Nhân vật kiếm tìm, khát khao hạnh phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 44 - 54)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Nhân vật kiếm tìm, khát khao hạnh phúc

Gia đình chính là món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi người. Mỗi chúng ta, ai cũng luôn có niềm khát khao được yêu thương, được sống trong sự quan tâm, săn sóc, chở che của tình thân, của người mình yêu. Chính tình yêu thương của gia đình, của tình yêu đã trở thành nguồn sống để những lúc mệt mỏi, chán chường, thấy bế tắc, tuyệt vọng, ta lại có người để sẻ chia, động viên, tiếp thêm động lực, nguồn cảm hứng và quan trọng hơn là ta có nơi để nương tựa. Yêu thương luôn là một nhu cầu cần thiết đối với mỗi người cho dù đó là một người mạnh mẽ hay tàn ác. Bởi yêu thương giống như một “liều thuốc tiên” đã cảm hoá họ đến với lương thiện, đến với việc làm “người”. Vì vậy, mái ấm gia đình trở thành cái đích đến của hạnh phúc. Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, hình ảnh mái ấm gia đình xuất hiện trở đi trở lại rất nhiều lần. Quá trình tìm kiếm người thân, tìm kiếm hạnh phúc gia đình, khát khao được yêu thương của nhiều nhân vật đã trở thành một hành trình dài vô tận mà đôi khi kết quả nhận được vẫn là sự cô đơn.

Truyện ngắn Biển người mênh mông kể về câu chuyện ông già Sáu Đèo lúc nào cũng mang theo mình một con bìm bịp với hành trình tìm kiếm người vợ suốt bốn mươi năm ròng rã. Ông lang bạt khắp nơi, ngược xuôi đi tìm vợ, tìm lại tổ ấm của mình với biết bao nhiêu cơ cực, khó khăn. Vợ ông bỏ đi trong đau đớn, tủi hờn khi ông chạm đến nỗi đau của bà là không thể sinh con. Điều đó đã khiến ông day dứt, bỏ cửa, bỏ nhà, cất công đi kiếm bà nhưng “kiếm hoài không gặp”. Hình ảnh con bìm bịp ông luôn mang theo bên mình chính là một kỉ vật sống nhắc nhở ông về một thời gắn bó với sông nước quê nhà – nơi ông có một cuộc sống nghèo nhưng hạnh phúc với người vợ trên thuyền. Tiếng kêu buồn não của con bìm bịp như nói hộ nỗi lòng trĩu nặng đầy ân hận và day dứt của ông.

Ông kể, hồi trẻ, ông toàn sống trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng lang thang xứ nầy xứ nọ. Gặp mùa lúa thì gặt mướn, gặp vịt bầy đổi đồng thì chở thuê gặp rẫy bí, rẫy khóm thì mua về bán lại chợ nổi Cà Mau, nước ngược cắm

sào đậu lại thổi cơm, bìm bịp kêu, nước bò lên bãi, ông cho ghe ra bến. Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm.”

Qua những lời tâm sự của ông Sáu Đèo với Phi có thể nhận thấy, ông luôn khát khao có một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Ông biểu, “sống một mình thì buồn lắm, chú em nên nuôi con gì đó, con… vợ thì tốt nhất, nếu chưa tính chuyện đó thì nuôi chó, mèo, chim chóc. Đừng nuôi sáo, nuôi sáo kết cuộc rồi cũng chia ly hà, nó hay sổ lồng, chết yểu. Kiếm thứ dân dã mà nuôi, để nhớ quê, nhớ gốc rễ mình, để đi đâu cũng muốn về nhà. Như qua, phò con bìm bịp này như phò bà già vợ vậy mà vui”.

Không chỉ riêng ông Sáu Đèo mà nhân vật Phi cũng có một niềm khát khao là được sống trong tình yêu thương của mái ấm gia đình. Anh cũng có một cuộc hành trình tìm kiếm âm thầm về tình thân. Anh mong muốn tìm được một người sẽ quan tâm, chở che, bảo ban, săn sóc chân thành giống như ngoại của anh. Lồng trong câu chuyện của ông Sáu Đèo, câu chuyện của nhân vật Phi cũng là một sự éo le, ngang trái. Sự xuất hiện của Phi trên cuộc đời này là kết quả của lần người mẹ bị cưỡng bức nên không ai muốn nhìn thấy Phi trên đời. Vì vậy anh bị cha mẹ bỏ rơi, sống với ngoại từ nhỏ. Ngoài tình yêu thương mà ngoại dành cho, Phi hoàn toàn sống trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của người cha và sự “vô tâm” của người mẹ. Mẹ của Phi chỉ hỏi anh có “đủ tiền xài không?”, sẵn sàng đáp ứng cho anh những nhu cầu về vật chất nhưng bà không biết rằng trong thâm tâm Phi, anh cần được che chở, yêu thương bởi tình mẫu tử - điều mà bà khó làm được cho con. Sau khi ngoại mất, Phi đắm chìm vào cuộc sống lưu lạc, lang thang của người nghệ sĩ. Anh sống không nề nếp, bê bối dáng hình, đem lời ca tiếng hát làm cần câu cơm, có người trọng, có người khinh, nhưng tuyệt nhiên không ai quan tâm Phi sống ra sao kể cả mẹ Phi. Cho đến khi gặp được ông Sáu Đèo, Phi mới cảm nhận được ở ông già một tình cảm ấm áp, bởi ông già là người đầu tiên thương và lo cho Phi như ngoại. Và ông cũng là người duy nhất quan tâm đến ngoại hình của Phi, trân trọng Phi như một người nghệ sĩ và cuối cùng khi dứt áo ra đi ông đã tin tưởng giao cho anh “đứa con” của mình là con bìm bịp đen thui – nơi ông chất chứa

những nỗi niềm tâm sự. Ông Sáu Đèo và Phi là những con người không có quan hệ máu mủ ruột rà, cô đơn, lưu lạc giữa “biển người mênh mông” nhưng nỗi khát vọng về tình yêu thương đã gắn kết họ lại với nhau. Họ đã chia sẻ, yêu thương nhau như người thân.

Hình ảnh những con người luôn khát khao, kiếm tìm tình yêu thương xuất hiện rất nhiều trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Họ là những con người dù nghèo, dù khổ nhưng niềm khát khao yêu thương và được yêu thương càng trở nên cháy bỏng hơn, mãnh liệt hơn đối với những mảnh đời bất hạnh hẩm hiu. Trong truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải, hình ảnh ông Hai - một ông già Nam Bộ làm nghề nuôi vịt chạy đồng lúc nào cũng giữ mãi hình bóng người vợ một thời đầu ấp tay gối với mình trong căn nhà nhỏ. Ông luôn tìm về miền kí ức xưa để tưởng nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc bên người vợ hiền.

Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỉ niệm. Mỗi khi trở về nó trở thành những dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giữa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng. Có cây lụa bên hè làm chứng, mỗi lần nhà đổ bánh xèo, vợ ông ra hái đọt lụa, đứng tần ngần, “phải ảnh có nhà để ăn”. Chiến tranh, ông đi biền biệt. Ngày về, chỉ còn đứa con trai. Nó khóc, kể, “Bữa đó cúng đình, có cải lương, má rủ con đi. Tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn đó ba. Hát chưa xong khúc Thoại Khanh ngồi đờn cho công chúa Châu Tuấn nghe, thì pháo đằng đồn Chẹt bắn lại, má con chết luôn”. Mùa đó lụa ra lá từng chùm trắng xanh, non nhuốt. Ông bắt thèm ứa nước mắt.

Cuộc sống cô đơn giữa bầy vịt khiến ông luôn mong muốn có một mái ấm gia đình, mong muốn có một bàn tay người phụ nữ chăm sóc, yêu thương và chờ ông mỗi chiều về. Khát khao ấy của ông tưởng như sắp trở thành hiện thực khi ông gặp được một người phụ nữ bị chồng bỏ rơi. Nỗi thèm muốn có một mái ấm gia đình bình yên đã thúc giục ông có dự định “đốt tràm sửa lại cái nhà, ở luôn không chạy đồng nữa”. Nhưng rồi, “dự định” ấy bỗng “đứt đoạn” khi người phụ nữ bỏ ông tìm về với chồng cũ. Mong ước có một bến đậu bình yên giản dị là vậy đã không thành hiện thực. Ông cứ trông chờ theo với một ánh nhìn “khắc khoải”.

Ở truyện ngắn Người muôn năm cũ, người đọc bắt gặp một hình ảnh người đàn ông mang trong mình một mối tình sâu đậm, theo đuổi nó suốt một hành trình dài và cất nó trong một góc riêng của tâm hồn đến cuối cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư không nhắc đến tên ông bằng một cái tên riêng, chỉ biết lúc trẻ ông theo cách mạng, yêu một người con gái nhưng tình yêu ấy không thành vì người ông yêu là con của một tên xã trưởng khét tiếng ác ôn. Yêu nhau thắm thiết nhưng không đến được với nhau, ông mong đến ngày hoà bình để có thể gặp lại người xưa. Nhưng khi đất nước đã hoà bình, người con gái ấy đã lấy chồng, có con rồi người chồng lại bỏ đi vượt biên, ông muốn tiến tới nhưng người ấy sợ ảnh hưởng đến tương lai của ông nên đã từ chối. Dẫu vậy, ông không từ bỏ, vẫn chờ đợi, vẫn ước mong được sống cùng người thương cho đến tận cuối đời. Trong kí ức của ông hình ảnh người xưa với bàn tay “ốp trầu chắc nụi” lúc nào cũng da diết, không bao giờ nguôi ngoai.

Trong Cải ơi, ông già Năm Nhỏ đã phiêu bạt khắp nơi, ròng rã suốt mười hai năm trời để tìm lại đứa con riêng của vợ đã bỏ nhà ra đi. Ông tìm con với một tấm lòng yêu thương con thực sự, lo cho con và cũng là để giải toả cho mình. Tương tự như vậy, hành trình tìm kiếm bà nội của nhân vật Dự trong Gió lẻ cũng là cách để cậu có được sự thanh thản trong tâm hồn. Dự thề là sẽ không trở về nếu không tìm được bà nội và cuộc tìm kiếm ấy nếu không có kết quả, Dự sẽ sống mãi trong nỗi dằn vặt, day dứt. Hình ảnh người chị trong Mộ gió, cũng mang nét tương đồng, khi luôn tạo cho mình một niềm tin và suy nghĩ là người em chỉ bỏ đi đâu đó chơi rồi sẽ trở về. Cũng chính vì niềm tin ấy mà chị phải chịu những lời cay nghiệt của bố mẹ khi không coi chừng em cẩn thận.

Chuyện tình của vị giáo sư già trong truyện ngắn Của ngày đã mất đã để lại trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác. Khoảng cách về tuổi tác và sự lão hoá hiện rõ trên thân thể, ngoại hình đã khiến vị giáo sư không đủ dũng cảm đến với người làm ông rung động. Những khát khao cháy bỏng yêu đương đều bị ông kìm lại, cố gắng nén sâu vào bên trong và luôn tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ, xa lánh với cô sinh viên trẻ hơn mình năm mươi tuổi. Ông đã “chạy trốn” tình yêu của cô sinh

viên và phủ phận những cảm xúc của bản thân vì mặc cảm tuổi tác. Ông chọn sự cô đơn vì ông không muốn người mình thương sẽ không được sống trong sự ngọt ngào, cuồng nhiệt của tình yêu.

Khát vọng hạnh phúc trong tình yêu, tình cảm gia đình, kiếm tìm người thân của các nhân vật đàn ông trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không ồn ào, dữ dội mà chỉ diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ, dai dẳng nhưng rất đỗi mãnh liệt. Đôi khi hạnh phúc, tình yêu thương đó đang ở ngay trong tầm tay nhưng vì mặc cảm, tự ti bởi cái nghèo, sự già cỗi, bởi trái tim đã từng bị tổn thương họ lại buông bỏ, chấp nhận một sự cô đơn. Nhân vật như muốn giấu đi nỗi buồn khổ, cô đơn ấy vào sâu bên trong, nén chặt lại trong lòng mà không dám bung bật. Bởi họ giàu đức hi sinh, cao thượng và họ cảm thấy mình không thể mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thương. Họ đi tìm hạnh phúc với một ý chí không bỏ cuộc nhưng lại không giành giật, tranh giành để có nó. Nếu như viết về người đàn ông, nhà văn thường chỉ ra những hụt hẫng trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc mà phần nhiều là mất mát và chờ đợi, tuyệt vọng thì với người phụ nữ, bằng sự đồng cảm riêng, tác giả lại khai thác ở nỗi niềm đau thương. Đó là những nỗi đau đớn khi bị phụ bạc, bị phản bội, nỗi khắc khoải chờ mong trong mỏi mòn hay là sự giằng xé trước khát vọng tình yêu với ý thức về bổn phận làm mẹ.

Ở truyện ngắn Biến mất ở thư viện, nhân vật Hảo dù được một chàng trai ít tuổi hơn yêu thương và chăm sóc hết mực nhưng trong cô lúc nào cũng luôn nhớ về hình bóng cũ. Tối nào cô cũng đến thư viện để mong gặp lại người yêu cũ, nhìn thấy một dáng hình quen thuộc đã “biến mất” từ lâu. Sự tìm kiếm ấy mặc dù biết kết quả là vô vọng nhưng cô vẫn đi tìm trong sự mênh mông vô tận. Dù có sống trong tình yêu với chàng trai trẻ nhưng “đôi lúc đang hôn nhau Hảo lại nhắc tới một cuốn sách nào đó mà con mọt sách như tôi còn nghe lạ” để đến nỗi chàng trai phải hậm hực mà thốt lên “người không ra gì mà nhớ hoài”. Tình yêu trong quá khứ luôn ám ảnh cô đến nỗi chàng trai trẻ không chịu được sự “tìm kiếm mỏi mòn và vô vọng” của Hảo cũng đã “biến mất” ở thư viện ấy.

Trong tác phẩm Duyên phận so le, nhân vật Xuyến có một khát khao mãnh liệt của bản năng. Đó là khát khao được làm người mẹ đích thực của đứa con mà mình không dám nhận là con đẻ. Xuyến là người phụ nữ làm nghề “buôn phấn bán hương” ở khu du lịch văn hoá So Le. Cô bắt đầu bước vào sự lầm lỡ khi “mười bảy tuổi có yêu một người, yêu đến nỗi bỏ cha, bỏ mẹ theo tình. Mười tám tuổi thằng nọ phụ phàng, bỏ cù bơ cù bất giữa chợ. Lúc ấy đã không còn đường về nhà nữa”. Khi làm tiếp viên cho một nhà hàng ở Mũi So Le, Xuyến cũng khát khao có một tình yêu hạnh phúc bên người mình yêu là Khởi. Nhưng nghề nghiệp của cô đã trở thành rào cản, Khởi bỏ đi khi thấy Xuyến đang tiếp khách làng chơi để lại cho cô một nỗi buồn tủi, cay đắng. Dù cho nhân vật Năm có yêu cô thật lòng, muốn gắn bó hạnh phúc trọn đời với cô, muốn cùng cô sinh con cái, gây dựng tổ ấm nhưng cô đã từ chối. Nguyên nhân, một phần vì cô vẫn luôn nhớ về Khởi, phần mãnh liệt hơn là bởi tình yêu lớn nhất và duy nhất cô đã dành cho bé Bi - đứa con cô lén để ở chỗ gốc cây điệp già trong sân nhà vợ chồng ông giám đốc hiếm muộn. Khát khao có được tổ ấm hạnh phúc đã mãnh liệt, khát khao được sống và chơi đùa cùng với đứa con ruột mà không dám nhận lại càng dữ dội, cồn cào hơn. Đã có lúc Xuyến thấy “Bi chơi lon ton một mình ngoài sân, không kìm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên hai tiếng trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy… Xuyến đưa Bi quay lại”. Xuyến đã vượt qua sự dè bỉu, ghẻ lạnh của người đời, chấp nhận công việc bồi bàn, tiếp khách, từ chối xây dựng hạnh phúc với người thương mình thật lòng để được gần con. Cô đã nén chặt lại khát khao có tổ ấm hạnh phúc để được làm một người mẹ “hờ” trên danh nghĩa.

Nhân vật Diệu trong tác phẩm Làm má đâu có dễ cũng mang trong lòng một khát khao bản năng như thế. Chị đã đánh đổi tình mẫu tử để có được sự nghiệp ca hát rực rỡ cho nên trong mối quan hệ mẫu tử chị luôn khổ tâm, dằn vặt. Đứa con gái như đòi lại được món nợ mà chị đã vay của má khi chỉ tiếng “má” bình thường mà người nghệ sĩ ấy nửa đời không một lần được con mình mở miệng kêu. Hay như Đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc) cũng vì nghiệp ca hát mà đành đoạn gửi con

cho người khác đến nỗi đứa con lớn lên không thèm nhìn mặt mẹ. Họ hi sinh tình cảm để hết mình vì nghệ thuật, được đắm mình vào nghệ thuật và cuối đời họ lại đi tìm kiếm tình mẫu tử từ những đứa con mình đã “bỏ rơi”.

Đối với người Nam Bộ, tình nghĩa là một điều thiêng liêng và vô cùng trân quý. Họ sẵn sàng yêu hết mình, tin thì rất mãnh liệt, lấy tình người để đối đãi với nhau và cũng chấp nhận nén chặt đau thương của mình để người khác được vui, được hạnh phúc. Dì Diệu trong truyện Làm mẹ là một tấm gương về phẩm chất con người Nam Bộ như thế. Vợ chồng dì sống với nhau nhiều năm nhưng không

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 44 - 54)