5. Cấu trúc luận văn
3.4. Ngôn ngữ nhân vật
Trong các trào lưu văn học hiện thực, việc cá thể hoá nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật được nhà văn đặc biệt quan tâm và được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, nhà văn có thể để cho nhân vật lặp đi lặp lại nhiều lần một số từ hoặc một số câu cửa miệng của nhân vật (“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), có thể để cho nhân vật sử dụng một số từ địa phương, từ nước ngoài, cách phát âm sai… Nhưng dù sử dụng cách nào, ngôn ngữ của nhân vật cũng phải có sự chọn lọc nhằm đạt đến sự thống nhất giữa các cá thể hoá và khái quát hoá, đồng thời cũng phải phù hợp với hoàn cảnh của nhân vật. Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hoá, tư tưởng, tâm lý, thị hiếu… Trong các tác phẩm tự sự nói chung, lời nói của nhân vật thường chiếm tỉ lệ ít hơn so với ngôn ngữ người kể chuyện nhưng lại có khả năng thể hiện sinh động và khêu gợi cho người đọc hình dung về bản chất, tính cách của nhân vật.
Xuất hiện trên văn đàn văn học với ngôn ngữ và giọng văn rất khác biệt so với những nhà văn trẻ cùng thời. Văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư sử dụng rất nhiều từ ngữ chỉ các sự vật, hiện tượng biểu tượng cho sông nước và miệt vườn Nam Bộ. Chính việc sử dụng ngôn ngữ địa phương, những hình ảnh tạo không gian Nam Bộ đặc trưng đã góp phần không nhỏ để Nguyễn Ngọc Tư tái hiện chân thực, sống động không khí Nam Bộ. Điều đó cũng khiến câu chuyện được kể lôi cuốn người đọc vào một thế giới chân thực, bình dị của những con người lam lũ miền sông nước.
Có thể nói ấn tượng đầu tiên và dễ thấy nhất trong ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chính là khả năng khai thác và vận dụng nhuần nhuyễn từ địa phương Nam Bộ để làm nổi bật văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây. Với việc sử dụng những ngôn từ được lấy thẳng từ cuộc sống chung quanh, nhà văn đã mang đến cho độc giả cảm giác gần gũi, thân thiện và được đắm chìm trong bầu không khí “đặc quánh” chất Nam Bộ. Không chỉ nhằm phản ánh và làm nổi bật những tính cách của con người vùng sông nước, Nguyễn Ngọc Tư còn khiến người đọc cảm thấy bị hấp dẫn và thích thú trước văn phong giản dị, chân thành và
đầy sáng tạo. Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng các danh từ trong mỗi sáng tác của mình để gọi
tên các sự vật, hiện tượng, hoàn cảnh đặc biệt mà chỉ bắt gặp trong thiên nhiên hoặc sinh hoạt Nam Bộ. Những danh từ chỉ các địa danh vùng sông nước Nam Bộ như: “Vàm Cỏ Xước”, “Vàm Cỏ Mắm”, “kinh Cỏ Chác”, “kinh Mười Hai”, “rạch Ráng”, “chợ Ba Bảy Chín”… hay những tên ấp tên làng: “xóm Kinh Cụt”, “mút Cà Tha”… Những danh từ chỉ địa hình, sản vật, cây cối, đồ dùng sinh hoạt hay hoạt động của đời sống như: “áo bà ba, kinh, rạch, vàm, xẻo, chợ nổi, ghe, xuồng, vỏ lãi, nước rong, nước kém, vịt chạy đồng, khô cá chạch, mắm, sú, đước, ô rô, dừa nước, cóc kèn,…” . Cách gọi tên người trong quá trình giao tiếp rất đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ theo kiểu theo kiểu gọi tên theo thứ tự sinh ra trong gia đình như: “Anh Hai”, “Anh Năm”, “Ông Tư”, “Thiếm Sáu”… Hoặc không thì gọi kèm tên thật với thứ tự sinh hoặc tính cách của nhân vật như: Hai Nhớ, Tư Bụng, Tư Đờ, Chín Vũ, Út Vũ, Út Thà,… Trong xưng hô với người trong gia đình, Nguyễn Ngọc Tư rất thường hay sử dụng lớp từ: “má”, “tía”, “chế”, “má sắp nhỏ”, “má con tao”, “má nó”, “ba thằng …”, “ba nó”, “bà nó”, “mầy”, “tao”, “bây”, “tụi bây”, “tụi nó”,...
Nói về việc sử dụng từ địa phương trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không thể không đề cập đến hệ thống từ thể hiện sắc thái biểu cảm của người nói đặt ở cuối những câu cảm hay câu nghi vấn. Đây cũng là lớp từ rất đặc trưng trong ngôn ngữ giao tiếp của người miền Tây Nam Bộ như: “á”, “à”, “hen”, “hôn”, “phải
hôn”, “vậy”, “nghe”, “nghen”, “vậy nghen”,”chớ”, “chớ bộ, “mà”, “lận”, “quá chừng”, “quá trời”, “vậy à”, “vậy cà”, “bộ”, “hả”, “ha”…
- “Con Cải tui về đây nè, bà con coi, nó lớn quá chừng hen” (Cải ơi) - “Cho bỏ tội mê cờ, nghen” (Hiu hiu gió bấc)
- “Con Huệ nó dứt tình lẹ quá ha, dứt cái “rụp” (Huệ lấy chồng) - “Tối nay lại chỗ tao nghe cải lương, nghe bây” (Cuối mùa nhan sắc) - “Tôi tháo vách thiệt à, cô Hậu” (Một trái tim khô)
- “Mấy đứa con nít khen dì giống cô Tấm trong truyện cổ tích quá trời”! (Chiều vắng)
Ngoài ra, đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc dễ dàng nhận ra một hệ thống từ biến âm thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ của người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long so với người dân ở các vùng miền khác như: ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ảnh (anh ấy), chỉ (chị ấy), biểu (bảo), bịnh (bệnh), sanh (sinh), gởi (gửi), kinh (kênh), ác nhơn (ác nhân),… Hệ thống từ biến âm này được lặp lại khá thường xuyên trong ý thức sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư góp phần làm cho ngôn ngữ truyện ngắn của nhà văn “thuần chất Nam Bộ”. Vẻ đẹp của nó không phải ở sự trau chuốt mà chính là sự bình dị, có chút gì hoang sơ. Mỗi câu văn đều dày đặc phương ngữ, đúng như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân nơi đây. Các phương ngữ mà từ trước tới nay người ta vẫn nghĩ rằng nó chỉ có giá trị sử dụng trong một vùng miền nhất định thì nay nó đã được đưa vào tác phẩm văn chương một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên, để tạo thêm sức hút, sức hấp dẫn và thể hiện chất riêng trong phong cách sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư còn sáng tạo, biến ngôn ngữ đời thường, đặc trưng của vùng miền thành ngôn ngữ văn chương. Đó là việc nhà văn thêm yếu tố X trong kết cấu AX (A là tính từ, X là yếu tố chỉ đặc tính do tính từ biểu thị), để tạo từ mới mang tính miêu tả cụ thể, sinh động và cường điệu. Để diễn tả nỗi buồn, Nguyễn Ngọc Tư có những cách nói rất “bình dân” như: “buồn ác chiến, buồn vô địch cấp huyện, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết, buồn chao chát trong lòng, giãy đành đạch, cười thúi mũi, mặc chết bỏ luôn, tiếc đứt ruột, nhức muốn
chết, ế ngoi ngóp…”. Để tả cảnh hành động bỏ chạy của ai đó, Nguyễn Ngọc Tư có những cách nói lạ như: “chạy xịt khói, chạy xà quần, chạy xấc bấc xang bang”, …
Với cách sử dụng ngôn ngữ “vừa quen vừa lạ” ấy, nhà văn đã làm cho mỗi truyện ngắn của mình giàu tính sinh động, gợi cảm xúc, vừa thể hiện được văn phong hóm hỉnh, ngộ ngĩnh vừa thể hiện chiều sâu tâm lý của nhân vật. Thói quen sử dụng từ ngữ như trên làm cho ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư gần với ngôn ngữ hàng ngày của người dân nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, điều này góp phần tạo nên một văn phong trong sáng, giản dị, không cầu kì và có phần nào đó nôm na, mộc mạc, chân chất nhưng vẫn tạo được một hiệu quả cảm xúc và thẩm mỹ rất cao; giúp người đọc dễ dàng nhận ra Nguyễn Ngọc Tư với những cây bút đương thời.
Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tư còn sử dụng khá nhiều thành ngữ mang sắc thái khẩu ngữ như: “nước đổ lá khoai, chân ướt chân ráo, bán thân nuôi miệng, chết bờ chết bụi, thất sơ thất sở, một cục đất chọi chim, yêu thầm nhớ trộm, tím ruột bầm gan” và rất nhiều quán ngữ là những cách nói, cách diễn đạt rất đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ như: “té ra, mắc cười, trời đất quỷ thần ơi, rủi quá, mà ngộ, hú vía, chết cha, đã đành, chỉ tội,…” Ngoài ra còn có những khẩu ngữ mang tính thông tục cũng được tác giả sử dụng. Đó là những từ ngữ quá tự nhiên, thông thường, tự nhiên thường chỉ quen dùng trong lớp người bị coi là kém văn hóa như: “thằng ma cà bông, con quỷ sứ, con quỷ, con trời vật, tổ cha, khỉ khô, thằng cha, thằng chả, vịt quỷ, cá quỷ…”
Như vậy, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ thành công trong việc đưa phương ngữ vào tác phẩm của mình, làm nên một đặc trưng riêng, một giọng văn riêng đậm chất Nam Bộ mà còn thành công trong việc đưa một lượng lớn các từ ngữ mang phong cách khẩu ngữ vào văn chương. Từ khẩu ngữ trong văn Nguyễn Ngọc Tư mang một phong cách riêng, một cá tính riêng: vừa đậm đà phong vị miền Nam, nhẹ nhàng đầy nữ tính, vừa dí dỏm, tinh nghịch đầy vẻ trẻ trung nhưng cũng gây ấn tượng mạnh.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng miền mà ở đó chất thơ của cuộc sống, của nội tâm con người cũng được bộc lộ đặc sắc qua từng trang viết. Chất thơ trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư do nhiều yếu tố kết hợp nhưng về cơ bản là do biểu tượng được sắp xếp lặp đi lặp lại mở ra nhiều tầng ý nghĩa và tạo âm hưởng trữ tình. Có lẽ Nguyễn Ngọc Tư không chỉ sử dụng chất thơ để câu chuyện thêm đẹp, lời lẽ và hình ảnh thêm ý vị mà còn để khơi thêm niềm đau, nỗi xót xa, sự ám ảnh cho con người khiến trái tim thổn thức xốn xang với những kiếp người nhỏ bé, đau thương. Chất thơ được thể hiện qua sự cảm nhận của nhân vật khi được hòa mình vào thiên nhiên, lặng ngắm tự nhiên. Nhân vật trở nên thanh thản, bay bổng cùng vẻ đẹp của tạo hóa bởi thiên nhiên đã nuôi dưỡng, gìn giữ phần nhân tính tốt đẹp của con người. Vĩnh (Sầu trên đỉnh PuVan) một mình ngược núi ngắm cánh sầu đông nở hoa bằng một thái độ chiêm bái trước tự nhiên huyền bí, từ chối trở về cuộc sống hàng ngày dưới kia đầy đau đớn, mệt nhọc, chán chường, lựa chọn cái chết thanh thản giữa tự nhiên. Những cánh hoa vô tư, dịu hiền, nhân từ, độ lượng, sáng trong đã cứu rỗi tâm hồn mệt mỏi của chàng trai thành phố với trái tim u sầu. Ở đó, Vĩnh trút bỏ được nỗi ưu phiền, nặng nợ trần gian. Bằng (Thềm nắng sau lưng) khao khát được thả mình giao hòa với thiên nhiên, nghe “bìm bịp kêu thâm u trong bờ dừa nước” quên mất lời hứa với má, “thả xuồng trôi dập dềnh trên chùm gọng, đang nói tiếng chim giữa chơi vơi nước lớn”. Phiên (Khói trời lộng lẫy), cậu bé sáu tuổi, “không nhổ cải bán vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy giữa mùa mưa (…) những con cá mang bụng no tròn sẽ được chúng tôi trả lại cho sông.”
Chất thơ trong ngôn ngữ của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư còn được thể hiện qua những câu chuyện thắm đượm tình người, cuộc sống mưu sinh, bươn chải của những gia đình, những con người trên những chiếc ghe theo từng con nước lớn. Tất cả đã được nhà văn tái hiện rất chân thật, sinh động nhưng cũng không kém phần mượt mà và duyên dáng. Trong truyện Nhớ sông có đoạn: “Lúc đó con Thuỷ còn mềm xèo nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn
bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mũi ghe.. Bây giờ hỏi lại, Giang nói không có con kinh, con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có con đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước rong...”. Hay trong truyện Một dòng xuôi mải miết người đọc sẽ phần nào hiểu thêm về nghề “nuôi vịt chạy đồng” trên những cánh đồng mênh mang, bạt ngàn “cò bay thẳng cánh” rất đặc trưng ở vùng sông nước Nam Bộ: “Mùa gặt năm nào anh cũng xuôi ghe chở bầy vịt đổi đồng về xóm Rạch Giồng này. Rồi cất cái chòi lợp bằng lá chuối, quây lưới cầm vịt trên khúc đê trồng so đũa. Từ chỗ này, mỗi ngày anh lang thang lùa vịt đi ăn khắp cả vạt đồng, qua tới vườn Xóm Lung. Tới khi người ta bừa đất chuẩn bị sạ vụ mới, Sang lại ra đi”. Cuộc sống sông nước hiện lên đầy đủ gắn với nhân vật “tôi” trong Dòng nhớ: “Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập loè, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu thiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông. Sông cách nhà một cái bến dài chẻ ngang đám dừa nước. Nếu không vướng tầm mắt vào đám ô rô mọc lởm chởm chồm từ mé lá lên, không vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại, có thể thấy lồng lộng một khúc sông. Đêm sáng tỏ trăng, ngồi trên nhà có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chuyến tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đều. Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi. Lâu lâu, có chiếc bông hàng ghe lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh con, mỗi nhóm lủng lẳng trái khóm, trái bầu dầm nắng mưa đã teo héo. Không thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác. Hừng đông chạy xuống bến thì ghe đã đi rồi. Những đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia”. Qua đoạn văn trên, nhân vật “tôi” đã vẽ nên một bức tranh tiêu biểu về không gian miền quê Nam Bộ đầy chất thơ và nhạc. Không gian ấy hiện lên là hình ảnh những khúc sông lồng lộng với những bụi ô rô, bụi lức dại, những cây đước; với vẻ đẹp lung linh của ánh trăng soi toả khúc sông. Và dòng sông ấy đang vận động theo
những chi lưu, có hành trình đi rõ ràng, có những lúc dữ dội nhưng có những lúc êm đềm. Và để làm nên sự sống động của con sông là sự có mặt của những con thuyền đang dọc ngang theo những hành trình đã định... Và dòng sông của tự nhiên ấy dường như cũng là những dòng sông cuộc đời, những dòng sông thấm thía tình người, tình đời. Người Nam Bộ gắn kết với dòng sông như máu thịt. Dòng sông trở thành những người bạn tâm tình, nơi lưu giữ suốt cuộc đời của người dân nơi đây. Trên dòng sông này, cha của nhân vật “tôi” trong Dòng nhớ chưa một ngày nguôi thao thức. Tất cả đều gắn cuộc đời với dòng sông. Dòng sông trở thành một không gian văn hoá cho người Nam Bộ sinh sống. Trong Cánh đồng bất tận có đoạn: “Và dường như cách giao tiếp ngấm ngầm của tôi và Điền cũng trong chuỗi bất thường, nó làm cho mối quan hệ với cha thêm rời rạc. Những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm.” Lời của “tôi” trong Cánh đồng bất tận lại vẽ lên một không gian vời vợi, một không gian ảm đạm đặc thù của miền đất trũng Nam Bộ. Phải chăng trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, một vài ngôi làng nho nhỏ sao lấp được khoảng không gian vô tận kia. Những người nuôi vịt chạy đồng phải chăng cũng góp phần cho khoảng không gian ấy bớt cô đơn, hiu hắt.
Ngôn ngữ trần thuật
Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ mang sắc thái Nam Bộ đặc trưng để thể hiện nét