ir là nỗi ám ảnh của nhiều người đọc khi tìm
tới Những người nuôi giữ bồ câu. Mười hai tuối Shirah đã vướng vào lưới tình
với Eleazar, chưa đến mười ba tuổi cô đã mang trong mình dòng máu của vị thủ lĩnh. Tình yêu ấy đã bị dè chừng cấm đoán khi lần đầu tiên mẹ của Ben Ya’ir (bác họ của Shirah ) nhìn thấy thân phận của cô, cất lời nguyện cầu như thể xua quỉ ám và sau đó hối hả tống khứ, xua đuổi cô cùng với lá bùa của sự cô đơn mà không cho Eleazar hay biết. Ảo tưởng rằng tình nhân sẽ đem tới sự che chở cho mình trước bão tố của cuộc đời thì những điều mà Shirah nhận lại chỉ toàn là đắng cay: “Eleazar hứa sẽ nói chuyện với gia đình mình về tình yêu anh dành cho tôi song lại không thể quyết liệt như thế”. Ngay cả khi anh họ đã dẫn Shirah đến gặp vị giáo sĩ để bí mật kết hôn, bí mật giao hoan trên chiếc giường chính
thất cùng với lời hứa sẽ yêu và coi cô như người vợ thì cô vẫn chua xót nhận ra một sự thật khác. “Một sự thật trong vẻ mặt của anh, nỗi nhớ nhung tôi xen lẫn ưu phiền ”[20, tr .552]. Và người đàn ông mạnh mẽ, vạn người tung hô ấy dù đã hứa sẽ xin các trưởng lão trong gia đình để cô được phép gia nhập vào ngôi nhà của họ như người vợ thứ hai cũng đã làm Shirah thất vọng khi “chưa dám thách thức bố mẹ mình ” [20,tr. 553]. Dù đã chịu nhiều tổn thương song Shirah vẫn một lòng hướng về tình nhân, cô tự bào chữa rằng anh chưa đủ vững vàng để đối đầu cha mẹ, tự xoa dịu vết thương của mình trong khi đứa con trong bụng liên tục giày vò cô như một cơn lửa cháy không gì có thể dập tắt. Cô phải hứng chịu đòn ghen quyết liệt của một người vợ, đòn ra tay khốc liệt của một bà mẹ khi họ đưa cô ra trước vị trưởng lão với những cáo buộc pháp lí rằng ngoại tình và có quan hệ luyến ái với quỉ dữ . Hình ảnh một thiếu nữ non nớt vừa mới sinh nở bị xử tội thật đáng thương : “Họ xõa tung mái tóc tôi ra, mặc nó lòa xòa rũ rượi để làm nhục tôi và khiến tôi trông như một môn đệ của Lilith “[20, tr. 555], bắt uống cốc nước có bụi tro chứa tên Chúa, săm soi xem đứa bé có dấu ấn nào của Ben Ya’Ir hoặc của quỉ dữ rồi trục xuất cô ra khỏi cộng đồng. Tự vật lộn, giằng xé tâm can, Shirah khổ sở khi “cam đoan với Eleazar là tôi sẽ đợi anh tới tìm tôi, dẫu vậy tôi biết anh sẽ không thể. Những dấu vết vợ anh thề là thứ làm ô uế cuộc hôn nhân của họ đã hủy hoại tôi, và không người đàn ông tử tế nào có thể lấy tôi làm vợ nữa. Gia đình anh sẽ không chấp nhận việc này”. Và rồi để bảo vệ an toàn cho giọt máu của Ben Ya’ir , Shirah dù vẫn còn chảy máu sau khi sinh đã chấp nhận để con vào một cái hõm, trở thành vợ của một người khác. Bà đã chấp nhận sống bên cạnh một người đàn ông mà mình không yêu thương, mòn mỏi chờ từng cánh thư ít ỏi qua những con bồ câu để mong chờ một ngày được sống mãi mãi bên cạnh Ben Ya’ ir. Bà đã phản bội người đàn ông vô cùng yêu thương nâng niu mình để đi theo tiếng gọi của những con chim bồ câu tới nơi pháo đài Masada đầy bất trắc. Bước chân của người phụ nữ yếu đuối mang theo bên mình hai đứa con nhỏ đã vượt qua Biển Muối sắc nhọn với sóng to gió cả để đi tìm tình yêu đích thực của đời mình nơi ngọn núi bị cô lập.
Nỗi đau đớn trong cuộc đời phù thủy xứ Moab kéo dài đằng đẵng khi suốt đời cô tin vào lời hứa tin vào tình yêu của một người đàn ông đã có vợ, dù đó có là một vị thủ lĩnh: “Sau đó tôi chờ đợi. Nhiều năm trôi qua trong chờ đợi, cả một đời” [20, tr.556]
Phù thủy đáng sợ với những hiểu biết sâu sắc về bùa chú lại phải “làm việc trong một chuồng bồ câu, ăn đậu lăng qua bữa, xúc phân chim, cẩn thận nhặt từng quả trứng” [20,tr.130] . Chính thứ tình yêu trong mong chờ đau khổ ấy lại là sức mạnh khờ dại để cô vượt qua những tăm tối, bất nhẫn của cuộc sống nơi Masada. Hàng ngày hàng giờ Shirah phải chịu sự gièm pha, khinh miệt của những con người trong pháo đài Masada với biết bao nỗi cay đắng, tủi nhục. Hàng đêm cô đã lần theo hàng nghìn bậc thang trong bể chứa tăm tối để được gần gũi một cách lén lút với người đàn ông cô yêu. Trong những đoạn viết rất tinh tế của Alice Hoffman, người đọc không chỉ nhận ra tài năng thấu hiểu tâm lí phụ nữ của tác giả mà còn xót xa cho nhân vật khờ dại, yêu cháy bỏng. Nhưng bất chấp mọi khó khăn, gian khổ để được bên cạnh người mình yêu, phù thủy xứ Moab khao khát chờ đợi và hi vọng một tình yêu trọn vẹn từ tình nhân. Shirah dùng cả thân xác, cả cuộc đời mà vẫn không hoàn toàn có được người mình yêu nên đã phải tuyệt vọng nhờ tới bùa chú: “vẽ hình một con mắt lên tường bằng một mẩu gỗ cháy thành than. Bà lấy cây kim từ trong vạt áo tunic ra, và trong lúc niệm chú bà dùng cây kim chọc vào con mắt” [20,tr.141] , bà đang ép buộc Ben Ya”ir phải xử sự trung thực nhưng điều đó dường như bất khả. Còn gì khủng khiếp hơn khi biết rằng trong tình yêu, thứ vốn dĩ rất ích kỉ, độc nhất, bên cạnh người tình cô còn phải gắn chặt nỗi hờn ghen, sẻ chia với một người đàn bà khác “như đêm gắn chặt với ngày, chưa bao giờ biết nhau song chưa bao giờ thoát khỏi được nhau”. Shirah đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản lời nguyền định mệnh rằng ai yêu bà đều sẽ bị hủy hoại. Bà cố gắng không yêu hai con gái Aziza và Nahara nhưng không thể cố gắng để không yêu Ben Ya’ir bởi vì như bà đã thú nhận với con: “Mẹ quá yêu ông ấy ”. Vậy mà, vị thủ
lĩnh ấy vẫn thuộc về đám đông, vẫn lo nghĩ những điều cao cả như sự sống còn của thành Masada và vẫn đi bên cạnh người vợ chính thức. Và cho đến tận cuối đời tình yêu ấy vốn vẫn chỉ có Shirah buộc mình trong đó mà thôi.
Không phải là nhân vật chính, không phải là người kể chuyện, cuộc đời của Channa – vợ thủ lĩnh Ben Ya’ir - hiện lên qua lời kể của Yael, Shirah, Revka và Aziza. Đó là bi kịch thấm đầy nước mắt buồn đau của một người vợ bị phản bội trong suốt cuộc hôn nhân cho tới tận khi chết. Từ khi còn trẻ, đó là lúc tình yêu vợ chồng đang nồng thắm nhất thì Channa đã nhận được sự cảnh báo của mẹ chồng về sự đe dọa hạnh phúc gia đình giữa chồng với một cô gái quá trẻ chỉ mới mười hai tuổi. Sự nghi ngờ, để mắt của Channa cũng chẳng thể ngăn được người đàn ông trẻ trung, hấp dẫn, quyền uy ấy phản bội. Cùng với người mẹ chồng , cô nhận ra được những thay đổi của Eleazar. Ông ta không hề đoái hoài tới cô cho dù hai vợ chồng mới kết hôn được trong một thời gian ngắn. Cô đau khổ phát hiện ra một sự thật phũ phàng rằng đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy chồng mình và Shirah đã lên giường. Còn gì đau đớn hơn khi nhận ra chiếc giường thân yêu của đôi vợ chồng lại bị vấy bẩn bởi một cuộc tình vụng trộm , bởi “màu lá móng trên da nhuộm đỏ” của cô tình nhân để lại. Ngay cả khi cả gia đình chồng đứng về phía mình, Channa hẳn đã vô cùng sợ hãi bởi vì theo tục lệ Shirah hoàn toàn có thể “được phép gia nhập vào ngôi nhà của họ như người vợ thứ hai của anh. Những trường hợp như thế cũng khá bình thường , nhất là ở các gia đình giàu có hay trong các con phố có quá ít đàn ông, hoặc khi người vợ đầu không thể có con”. Trong cơn ghen, Channa đã nhờ đến cả gia đình , cả pháp lí để buộc tội Shirah với ước mong chồng quay trở về để rồi đau khổ nhận ra Aziza (con gái của Shirah) có đôi mắt của chồng mình.