5. Cấu trúc luận văn
2.2. Nhân vật bình dị, nhân hậu
Nhân vật bình dị, nhân hậu trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đa phần là những người nông dân Nam Bộ chân chất có cuộc sống bình dị nhưng chứa đựng những tấm lòng nhân hậu, bao dung. Nhà văn đã khai thác một mặt đời sống của người nông dân, không chỉ là những người làm ruộng trên những cánh
đồng mà còn là những người nông dân làm nghề chăn thả vịt, bán vé số, buôn bán nhỏ lẻ,… hay là những số phận có cuộc đời không như ý, bị mọi người khinh rẻ. Họ đa phần là những người nghèo khổ, bất hạnh, thiệt thòi, thiếu thốn về điều kiện sống nhưng lúc nào cũng chan chứa tình yêu quê hương tha thiết, coi trọng danh dự. Số phận của họ gắn chặt và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những vấn đề thời sự của xã hội, bởi trách nhiệm của những người làm lãnh đạo.
Lỡ mùa là một truyện ngắn phản ánh cuộc sống của người nông dân khi phải
mệt mỏi trông chờ vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trước một dự án “treo”. Họ là những người nông dân đang yên ổn làm ăn, cần cù cày cấy trên vùng đất Trảng Cỏ, bỗng dưng lãnh đạo tỉnh cho quy hoạch hết ruộng đất để làm “khu du lịch sinh thái lớn nhất nhì đồng bằng”. Tuy nhiên, dự án đó lại để treo mấy năm “chưa thấy nhà nước bắt tay vô làm, ngó đất bỏ không”, cả một vùng đất rộng lớn dùng để sản xuất nông nghiệp mà giờ đây chỉ là “cỏ ống, năn, lác rủ nhau lại mọc xanh chơi” trong khi “Người Trảng Cỏ ngơ ngác một chút, rồi buồn, tiếc như ai đó dứt khúc ruột mình ra, nhưng tuyệt nhiên không cãi”. Người dân đứng nhìn đất để không như vậy thấy day dứt, tiếc nuối nên đã không ngại đường sá xa xôi, gác công việc đồng áng lại kéo nhau một đoàn gần chục con người từ già đến trẻ lên tỉnh gặp ông chủ tịch để hỏi về việc tiến hành dự án. Họ chỉ muốn gặp ông chủ tịch “để coi nhà nước mình có làm du lịch nữa không, nếu không xin rút quyết định lại để bà con còn canh tác”. Niềm mong muốn của họ là được tiếp tục cày cấy, được làm nông, canh tác trên mảnh đất mà họ đã “cầm súng chiến đấu cả đời để mơ có một miếng đất trồng lúa, có chốn nương thân” nhưng nhận lại là một sự thơ ơ, dửng dưng, vô trách nhiệm của lãnh đạo. Hơn mười con người từ đứa trẻ mới có bảy tuổi đến những ông già “môi run lều phều trước hàm răng trống” phải vật vờ trên vỉa hè trước Ủy ban Nhân dân tỉnh trong mấy ngày mưa gió chỉ mong được nghe câu trả lời từ ông chủ tịch. Vấn đề của dân bức thiết như vậy nhưng ông chủ tịch lại bận đi họp hành, chẳng có ai lắng nghe những tâm tư của họ. Tác phẩm không chỉ nói về nỗi niềm tiếc nuối về sự “lỡ mùa” của dân mải lo tìm người “thấu hiểu” mà còn thể hiện một nỗi đau của dân khi niềm tin và hi vọng bị
bóp nát bởi sự trễ nải, thờ ơ của lãnh đạo. Buổi họp của ông được đánh đổi bằng một vụ mùa của dân. Người nông dân Trảng Cỏ rất yêu và luôn muốn gắn bó với mảnh đất đã nuôi sống họ qua bao thế hệ, họ cũng rất yêu nghề làm nông với một niềm tự hào. Người đọc thấy buồn theo nỗi buồn của họ khi không được cày cấy nhưng buồn và xót xa hơn nữa là khi thấy niềm tin, niềm hi vọng của họ gửi vào nhầm chỗ.
Cũng giống như người nông dân Trảng Cỏ, người nông dân ở vùng đất Thổ Sầu rất yêu và thương quê hương tha thiết. Họ thiết tha muốn gắn bó với mảnh đất ông cha, nguồn cội, dẫu cho mảnh đất ấy không được phép “làm giàu”. Cuộc sống của người nông dân ở Thổ Sầu như sống trong một nghịch lí. Bởi Thổ Sầu là vùng đất rất thu hút và hấp dẫn khách du lịch, người ta kéo đến đó rất nhiều, có cả trong nước và ngoài nước. Thông thường ngành du lịch phát triển luôn có một mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng đầu tiên, sau mới tới đất nước. Tuy nhiên, Thổ Sầu thì đi ngược lại với điều đó, mảnh đất đó không được phát triển. Người dân ở đó nghèo quá, muốn được cải thiện cuộc sống thì phải chuyển đi nơi khác, bởi lãnh đạo không cho phép Thổ Sầu “làm giàu”, Thổ Sầu phải “nghèo bền vững”, “nghèo truyền thống”, nếu giàu thì không làm được du lịch. Xót xa và cay đắng là chỗ Thổ Sầu chỉ thu hút, hấp dẫn khách du lịch bởi cái nghèo đến mức gần như nguyên thuỷ. Những người khách du lịch khi đến Thổ Sầu rất háo hức, vui sướng khi nhìn thấy những căn nhà tả tơi, những đồ vật cũ kĩ, những lũ trẻ gầy nhom và đen đúa:
“Những căn nhà cột cặm gió thổi lá mục rơi lả tả, chiếc tivi đen trắng xài bình ắc quy làm thót tim bọn trẻ con khi vở cải lương vẫn còn dài mà khung hình chỉ còn chút xíu vì thiếu điện. Những cái cối xay bột bằng đá xám. Những cái vách buồng được đan bằng sậy giập”, hay “một chiếc mùng chi chít những miếng vá nhiều màu, mấy cái đèn cóc lụn tim, chiếc giường ngủ ghép bằng thân tre chẻ hai, mắt tre dù đã chuốt kĩ vẫn gù lên, lông chông”.
Khách du lịch đến thăm quan chỉ để thoả mãn con mắt của họ. Thổ Sầu cho họ được “thưởng thức” nỗi buồn khổ, sự nghèo khó của đồng loại như một thứ đặc
sản quý hiếm không thể tìm thấy ở nơi đô thị. Cho họ sự khoái chí, hớn hở khi được xách dép lội trên con đường ọp ẹp bùn sình, được giới thiệu cho bạn bè: “Thổ Sầu quá quyến rũ, khiến người ta mụ mị đi bởi cái nghèo, giản dị đến mức nguyên thuỷ. Nhiều người khách mô tả, họ như rơi tõm vào một vũng buồn, và chìm trong thứ bùn mát rượi và thơm ngọt mùi đồng bãi.” Thổ Sầu không được bán phở, chỉ bán bánh dừa, bánh khọt, cốm gạo,… để giữ cái nghèo, cái đói, sự thiếu thốn để người ta đến đó còn rút ra được những bài học cho bản thân. “Người có quá khứ nghèo thì phơ phởn thấy mình đã thoát được cái nơi (tương tự) như Thổ Sầu. Những người chưa từng nếm trải cuộc sống quê mùa thì trầm trồ, thắc mắc chuyện không đâu, thí dụ như vì sao vài đứa nhỏ ở đây chỉ ăn cơm suông, chừng hết cơm mới đụng đến mớ đồ ăn ít ỏi. Người thấy cuộc sống chật chội nặng nề đến đây, bỗng thấy mình ham sống, thấy tràn trề sức lực trong cuộc chen chúc mưu sinh…” để cho người phụ nữ thấy “mình quá giàu so với đám người này” và những ông chồng vui mừng khi “dám chắc là trong ba tháng nữa bà vợ mình không than vãn chuyện lương thấp lương cao.” Ở đây, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư gần có nét tương đồng với nhà văn Vũ Trọng Phụng qua cái cười mỉa mai, châm biếm nhẹ nhàng khi thằng Đậu thấy hình ảnh mình trong mắt du khách là một thằng con trai tàn bạo, man rợ với hành động lột da chuột đồng. Đó là công cuộc mưu sinh của hai tía con thằng Đậu nhưng nó lại thấy tuyệt vọng khi “không làm sao cải thiện được hình ảnh của mình”. Đúng với tên gọi nhan đề “Thổ Sầu”, mảnh đất nghèo chứa đựng nhiều tâm trạng u uất. Họ không thể thoát được cái nghèo bởi cái danh “mảnh đất du lịch về cái nghèo”, cho nên cả cuộc đời phải ngụp lặn trong nghèo đói. Chính cách làm du lịch của chính quyền địa phương vạch ra một chiến lược kinh doanh kì lạ đã đẩy những con người rất yêu quê hương lúc nào cũng mang trên mình bộ mặt hậm hực, căm tức, những con người nghèo khổ phải ngập chìm trong sự thiếu thốn vật chất và sự tổn thương tinh thần.
Tương tự như vậy, nhân vật ông Tư Nhớ trong truyện ngắn Đau gì như chưa thể là một người nông dân hiền lành, nhân hậu, cũng vì sự quan liêu và thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người dân mà ông Tư Nhớ bị chính
quyền xã bắt giam một cách oan ức với tội ông đã làm con gái riêng của vợ có bầu. Khi nghe mẹ của Nga cũng là vợ của ông mắng rằng: “Sao anh lại hại đời con gái tôi đến nỗi phải mang bầu?”, công an xã đã không điều tra, tìm hiểu sự việc rõ ngọn ngành, không để cho ông phân trần, đã tới nhà mời ông đi và nhốt ông năm ngày liền. Tuy nhiên, sau khi sự việc đã sáng tỏ ông Tư Nhớ muốn làm đơn yêu cầu chính quyền xã xin lỗi và minh oan cho ông, nhưng chẳng có ai đoái hoài tới. Ông Tư Nhớ cũng giống như bao người nông dân Nam Bộ khác, có tính cách hiền lành, chất phác, sống tình nghĩa và rất coi trọng danh dự của bản thân. Ông chấp nhận cắn răng chịu đựng những lời bàn tán ác ý, dè bỉu của xóm làng để cùng con nuôi cháu nên người, đỡ đần người con riêng của vợ lúc khó khăn, bụng mang dạ chửa nhưng trong thâm tâm lúc nào cũng đau đáu muốn được minh oan, được sống đàng hoàng, ngẩng cao đầu. Ông muốn được thể hiện tình yêu của người cha dành cho con gái, của người ông dành cho cháu ngoại, chứ không phải thậm thụt quan tâm, giữ khoảng cách vì sợ mang tiếng oan “chồng quan tâm vợ, cha quan tâm con”. Cũng vì tính hiền lành, chấp nhận chịu thiệt mà ông phải “cắn răng” chờ đợi mỏi mòn, bỏ bao công sức lặn lội từ xã tới huyện tới tỉnh để được chính quyền minh oan lấy lại danh dự, nhưng chẳng một ai thèm quan tâm:
“Ông ra xã, công an cười khà khà, như đang nói về vụ bắt nhầm con cá lóc, hay con vịt con gà,“biết chú bị oan là tôi thả liển, chú còn đòi gì nữa?”. Ông cãi, tui đâu có đòi gì, nhưng cậu ra thanh minh với bà con Xẻo Mê dùm vài tiếng được không. Công an chạy qua hỏi chủ tịch, chủ tịch cười “chuyện của chú coi vậy mà căng lắm, hồi trước tới giờ chính quyền chưa xin lỗi trước dân lần nào, tôi đâu có dám phá lệ, hay chú lên huyện thử coi..” Rồi huyện chỉ lên tỉnh, tỉnh hứa để từ từ coi lại…”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không chỉ phản ánh sự hời hợt, thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo tới cuộc sống và cuộc đời của người nông dân Nam Bộ mà qua đó nhà văn còn ca ngợi, trân trọng những phẩm chất đáng quý của họ. Qua từng trang viết, mỗi số phận người nông dân luôn hiện diện chân thực với vẻ cực khổ, lam lũ, chân chất đáng thương. Ở đó còn mang nặng cả nỗi niềm ưu tư, lo lắng cho
sự tiến bộ và phát triển chung của một vùng quê. Trong Thương nhớ rau răm, nhà văn kể về câu chuyện của ông trưởng ấp Tư Mốt trong việc “chiêu mộ nhân tài”. Ông rất trân quý những người trẻ có tài về phục vụ làng quê, nhưng cũng rất “giận đám trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về”. Văn - một chàng bác sĩ trẻ, về nơi xứ Mút Cà Tha, khỉ ho cò gáy làm việc. Ông Tư đã cố gắng làm mọi cách để Văn không buồn chán mà bám trụ nơi đây kể cả những công việc buồn cười nhất: phụ nữ đau bụng kinh cũng bắt đi khám, không bệnh cũng đi khám, uống rượu bị ói cũng khám… Hơn thế, ông cho cả đứa con gái của mình, mỗi ngày sang trạm y tế dọn dẹp, mang thức ăn cho Văn…, mặc dù trong lòng ông rất lo ngại. Có thể thấy, tính cách người nông dân Nam Bộ chân chất, thật thà, đáng thương đáng quý như thế nào. Nhưng, đối với một người trẻ tuổi lại đã quen sống nơi phố thị đô hội như Văn, vì một chút chuyện buồn “bỏ phố về quê”, chẳng mấy chốc lại ra đi. Và, Văn ra đi không một lời từ biệt. “Lặng lẽ, như trốn chạy”, khiến “Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn”. Nỗi đau như xoáy vào lòng người hơn khi mà “Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” Thương nhớ rau răm đã phơi bày một hiện thực buồn thảm và nghèo nàn ở nông thôn Nam Bộ nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung. Những đứa trẻ lớn lên, đi học thành tài chẳng buồn quay trở lại quê hương, mảnh đất “khỉ ho cò gáy”, “chó ăn đá gà ăn sỏi” huống chi là những trí thức trẻ sống ở thành phố. Mặc dù cuộc sống còn thiếu thốn sự văn minh nhưng ở vùng đất cù lao Mút Cà Tha vẫn còn đó những tấm lòng đáng quý như ông già Tư Mốt luôn yêu và muốn gắn bó với quê hương tha thiết.
Ở vùng sông nước Nam Bộ, việc xây dựng cầu đường là một việc làm rất quan trọng. Nó có thể thay đổi nền kinh tế của cả một xã thậm chí của cả một huyện bởi sự thuận lợi đi lại cũng như tránh được rủi ro mỗi khi nước lũ tràn về. Thấy đó là việc làm bức thiết, anh Hai Nhỏ trong Qua cầu nhớ người đã cầm cố
hết đất vườn để tự nguyện xây cho xã Đội Đỏ một cây cầu. Hành động đó đã cho thấy được tình cảm của những người nông dân luôn gắn bó và trăn trở với cuộc sống của quê hương.
Với cái nhìn sâu sắc, tinh tế, Nguyễn Ngọc Tư đã phát hiện ra những ngõ sâu trong tâm hồn những người nông dân Nam Bộ: những niềm vui, nỗi buồn, cốt cách đặc trưng cũng như bản chất cố hữu của họ. Họ là những con người hiền lành, chất phác, thật thà, chứa đựng tình yêu và tình người dạt dào như biển nước Cà Mau. Họ yêu ai là yêu trọn đời, họ tin ai là tin đến si mê. Mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ sẵn lòng cưu mang những người thất cơ lỡ vận. Tiêu biểu cho tính cách này là truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải. Nhân vật cô Út trong truyện đã yêu và đặt niềm tin mãnh liệt vào một anh thợ gặt mà cô không hề biết gốc gác ở đâu. Anh ta làm ít, nhậu nhiều, nợ nần chồng chất, chị phải nai lưng ra trả. Nợ nhiều quá, người ta siết nợ, anh ta đành bỏ chị mà trốn đi. Vậy mà chị không hề thù hận anh ta, chỉ trách một cách rất nhẹ nhàng bằng hai từ “tệ thiệt”, giận quá, chị gọi anh ta bằng “thằng”, “thằng đó” rồi lại lập tức có tiếng xin lỗi đi kèm, rồi lủi thủi ra bờ sông ngồi khóc, bơ vơ nơi xứ người, không biết phải đi về đâu. Tính cách đó của nhân vật cô Út cũng là bản tính người phụ nữ Nam Bộ, hiền lành, vị tha và yêu hết mình:
“Chị ngồi vấn vạt áo: “Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta”. Vậy mà cái thằng đó (xin lỗi!) tệ thiệt, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc”. Thấy chị khóc, ông Hai chèo ghe ngang, quay mũi ghe lại, hỏi thăm cớ sự, và cho chị đến ở tạm nhà mình. Biết mình là người ăn nhờ ở đậu, chị cố gắng làm lụng việc nhà, chăm sóc ông chu đáo, nhưng vẫn một lòng mong ngóng tin “chồng”. Vì sự chăm sóc tận tình của chị, trong ông Hai có chút tình cảm nảy sinh, nhưng khi nghe tin “chồng” chị ở nơi nào ông liền chỉ cho chị, mặc dù có chút ngậm ngùi: “Ông bước xuống đẩy mớ vỏ dừa vô mẻ un. Xơ dừa mịn, cháy rực, rồi tắt ngấm.