Sự kết hợp hai yếu tố trữ tình và tự sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ và trường ca nguyễn trọng tạo (Trang 79 - 83)

6. Cấu trúc luận văn

3.1. Đổi mới hình thức biểu hiện

3.1.1. Sự kết hợp hai yếu tố trữ tình và tự sự

Trong nghệ thuật, tự sự là phương thức tái hiện đời sống, nó gắn liền với các yếu tố quan trọng là tính khách quan, cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện…Còn trữ tình lại là phương thức chiếm lĩnh hiện thực trong đó nguyên tắc chủ quan là yếu tố cơ bản, là nhân tố quan trọng quy định những đặc điểm của tác phẩm. Do vậy, việc kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình trong sáng tác thơ và trường ca của Nguyễn Trọng Tạo là một việc làm thể hiện sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ và một sự vững vàng từng trải của nhà thơ.

Thơ ông xuất phát từ mạch nguồn trong trẻo của thơ ca dân gian, từ những truyền thống đẹp của thơ cách mạng đã vươn thẳng vào hiện đại, tìm ra một lối đi riêng sau rất nhiều tự vấn và trăn trở, sau rất nhiều khúc quanh của định mệnh. Việc sử dụng hình thức đồng dao vào việc làm thơ chính là mượn hình thức hát vui trong trò chơi con trẻ để diễn tả những suy nghĩ, hành động của người lớn. “Không ồn ào, không giận dữ, anh lặng lẽ tìm về phía tình yêu, nhân ái nhất của tình đời tình người mà phát hiện, giao cảm” [9]

Có nhớ có thương có khóc có cười Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi

(Đồng dao cho người lớn)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp nhận xét đây là “những câu thơ đẫm niềm riêng nhưng cũng là những trải nghiệm khóc cười nhân thế. Nó như bật ra từ tuệ nhãn, vừa mới mẻ vừa mang theo cái uyên súc Đường thi” [16].

Thể hiện sâu đậm nhất sự kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình trong thơ Nguyễn Trọng Tạo chính là việc sử dụng hình thức trường ca để diễn tả những câu chuyện mà nhà thơ cảm nhận được từ cuộc sống ngay bên cạnh mình. Trong sự nghiệp cầm bút của bản thân, cho đến thời điểm này Nguyễn Trọng Tạo đã đóng

góp cho nền văn chương Việt Nam đương đại ba trường ca lớn là Tình ca người

lính, Con đường của những vì sao và Biển mặn khẳng định tài năng và tâm huyết

của ông. Đặc biệt, trong trường ca Con đường của những vì sao, Nguyễn Trọng Tạo

đã miệt mài, tỉ mỉ công phu dàn dựng lên những câu chuyện cảm động đan xen tự sự và trữ tình với những cô gái trong trường ca này là thanh niên xung phong tham gia chiến đấu ngay dưới mưa bom bão đạn quân thù, và chàng trai là người lính lái xe chở đạn vào chiến trường. Qua hai nhân vật này tác giả muốn làm hiện lên thân phận và tâm trạng của người công dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Cái thời tuổi trẻ đạn bom Ta đi cứu nước

Sống xứng đáng với người sau, người trước

Câu hát chẳng ngượng ngùng, câu hát chẳng vu vơ

(Con đường của những vì sao)

Trường ca hiện đại Việt Nam đã đi từ cấu trúc tự sự đến trữ tình, diễn biến thể loại khá phức tạp, cũng như trường ca một số nước khác (như Nga, Pháp, Chile...) khởi đầu thường là tự sự nhưng khi đạt đến độ chín muồi hoàn chỉnh nó lại mang dáng dấp trữ tình. Vấn đề là nó vẫn giữ được cái cốt lõi nhất, có lẽ đó là những chiêm nghiệm gắn với các sự kiện thuộc về cái chung, của quê hương, đất

nước, dân tộc. Và trong trường ca của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã làm được điều ấy. Mở đầu trường ca Biển mặn, tác giả viết:

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

(Biển mặn)

Hai câu thơ đã gợi cho người đọc cảm nhận được cái mặn mòi của biển và cái đắng chát của những hy sinh gian khổ mà cha ông ta đã phải trải qua để giữ

biển, giữ lấy cái không gian sinh tồn của nước Việt. Biển mặn là trường ca thứ ba, sau "Con đường của những vì sao" viết về 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và "Tình ca người lính" viết về

thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc. Tác phẩm gồm 6 chương, hơn 1000 câu thơ

với khoảng 5500 chữ. Với mạch cảm xúc tự sự đan xen trữ tình, Biển mặn dẫn dắt

người đọc đi sâu vào lòng biển cả, với những câu chuyện của tiền nhân đã đặt mốc chủ quyền, những mưu sinh nhọc nhằn của ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc hải

chiến chống lại lũ giặc xâm lăng. Để rồi khúc Vĩ thanh của tác phẩm là những hình

ảnh thanh bình nơi đảo xa, là tiếng đồng dao của bầy trẻ đến trường:

Và em biết biển nơi này mặn lắm

Những cuộc đời máu thắm nở thành hoa

(Biển mặn)

Có thể nói kết cấu đa chiều kích được thể hiện trên mọi phương diện của trường ca trữ tình. Nó thể hiện đậm đặc trong sự đan xen giữa trữ tình và tự sự, chủ quan và khách quan, sự kiện và cảm xúc, hệ thống và ngẫu hứng, trần thuật và

chiêm nghiệm. Trường ca "Con đường của những vì sao" của Nguyễn Trọng Tạo

tồn tại song song hai loại nhân vật: trữ tình và trần thuật, gần như độc lập. Nhân vật trần thuật ngôi thứ ba dấu mặt xuất hiện để kể lại mối tình của hai nhân vật Mùa và

La, còn nhân vật trữ tình thường xuất hiện ở dạng nhập vai vào Nắng, Gió, Máu, và

Cây ... để ca ngợi tình yêu và sự hi sinh bất khuất của họ. Em về Đồng Lộc cùng ai

Vẫn con đường ấy chưa phai máu này Là em, em của anh đây

Em yêu: người biết quý ngày máu rơi Em yêu: người biết yêu người

Biết yêu anh, hiến cho đời và em

(Con đường của những vì sao)

Có lẽ ở trường ca này tác giả muốn bày tỏ tình cảm một cách khách quan, hướng đến tinh thần chung mà không muốn bày tỏ cái Tôi của mình. Mặt khác, đây

là trường ca viết chủ yếu để ca ngợi các cô gái ngã ba Đồng Lộc là đối tượng cụ thể vì thế tác giả là người đứng ngoài, không tham gia vào các sự kiện.

Một trong những yếu tố tự sự luôn hiện diện trong trường ca trữ tình đó là kết cấu theo kiểu chương đoạn. Kết cấu chương đoạn một phần tạo ra tính hệ thống, đảm bảo được mối liên hệ chặt chẽ về mặt hình thức cho cấu trúc, một mặt tạo ra được sự linh động cho tác phẩm trong việc tổ chức hình thức thể thơ cho từng chương đoạn. Thể thơ của trường ca là tự do nhưng có những chương đoạn tác giả viết theo thể lục bát hoặc thể thơ văn xuôi, thơ 7 chữ…

Một ngày bom đạn ê chề

Vắng mười cô gái không về cùng tôi Bạch đàn cháy rụi lưng đồi

Tình cờ, mười chị em tôi vẫn còn?

(Con đường của những vì sao)

Trường ca Con đường của những vì sao có tất cả 10 chương. Trong các

chương khúc rất nhiều mảng tự sự diễn tả bối cảnh cách mạng và chiến đấu của cuộc kháng chiến chống Mĩ làm nền cho hành trạng các nhân vật, đan xen bên cạnh những suy cảm trữ tình của tác giả.

Biển mặn mồ hôi Đất trộn máu người

Ôi Tổ quốc! Ta muốn cười muốn khóc Sau cơn bão chiến tranh hủy diệt Tóc biển xanh ôm vai đất mỡ màu…

(Con đường của những vì sao)

Sự gia tăng chất trữ tình đã làm tăng thêm chất suy tưởng, đồng thời phá vỡ cấu trúc tự sự vốn có của tác phẩm. Do đó, bàn về sự kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình trong thơ và trường ca Nguyễn Trọng Tạo còn có nhiều khía cạnh như nhân vật, giọng điệu, cú pháp, thời gian nghệ thuật... trong đó cấu trúc mới lạ về giọng điệu, nhịp điệu cũng là một nội dung quan trọng cần được bàn tới nhiều hơn nữa và sẽ được chúng tôi đề cập đến ở phần sau.

Nét đặc sắc trong việc kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình trong thơ và trường ca Nguyễn Trọng Tạo đã để lại những ấn tượng cảm xúc sâu sắc trong tâm hồn người đọc. Sáng tạo nghệ thuật với ông là niềm say mê cháy bỏng, nhà thơ luôn có những tìm tòi, phát hiện trong cách tân nghệ thuật chọn lọc được những phương thức biểu hiện thích hợp và có sự vận dụng thích hợp giữa nội dung và hình thức biểu hiện. Hòa vào dòng chảy của thơ ca đương đại Việt Nam, Nguyễn Trọng Tạo đã đem đến cho chúng ta một hồn thơ mang phong cách riêng. Từ những ngày đầu mới chập chững bước chân vào nghiệp văn chương cho đến hôm nay ông vẫn luôn tỏa sáng trên con đường lao động nghệ thuật, khẳng định một giọng thơ mang tính nhân văn và triết lí sâu sắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ và trường ca nguyễn trọng tạo (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)