8. Cấu trúc của luận văn
3.1. Một số vấn đề đặt ra hiện nay
3.1.2. Tình hình quốc tế
Thời gian qua, nước ta đã chủ động hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định. Tuy nhiên, tình hình quốc tế hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ở một số nước chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, khó khăn về kinh tế tài chính, lạm phát ở nhiều nước lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những nước đang phát triển như Việt Nam và thực tế nước ta đã bị tác động khá nhiều bởi những khó khăn này. Đó là một trong những nguyên nhân buộc Chính phủ phải hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 xuống mức 7%. Giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư xây dựng, thuốc chữa bệnh... liên tục tăng trong thời gian qua. Từ những khó khăn đó dẫn đến đời sống của nhân dân nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cũng gặp không ít khó khăn.
Trong khu vực và thế giới hàng ngày vẫn diễn ra các cuộc đổ máu do đánh bom liều chết (Apganixtan, Irắc, Pakixtan...), mâu thuẫn giữa các tôn giáo, sắc tộc ở Kosovo, Trung Đông, Thái Lan, Philippin... vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và chưa có lối thoát.
Việc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước ngày càng rõ rệt và có xu hướng đẩy thế giới đến những cuộc chạy đua mới phức tạp và tốn kém. Theo nhiều nhà phân tích, hiện nay ít có khả năng xảy ra chiến tranh lớn nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo đã và đang xảy ra. Đây là một trong những điều làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách và có ảnh hưởng đến an ninh chính trị và kinh tế toàn cầu.
Sự phát triển của khoa học và công nghệ làm cho khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, cạnh tranh thông tin cũng đang diễn ra quyết liệt nhất là những thông tin thời sự kinh tế, chính trị... Do vậy, sự thôn tính văn hoá cũng thường xuyên diễn ra và ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ trẻ nước ta, dù ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thế giới như vậy, việc giữ ổn định và phát triển ngày càng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có đồng bào là việc làm rất khó khăn. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội đối với sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và của cả nước nói chung.