Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 85 - 91)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động

Miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật là một trong bước đầu tiên góp phần phát triển tính cách nhân vật. Thông qua yếu tố xây dựng nhân vật này người đọc sẽ dự đoán được nhân vật đó có đời sống vật chất và tinh thần ra sao.

Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo… Nhà văn có thể khắc hoạ ngoại hình nhân vật một cách trực tiếp thông qua ngôn ngữ người kể chuyện hoặc miêu tả một cách gián tiếp thông qua ngôn ngữ hoặc cái nhìn của nhân vật khác. Ngoại hình nhân vật có thể được nhà văn tập trung miêu tả trong một đoạn văn ngắn gọn, nhưng cũng có thể được miêu tả một cách rải rác, xen kẽ giữa các chương, đoạn, qua những tình huống và hành động khác nhau của nhân vật. Đó có thể là những nét của toàn thân hoặc chỉ là một vài đặc điểm nổi bật nhất trong diện mạo của nhân vật. Khi xây dựng ngoại hình nhân

vật, nhà văn cần thể hiện những nét riêng biệt, cụ thể của nhân vật. Nhưng qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại… Những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay như Từ Hải (Truyện Kiều - Nguyễn Du); Chí Phèo, Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) cho thấy nhà văn bao giờ cũng lựa chọn công phu những nét tiêu biểu để khắc hoạ nhân vật. Bởi vẻ bề ngoài, ngoại hình của một con người đôi khi có vai trò như là một dấu hiệu giúp ta nhận biết được bản chất bên trong của họ. Thậm chí, những đặc điểm về nhân tướng còn giúp ta đoán biết trước được số phận và cuộc đời nhân vật.

Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật người nông dân thường có ngoại hình lam lũ, xấu xí và thô kệch. Vẻ bề ngoài của họ được nhào nặn bởi công việc một nắng hai sương, chân lấm tay bùn nên lúc nào trông họ cũng khắc khổ, xù xì. Cũng bởi vì cuộc sống mưu sinh đầy những cơ cực, vất vả nên khi trái tim bị tổn thương hay trong lòng chất chứa những nỗi đau, sự day dứt, trăn trở, vẻ ngoài của họ lại khiến người đọc chạnh lòng. Đó là những khuôn mặt đau thương, đầy trách phận. Đôi dòng nước mắt trên khuôn mặt của ông già chăn vịt (Cái nhìn khắc khoải) là nỗi khao khát về một mái ấm gia đình hạnh phúc: “Có một màn nước mỏng, trong văn vắt, rân rấn tràn từ khoé mắt, chỗ đó, hơi giợn đỏ.” và hình ảnh: “Ông ngồi bệt trên bờ mẫu, khăn sọc cũ quấn đầu, nón vải nâu lốm đốm mủ chuối. Ông ngó lũ vịt và vấn điếu thuốc châm lửa, phà khói lên trời.” Nụ cười héo queo héo quắt với đôi dòng nước mắt trên khuôn mặt ông già Năm Nhỏ (Cải ơi) khi bị Diễm Thương trêu càng làm tăng thêm tình yêu thương, sự day dứt, trăn trở của ông về người con riêng của vợ đã bỏ nhà đi. “Ông Năm bẽ bàng ngồi đó, bẽ bàng lau nước mắt, cười héo queo héo quắt”; “Con nhỏ giỡn có duyên hết hồn” mà trên khuôn mặt vẫn còn đầy ứ những thương yêu”. Hay đôi “dòng nước mắt chảy ròng ròng” như không bao giờ khô được trên má của thằng Điền - một đứa trẻ bất hạnh và đáng thương (Cánh đồng bất tận) khiến người đọc phải ngậm ngùi, xót xa, ái ngại về cách cư xử của những bậc cha mẹ đối với con cái. Có nên vì thù oán, sự không hợp nhau trong cuộc sống vợ chồng mà kéo theo những đứa trẻ vào “trò chơi

trả thù” để cho đối phương phải đau khổ còn mình thì hả hê. Vì người cha mải miết trong “âm mưu” trả thù đàn bà nên đã đẩy những đứa trẻ thơ vào chốn mênh mông, vô tận không được sống, được tận hưởng tình thương giữa người với người. Không chỉ có những giọt nước mắt thể hiện khát khao mong mỏi mà đôi lúc nhà văn cũng sử dụng việc miêu tả nước mắt để thể hiện sự đau khổ, hối hận của nhân vật đã có những hành động lầm lỡ, sai trái. Đó là những “những “ý nghĩ bỗng bời bời, xấp xãi chạy trên gương mặt tròn, tái ngắt”; “Mắt chị đã tắt ánh nhìn lấp lánh, cồn lên một chút thất vọng, một chút não nề.” của người đàn bà lầm lỡ không thể trở về với các con trong truyện ngắn Một chuyện hẹn hò.

Hình ảnh khuôn mặt khắc khổ của ông Ba Già (Lỡ mùa) “nhăn nhó, teo héo như đít trái cau khô” và dáng “người ốm sọm, con mắt lõm trơ” vì mất ngủ, vì lo lắng chuyện lỡ mùa bởi những quy hoạch treo của nhà nước làm cho nông dân không có đất canh tác khiến người đọc phải chạnh lòng trước tấm lòng của người nông dân yêu đồng ruộng, yêu lao động, yêu quê hương và hơn hết là sự “tiếc” khi đất trồng cấy bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm. Hình ảnh ông cùng những người nông dân khô héo ngồi vật vạ trước cổng uỷ ban chờ ông chủ tịch tỉnh đã góp phần tô đậm số phận của những người nông dân lam lũ, nhọc nhằn. Việc miêu tả dáng vẻ lam lũ, khổ sở, ngồi vật vờ trước cổng uỷ ban nhân dân tỉnh của một đoàn người có già có trẻ đã phê phán sự vô tâm, tắc trách, thói vô trách nhiệm, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân của những người lãnh đạo. Vẻ ngoài kì dị, khùng khùng của nhân vật Lương trong truyện ngắn cùng tên lại ẩn chứa một tâm hồn trong sáng, nhân hậu. Nhà văn đã dụng công sử dụng thủ pháp miêu tả của điện ảnh để khắc hoạ ngoại hình của nhân vật Lương: “Lương xấu trai thiệt. Tướng Lương nhỏ xíu, teo héo. Đầu to, tóc dày, cứng, cháy nắng. Một bên mắt lé xẹ. Ai cũng cười: “Cái thằng, mầy chèo mà không ngó đằng trước, ngó đâu trật lất vậy?”. Lương không giận tựa như không biết giận. Cái thân nhỏ mồ côi mồ cút, nghèo xác xơ mà bày đặt giận cuộc đời thì làm sao sống nổi. Suốt ngày Lương hệch miệng ra cười, làm như vui, làm như không, khó nắm bắt. Trông Lương như một người trí não chậm phát

triển. Lương khoái cặp mắt mất đoàn kết của mình lắm, người ta nhìn anh biết, chứ anh mà nhìn lại, người ta tưởng anh ngó đâu đâu.”

Sự tương phản giữa ngoại hình và tính cách của nhân vật giống như một thủ pháp “đánh lừa” của nhà văn. Đôi khi nhân vật có vẻ ngoài tưởng như khó gần, lạnh lùng, thậm chí có phần gây phản cảm, nhưng khi nhân vật cởi bỏ lớp gai của lông nhím qua hành động quan tâm, yêu thương với nhân vật khác, người đọc lại càng trân trọng hơn tấm lòng, trái tim ấm áp, giàu yêu thương của họ. Điển hình cho việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này là nhân vật ông Mười, chồng dì Thắm trong truyện ngắn Mối tình năm cũ. Hàng xóm láng giềng không ưa ông vì “mặt mày thì đen sì, không biết vui hay buồn, già đầu rồi chưa nói câu nào nghe ngọt ngào với vợ”. Dù đã cầu cứu đến cả chính quyền để ông Mười cho vợ đi làm phim, vậy mà ông “vẫn nín thinh, ngồi vấn thuốc, uống trà, nhìn xa xôi.” Còn mấy ông già thì “chống gậy le te về, bụng chửi, cái thằng, coi mặt chữ điền bự vậy, cái miệng rộng vậy mà ích kỉ, hẹp hòi”. Phải đến khi kết thúc truyện, người đọc mới vỡ lẽ, thì ra đằng sau cái vẻ bề ngoài lầm lì, vụng về ấy là một con người hết lòng thương yêu và chăm lo cho vợ con của ông Mười. Mọi người mới “nhớ tới một chiếc khăn, một bàn tay thô, một tấm lưng rộng” “ẩn sau vẻ mặt đau đớn, đẫm nước mắt của dì Thấm” hôm quay phim tư liệu.

Trong truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc, khi miêu tả những đổi thay trên khuôn mặt người ca nữ nổi danh một thời, Nguyễn Ngọc Tư đã dùng những nét vẽ chứa đựng cả nỗi niềm xót xa cho cuộc đời hồng nhan bạc phận của người nghệ sĩ: “Ông Chín bàng hoàng nhận ra đào Hồng dù nhan sắc của bà ngày xưa không còn nữa, mặt nhăn nhúm, nám đen, cái cổ cao ngày trước bây giờ gần như đổ gục vì gánh nặng tâm tư mà cuộc đời chồng chất”. Những lời văn miêu tả ngoại hình ấy luôn khơi gợi cho người đọc niềm thương cảm, ngậm ngùi xót xa đối với số phận nhân vật.

Bên cạnh những nhân vật hiền lành, lương thiện, Nguyễn Ngọc Tư không phải không thành công trong việc khắc hoạ những nhân vật phản diện xét từ góc độ ngoại hình. Thực tế đời thường cũng rất khó nhận ra bản chất của họ qua những

biểu hiện bề ngoài. Chẳng hạn như nhân vật Bảo trong truyện ngắn Ngổn ngang; nhân vật Thường - người chồng độc ác thuê người giết vợ trong truyện ngắn Một

trái tim khô. Khi vợ cấp cứu trong viện: “Ba đêm rồi Thường thức trắng, con mắt

lõm trơ, người căng như sợi dây đàn, lặng người theo mỗi tiếng Hậu rên, hớt hải khi Hậu trở mình…” mà thực chất là quỵ xuống bởi câu hỏi tê tái của vợ sau khi tỉnh: “Sao anh đành đoạn giết em?”. Nhân vật người cha trong truyện ngắn Cánh

đồng bất tận được Nguyễn Ngọc Tư dụng công giới thiệu vẻ đẹp ngoại hình, nó có

tác dụng như một “miếng mồi” để hấp dẫn những người phụ nữ nhẹ dạ. Qua cái nhìn của một cô gái điếm, chị thấy anh ta “đang vồng lưng trong nắng sớm, chếnh choáng: “Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ…”. Và người cha đó “vào tuổi bốn mươi, quyến rũ từ cái cười, từ câu nói, ánh nhìn thăm thẳm, ngọt ngào” đến “khuôn mặt chữ điền ngời ngợi” ấy đang che giấu trong mình một nỗi đau sâu hoắm, vời vợi, lúc nào cũng ăm ắp mưu toan trả thù đàn bà.

Không miêu tả chi tiết khuôn mặt của nhân vật một cách tỉ mỉ, cụ thể, hình dáng thế nào, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đôi khi chỉ điểm vài nét tiêu biểu, nhấn mạnh vào một chi tiết để làm nổi bật đặc điểm của nhân vật. Trong Cải ơi, Nguyễn Ngọc Tư chỉ miêu tả ngoại hình của Diễm Thương với vài nét “khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ, vui buồn không ra, đố ai biết nó nghĩ gì”, “mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chớm như rễ tre”, “nụ cười héo hắt”. Không miêu tả chi tiết khuôn mặt của nhân vật theo kiểu mắt ra sao, mũi thế nào... Nguyễn Ngọc Tư chỉ khái quát một cách rất chung chung nhưng chỉ cần đọc thế thôi người đọc đã có thể tưởng tượng ra được khuôn mặt lạnh trơ là khuôn mặt thế nào; nụ cười héo hắt là nụ cười ra sao. Có thể mỗi người sẽ hình dung một khuôn mặt không giống nhau nhưng ở đó đều toát lên một điểm chung đó là tính cách rất lạnh lùng, bất cần đời nhưng ẩn bên trong lại là yếu đuối, đau khổ.

Ngoài ra, để người đọc có thể thấy được rõ nét tính cách của nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư còn rất chú ý trong việc mô tả hành động của nhân vật. Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. “Hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong các quan hệ ứng

xử với các cá nhân vật khác nhau và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống’’. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm. Qua hành động, Nguyễn Ngọc Tư muốn để cho nhân vật của mình nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, trạng thái diễn biến bên trong nhân vật.

Đọc Cánh đồng bất tận người đọc không thể quên được hành động “Người cha cởi áo trên người để đắp cho đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời”. Có thể nói một hành động chăm sóc yêu thương đó ông đã bỏ quên từ lâu lắm. Rồi hành động hết sức cảm động của ông Mười (Mối tình năm cũ). Khi chứng kiến cảnh vợ đau khổ vì làm phim về người yêu cũ đã mất, ông đã “nhẫn nại cầm chiếc khăn lau những dòng nước mắt trên khuôn mặt vợ”. Trước hết ta nhận thấy đây là một hành động tràn đầy tình yêu thương, sự nâng niu, trân trọng đối với người vợ đã chịu nhiều mất mát của mình. Và đằng sau tình cảm ông dành cho vợ là tấm lòng vị tha, cao thượng, ông đã không hề mảy may ích kỉ, nhỏ nhen trước chuyện vợ mình vì một người đàn ông khác mà khóc.

Hành động “khăn gói bỏ xứ ra đi” tìm đứa con riêng của vợ cũng là hành động thể hiện được tình yêu thương vô bờ của ông Năm Nhỏ trong Cải ơi. Thương con lưu lạc, bơ vơ, thương vợ nghẹn ngào trong nỗi sầu lo lắng nhớ mong con, ông quyết tâm tìm lại đứa con ấy. Ngoài ra, hành động quyết tâm ra đi cũng thể hiện lòng tự trọng và sự cố gắng minh chứng cho tấm lòng trong sạch của mình trước thái độ dò xét của những người xung quanh và sự ngờ vực của vợ. Hành động ra đi còn xuất hiện rất nhiều trong tập truyện Cánh đồng bất tận: Sự ra đi của Tứ Phương để nhường chị Thể cho anh trai, hành động nhân vật “má” đi tìm tin tức của người vợ cũ cho chồng cũng là những hành động mà chỉ những con người có tấm lòng vị tha, cao thượng mới có được. Hành động bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ nơi giàu sang để đi theo tiếng gọi tình yêu của ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc cũng là hành động rất đáng trân trọng của một con người mạnh mẽ, dứt khoát lấy tình yêu là lẽ sống cả đời của mình. Hay hành động ra đi tìm chồng của cô Út trong Cái nhìn

khắc khoải cũng đã thể hiện được tình cảm yêu thương, gắn bó và sự chung thuỷ của người phụ nữ Nam Bộ... Những hành động đều rất nhẹ nhàng nhưng tất cả như đã đều toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó.

Mỗi nhân vật khi làm bất cứ một điều gì, hành động như thế nào đều đã thể hiện một phần tính cách của mình. Mô tả hành động của nhân vật, ngoài việc để góp phần thúc đẩy cốt truyện, Nguyễn Ngọc Tư còn khéo léo thể hiện tính cách nhân vật, góp phần xây dựng nhân vật trong tính hoàn chỉnh của nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 85 - 91)