8. Cấu trúc của luận văn
2.1. Khái quát về TTXVN và Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi
2.1.1. Khái quát về sự hình thành và phát triển của TTXVN
Mười ba ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đúng ngày 15/9/1945, từ Đài vô tuyến điện Bạch Mai, Hà Nội, Bản tin đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) với các ký hiệu viết tắt VNTTX (tiếng Việt), VNA (tiếng Anh), AVI (tiếng Pháp) được phát trên mạng sóng toàn cầu, gửi tới các châu lục những thông tin chính thức về nền chính thể Dân chủ Cộng hoà của nước Việt Nam độc lập, phác nét họa đầu tiên về non sông, đất nước ta trên bản đồ thế giới. Từ đó, ngày 15/9/1945 được chính thức lấy làm ngày thành lập TTXVN. TTXVN có vinh dự được Bác Hồ khai sinh và đặt tên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, một cơ quan thông tấn nhà nước ra đời, phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tuy vừa mới ra đời, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thô sơ, nhân viên ít ỏi, nhưng TTXVN đã vượt qua mọi khó khăn thử thách luôn luôn có mặt trên các chiến trường thu, phát tin, ảnh đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời mọi tin tức từ chiến trường. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phóng viên TTXVN đã theo sát các hướng tiến công địch, báo cáo kịp thời với Đảng và Bác Hồ tình hình chiến sự, cung cấp thông tin cho các báo, đài.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do yêu cầu của cách mạng và được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 12/10/1960, Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) ra đời, cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Từ chiến khu Dương Minh Châu, bản tin chính thức đầu tiên của TTXGP được phát đi khắp trong nước và thế giới. Hàng trăm nhà báo TTXVN đi chiến trường miền Nam, chiến trường C, K sát cánh cùng các nhà báo Lào, Campuchia... đưa tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta và nhân dân nước bạn. Những bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”, “Mẹ con ngày gặp mặt”, “Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập”... do phóng viên TTXVN chụp đã mãi mãi đi vào lịch sử.
Sau ngày đất nước thống nhất, TTXGP hợp nhất với VNTTX. Ngày 12/5/1977, VNTTX được đổi tên thành TTXVN theo Nghị quyết số 84/UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Là cơ quan thông tấn duy nhất của Việt Nam, qua 63 năm xây dựng, trưởng thành, ngày nay TTXVN đã trở thành hãng thông tấn tin cậy của Đảng và Nhà nước với hơn 2.000 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật làm việc ở Hà Nội và 63 phân xã (không còn Phân xã Hà Tây do tỉnh này hợp nhất về thành phố Hà Nội từ 1/8/2008) và 27 phân xã ngoài nước trải đều cả 5 châu lục. Ngoài việc cung cấp thông tin cho bạn đọc qua mạng internet, 35 loại ấn phẩm thông tin khác đáp ứng nhu cầu của công chúng, TTXVN là nơi cung cấp tin, ảnh cho các cơ quan thông tin đại chúng, cung cấp tin tham khảo (TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất của Việt Nam được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin tham khảo) phục vụ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và
phục vụ công tác nghiên cứu đối ngoại, đồng thời thông tin trực tiếp cho độc giả trong và ngoài nước.
TTXVN hiện có quan hệ hợp tác với 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế khu vực và thế giới; là thành viên và là uỷ viên Uỷ ban phối hợp của tổ chức TTX các nước Không liên kết (NANAP); là thành viên đồng thời là uỷ viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn Châu Á - Thái Bình Dương (OANA)... Việc hợp tác song phương, đa phương giúp TTXVN thực hiện chương trình công tác đối ngoại đa dạng, hiệu quả, mở rộng tầm hoạt động của mình ra khu vực và thế giới.
Nghị định 24/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/3/2008 quy định, vị trí và chức năng của TTXVN: “Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong việc phát tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí phục vụ các đối tượng có nhu cầu trong nước và ngoài nước”.
Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn của TTXVN:
...
“Thống nhất phát văn kiện, thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, biên soạn tin, hình ảnh, tư liệu, sách và tài liệu tham khảo phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Thu thập, biên soạn và phổ biến, phát hành thông tin (tin, bài, tư liệu, tài liệu, báo, tạp chí, sách, hình ảnh, sản phẩm nghe nhìn, sản phẩm thông tin đa phương tiện) phục vụ mọi đối tượng có nhu cầu trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Được phép công bố những quan điểm chính thức của Nhà nước về các vấn đề thời sự, chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, cải chính những thông tin sai lệch; khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc.
Thực hiện lưu trữ tư liệu thông tin; xây dựng ngân hàng dữ liệu về tư liệu thông tin và quản lý tư liệu ảnh quốc gia theo quy định của pháp luật”
...
TTXVN đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài.