5. Cấu trúc luận văn
3.3. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm
Khái niệm biểu hiện nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lý … của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống gặp phải trong đời. Sự biểu hiện hợp lý và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L.Tonxtôi “mục đính chính của nghệ thuật… là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng những ngôn ngữ thông thường được.” Để làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong nhân vật.
Đối với nhà văn, thế giới nhân vật chính là nơi kết tinh những chiêm nghiệm của đời sống gửi gắm những tư tưởng, tình cảm của mình. Với việc đi sâu vào tâm lý, đặc biệt là bằng việc sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã cho nhân vật tự ý thức về bản thân mình trong mối quan hệ với xung quanh, tự mình bộc lộ với mình những cảm xúc suy nghĩ trung thực nhất. Vì vậy, phần lớn trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chị thường sử dụng nghệ thuật biểu hiện nội tâm để phản ánh rõ nét đời sống tâm tư, tình cảm của nhân vật. Thông qua những biểu hiện nội tâm của nhân vật, người đọc sẽ biết được nhân vật đó có những tính cách, phẩm chất, đời sống tinh thần ra sao, nắm bắt được diễn biến cốt truyện, hiểu được những thông điệp mà nhà văn gửi gắm.
Những dòng độc thoại nội tâm của ông già Năm Nhỏ trong truyện ngắn Cải ơi
là những dòng hồi ức về những kỉ niệm đẹp thể hiện nỗi nhớ con day dứt, khuôn nguôi: “Ông đã dắt con nhỏ đi hái xoài chín trong vườn hoang, đã chặt chuối làm bè dạy cho nó lội, thả trâu, chơi diều, ông đã cõng con nhỏ đi tắt mấy vạt đồng đến khám bệnh chỗ ông bác sĩ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cái cây kẹp nhỏ, mớ dây thun khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinh trong túi áo mỗi khi ông đi chợ về…”. Đó là một người cha độ lượng, giàu tình thương yêu đối với “đứa con riêng của vợ”. Ông muốn lên ti vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà rằng: “Về đi con, đôi trâu có sá gì!”
Truyện ngắn Một mối tình là cả một dòng suy tưởng về quá khứ cũng như quá trình đấu tranh tâm lí dữ dội, vượt thoát ra những ngại ngùng của nhân vật “tôi”, để bày tỏ những tâm tư, tình cảm chôn giấu bấy lâu trong lòng: “Sao lúc nào tôi cũng thèm ngồi ở đó, ở cái vị trí yên bình đó, nhất là bây giờ, khi tôi vừa lang thang hết một mùa nắng (…) Rồi Trọng quay lưng đi, không để cho tôi kịp nhìn anh kĩ; nhưng thật thà vậy, Trọng đứng lớ ngớ ở đây một hồi, thể nào không nén lòng tôi cũng ôm chầm lấy anh mà khóc. Trời ơi, cảnh nầy, người nầy, sao y chang như năm ngoái, năm kia, chỉ khác là thằng Bầu đã lớn bộn lên, và mớ tóc bạc trên đầu Trọng là thay đổi, nó trắng thêm, nhiều thêm. Tôi tự hỏi lòng mình đang nghĩ đến cái gì mà lòng đau quá vậy cà.” Đó là những cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng cũng không kém phần say đắm, dữ dội của “tôi” đối với người anh rể khi chị gái “tôi” đã bỏ anh ra đi. Tất cả những tình cảm ấy chỉ diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ. Bởi “tôi” không thể vượt qua được những ngại ngùng, tình yêu bị đè nén, nên “tôi” tự đối thoại, tự chất vấn với cảm xúc của chính mình. Trong trường hợp này, hình thức độc thoại nội tâm giúp người đọc thấu hiểu những cảm xúc, khám phá được những bí ẩn trong thế giới tâm hồn nhân vật.
Trong một số truyện ngắn khác, tâm lí nhân vật có khi được bộc lộ tại một thời điểm bất chợt, vì một duyên cớ nào đó mà con người sống lại những kí ức đau khổ của mình. Chẳng hạn, nhân vật ông già điên trong truyện ngắn Sông dài con cá
lội đâu. Đó là một người con lầm lạc của xóm Phố, một ngày gặp thằng Bầu bỗng
tình cảm cháy bỏng đối với người yêu, với xóm Phố ngày xưa của một con người sống cô độc, suốt đời héo hắt vì những lỗi lầm của mình mà không dám trở về xóm Phố dù nhớ thương luôn chất chứa trong lòng. Hay những suy nghĩ của người đàn bà trong truyện ngắn Một chuyện hẹn hò cũng giúp cho người đọc hiểu và thông cảm với với những giây phút lầm lạc của chị. Qua những dòng độc thoại, chị trở nên đáng thương hơn là đáng giận với những mong muốn được quay về, với nỗi day dứt, dằn vặt trong lòng. Đó là tấm lòng của một người mẹ vẫn luôn hướng về các con, vẫn ao ước được che chở đùm bọc cho các con ngay trong những giây phút chống chếnh nhất của cuộc đời.
Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật luôn chất chứa những nỗi niềm không dễ nói ra. Cũng có khi nói ra lại gây những trở ngại hoặc tổn thương cho người khác. Và họ đã âm thầm chịu đựng nhưng cũng chính vì vậy mà tiếng lòng càng dấy lên nỗi cô đơn, day dứt. Trong truyện Dòng nhớ, chỉ qua những biểu hiện bên ngoài mà Nguyễn Ngọc Tư đã khái quát được thế giới tâm hồn nhân vật. Hai người phụ nữ trong truyện đều khổ vì một người đàn ông. Một người “ba tôi” yêu, nhưng nội không chịu, nên mới “dắt díu bỏ nhà đi”, có với nhau đứa con, sau khi nó bị chết đuối thì “ba tôi bỏ người ta giữa dòng chơ vơ”. Còn một người “năm này qua năm khác sống chung với ảnh” thì chịu cảnh chồng “hồn vẫn hướng về dòng sông miên man chảy”, nhưng cả hai đều không có lỗi, cả hai đều đau khổ. Hình ảnh người cha ngồi lặng lẽ trong đêm hút thuốc đã diễn tả nỗi nhớ day dứt, khắc khoải, khuôn nguôi về cuộc tình cũ: “Những đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn thiu ngoài kia”. Chính nỗi nhớ đó đã tạo nên dáng ngồi như hoá đá của người đàn ông đêm này qua đêm khác. Không chỉ mình ông đau, vẫn còn hai người đàn bà nữa: một người “ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba”, một người “lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh non”; “ba tôi thở dài, má tôi thở dài” và người phụ nữ chong đèn ngoài kia hẳn cũng nén tiếng thở dài. Nguyễn Ngọc Tư đã để nhân vật đắm chìm trong dòng chảy của suy nghĩ miên man mà dường như
quên đi thực tại. Nỗi đau của cả ba người đều không dễ nói ra, không thể chia sẻ cùng ai.
Anh Hết (Hiu hiu gió bấc), dù yêu chị Hoài tha thiết mà buộc phải từ chối, phải đóng vai một người đổ đốn, bê tha, ham cờ bạc, không lo làm ăn, cốt để chị yên tâm mà đi lấy chồng. Bởi anh nghèo, mẹ chị Hoài lo con gái không được hạnh phúc. Ngày cưới chị Hoài, anh dứt khoát không ngẩng lên nhìn chị lần cuối, vẫn thản nhiên ngồi đánh cờ, chị vừa quay vào thì đám con nít trộ lên: “anh Hết, sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt lên con tướng vầy nè, đó, nó ướt nhẹp đó thấy chưa”. Vậy mà anh Hết vẫn cười lớn, nói lớn: “Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về”…Chị Hoài vừa đi vừa khóc. Lời của anh Hết làm chị Hảo thương điếng trong lòng. Con người này, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm. Nguyễn Ngọc Tư có sự thấu hiểu sâu sắc đến tận tâm can nhân vật của chị. Vì vậy mà thế giới tâm hồn của nhân vật luôn được quan tâm, soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau.
Trong truyện ngắn Gió lẻ, tác giả rất chú trọng đến việc thể hiện tâm lí nhân vật qua hành động, cử chỉ, nét mặt. Nhân vật “Em” đã khước từ tiếng nói của con người, bởi với cô tiếng nói ấy chỉ dùng để dối trá lẫn nhau. Biểu hiện là mỗi lần phải nghe những lời dối trá ấy, cô lại nôn thốc nôn tháo. Lần đầu tiên cô nôn khi nghe một người phụ nữ ở chợ dụ dỗ về làm cho chị ta, không vất vả mà kiếm được nhiều tiền. Khi nghe một đôi trai gái yêu đương thề thốt những lời lẽ to tát cô cũng bị nôn. Cô nôn khi nghe ông Tám Nhơn Đạo lên truyền hình trong chương trình “Giã từ lưu lạc”: “Khi người ta mời ông Tám Nhơn Đạo vào, và ông nói ông nhìn thấy em đói rách trong chợ như thế nào, ông đã nuôi nấng, che chở và yêu thương em ra sao. - Vợ chồng tui đơn chiếc nên tui cưng con nhỏ như con đẻ của mình vậy.”. Phản ứng của cô khi nghe những lời nói đó: “một cái vòi đắng nghét từ miệng em phun ra. Cả trường quay nhốn nháo.” Cô gái ghê tởm bởi chính ông ta đã hãm hiếp cô chứ đâu có yêu thương cô như lời ông ta nói. Cô hiểu ra hành động chăm sóc cho bà vợ tàn tật ngồi xe lăn và hành động dành cơm cho cô chỉ là cái vỏ bề ngoài, nhằm che giấu bản chất bên trong vô cùng xấu xa, dâm dục và đểu cáng của
ông ta. Khước từ tiếng nói của con người, cô tìm đến với âm thanh của gió, của chim, của các loài vật khác… bởi đó là những âm thanh chân thật, trong trẻo, không có biểu hiện của sự giả dối như tiếng nói con người…
Tiêu biểu cho lối sử dụng biện pháp độc thoại nội tâm để khắc họa rõ nét tính cách và số phận của nhân vật phải kể đến truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Câu chuyện hoàn toàn được kể từ nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”. Nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật miêu tả tâm lí, chúng ta sẽ thấy chất liệu cơ bản để xây dựng tác phẩm chính là những dòng độc thoại nội tâm trầm buồn của “tôi” kể về những kí ức đau đớn trong quá khứ. “Tôi” miên man qua từng cánh đồng với biết bao sự kiện dữ dội “Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng nầy đến cánh đồng khác”. Có khi cảm xúc của “tôi” được lồng ghép vào quá trình kể lại những biến cố của gia đình mình với cô gái điếm: “Chúng tôi dong ghe đi, quặn lòng ngoái lại căn nhà đang quay quắt giãy giụa trong lửa đỏ. Nghe vẳng theo âm thanh lốp bốp rất giòn của những thanh gỗ cháy, và tiếng xóm giềng í ới gọi nhau…”. Có khi cô kể chuyện mà như đang tự nói với mình: “Mùa du mục của chúng tôi kéo dài từ mùa mưa sang mùa nắng, rồi lại mưa. Nhiều lúc tôi hơi nhớ con - người. Họ ở trong cái xóm nhỏ kia, chỉ cách chỗ chúng tôi dựng trại vài ba công đất. Họ lúc nhúc trên thị trấn kia, nơi chúng tôi thường ghé lại mua gạo, cám, mắm muối… dự trữ cho những chuyến chạy đồng xa”. Cũng có khi qua những dòng độc thoại, nhân vật kín đáo bày tỏ những suy ngẫm về cuộc đời, về số phận con người: “Và tôi chợt nghĩ, sự bất thường của Điền, chẳng qua nằm trong chuỗi rất dài của sự trừng phạt. Điều đó lí giải cho việc thiên nhiên ngày càng trở nên hung dữ hơn, khắc nghiệt hơn. Bằng những sấm chớp, gầm gừ, dường như đất trời đã nín nhịn nhiều, cuồng nộ bắt đầu rồi đây. Có lần, tôi lấy cao su gói lại mớ mùng chiếu, nhìn mưa thè cái lưỡi ướt nhão nhớt vào lều, khoái trá nếm từng tấc đất, tôi tự hỏi, không biết chỗ khác (chỗ không có chúng tôi) có mưa nhiều như vầy không. Ý nghĩ đó xuất hiện triền miên trong đầu tôi, rằng trời chỉ trút mưa, trút nắng ở những nơi chúng tôi dừng chân lại. Nỗi bẽ bàng của người đàn bà bị cha tôi bỏ rơi (và cộng thêm niềm đau vỡ của những người vây quanh họ) đã thấu qua những tầng mây.”. Bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc, tác giả di
chuyển điểm nhìn trần thuật sang nhân vật, chú trọng vào thế giới nội tâm của nhân vật. Vì thế, truyện không thu hút người đọc bằng những tình tiết li kì, những sự kiện mang tính hành động. Trong một thời gian dài sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, xa rời cuộc sống của xã hội loài người khiến nhân vật “tôi” hầu như không có nhu cầu giao tiếp với những người bình thường. Từ mặc cảm đó, Nương và Điền gần như quên hẳn ngôn ngữ con người, cho đến khi phát hiện ra mình có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của vịt. Vì vậy mà ngay cả những đoạn đối thoại trong truyện ngắn này cũng mang đậm màu sắc của độc thoại, nó chậm rãi và ngắt quãng. Dù khi sống lại những kí ức trong quá khứ hay khi đối diện với những tai hoạ trước mắt, nhân vật “tôi” dường như không sống với thực tại, với con người thực tại: “Những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước (…) Cảnh không đổi, người cũng không, cứ ngồi ngoáy mãi vết thương cũ, nhỏ nước mắt”. Tâm thế của “tôi” luôn hướng về quá khứ. Vì vậy mà đối với “tôi”, độc thoại nội tâm chính là nhu cầu sống còn, như một hình thức giao tiếp duy nhất.
Hay ở hình ảnh một người đàn ông – cha của Nương và Điền – bị vợ phản bội đã hun đúc trong mình một sự hận thù và trả thù bằng cách mang đến đau khổ, nỗi tuyệt vọng cho những người đàn bà khác. Ở nhân vật này, Nguyễn Ngọc Tư không hề dùng một từ nào để nói rằng ông hận vợ hay căm thù người vợ của mình như thế nào. Thế nhưng thông qua hành động, đặc biệt qua nét mặt, qua thái độ, cách xử sự của nhân vật này người đọc có thể nhận thấy rõ lòng hận thù tột độ của ông. Cũng vì lòng hận thù ấy mà chính ông đã đánh mất đi tuổi thơ của hai đứa con mình để rồi cuối cùng ông phải hối hận trong sự ngậm ngùi, xót xa, bất lực và cả sự nuối tiếc. Sâu sắc và thấm thía, ám ảnh và xót xa là những gì Nguyễn Ngọc Tư đem đến cho bạn đọc ở phần cuối truyện.
Có thể thấy truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không miêu tả tâm lý nhân vật một cách dài dòng, không tốn nhiều trang văn bản để đi vào phân tích tâm lý nhân vật; rất cô đọng nhưng lại súc tích, thể hiện sâu sắc nội tâm nhân vật. Nguyễn Ngọc Tư không nói nhiều một cách trực tiếp đến tâm trạng nhân vật nhưng đọc truyện
ngắn của chị người ta thấy rất rõ những suy tư, tình cảm, những nỗi trăn trở của nhân vật, ở đó là cả một trời tâm trạng. Nguyễn Ngọc Tư thể hiện tài năng ở việc phân tích tâm lý nhân vật một cách rất tinh tế và vô cùng phong phú. Mỗi một nhân vật trong truyện ngắn của chị lại mang một tâm trạng riêng, một nỗi niềm riêng và cách thể hiện cũng rất riêng.