Khái quát về Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các ấn phẩm báo chí của thông tấn xã việt nam phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời kỳ đổi mới (Trang 54 - 57)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1. Khái quát về TTXVN và Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi

2.1.2. Khái quát về Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi

Ngày 20/1/1991, Bản tin ảnh Miền núi và Dân tộc ra số đầu tiên với số lượng 10.000 bản/kỳ. Đây là ấn phẩm xuất bản hàng tháng và là ấn phẩm duy nhất của hệ thống thông tin đại chúng Việt Nam dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào thời điểm đó. Năm 2001, Bản tin ảnh được đổi tên thành Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi.

Năm 1994, sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc đổi mới đòi hỏi phải có nhiều thông tin cho cán bộ cơ sở xã, huyện ở miền núi cũng như tạo diễn đàn để trao đổi, kiến nghị, phản ánh tiếng nói của cơ sở, Chuyên đề Dân tộc và Miền núi ra đời.

Ngược lại thời gian, ngày 27/11/1989, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 22/NQ-TW và sau đó, ngày 13/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định số 72/HĐBT. Cả hai văn bản này đều có nội dung liên quan đến những chủ trương và chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Kể từ khi có hai văn bản này, công tác dân tộc của nước ta được tập trung mạnh và có chuyển biến rõ rệt. Chính nhờ có NQ 22 và QĐ 72 làm căn cứ mà Tiểu ban Lâm nghiệp và Miền núi (thuộc Ban Biên tập tin trong nước - TTXVN) tham mưu cho lãnh đạo TTXVN xin phép xuất bản Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi.

Cuối tháng 10/1990, lãnh đạo TTXVN mời 14 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng ở một số tỉnh miền núi và Tây Nguyên - nhân dịp các đồng chí đó về Hà Nội họp Trung ương - đến cho ý kiến về việc TTXVN sẽ làm Bản tin ảnh phục vụ riêng cho miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh chủ trương này của TTXVN.

Như vậy, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết tâm của TTXVN, sự ủng hộ của các địa phương, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi được ra đời phục vụ nhu cầu thông tin của đồng bào.

Hiện nay, toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi xuất bản hàng tháng 2 ấn phẩm là Bản tin ảnh và Chuyên đề Dân tộc và Miền núi bằng tiếng phổ thông. Ngoài ra, từ Bản tin ảnh tiếng phổ thông, Toà soạn dịch ra 5 ngữ dân tộc thiểu số khác là: ngữ Khơ-me, từ năm 1992, số lượng 2.000 bản/kỳ (in ở thành phố Hồ Chí Minh); Ba-na, Gia-rai, Ê-đê từ năm 2003 (in ở Tây Nguyên) và tiếng Chăm năm 2005 (in ở Ninh Thuận), mỗi ngữ 3.000 bản/kỳ. Như vậy, mỗi kỳ, Toà soạn có 5 bản tin ảnh ngữ dân tộc thiểu số, một bản tin ảnh tiếng phổ thông (cùng nội dung) và một số Chuyên đề (tiếng phổ thông). Việc xuất bản bằng ngữ dân tộc

thiểu số đã đáp ứng nhu cầu của đồng bào tiếp nhận thông tin khắp mọi miền đất nước bằng tiếng dân tộc mình. Đây là một cố gắng lớn của Toà soạn nói riêng và của TTXVN nói chung trong việc tuyên truyền phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, Toà soạn là cơ quan báo chí xuất bản nhiều ngữ dân tộc thiểu số nhất ở nước ta.

Khoảng 10 năm đầu thành lập, Toà soạn toàn quyền xuất bản và phát hành Bản tin ảnh và Chuyên đề phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo phương thức cấp phát miễn phí theo địa chỉ. Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1637/QĐ-TTg (hiện nay là Quyết định 975/QĐ-TTg) đưa các báo, tạp chí phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về Uỷ ban Dân tộc trực tiếp quản lý, theo dõi và ký hợp đồng xuất bản, phát hành theo địa chỉ Chính phủ quy định. Đã có 18 tờ báo, tạp chí thực hiện cơ chế này, kể cả Bản tin ảnh và Chuyên đề Dân tộc và Miền núi của TTXVN.

Hiện nay, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cấp tỉnh được phát 3 tờ Bản tin ảnh, 3 tờ Chuyên đề; cấp huyện có 3 Bản tin ảnh, 3 số Chuyên đề; cấp xã được phát 1 Bản tin ảnh, 1 số Chuyên đề; cấp thôn, bản được cấp 1 Bản tin ảnh. Một đồn biên phòng được cấp 1 Bản tin ảnh và 1 Chuyên đề. Như vậy, mỗi kỳ, toà soạn xuất bản khoảng 55.000 cuốn Bản tin ảnh và 7.000 cuốn Chuyên đề (riêng tiếng phổ thông).

Về kinh phí, hiện nay, hai ấn phẩm tiếng phổ thông của Toà soạn (trong tổng số 18 báo, tạp chí khác) được thụ hưởng từ nguồn kinh phí của Quyết định 975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ấn phẩm là các ngữ dân tộc thiểu số do nguồn kinh phí của TTXVN bố trí.

Về cơ cấu tổ chức, khi mới ra đời, bộ phận làm Bản tin ảnh trực thuộc Ban Biên tập tin trong nước - TTXVN. Do yêu cầu của sự phát triển, ngày 14/2/1997,

Toà soạn Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi (từ đây gọi là Toà soạn) tách ra khỏi Ban Trong nước và là một đơn vị độc lập trực thuộc TTXVN. Toà soạn có chức năng: thông tin về các vấn đề liên quan đến miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc xuất bản Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi và một số ấn phẩm khác được phép nhằm góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở khu vực này, củng cố niềm tin của đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các ấn phẩm báo chí của thông tấn xã việt nam phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời kỳ đổi mới (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)