5 .Cấu trúc của luận văn
2.2 Xung đột cá nhân
2.2.3 Xung đột trong mối quan hệ với chính mình
Trong hành trình dài rộng của cuộc đời mỗi con người, có lẽ điều khó nhất chính là hiểu rõ và hòa thuận với bản ngã của mình. Tác phẩm trác tuyệt của Alice Hoffman không chỉ miêu tả một bức tranh rộng lớn về chiến tranh mà còn đầy tinh tế trong việc khắc họa những xung đột của con người với chính bản thân mình.
Yael là một cô gái đau khổ khi luôn phải tự dằn vặt chính mình, từ lúc sinh ra cho tới tận khi trở thành một người khác, phù thủy xứ Moab. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ cô đã luôn tự hỏi rằng mình đã gây nên tội lỗi gì để mẹ phải lìa
đời, để bị bố xa lánh, để bị mọi người kì thị với mái tóc đỏ lạ lùng. Chính sự dằn vặt ấy đã khiến Yael trở nên nhạy cảm và thu mình trước thế giới xung quanh. Hình ảnh một đứa trẻ lùi mình vào trong bóng tối để giấu mình trước thế giới xung quanh đến mức làm bạn được với những con bọ cạp mới thật đáng thương làm sao. Nỗi dằn vặt của Yael đến từ bản năng của một bé gái, khao khát được đùm bọc, chở che để rồi ngơ ngác khi phải đối diện với hiện thực khốc liệt là sự thờ ơ, ghẻ lạnh của bố và những người xung quanh. Yael đau đớn khi cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình vì đã không tôn trọng bố bởi vì : “ Ông là bố tôi, , cho dù có tàn nhẫn đến đâu đi nữa”. Đến khi trở thành thiếu nữ, nỗi đau khổ dày vò hành hạ Yael đến mức cô tự làm tổn thương chính bản thân mình : “ Tôi đếm từng ngày trôi qua trên sa mạc bằng cách dùng một hòn đá sắc cạnh vạch lên chân mình” [20, tr.46] Hóa ra có những nỗi đau tâm hồn còn nặng nề, dằn vặt hơn nỗi đau thể xác. Thế nên Yael chọn cách nhẹ hơn, chọn cách tự làm tổn thương cơ thể cô để có thể tránh đi, để có thể không nghĩ về những rắc rối muộn phiền, những áp lực dày vò bản thân, những giấc mơ và trách nhiệm, những mâu thuẫn trong cuộc sống.Cuộc sống thiếu thốn và hiểm nguy ở sa mạc không khuất phục nổi cô gái có bộ tóc màu phượng vĩ nhưng những nỗi đau về tình yêu bị chia sẻ, bị khinh thường khiến cô vốn đã câm lặng lại càng trở nên vô hình với xung quanh. Hàng ngày hàng giờ cô đều cảm thấy như đang bị thiêu đốt, thấy mình cô độc và mắc kẹt trong móng vuốt con sư tử mà cô luôn mơ tới và cả gánh nặng mang từ lúc chào đời. Và cô gái tội nghiệp phải đấu tranh nội tâm gay gắt, dùng đủ mọi lí luận thậm chí mang cả những tội lỗi trong quá khứ ra để biện hộ rồi đành chịu thua trước mãnh lực của tình yêu đầu đời : “ Tất cả đàn ông đều bị những thôi thúc tội lỗi cám dỗ ; ông sẽ không phải là đàn ông nếu một cơn khao khát thèm muốn không dâng trào lên căng phồng trong ông. Nhưng nếu một người phụ nữ cho phép mình bị sa ngã trước sự sỉ nhục đó sẽ bị phán xét thật khắc nghiệt, vì cô ta lại lặp lại tội lỗi đầu tiên từng xảy ra trên thiên đường như một người con gái của Eva, phản bội các giới luật của Chúa để thỏa mãn bản thân. Tôi chấp nhận điều đó. Tôi vốn đã là một
kẻ tội lỗi, kẻ sát hại chính mẹ đẻ của mình; ham muốn chẳng là gì khi so sánh với một tội lỗi như thế” [ 20, Tr.67]. Xung đột nội tâm của Yael sau khi cả gia đình Simon qua đời lại càng trở nên gay gắt hơn bởi một thứ đáng sợ : hồn ma của Sia. Cô đau đớn vật vã với sự ám ảnh rằng mình đã cướp hạnh phúc của một người phụ nữ khác và gián tiếp đẩy họ vào con đường chết chóc.Hồn ma của Sia có lẽ chính là lương tâm của Yael đang đối diện thẳng thắn với chính cô. Tội lỗi đã đi qua nhưng ám ảnh thì day dứt mãi không thôi : “ Chị truy đuổi
tôi trong những giấc mơ. Cô cho rằng sự thể có thể diễn ra theo cách nào khác
ư? Cô cho rằng cô có thể có được thứ cô muốn chăng?Khi bừng tỉnh hổn hển
thở dốc, đôi lúc tôi tin có thể nghe thấy tiếng chị cười, như thể chúng tôi vừa trải qua một trận chiến và chị là người chiến thắng, và giờ đang khoan khoái với kết quả” [20. Tr 96]. Dù có mạnh mẽ đến mức coi sự khắc nghiệt của sa mạc là điều phải vượt qua thì Yael đã phải đầu hàng, rơi những giọt nước mắt khóc thương cho những nỗi khổ đau ám ảnh, hành hạ mình : “ Khi nghe thấy tiếng nức nở, tôi cầu xin linh hồn người vợ của người tôi yêu hãy để tôi yên vì tôi tin chắc chị đang ở bên tôi, bị nỗi phiền muộn giằng xé tan nát.Sia là một phụ nữ dịu dàng, luôn dễ rơi nước mắt. Tôi tin chắc tôi đã khóc những giọt nước mắt của chị, chứ không phải của mình” [ 20, Tr.98]. Nỗi khổ tâm mà Yael gánh chịu thật quá sức nặng nề, xung đột giữa cô và lương tâm của mình là một cuộc chiến khốc liệt nhiều lúc tưởng chừng đã có thể khiến cô gục ngã : “Tôi đã nhận được hình phạt xứng đáng. Hệt như tôi không chịu buông tha chồng chị, Sia cũng không buông tha tôi, cho dù chúng tôi có đi xa đến đâu. Tôi từng nghĩ có thể bỏ chị lại đằng sau, nhưng khoảng cách chỉ làm bóng ma của chị trở nên mạnh mẽ hơn. Linh hồn chị lẩn khuất quanh tôi mỗi khi tôi định ăn, nhổ vào tôi. Tôi không thể nuốt nhiều hơn một miếng thức ăn. Nếu có nuốt một miếng, tôi sẽ phải chạy vội đi, tôi sẽ phải chạy vội đi và tống nó ra ngoài. Khi tôi nhắm mắt lại để ngủ, chị vẫn ở đó, chờ đợi. Chị nhìn chằm chằm vào tôi vẫn với cái nhìn ai oán hệt như khi chị yêu cầu tôi chăm sóc cho Ben Simon, mặc dù chị biết chúng tôi đã làm gì cùng nhau trong bóng tối, và ông là gì với tôi. Ông là người
tôi nhớ, song chị lại là người quàng hai cánh tay quanh người tôi, lướt ngón tay trên da tôi, thì thầm vào tai tôi. Tôi có thể cảm thấy cơn sốt của chị đang nóng hổi trên da thịt mình”. Yael đau khổ, giằng xé với nỗi đau trong tận cùng tâm can tới nỗi ngay cả biểu hiện nghén của người mang thai cũng khiến cô nghĩ đó là một hình phạt thích đáng cho mình. Sự ám ảnh, day dứt quá lâu đến mức Yael chấp nhận và coi những tội lỗi đã qua là một phần của bản thân mình : “ Nơi tôi tắm, bồn nước chuyển sang màu đen kịt, và những người phụ nữ khác rời khỏi đó để khỏi bị nhiễm bẩn một lần nữa. Tôi không hề ngạc nhiên. Những gì tôi đã làm sẽ không bao giờ được gột sạch” [20. Tr.110]. Những tội lỗi luôn đeo bám, ám ảnh người phụ nữ đáng thương ấy khiến cô vô cùng đau khổ khi hàng đêm phải nghe bóng ma Sia than khóc hay chính là những lời đau đớn tận cùng từ trái tim nhỏ máu của cô. Cuộc sống của một con người mâu thuẫn với chính mình thật là khủng khiếp bởi cô chỉ còn thấy : “ Chẳng còn gì chờ đợi trong nơi ở của tôi ngoài một bóng ma đang cuộn mình lại khóc lóc. Không còn ai trong căn nhà của tôi ngoài một tay sát thủ luôn nhiếc móc tôi khi tôi quét nhà cho ông ta”. Bằng khả năng nhạy cảm của một người phụ nữ cùng với tài năng tuyệt vời của một nhà tâm lí học, Alice Hoffman đã vượt ra ngoài khuôn khổ một tiểu thuyết gia thông thường để miêu tả những xung đột gay gắt trong tâm tư của Yael :” Tôi cố không nghĩ tới việc ông sẽ phản ứng như thế nào về nỗi ô nhục của tôi nếu ông biết tôi mang trong mình đứa con của Ben Simon, sự căm ghét ông dành cho tôi sẽ nhân lên gấp bội, ông sẽ nhục mạ, hắt hủi tôi, còn tôi sẽ chứng minh ông hoàn toàn có lí. Không có gì ngoài rắc rối. Tôi, một kẻ có thể dìm chết ai đó từ trong ra ngoài, có thể quyến rũ chồng người khác, như người ta nói về Lilith, không xứng được quét sàn nhà cho bố tôi. Ông sẽ giứt đứt tóc khỏi đầu tôi, xé toạc áo xống tôi ra để đánh dấu rằng tôi là một zonah, sau đó ông sẽ xé quần áo của chính mình như chúng tôi vẫn làm khi than khóc người đã khuất”[20.tr 165]. Không bình luận, không suy đoán, tác giả đã để những trang viết đầy nỗi thống khổ từ tận sâu trong lòng nhân vật tuôn trào như một lời cảnh thức cho những tội lỗi.Bởi vì sự trả giá trong tâm hồn mới là cái
giá đắng cay và lâu dài nhất. Với nỗi kiêu hãnh và bản năng sống mãnh liệt, ngay cả bóng ma Sia cũng chỉ làm Yael chán nản và buồn bã mà thôi. Chỉ cho đến khi Yael có thứ gì đó để mất – một thiên thần đang lớn dần trong bụng – thì cô mới đối diện trực tiếp một cách đầy đắng cay rằng bóng ma ấy đang đòi cô trả giá. Yael suýt xảy thai bởi sự thằn thúc mạnh mẽ đến từ quá khứ tội lỗi và vì thế với đôi mắt bốc cháy cô đã vượt qua sự kiêu hãnh của bản thân chấp nhận cầu xin Sia tha thứ. Thế mới hay, phụ nữ quả là một điều kì lạ của tạo hóa với những ngọt ngào dịu hiền được dựng xây trên nền của biết bao mâu thuẫn, dằn vặt, khổ đau.
Khác với Yael, một thiếu nữ đau khổ vì không có mẹ ở bên, Aziza lại là một cô gái được sống với mẹ và em gái từ thủa còn thơ bé. Song không vì thế mà bi kịch tâm hồn của Aziza bớt đau thương hơn. Bởi lời nguyền trong cuộc đời mẹ nên Aziza buộc phải cải trang thành con trai từ khi vừa mới biết yêu, buộc phải lừa dối cậu bạn Nouri khi giả bộ thành một tạo vật cơ bắp thay vì một thiếu nữ đang khao khát yêu thương. Khi đến với Amram, chàng trai được cả thành Masada ngưỡng mộ, Aziza tưởng sẽ có được những ngày tháng an bình, hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, trong cả những phút giây tưởng chừng ngập chìm trong tình yêu, cô vẫn nhận ra : “ Amram không phải người đàn ông dành cho tôi, vì anh sẽ không bao giờ chấp nhận phần ẩn kín của con người tôi. Anh gọi tôi là con cừu nhỏ, là bồ câu, là cô gái yêu quí của anh, nhưng tôi không là bất cứ thứ nào trong số chúng.”[20.tr 410]. Chẳng phải điều vui sướng nhất trong tình yêu là khi ta được sống với chính mình sao ? Ấy vậy mà Aziza đã vô cùng đau khổ khi cảm thấy luôn cô độc ngay cả khi bên cạnh người yêu. Và dù chàng trai có chiếm hữu cô bao nhiêu lần đi nữa, dù cô gái có cố gắng đến thế nào để mang tình yêu ra đáp trả thì đó vẫn mãi mãi là nỗi đau của riêng Aziza, nỗi đau của người không tìm thấy chính mình. Bởi cô luôn mơ thấy mình đang cưỡi ngựa băng qua rừng keo, chỉ cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi mặc những chiếc áo tunic cũ, búi tóc cao cài trâm và biến thành một chiến binh. Aziza là
dằn vặt và cay đắng giữa chất phụ nữ của một cô gái xinh đẹp với chất chiến binh của một người đã luyện kiếm cung từ nhỏ. Nỗi niềm lớn nhất của cô là không ai thấu hiểu nỗi khổ tâm dày vò, không ai chịu thừa nhận điều đó. Bề ngoài Aziza là một cô gái ngoan đạo, hiền lành làm việc ở chuồng bồ câu chật chội nhưng thực ra trong lòng cô luôn mơ tới những con chim ưng, mơ tới tự do, mơ việc quay trở về với bản thể. Tuy nhiên, khi được ra trận, dưới lốt áo của cậu em trai Adir, được cầm cung kiếm chiến đấu, Aziza lại vô cùng day dứt khi nhận ra bộ mặt thật của chiến tranh. Trong một trận đánh, thủ lĩnh đã ra lệnh để trẻ em và phụ nữ được yên nhưng đó không phải là cách chiến tranh diễn ra trên thế giới đầy đau khổ này. Aziza khi chứng kiến cảnh tàn sát đã : “ cảm thấy phát điên, vì cảnh tượng hiện lên trước mắt tôi và tiếng gào thét man dại trước lúc chết của những người vô tội”. Những ngày tháng trước đây Aziza luôn mơ trở thành chiến binh còn giờ đây cô muốn trốn chạy điều đó hơn bao giờ hết. Bởi trong sâu thẳm Aziza vẫn là một người phụ nữ. Trong sự khốc liệt, tàn bạo của những trận thảm sát, đã có những giây phút cô nghĩ : “ Tôi đã định sẽ nằm ngủ cạnh Amram vào buổi tối đó, sau chiến thắng của chúng tôi, để kéo đôi bàn tay anh vào dưới áo choàng của tôi, để cuối cùng tôi có thể cho anh biết tôi là ai và trao chính mình cho anh”[ 20.tr 490]. Amram không nhận ra người yêu dưới lốt chiến binh nhưng Aziza thì đã đớn đau chứng kiến Amram giết chết một đứa trẻ 4 tuổi và rồi tình yêu mà cô hằng trân trọng đã biến mất mãi mãi. Aziza trở nên cô độc, đáng thương bởi cô chẳng còn gì ngoài những suy tư, mâu thuẫn giằng xé.
TIỂU KẾT
Trong chương 2, chúng tôi đã khảo sát tính chất bi kịch của tiểu thuyết
Những người nuôi giữ bồ câu. Tính chất bi kịch đau thương thể hiện rất rõ ở
những mất mát đau thương trong cuộc chiến khắc nghiệt đối đầu giữa những người Do Thái yêu tự do và binh đoàn La Mã thiện chiến. Đó là những tổn thất về cả vật chất khi biết bao gia đình bị lâm vào cảnh mất hết nhà cửa, sống kiếp tha hương, những cơn đói và bệnh tật hành hạ… Nhưng đáng kể hơn cả là những tổn thất về con người: thây chất thành đống, con mất mẹ mất cha, con người tha hóa và biến đổi về nhân tính…Không chỉ có vậy, chúng tôi còn khảo sát để làm rõ hơn những xung đột cá nhân như xung đột trong gia đình, trong tình yêu của các nhân vật và trong mối quan hệ với chính mình (xung đột nội tâm).
CHƯƠNG 3
NHỮNG NGƯỜI NUÔI GIỮ BỒ CÂU - MỘT TIỂU THUYẾT
ĐẬM CHẤT THƠ
Xác định chất thơ là một vấn đề rất khó. Đúng như lời nhận xét của Nguyễn Tuân: “Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và toàn thập tôi thấy
nó cũng khó như định nghĩa cho chất Uymua”. Theo các tác giả của cuốn Từ
điển thuật ngữ văn học thì “Chất thơ là chỉ những sáng tác văn học (bằng văn
xuôi hoặc văn vần) giàu cảm xúc, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu [33, tr. 310]. Hà Minh Đức cho rằng: “Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu tạo của các thể loại khác, nhưng ở trong thơ được biểu hiện tập trung hơn và được hòa hợp, liên kết một cách vững chắc để tạo nên những phẩm chất mới... Chất thơ gắn liền với những rung động và những cảm xúc trực tiếp. Thơ là ở tấm lòng nhưng cũng chính là cuộc sổng, thơ gắn liền với trí tưởng tượng và chất thơ cũng gắn liền với cái đẹp” [14, tr. 36]
Qua các ý kiến trên, chúng ta có thể rút ra một số khái quát về chất thơ trên các phương diện: mỹ học, cảm hứng, ngôn ngữ:
Trên phương diện mỹ học, chất thơ được xem là cái đẹp của tâm hồn, của cuộc sống và cao hơn nữa nó còn nói về cuộc sống với một lý tưởng đẹp. Ngay khi tiểu thuyết nói đến cái hùng, cái bi, cái cao cả, cái tầm thường của cuộc sống thì cũng nhìn những cái đó dưới con mắt của cái đẹp mới có chất thơ. Có thể nói ý thức và thiên hướng của mọi hoạt động sáng tạo của con người theo
quy luật của cái đẹp mang lại chất thơ cho tác phẩm văn xuôi.
Xét trên phương diện cảm hứng, chất thơ gắn liền với cảm hứng bay bổng lãng mạn, đó là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm