Hình tượng người lính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ và trường ca nguyễn trọng tạo (Trang 46 - 53)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Cảm hứng ngợi ca con người trong thơ và trường ca Nguyễn Trọng Tạo

2.1.2. Hình tượng người lính

Chiến tranh và người lính luôn là đề tài không bao giờ cạn trong dòng chảy thi ca của mỗi dân tộc và nó càng trở nên đặc biệt hơn đối với một đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam. Từ đó hình tượng người lính đã đi vào văn học như một điều tất yếu. Mặc dù xuất thân khác nhau nhưng cùng chung

chí hướng “cầm súng xa nhà đi chiến đấu” bảo vệ tổ quốc là những con người ấy

đã trở thành người lính, thành đồng đội sát cánh bên nhau. Trong cuộc kháng chiến

chống Pháp gian khổ ta được gặp những người lính mộc mạc chất phác qua Đồng

chí của Chính Hữu.

Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu súng trăng treo

(Đồng chí – Chính Hữu)

Khác với người lính trong kháng chiến chống Pháp. Tinh nghịch, hào hoa, lạc quan, yêu đời chính là những đức tính nổi bật của người lính trong kháng chiến chống Mĩ. Họ đã đi vào từng trang sách văn chương với tư thế là những con người

“chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Tây tiến – Quang Dũng). Để rồi sau khi

đất nước hòa bình, xuất ngũ trở về, những người lính năm nào lại bắt tay hòa nhập với cuộc sống đời thường giản dị.

Là một người lính từng tham gia quân ngũ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ nên Nguyễn Trọng Tạo thấu hiểu sâu sắc những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người lính đi qua kháng chiến nay trở về với cuộc sống bình thường. Khi Nguyễn Trọng Tạo viết về người lính cũng có nghĩa là anh đang viết về chính bản thân mình cho nên tiếng nói của người trong cuộc cũng vì thế mà trở nên chân thực, cảm động. Thời gian tham gia quân ngũ của Nguyễn Trọng Tạo chỉ trong khoảng 10 năm, đối với một người lính tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để mang lại cho nhà thơ

những trải nghiệm thực tế quý báu. Và chính điều đó đã giúp ông có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về người lính trong kháng chiến. So với văn học cách mạng trước năm 1975 khi viết về chiến tranh và người lính, chỉ mang tính chất ngợi ca, cổ vũ. Nguyễn Trọng Tạo đã có sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, số phận của họ từ lúc còn trong chiến tranh cho đến khi trở về với cuộc sống đời thường, từ những người anh hùng ngã xuống nơi chiến trường bom đạn đến những người may mắn còn sống sót trở về. Họ thật sự là những con người xứng đáng được văn học lưu giữ lại bởi tinh thần chiến đấu kiên trung, lý tưởng yêu nước chính nghĩa.

Thơ viết về người lính của Nguyễn Trọng Tạo chủ yếu xuất hiện trong tập

thơ Thời chiến và Hà Nội tôi yêu cùng hai trường ca Tình ca người lính và Con

đường của những vì sao. Ở đó hình ảnh người lính hiện lên thật sống động chân

thực, không chỉ là những con người bằng xương bằng thịt mà chân dung tinh thần của người lính - một thế hệ cầm súng hiện hình rõ rệt qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Họ lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc mang theo bao hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ.

Ngày mai chàng trai thành người lính Đường người lính - đường ra mặt trận Bàn tay người lính - bàn tay cầm súng Trái tim người lính - chọi cùng đạn bom

(Con đường của những vì sao)

Nguyễn Trọng Tạo sáng tác hai bản trường ca vào đầu những năm 80 của thế kỷ nhưng hình ảnh người chiến sĩ khi bước vào trận chiến với những đau thương và lòng quả cảm luôn sống dậy trong mỗi trang của trường ca. Việc phải đối mặt với bom đạn quân thù không còn là điều gì xa lạ với người lính nhưng điều quan trọng là ở họ luôn có tinh thần vững tin và lòng dũng cảm, ý chí kiên cường.

Cái chặng đường anh sắp vượt lên Để tới đích cắm lá cờ chiến thắng Để tới đích tình yêu cháy bỏng

(Tình ca người lính- tình ca số 1)

Hình tượng trung tâm của trường ca đương đại chính là người lính. Nếu như trước đây hình tượng văn học này được miêu tả còn đơn giản thì nay đã được đổi mới tạo ra sự phức tạp, đa chiều. “Người lính trong trường ca thời chống Mỹ hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng, nay được miêu tả với bút pháp hiện thực tỉnh táo, nhân vật hiện ra sống động, thật hơn” [71]. Hình ảnh người chiến sĩ trong trường ca Nguyễn Trọng Tạo hiện lên chân thực với bao vất vả, gian khổ. Trên những chặng đường hành quân họ luôn phải chấp nhận và

vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt không chỉ là sự nguy hiểm của kẻ thù “Bom nổ

chậm vãi đen trời Đồng Lộc/ Chui xuống đất sâu mang cái chết nằm rình” (TC

Con đường của những vì sao), mà còn là sự thiếu thốn mọi mặt, bệnh tật hoành

hành. “Với ngày hai thỏi lương khô/ Với cơn sốt rét mùa mưa tái rừng” (Tình ca

người lính - số 2). Không hề né tránh sự thật, ở đây nhà thơ đã tái hiện một cách sinh động những khó khăn thử thách mà người lính phải vượt qua. Cũng như

Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Anh Nông trong trường ca Trường Sơn đã tái

hiện những bước hành quân khó nhọc của người lính qua câu thơ hai chữ nhiều

thanh sắc với âm vực cao: “Gió thốc/ Nắng xém/ Tóc cứng/ Miệng khát/ Họng rát/

Mắt chói/ Bụng đói…”.

Viết về đề tài chiến tranh và người lính có lẽ chỉ có thể loại trường ca mới có thể đáp ứng được bởi dung lượng rộng lớn của đề tài. Bên cạnh Nguyễn Trọng Tạo còn có Thanh Thảo, Lâm Thị Mĩ Dạ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh… làm thành một đội hình hùng hậu thế hệ các nhà thơ nghệ sĩ thời kì chống Mĩ góp phần to lớn cho sự phát triển của thể loại trường ca trong thơ ca đương đại. Các tác giả đã không lên giọng hay tô hồng mà tái hiện chiến tranh như nó vốn có cùng những suy nghĩ về lẽ sống, về sự hy sinh, trân trọng, và có cả những xót xa, đau buồn trước những bi kịch của chiến tranh. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú đã nhận đinh rằng: “Trường ca hôm nay có xu hướng khái quát tìm ra, chỉ ra những cái được, mất của lịch sử thông qua số phận con người, số phận nhân dân… Từ cái cao cả, lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều

được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn hơn” [71.] Trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Tạo, đó là những cảm xúc rất thực của người lính

Ôi! Tổ quốc ta muôn đời muốn khóc Sau cơn bão chiến tranh quyết liệt Tóc biển xanh ôm vai đất mỡ màu”

(Con đường của những vì sao).

Đôi khi còn là đời sống nội tâm với bao điều thầm kín riêng tư của người lính được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường.

Anh xa thế

Con đường dài lắm thế

Anh là lính bao lần thay địa chỉ Vắng tin em biền biệt mấy năm rồi

(Tình ca người lính- tình ca số 1)

Ngày đêm chiến đấu với kẻ thù và nguy hiểm nhưng đời sống tinh thần của người lính trong chiến tranh không vì thế mà trở nên khô khan, đơn điệu. Trái lại họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước bởi nơi hậu phương luôn có hình bóng những người mẹ và người yêu đang ngày đêm mong ngóng họ sớm trở về trong niềm vui chiến thắng.

Nhưng khi đất nước đang còn chiến tranh thì tình yêu của những người lính trẻ thực sự trở nên mong manh và để lại nhiều tiếc nuối

Ngỡ như mất anh rồi

Em đơn chiếc một mình trên trái đất Và anh nữa, anh yêu em chân thật Anh không về hi vọng vỡ trên tay

(Tình ca người lính- tình ca số 1)

Tuy nhiên với người lính, hạnh phúc cá nhân luôn được đặt trong tình yêu Tổ

quốc. Họ thấm thía hơn bao giờ hết “hạnh phúc là đấu tranh” (Các Mác), là “cho anh được quên để nhớ về Đất Nước”. Dường như cái bình thường đã được đẩy lên

nhân nhưng trái tim ấy cũng biết hoà nhịp đập yêu thương với tình yêu Tổ quốc. Đó chính là sự thống nhất riêng chung, là sự hoà hợp làm một với lòng yêu nhân dân, yêu quê hương đất nước. Và trên mọi phương diện thì người lính luôn sẵn sàng hi sinh tình cảm cá nhân vì mục đích cao cả là chiến đấu và bảo vệ đất nước.

Có người lính nào như người lính chúng ta Bận đánh giặc chục năm không một lần về phép Giặc tan rồi

Lo canh giữ đất nước

Anh xa em như một lẽ thường tình

(Tình ca người lính- tình ca số 3)

Gác lại tình cảm riêng tư và nỗi nhớ quê nhà vào trong tim, những người lính lại tiếp tục chiến đấu với niềm nhiệt huyết vững tin vào tương lai độc lập của nước nhà. Vượt lên trên mọi khó khăn gian khổ của cuộc chiến người lính luôn mang trong mình tinh thần lạc quan, yêu đời.

Đường ra trận đêm trăng vui nhất thôi Trăng trên cao vẫy người lên dốc Người lên rồi thấy trăng dưới thấp Lại vẫy trăng lên…

(Đường ra trận đêm trăng)

Nếu như ở trường ca Tình ca người lính, hình tượng người chiến sĩ quả cảm

với tư thế hiên ngang tiến lên phía trước được Nguyễn Trọng Tạo tái hiện một cách

chân thực và sống động thì ở trường ca Con đường của những vì sao hình ảnh 10 cô

gái ngã ba Đồng Lộc đã đi vào trang thơ tràn đầy xúc động và niềm cảm phục của

nhà thơ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác “không phân biệt già trẻ gái trai...hễ là

người Việt Nam thì đứng lên đánh giặc cứu nước” những cô gái thanh niên xung

phong nơi ngã ba Đồng Lộc đã góp phần xây dựng lên trang sử vẻ vang cho dân tộc bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm.

La cắn môi đứng dậy giữa đau thương Dáng đứng tạc vào trời bom đạn

Đồi Đồng Lộc như bất ngờ vụt lớn Trái tim yêu nước dựng đỉnh cao

(Con đường của những vì sao)

Ở chương Đỉnh cao, nhà thơ dựng lên bức tượng đài bi tráng về hình tượng

10 chiến sĩ thanh niên xung phong nơi Đồng Lộc ác liệt:

Tiếng La gọi nghẹn ngào trong khói đắng Tiếng La gọi xiên qua tầng đất nặng Xiên qua bom đạn rú gầm

Chỉ có gió ầm ầm

(Con đường của những vì sao).

Nguyễn Trọng Tạo khi viết về chiến tranh đã không né tranh những hi sinh mất mát. Trên chiến trường cam go và quyết liệt, người chiến sĩ luôn cận kề với nguy hiểm cho nên cái chết đối với họ “nhẹ tựa lông hồng”.

Nhưng em ơi, biết bao đồng đội

Nằm lại với non sông như đá tảng cây rừng

(Tình ca người lính)

Người lính ngã xuống nằm trong lòng đất mẹ cùng anh em đồng đội của mình, hóa thân vào dáng hình đất nước. Có lẽ từ trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, họ luôn nhận thức rõ ràng đây là cuộc chiến đấu chấp nhận hi sinh cho thắng lợi cuối cùng cho nên cái chết của người lính trở nên bi tráng hơn. Giữa không gian chiến trận đặc quánh mùi khói súng bom đạn thì hình ảnh những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong đang ngày đêm bảo vệ các tuyến đường vẫn tỏa sáng. Thế nhưng sức công phá của dã tâm hủy diệt đã không chỉ băm vằm những tuyến đường của chúng

ta mà còn vùi lấp những “mái tóc tuổi 20” nơi ngã ba Đồng Lộc. Điệp khúc La

quẫy mình…không làm sao gượng dậy trở đi trở lại trong trường ca như khắc họa

tình thế của người chiến sĩ trong tư thế vẫy vùng để tiến lên phía trước. Song đó cũng là một hiện thực đau xót của người chiến sĩ khi họ đã bị bom đạn vùi lấp trong đất đá để rồi Nguyễn Trọng Tạo phải buông một câu thơ đầy tính lãng mạn nhưng đã để lại trong lòng người đọc niềm xúc động thật khó tả.

Mái tóc bay trong đất - tóc hai mươi Tóc trong đất, gió thời gian thổi mãi

(Con đường của những vì sao)

Ngoài việc thể hiện thành công hình tượng người lính trong chiến tranh với những gian khổ, hy sinh mất mát thì số phận người lính trở về sau chiến tranh cũng được tác giả quan tâm đặc biệt. Tuổi trẻ của người lính đã gửi lại trên chiến trường, họ đã chiến đấu quên mình với kẻ thù nên khi trở về với cuộc sống đời thường họ khao khát mãnh liệt một mái ấm gia đình, tình yêu và hạnh phúc.

Hãy đến anh

Vợ anh mới sinh con

Mừng vợ anh sinh được vuông tròn Mừng đứa con của mong chờ gặp gỡ

Đứa con đầu lòng, của đôi vợ chòng tuổi không còn trẻ nữa

(Tình ca số 2)

Ở trường ca Nguyễn Trọng Tạo nói riêng và trường ca đương đại nói chung đã có một sự đa dạng hoá trong cấu trúc hình tượng người lính, không chỉ nơi chiến trường mà có cả nơi hậu phương, cả trong và sau trận chiến. Ở không gian nào thì người lính cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn, ngoài chiến trường thì là sự sống chết, ra khỏi chiến tranh thì đối mặt với cuộc sống bầm dập đời thường. Phải chăng đó là nỗi đau hậu chiến, là những bi kịch tất yếu. Đây là hình ảnh người lính thời bình qua cái nhìn chân thực và cảm động của Nguyễn Trọng Tạo:

Nếu em là vợ lính thời bình

Hãy xem bài cho con sau mỗi giờ học Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều

(Những người lính đi qua thành phố) Dường như tâm trạng của người lính thời bình có phần khác với tâm trạng của người lính thời kháng chiến. Họ thấu hiểu những nhu cầu đời sống thường nhật đang dồn lên đôi vai mảnh mai của người vợ. Tâm sự của người lính khi trở về cũng

vì thế mà trở nên sâu nặng hơn. Và nó càng trở nên day dứt hơn khi vết thương chiến tranh vẫn hằn sâu trong tâm hồn người lính.

Đến Trường Sơn nhớ Trường Sơn Đạn bom thuở ấy gian thương bây giờ Rừng đâu? Chỉ gốc cây khô

Ta già mượn lệ trẻ thơ khóc rừng

(Khóc rừng)

Trường ca đương đại đã thể hiện một cách chân thực, thẳng thắn những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm, số phận của người lính trong và sau chiến tranh. “Âm hưởng bi ca hòa vào âm hưởng tráng ca tạo ra một giọng bi tráng vừa thống thiết trữ tình, vừa hào hùng sử thi, lắng gợi mà ngân vang...” [71].

Xây dựng hình tượng người lính đi qua chiến tranh Nguyễn Trọng Tạo đã đạt được những thành công nhất định ở cả hai mảng thơ và trường ca. Qua ngòi bút nhà thơ, người đọc có cơ hội hiểu sâu hơn nữa về phẩm chất cao đẹp của người lính cụ Hồ. Nguyễn Trọng Tạo đã thực sự thành công khi khắc họa bức tượng đài bằng thơ về người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mà bản thân nhà thơ cũng chính là một hình ảnh chân thực, cụ thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ và trường ca nguyễn trọng tạo (Trang 46 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)