8. Cấu trúc của luận văn
3.2. Một số giải pháp, kiến nghị
3.2.3. Đối với các ban, ngành địa phương
Trong trường hợp này, các ban ngành địa phương chủ yếu là Ban Dân tộc (Ban Dân tộc - Tôn giáo hoặc Ban Tôn giáo - Dân tộc), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh miền núi, ngoài nhiệm vụ là cơ quan tham mưu với UBND tỉnh, thành phố về công tác dân tộc, rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan này với Toà soạn để có những tuyến tin phù hợp với tình hình, đặc thù từng địa phương, giúp cho thông tin trên hai ấn phẩm này thực sự được đồng bào đón nhận nhưng không mang tính địa phương. Đây là một yêu cầu khó nhưng nếu làm được điều này, thì hiệu quả thông tin sẽ cao hơn, bởi các cơ quan này hiểu hơn ai hết nhu cầu của đồng bào, văn hoá, tập quán của từng dân tộc, thậm chí những vấn đề nhạy cảm như: tôn giáo, tình hình an ninh trật tự ở từng địa phương để giúp cho công tác tuyên truyền thực sự đúng và trúng.
Địa phương cũng là nơi tiếp nhận thông tin từ đồng bào về việc phát hành ấn phẩm, chất lượng ấn phẩm để giúp cho Toà soạn có những điều chỉnh phù hợp, tránh việc tuyên truyền một chiều.
3.2.4. Về tổ chức lực lƣợng
3.2.4.1. Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ
Công tác tổ chức, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ được lãnh đạo TTXVN nói chung và Toà soạn Dân tộc và Miền núi nói riêng xác định là công tác quan
trọng hàng đầu, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để thực hiện nhiệm vụ thông tin. TTXVN đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ cả về chính trị, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ. Nhờ vậy, TTXVN đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thông nghề nghiệp, lực lượng phóng viên phải nắm chắc nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật làm báo hiện đại, không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ phải hợp lý. Chỉ có bố trí đúng người, đúng việc, đúng khả năng, biết trọng dụng người tài, biết tổ chức toàn bộ công việc một cách khoa học thì mới đảm bảo mọi việc trôi chảy.
Báo chí và các lĩnh vực khác, con người là nhân tố quyết định sự thành công. Chính vì vậy, Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi cần bám sát Nghị quyết về việc tạo bước đột phá, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh thông tin của Đảng bộ TTXVN tại Đại hội Đảng bộ TTXVN lần thứ XXIII (9/2005), trong đó có nêu: “Phóng viên, biên tập viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức xã hội, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, ngoại ngữ để thực hiện tốt các lĩnh vực công tác được giao; tuân thủ kỷ luật thông tin về đường lối, chính sách cũng như chỉ đạo thực hiện của cấp trên”.
Toà soạn cần xác định lãnh đạo đổi mới tác phong làm việc, bắt đầu từ khâu phóng viên, biên tập viên với yêu cầu phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, đầu tư trí tuệ, đổi mới kỹ thuật viết, biên tập tin, ảnh, đặt mục tiêu chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu. Đối với mỗi phóng viên, biên tập, trước hết phải ý thức được việc tự học tập nâng cao trình độ, nâng cao bản lĩnh chính trị trong hoạt động tác nghiệp. Bên cạnh đó, hiện tại, Toà soạn có một số phóng viên, biên
tập chưa qua đào tạo nghiệp vụ báo chí trong trường đại học báo chí, cần bố trí cho các phóng viên này học các lớp đào tạo nghiệp vụ làm báo để họ có thể tiếp tục công việc của mình với chất lượng cao hơn. Phóng viên và biên tập viên phải có sự hiểu biết, ăn ý thì mới chuyển tải được nội dung thông tin một cách sinh động, mang đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng miền. Cùng với đó, phóng viên, biên tập phải đầu tư nhiều thời gian hơn trong việc tìm tòi, phát hiện thông tin hay, chất lượng tốt có tầm ảnh hưởng và sức lan toả trong xã hội. Toà soạn cần khen thưởng kịp thời những cá nhân tích cực, những thông tin hay, mới, đồng thời kiên quyết loại bỏ những thông tin báo đạo, vô thưởng vô phạt.
Số lượng phóng viên hiện nay của Toà soạn là khá hợp lý với phương châm một người có thể làm một số việc với trọng tâm là nghiệp vụ phóng viên, biên tập. Tuy nhiên, Toà soạn cần có thêm một số biên tập viên có kinh nghiệm để thực hiện công việc hiệu đính, tránh tình trạng dồn vào một, hai người. Đây cũng là việc tốt để đa dạng hoá cách thể hiện làm sinh động các bài viết từ đó tạo hứng thú cho người đọc.
Hiện nay, tình trạng “phóng viên công chức, tác phong công chức” xuất hiện ở một số cơ quan báo chí. Toà soạn cần xoá bỏ tình trạng này trong tác nghiệp, rèn luyện phóng viên chủ động săn lùng tin, phát hiện sự kiện để có những tin, ảnh đắt giá, theo sự kiện đến cùng; tránh thói quen làm tin trích báo cáo, không có sự đầu tư trí tuệ của phóng viên, đồng thời phóng viên chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin. Đây là một trong những yêu cầu cần thiết đối với phóng viên trong quá trình tác nghiệp, khai thác thông tin, nhất là những thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc xây dựng đội ngũ biên tập, hiệu đính viên giỏi, thực sự là người gác cổng cuối cùng để đảm bảo chất lượng hiệu quả cao nhất cho thông tin được phát
ra. Biên tập, hiệu đính phải là người có vốn kiến thức rộng để có thể phát hiện những thiếu sót về thông tin, đồng thời cũng là người nâng tầm cho bài viết của phóng viên.
Toà soạn cần phối hợp với Chi hội nhà báo thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, giao lưu với các đơn vị bạn để trao đổi, học hỏi đồng nghiệp từ đó tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác thông tin.
Toà soạn cần có kế hoạch tạo nguồn nhân lực phù hợp với trình độ phát triển. Đào tạo cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ cho công việc của Toà soạn, đồng thời cũng là những cây bút, những tay máy chuyên nghiệp về lĩnh vực này của TTXVN. Ở lĩnh vực này, có rất nhiều chương trình, dự án của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, phóng viên phải là người hiểu biết tường tận các chương trình, dự án này từ đó thể hiện tin, bài, ảnh đúng và hay. Công tác cán bộ cũng cần tính đến từng thời kỳ, từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển của Toà soạn. Cán bộ tuyển mới nhất thiết phải tốt nghiệp đại học (nhất là đại học báo chí), đồng thời cần trải qua lớp học nghiệp vụ của TTXVN từ 3 tháng trở lên; cần có những cán bộ có sự hiểu biết nhiều về đời sống văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào, thậm chí cần phải biết tiếng dân tộc. Nguồn cán bộ được đào tạo căn bản ở Toà soạn đồng thời cũng là nguồn cán bộ cho Ban Biên tập tin trong nước và có thể luân chuyển đi các phân xã vùng đồng bào dân tộc.
Tựu chung lại, sự chỉ đạo thông tin dù có cặn kẽ, kỹ càng bao nhiêu cũng chỉ là đường hướng, việc thể hiện tác phẩm báo chí như thế nào, có mang hơi thở cuộc sống hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhạy bén (nhạy bén trong phát hiện thông tin và nhạy bén chính trị), sự năng động, khả năng xử lý thông tin của phóng viên.
3.2.4.2. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên mạnh
Cộng tác viên đối với bất kỳ tờ báo nào đều rất quan trọng. Riêng Bản tin ảnh và Chuyên đề Dân tộc và Miền núi của TTXVN thì cộng tác viên có tầm quan trọng đặc biệt. Tất cả các số báo đều sử dụng rất nhiều tin, bài, ảnh của cộng tác viên. Như đã nói ở trên, cộng tác viên của Toà soạn có hai dạng chủ yếu là: phóng viên phân xã TTXVN tại các tỉnh và cộng tác viên cơ sở (gồm phóng viên các báo, đài địa phương, các nhà quản lý ở tỉnh, huyện và cộng tác viên ở thôn bản). Cùng với phóng viên Toà soạn thì cộng tác viên đã góp phần làm cho tin, bài trên mỗi số báo thêm sinh động, chuyển tải được những thông tin hay, mới từ thôn, bản từ nhiều dân tộc khác nhau trên cả nước.
Đối với cộng tác viên là phóng viên TTXVN tại các phân xã thì đây là đội ngũ các nhà báo chuyên nghiệp, do vậy việc phát hiện thông tin, xử lý tin bài khá thành thạo đáp ứng được yêu cầu của Toà soạn, thậm chí có những tác phẩm báo chí của họ viết rất hay mang hơi thở cuộc sống bởi đội ngũ này thường trú tại địa bàn nên họ rất am hiểu tình hình địa phương, phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Đối với đội ngũ phóng viên phân xã, Toà soạn cần phối hợp tốt hơn, nhịp nhàng hơn thì sẽ rất hiệu quả. Trong những số đặc biệt hoặc những vấn đề mang tính thời sự được nhiều người quan tâm, Toà soạn cần có sự trao đổi với phóng viên phân xã để cùng tìm ra hướng khai thác và thể hiện hợp lý. Việc này rất cần thiết, bởi cùng với định hướng của Toà soạn kết hợp với sự am hiểu tình hình địa phương sẽ mang lại những tác phẩm báo chí hay, có thực tế cuộc sống. Tuy nhiên ở một số phân xã không có phóng viên ảnh nên việc thể hiện bằng hình ảnh gặp khó khăn. Vấn đề này cần có sự vào cuộc của Ban biên tập sản xuất ảnh TTXVN, thậm chí cần sự vào cuộc của lãnh đạo ngành để nâng cao trình độ
nhiếp ảnh của phóng viên phân xã. Đây cũng là yêu cầu chung của TTXVN và phong cách tác nghiệp hiện đại.
Toà soạn cần quan tâm hơn việc củng cố, nâng cao chất lượng cộng tác viên cơ sở. Trước hết, trong quá trình biên tập tin, bài, biên tập viên có thể trao đổi qua điện thoại với cộng tác viên những chi tiết chưa rõ hoặc trao đổi về cách viết để cộng tác viên có thể điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của Toà soạn. Trong trường hợp không thể trao đổi qua điện thoại, Toà soạn có thể gửi thư theo đường bưu điện hoặc thư điện tử (nếu có) với cộng tác viên. Việc này vừa thể hiện sự trân trọng, gần gũi, nhưng quan trọng hơn là tin, bài của cộng tác viên gửi lần sau chắc chắn sẽ tốt hơn. Mỗi số báo có bài của cộng tác viên, Toà soạn nên gửi trực tiếp báo biếu đến cộng tác viên. Cách làm này cũng là để thể hiện sự trân trọng đối với sự cộng tác của họ, nhưng quan trọng hơn, qua tin, bài được đăng trên báo cộng tác viên có thể thấy và thay đổi cách khai thác thông tin, cách thể hiện cho lần sau. Trong trường hợp những tin, bài không dùng, Toà soạn cũng có thể thông báo tới cộng tác viên lý do vì sao. Định kỳ hàng năm, Toà soạn nên mở hội nghị cộng tác viên theo từng vùng để toà soạn và cộng tác viên trao đổi rút ra những kinh nghiệm trong việc phối hợp, hỗ trợ thông tin. Đây cũng là dịp để toà soạn tiếp xúc với địa phương nhằm quảng bá hình ảnh tờ báo, đề nghị phối hợp công tác nhằm phát triển mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở. Đối với những cộng tác viên là cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương là những người rất am hiểu về lĩnh vực họ công tác, cần phối hợp với đội ngũ này để họ cung cấp thông tin cho toà soạn, nhất là những khó khăn, những vấn đề nổi cộm trong thực tế công tác dân tộc ở địa phương để đăng tải trên ấn phẩm Chuyên đề. Đó là những ý kiến rất quý báu từ thực tế công tác dân tộc, từ những bất cập trong triển khai các chương trình, dự án... giúp cho
việc hoạch định chính sách được sát với thực tiễn hơn. Tuy nhiên, đối với những vấn đề nhạy cảm ở địa phương được cộng tác viên gửi về, việc toà soạn thận trọng có sự thẩm định chắc chắn trước khi đăng tải là rất cần thiết.
Cũng như các báo khác, Toà soạn cần thường xuyên dành một vị trí nhất định để mời cộng tác với toà soạn. Hiện nay, Bản tin ảnh được gửi đến tận thôn, bản nên có điều kiện kêu gọi cộng tác rất hiệu quả. Trong việc thanh toán nhuận bút, cùng với việc gửi tiền, toà soạn cần có lời cảm ơn tạo cho cộng tác viên thấy được sự trân trọng và thân thiện từ phía toà soạn. Đây là yếu tốt tâm lý cần khai thác triệt để.
Trong mỗi chuyến công tác ở địa phương, cán bộ, phóng viên toà soạn cần xây dựng kế hoạch mở rộng cộng tác viên thông qua việc gặp gỡ, giới thiệu trực tiếp ấn phẩm để nhận được sự quan tâm của nhiều người.
3.2.4.3. Khai thác tốt nguồn tài nguyên thông tin của TTXVN
TTXVN vẫn được biết đến là “ngân hàng” tin, ảnh trong hệ thống báo chí nước ta. Là đơn vị trực thuộc TTXVN, trong hệ thống các báo, tạp chí phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, không có toà soạn nào lại có ưu thế hơn Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi. Từ lợi thế này, việc khai thác nguồn tài nguyên thông tin (tin và ảnh) của TTXVN hợp lý, có hiệu quả sẽ giúp Toà soạn có sự chủ động về thông tin. Với hệ thống 63 phân xã hiện nay ở tất cả các tỉnh thành, Ban Biên tập tin trong nước, Ban Biên tập sản xuất ảnh báo chí, Trung tâm Dữ kiện Tư liệu sẽ là nguồn thông tin quý giá để Toà soạn khai thác sử dụng.
Với lý do đó, Toà soạn cần có kế hoạch khai thác thông tin thật hiệu quả bằng việc thường xuyên khai thác nguồn tin từ mạng nội bộ của TTXVN. Mạng thông tin này có thể cho phép các đơn vị (được sự cho phép của lãnh đạo cơ
quan) khai thác tin theo từng ngày, từng tháng, thậm chí theo năm. Tất cả những thông tin từ phân xã gửi về được phát lên mạng nội bộ để các đơn vị trong ngành khai thác phục vụ cho công việc của mình. Toà soạn cần lựa chọn những thông tin cần thiết cho ấn phẩm của mình ra ngay trong tháng hoặc làm tư liệu cho những số báo tiếp theo. Để làm việc này có hiệu quả, Toà soạn nên cử một người có khả năng lựa chọn thông tin (có thể là thư ký toà soạn) đọc mạng tin này để có thể lấy những tin, bài phục vụ cho toà soạn. Cũng có thể phóng viên, biên tập tự chọn lựa thông tin lĩnh vực mà mình theo dõi sau đó sắp xếp cho từng chuyên mục phù hợp trình lãnh đạo toà soạn phê duyệt. Tuy nhiên, theo chúng tôi nên cử thư ký toà soạn lựa chọn là phù hợp hơn cả vì đó là người có trách nhiệm chuẩn bị tin bài cho mỗi số báo để trình lãnh đạo Toà soạn phê duyệt. Việc này khắc phục được sự chồng chéo thông tin, tránh việc cùng một thông tin nhưng có hai người khai thác.
Vì là ấn phẩm xuất bản theo tháng nên tính thời sự không đòi hỏi quá cao do đó công tác lưu trữ là rất cần thiết. Lượng thông tin trong nước do phóng viên phân xã gửi về hàng ngày rất lớn và đa dạng nhiều lĩnh vực nên việc khai thác hiệu quả không chồng chéo, không bỏ sót thông tin là rất cần thiết.
Đối với thông tin tư liệu, việc phối hợp với Trung tâm Dữ kiện Tư liệu để khai thác những loại thông tin này là rất hiệu quả. Đối với các đơn vị bên ngoài việc khai thác thông tin (tất cả các loại tin) đều phải trả phí. Do đó, Toà soạn rất có lợi thế trong lĩnh vực này. Dạng thông tin tư liệu sử dụng trên hai ấn phẩm của Toà soạn không nhiều, tuy nhiên đây cũng là nguồn thông tin quý phục vụ