Ngôn ngữ giản dị đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ và trường ca nguyễn trọng tạo (Trang 96 - 103)

6. Cấu trúc luận văn

3.2. Ngôn ngữ

3.2.2. Ngôn ngữ giản dị đời thường

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôn ngữ cũng có những biến đổi và phát triển. Thời đại nào thì ngôn ngữ ấy. So với các loại hình nghệ thuật khác, thơ nhạy cảm với ngôn ngữ hơn cả. Thơ mới phải tạo ra ngôn ngữ mới để chuyên chở cảm xúc mới. Mỗi nhà thơ phải có ngôn ngữ của riêng mình, ngôn ngữ như một dấu hiệu để nhận biết chủ thể hành ngôn. Không nằm ngoài quy luật vận động và phát triển ấy, ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng từng bước hội nhập trên văn đàn mang một sắc thái và giọng điệu riêng của cá tính sáng tạo. Cho nên, thơ Nguyễn Trọng

Tạo được đánh giá là “thơ tài hoa”. “Thơ tài hoa là thứ thơ khiến người ta có cảm

tưởng như đó không phải là kết quả của logic của tư duy mà là sự thăng hoa của ngôn từ” [42].

Trước hết ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ của tiếng nói chân thực hằng ngày. Trong hành trình nghệ thuật của mình, nhà thơ luôn tự nhủ “Tôi luôn cố gắng tìm một con đường để cho thơ của tôi gần gũi hơn với cuộc đời, với bạn đọc. Tôi không đi theo con đường cách tân mang hơi hướng thơ phương Tây mà nhiều bạn thơ của tôi đã làm. Tôi muốn thơ mình vừa hiện đại nhưng vẫn phảng phất hương vị truyền thống của phương Đông. Tạo ra được một giọng điệu riêng trên nền những cái đã quen thuộc thực sự là một điều rất khó” [59]. Nhưng bằng tài năng và bản lĩnh của một người lính từng kinh qua đạn lửa nơi chiến trường ác liệt, Nguyễn Trọng Tạo đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc yêu thơ.

Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày

Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc Chỉ Hi vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực

Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:

(Tản mạn thời tôi sống)

Những nghĩ suy tản mạn của Nguyễn Trọng Tạo trong thời kì đất nước bước vào công cuộc đổi mới đầy cam go, quyết liệt đã mở đầu cho dòng cảm xúc “trái mùa” của ông. Bài thơ đã khái quát được tâm thế của cả một thời đại thế nhưng trong suốt một thời gian dài không ai dám nói ra những điều không hề dễ nói ấy. Nguyễn Trọng Tạo đã nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm đối mặt và nói thẳng vấn đề thể hiện sự khát khao thay đổi thời cuộc, khát khao đổi mới không ngừng cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Và sự dấn thân ấy đã mang lại cho bản thân ông không ít những hệ lụy và thiệt thòi. Tuy nhiên, đó lại là điều kiện tốt để ông khẳng định mình, đồng thời qua đó người đọc có cơ hội ít nhất là một lần được cảm nhận cái bản chất mộc mạc, chân thật của ngôn ngữ thơ mình. Thơ Nguyễn Trọng Tạo luôn duy trì vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, đây là một điều khó trong sáng tác thơ vừa đảm bảo tính hiện đại mà vẫn không mất đi nét truyền thống.

Huế đẹp đã đành xa xôi lắm Bỗng gặp mai vàng nở choàng vai Có ông sư trẻ chừng muốn bán Hoa tết vườn chùa một cành mai…

(Huế 2)

Thơ Nguyễn Trọng Tạo đa dạng với hệ thống từ ngữ mộc mạc dung dị, nhiều khi không theo một trình tự nhất định, nên hay tạo ra được những hiệu quả làm bất

ngờ cho người đọc. Với bài thơ Ngày không em, có lẽ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

đã đi vào lịch sử thơ văn Việt Nam khi ông mạnh dạn gửi gắm tâm sự, ví tình yêu của mình với những chồn cáo, nồi niêu, xoong chảo… rồi đưa thẳng nó đến với thi ca. Những câu đời thường, cửa miệng ấy trong thơ ông, đọc lên ta thấy là lạ.

Ngày không em

Anh cây chổi tựa mòn góc bếp Anh cái chảo mốc meo

Anh con mèo đói kêu khan

(Ngày không em)

Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “Ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng hay nhất trong sự giản dị của nó. Sự giản dị làm cho ngôn ngữ luôn trở nên hiện đại nhất” [59]. Là một nhà thơ đi đầu trong phong trào đổi mới thi ca, Nguyễn Trọng Tạo không ngừng có những tìm tòi, phát hiện mới lạ về mặt ngôn ngữ. Bởi muốn đổi mới thơ ca trước hết cần đổi mới về mặt ngôn từ, nhà thơ luôn có ý thức xây dựng một cách đúng đắn mối quan hệ giữa thơ với hiện thực đời sống để thơ luôn là thế

giới tinh thần mới mẻ của con người. Macxim Gorki từng khẳng định: “Hãy chú ý

đến ngôn ngữ, hãy giành giật lấy từ nó sự chính xác, điều này sẽ đem lại cho nó sức mạnh và vẻ đẹp”. Công cụ của nhà thơ không còn gì khác ngoài ngôn ngữ mà họ

dùng đến, sự chính xác của ngôn ngữ văn học luôn đòi hỏi chức năng biểu cảm thẩm mĩ cao. Trong sáng tác thơ, Nguyễn Trọng Tạo đã sử dụng ngôn ngữ như một công cụ hữu ích để truyền tải những suy nghĩ, những trải nghiệm mà ông cảm nhận được như một thông điệp từ cuộc sống. Ngôn ngữ trong thơ ông không có sự gọt giũa cầu kì nhưng lại mang vẻ đẹp về mặt nội dung và tính thẩm mĩ cao. Thơ ông là sự phối hợp uyển chuyển giữa tâm tư, tình cảm, ngôn ngữ và đời sống.

Hoa đào vương kiếp đào hoa

Thắm tươi một thuở phôi pha một ngày Tôi nhìn từng cánh đào bay

Thời gian lõa thể rụng đầy chiêm bao

(Đào phai)

Câu thơ diễn tả sự trôi chảy không ngừng của thời gian nhưng cùng với nó là sự phôi pha của một kiếp người trải qua bao sóng gió thăng trầm trong cuộc sống nhưng vẫn không tránh khỏi quy luật nghiệt ngã của tạo hóa. Thơ Nguyễn Trọng Tạo bật ra từ hiện thực đời sống nên trong cách sử dụng ngôn ngữ ông luôn chứng tỏ ngôn ngữ thơ mình là một phần của đời sống mang vẻ đẹp dung dị mà sâu sắc.

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, là một hệ thống tín hiệu tinh vi

Nguyễn Trọng Tạo nhấn mạnh ngữ điệu riêng cho thơ ông. Các từ láy trong thơ Nguyễn Trọng Tạo có tác dụng lớn trong việc tạo âm, tạo nên tính nhạc cho lời thơ.

Bóc đi làn sương mỏng Núi khỏa thân mơ màng Bóc đi ngày tháng cũ Thấy mùa về hân hoan

(Bóc đi nỗi nhớ mùa)

Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo, người đọc còn bị bất ngờ bởi cách ông sử dụng nghệ thuật trùng điệp. Nghệ thuật này vừa có tác dụng nhấn mạnh vừa tạo ra những điệp khúc ngân vang cho bài thơ

Tìm hoa tôi tìm ngón thơm xòe nắng Em vẫy gọi tôi mùa tình trong trắng Tìm hoa tôi tìm cánh môi thiên thần Em truyền sang tôi nóng bỏng lửa thiêng

(Tìm hoa)

Nghệ thuật trùng điệp tạo được âm vang mạnh mẽ, thể hiện nét riêng trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thơ.

Thơm về đồng đất phù sa

Thơm về đồi núi thơm qua luống cày Thơm về mùa trĩu bông cây

Thơm vê tiên tổ tháng ngày nắng mưa

(Món quê)

Nghệ thuật trùng điệp ở các cấp độ điệp từ, điệp câu trong thơ Nguyễn Trọng Tạo không đơn thuần chỉ là sự lặp lại một cấu trúc ngữ pháp, lặp lại một từ, một ngữ để nhấn mạnh ý, mà hơn tất cả đó là những nốt trầm bổng xao xuyến có khi là nỗi ám ảnh của cuộc đời cứ điệp đi điệp lại trong cả hành trình thơ của tác giả. Trong bốn câu thơ trên là nỗi nhớ da diết về hương vị đặc biệt của món ăn quê nhà gắn liền với tuổi thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Nhà thơ Mĩ Mary Croy đã nhận xét rằng: “Thơ của Nguyễn Trọng Tạo nói về sự trải nghiệm hiện đại một cách thấu

đáo, đồng thời tỏ lòng tôn kính về truyền thống lâu đời của văn học Việt Nam đã đi trước ông. Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là sự giới thiệu tuyệt vời về những truyền thống trữ tình của Việt Nam, giúp người đọc phương Tây nhìn Việt Nam trong ngữ cảnh rộng hơn” [10].

Một vấn đề nổi bật trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo đó là cách sử dụng nghệ thuật điệp từ, điệp câu. Vận dụng nghệ thuật điệp vào trong sáng tác văn chương là dụng ý riêng của mỗi tác giả nhằm nhấn mạnh hoặc truyền tải đến người đọc một thông điệp nhất định. Song để sử dụng một cách hiệu quả thì không phải tác giả nào cũng làm được.

Ngày dài đợi tháng đợi năm

Bông hoa đợi quả, mảnh trăng đợi tròn Đất cày thì đợi xanh non

Rét đang đợi ấm, nắng còn đợi mưa

(Đợi)

Điệp từ đợi được lặp đi lặp lại trong cả bốn câu thơ đã gợi lên một cảm nhận

về sự chờ đợi thủy chung mãi mãi không dời trong diễn biến tuần hoàn của tạo hóa hay cũng chính là tấm lòng chung thủy, sắt son của lòng người khó quên. Cách nói triết lý sâu sắc cùng sự vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống của Nguyễn Trọng Tạo đã mang lại cho bài thơ một hiệu quả bất ngờ.

Cầm lòng thôi khỏi khóc cười

Có người nuôi nhớ bởi người nuôi quên Cầm lòng rời bến thuyền ơi

Thuyền xa bến hẹn sông hiền sóng ngoan

(Cầm lòng)

Chỉ trong bốn câu thơ mà tác giả đã sử dụng một loạt các điệp từ “cầm

lòng”, “nuôi”, “người”, “thuyền”, “bến” làm cho câu thơ trở nên mềm mại, uốn

lượn sóng sánh. Sử dụng hình thức điệp cú pháp dường như là thế mạnh của Nguyễn Trọng Tạo, trong rất nhiều tác phẩm của ông, nghệ thuật điệp được phát

huy đến mức tối đa hiệu quả của nó. Và đây là những câu thơ phủ định mang nghĩa hoàn toàn là khẳng định khi nhà thơ dí dỏm viết về chiếc bóng của mình.

Không xuân không hạ không thu

Không nóng lạnh hắn cũng không âm ấm Hắn là hắn hắn chính là chiếc bóng

Không âm thanh không màu sắc không buồn vui

(Bóng)

Đặc biệt hơn nữa là tần suất sử dụng thủ pháp điệp của Nguyễn Trọng Tạo còn xuất hiện rất đậm đặc trong hai trường ca nổi tiếng của ông.

Xe Mùa đã đuổi theo dấu chân chiến dịch Gặp bao nhiêu hậu cứ bỏ không

Gặp bao nhiêu hố củ ấu củ mài Gặp bao nhiêu vùng rau rừng vừa hái

(TC Con đường của những vì sao)

Cụm từ “Gặp bao nhiêu” đã nhấn mạnh cảm giác ấn tượng của người chiến

sĩ đang trên đường lái xe ra mặt trận cùng bao chiến sĩ đồng đội khác nữa. Hành trang các anh mang theo chỉ là nỗi nhớ quê nhà, nhớ người yêu gắn liền với những kỉ niệm sâu sắc mà vầng trăng chính là hiện hữu minh chứng cho tâm tình của người lính

Như đêm nay giữa Đồng Lộc trụi trơ Vẫn vầng trăng không hề lỗi hẹn Vầng trăng là nhân chứng Vầng trăng là mầm sống Vầng trăng là lòng ta gửi gắm

Vượt lên nghìn cái chết tỏa sáng trong...

(TC Con đường của những vì sao)

Thủ pháp thường gặp nhất trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là cách tổ chức điệp khúc:

Ai qua Đồng Lộc chiều hôm một mình Ai qua Đồng Lộc tự tình

Ai qua Đồng Lộc có mình có ta

(TC Con đường của những vì sao) Điệp bằng lối hai câu song song, nương tựa nhau:

Người ước mình trẻ lại người ước mình già đi Người ước mình vĩ đại người ước mình li ti

(Tội đồ của thời gian)

Ta ngỡ uống cạn suối nguồn mây trắng Ta ngỡ uống cạn suối nguồn xanh thắm

(Thiên an)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã phát hiện ra: “Những thủ pháp ấy bắt nguồn từ niềm đam mê nhịp chẵn theo quan niệm của Nguyễn Trọng Tạo... nhằm tạo nên nỗi chơi vơi trong tình điệu thẩm mĩ của anh” [16]. Và với tài năng điêu luyện trong việc sử dụng hình thức điệp cú và điệp cấu trúc của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã mang lại cho thơ ông hiệu quả nghệ thuật đảm bảo “sự chặt chẽ trong cấu tứ và sự trùng phức về giai điệu, sự nhòe mờ của các vân chữ trên cơ sở đó tạo

nên những bất ngờ và bung phá” [15]. Trong rất nhiều các bài thơ khác của Nguyễn

Trọng Tạo, hình thức điệp được sử dụng thường xuyên như một dấu ấn riêng đậm

nét của tác giả. Bài thơ Ngại xuân, các câu thơ đều bắt đầu bằng điệp từ ngại nằm ở 13/16 câu của tác phẩm. Còn trong bài Không dưng, nhà thơ viết:

Không dưng em khóc dưới cội me Không dưng tôi dừng lại lắng nghe Không dưng tiếng vạc kêu thảm thiết Không dưng đang vui, buồn biệt ly

(Không dưng)

Đây chính là cơ sở khẳng định thêm sự vững vàng của ngòi bút Nguyễn Trọng Tạo trong việc sáng tạo ra các hình thức biểu hiện độc đáo cho thơ ông đúng

như Leonov từng nói "lao động nghệ thuật phải là một phát hiện về nội dung và là

một phát minh về hình thức”.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo dù sử dụng chất liệu nào của ngôn từ, nghệ thuật cao siêu hay giao tiếp thường nhật, nhưng bằng tâm hồn dễ rung động, giàu cảm xúc và năng lực cảm thụ cùng tài năng sáng tạo, ông đã làm mới phương thức sử dụng ngôn từ trong thơ mình. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo không chải chuốt, bóng bẩy, ngược lại rất đỗi bình dị, gần gũi. Một ngôn ngữ đậm chất thơ vừa thể hiện chút mượt mà, tâm tình của thơ ca truyền thống, vừa thể hiện những góc cạnh của thơ đương đại, đã tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ và trường ca nguyễn trọng tạo (Trang 96 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)