Quan điểm sáng tác

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 35 - 44)

5. Cấu trúc luận văn

1.2. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tƣ

1.2.2. Quan điểm sáng tác

Sau năm 1986, đất nước đổi mới trên nhiều phương diện trong đó đời sống tư tưởng, văn hoá có những bước chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc. Bên cạnh những cách tân nhằm đổi mới thể loại ở cả mặt hình thức và nội dung như thay đổi dạng thức cấu trúc truyện, trần thuật, ngôn ngữ, chủ đề, đề tài, các thủ pháp lạ hoá,… các chủ thể sáng tạo cũng đồng thời cách tân cả về mặt ý thức, tư tưởng, thẩm mỹ theo hướng khai thác sâu, rộng và đa diện hơn. Quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người được quan tâm nhiều hơn và được coi là một công cụ đắc lực cho việc khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn, bởi để sáng tạo một tác phẩm văn học, nhà văn phải có quan niệm về thế giới ấy qua góc nhìn nghệ thuật như một điều kiện không thể thiếu.

Trên thế giới đã có nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã ứng dụng khái niệm quan điểm nghệ thuật về con người và cuộc sống để khảo sát các nền văn học trên thế giới như: P.X.Likhasốp, I. Êrêmin, V.R.Secbina, V. V.Timôphiep, N.G.Giulinxki… Ở Việt Nam, vấn đề này cũng được GS Trần Đình Sử đề cập đến: “Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình” [24, tr. 15]. Như vậy, cái thúc đẩy sức sáng tạo nghệ thuật chính là quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người thể hiện sự thống nhất giữa hiện thực được phản ánh và năng lực cắt nghĩa, lý giải nghệ thuật của nhà văn. Ứng với một quan niệm về cuộc đời và con người là một thế giới nghệ thuật tồn tại ngay trong khám phá của nhà văn. Trên cơ sở quan niệm nghệ thuật đã hình thành trước trong tư duy, trong cảm xúc, tác giả có thể lựa chọn và xây dựng những hình tượng nghệ thuật khác nhau. Và mỗi hình tượng nghệ thuật như vậy trong những tác phẩm khác nhau của cùng một tác giả lại gặp nhau ở cùng một điểm dưới sự chỉ đạo của quan niệm nghệ thuật của tác giả. Mỗi nhà văn lớn đều có một quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời của riêng mình. Chính điều này chi phối quá trình

thai nghén tác phẩm và phong cách nghệ thuật của nhà văn, đồng thời giúp độc giả xác định được mức độ chiếm lĩnh con người của hình tượng văn học và sự đóng góp tích cực của hiện tượng văn học đó vào lịch sử văn học cũng như vào sự phát triển nhân cách con người.

Là một trong những cây bút trẻ có tiềm năng, với một phong cách văn chương riêng biệt của nền văn học Nam Bộ nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung, Nguyễn Ngọc Tư luôn có ý thức cao với nghề “cầm bút”, thể hiện một cách thẳng thắn về quan niệm văn chương và sáng tác của mình.

Thuở mới chập chững bước vào nghề, Nguyễn Ngọc Tư coi cảm xúc là “cội nguồn”, điểm tựa của sáng tác. Dù viết ở mảng nào, lĩnh vực nào, thể loại nào chị vẫn quan niệm “Tôi là một cây bút nghĩ thế nào, viết thế ấy, nghĩ sao viết vậy” (Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong ngày 31/10/2006). Chính những số phận bất hạnh, trớ trêu với vô vàn trái ngang, trắc trở, những nhân vật nhỏ bé, người nông dân nghèo lam lũ, người nghệ sĩ nghèo khổ, bất hạnh,… ở vùng nông thôn đồng bằng Nam Bộ là nguồn cảm hứng để chị sáng tác. Vì thế, những trang viết đầu tay của chị luôn thấm đượm một giọng điệu dân dã, mộc mạc nhưng buồn đến nao lòng. Nó để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về những kiếp người nhỏ bé, lang thang, vô định giữa dòng đời. Chị không xây dựng những tình huống truyện có xung đột, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, cao trào mà là những câu chuyện với lời văn đậm chất thơ, chất trữ tình dàn trải, man mác, bâng khuâng với một nỗi buồn lan toả đều trên từng mạch cảm xúc, ngấm dần in sâu vào trong tâm trí. Quan niệm sáng tác văn chương dựa trên mạch cảm xúc của chị được thể hiện rõ nét nhất qua thể loại tản văn. Bởi với chị, tản văn là thể loại truyền tải được nhiều cảm xúc nhất: “Có thể tôi viết truyện là dành cho ai đó những viết tản văn là viết cho mình. Tản văn như một giải pháp để tôi giải toả những suy nghĩ…” Khác với những nhà văn ở các thế hệ trước như Sơn Nam, Đoàn Giỏi lấy bối cảnh từ mảnh đất Nam Bộ và dựa trên góc nhìn của văn hoá để sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư lại chọn một cách tiếp cận là đi thẳng và đi sâu vào hoàn cảnh, tâm trạng, số phận của những con người kiếm sống, lênh đênh, chìm nổi trên mảnh đất này. Với quan niệm “viết như

cảm xúc của mình”, văn chương của Nguyễn Ngọc Tư đã mang tới một “hương vị” mới mộc mạc, giản dị nhưng rất đằm thắm, đầy ắp cảm xúc.

Là một nhà văn không chạy theo xu hướng của đám đông, không lựa theo thị hiếu của độc giả để sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn giữ cho mình một cá tính độc lập, có một lý tưởng thẩm mĩ riêng. Chị tôn trọng độc giả nhưng không vì thế đánh mất “cái tôi”, “Bao giờ khi bắt tay vào viết, tôi cũng nghĩ thoáng qua tác phẩm mới này ai sẽ khen, và biết cả một vài khuôn mặt những người chê. Lần nào cũng nghĩ nhưng lần nào cũng viết như cảm xúc của mình bởi trước khi viết cho ai đó thì tôi viết cho mình.”; “Mình không thể hiểu hết bạn đọc, có khi viết xong cái truyện mà bản thân mình thấy thích lắm nhưng bạn đọc lại chê…Với lại, Tư cũng không có ý tìm hiểu bạn đọc của mình”. “Lúc đầu chỉ viết để giải toả cảm xúc cho nó nhẹ người đi, nhưng sau này thấy cái nghiệp mình đeo đuổi nặng trĩu, đầy nợ nần. Viết vì mình là Nguyễn Ngọc Tư” [63]. Bởi vậy, chị không quan tâm đến những dư luận trái chiều khi họ nói về tác phẩm của mình. Chị viết văn là viết cho chính mình, chấp nhận là “kẻ đẽo cày giữa đường” mặc cho những lời khen chê, dị nghị, tán dương hay “phê bình” của dư luận. Những truyện ngắn của chị luôn đong đầy cảm xúc, dạt dào tình người, tình đất của miền quê Nam Bộ. Có thể, những điều chị viết ra mang một sự giản dị, mộc mạc đến nỗi nó chỉ là những chuyện dễ thấy, thường xuyên bắt gặp trong cuộc sống đời thường nhưng quá trình thai nghén nó lại chất chứa nỗi lòng trắc ẩn, thương cảm của người nghệ sĩ kí thác vào trong tác phẩm của mình. Tác phẩm Cánh đồng bất tận là một trong những đứa con tinh thần của chị từng bị “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm” khi người ta cho rằng nó thiếu tính giáo dục cho xã hội, giáo dục con người và thiếu tính định hướng chân - thiện - mỹ để con người vươn tới. Sau một thời gian tranh cãi về tính thẩm mỹ, giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, dư luận cũng nhận ra được vẻ đẹp của

nó. Cánh đồng bất tận đã phản ánh một cách “trần trụi” và chân thực về những vấn

đề nóng bỏng, những bức bách của nông thôn Nam Bộ, những tâm tư suy nghĩ của người nông dân. Đó là không gian mênh mông sông nước, với cánh đồng dài bất tận chứa những vui buồn, hạnh phúc và hy vọng của kiếp người. Sự tan vỡ của gia đình

bé nhỏ được bắt nguồn từ sai lầm của người mẹ và sự mê đắm vào việc trả thù của người cha. Và cũng từ đây, ngòi bút của của Nguyễn Ngọc Tư trở nên khốc liệt và nghiệt ngã hơn.

Chị coi sự đồng điệu, đồng cảm giữa nhà văn và công chúng hơn là lấy lòng công chúng để trở nên nổi tiếng. Bên cạnh đó, chị cũng đưa ra một quan điểm về nghề viết văn khá mới mẻ “…cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn, không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn giày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một bàn tay chạm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương.” (Lời tựa Biển của mỗi người).

Nếu như Nam Cao từng thông qua các tác phẩm của mình để đưa ra những tuyên ngôn về nghệ thuật: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa) thì Nguyễn Ngọc Tư cũng đưa ra những phát ngôn về việc chọn đề tài sáng tác cho mình với một giọng điệu khiêm nhường, dung dị: “Tư chọn viết những gì mà người đi trước không viết thôi. Với những gì người đi trước viết rồi, nếu mình đi lại con đường ấy, hoặc mình phải tránh qua một bên, hoặc là mình phải vượt trội hơn. Nhưng vượt trội thì khó quá, ví dụ như để vượt qua Vũ Trọng Phụng thì thôi…đi, Tư không tự làm khó mình mà chọn cái mình làm được”. Là người luôn có ý thức và trách nhiệm với nghề cầm bút, Nguyễn Ngọc Tư xác định viết văn là: “một lựa chọn khó, đầy nhọc nhằn, nặng nề, dằn vặt”. Đối với chị, con đường văn chương dẫu có nhiều nhọc nhằn, gập ghềnh, trắc trở nhưng chị không hề nản lòng. Chị vẫn giàu nhiệt huyết và miệt mài với hành trình sáng tạo nghệ thuật. Không dừng lại ở những gì đã có hay ngủ quên trên chiến thắng, chị vẫn muốn vươn xa

hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Chị muốn văn chương phải đúng nghĩa là nghề sáng tạo chứ không rập khuôn, máy móc đi theo một quy trình đã được lập sẵn. Hơn nữa, chị coi việc viết văn là lẽ sống “Tôi yêu viết lách vì viết lách làm tăng sức sống trong tôi”. Người viết phải luôn sáng tạo và thay đổi không ngừng nghỉ, vượt qua được những đỉnh cao của bản thân và luôn sẵn sàng thử nghiệm với những thể loại mới. Người viết văn cần có những bản lĩnh, biết chấp nhận mạo hiểm để khám phá những chiều sâu, những tư duy nghệ thuật mới: “Tôi cho phép mình sai sót, bởi nghĩ không có gì là hoàn hảo hết. Trên con đường lên núi, đôi khi tôi muốn dừng lại nghỉ chân, và gắng giữ mình đừng bao giờ bị lùi bước.”; “Tôi chỉ sợ cái bóng của Cánh đồng bất tận quá lớn đến nỗi người đọc sẽ không nhìn thấy tôi. Trên cuộc hành trình của đời mình, tôi tình cờ rẽ vào một con đường nhỏ, tình cờ dựng cái rào, rồi thấy việc trèo qua cái rào do chính mình dựng lên là vô lý, nên tôi bỏ ngang, lại tiếp tục tìm một con đường khác, nhưng bạn đọc thì cứ chờ tôi mãi ở cuối cái đường có rào kia, bạn đọc không quan tâm tôi đã đi tới đâu, đã làm được gì.”; [59]“…tôi đã thực sự nhìn thấy một bi kịch, là bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ Cánh đồng bất tận

và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác ? Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng; nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.” [53]

Hiện thực quê hương vốn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả. Bởi quê hương là tiếng vọng thiên liêng nhất đối với mỗi con người. Sinh sống chủ yếu ở vùng đất Nam Bộ nên những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đều viết về đất và người Nam Bộ. Mặc dù, đây là mảnh đất mới khai phá, nền văn hóa chưa thực sự dày và sâu, lại nằm xa những trung tâm văn hóa, kinh tế lớn, đặc biệt là văn học ít có thành tựu, không được đánh giá cao trong giới cầm bút, trong những tổng kết của văn học Việt Nam. Nhưng những trang viết của chị về mảnh đất và con người nơi đây đã trở thành một thứ “đặc sản” của miền Nam, chị tự ví văn chương của mình như “một trái sầu riêng” mang dư vị và hương thơm nồng ấm.

Như mọi nhà văn chân chính, mối quan tâm lớn trước hết ở Nguyễn Ngọc Tư là quan hệ giữa văn học với đời sống, với thời đại. Nhà văn phải hướng ngòi bút của mình đến con người, những con người của đời thực, gần gũi mà sâu sắc, thấm thía. Các truyện ngắn của chị luôn làm ám ảnh bạn đọc. Nhiệm vụ của nghệ thuật là phải phản ánh được đối tượng mà nó hướng đến một cách sâu sắc nhất, với Nguyễn Ngọc Tư nghệ thuật là một cái gì đó rất giản dị, không hề cao siêu. Con người mà chị thể hiện trong văn chương rất gần gũi, đó là những người dân Nam Bộ mà chị gặp và tiếp xúc hàng ngày, nhưng ở họ dường như lại mang những nỗi ám ảnh, những nỗi buồn, những bi kịch. Nhân vật của chị từ những đứa trẻ đến những thanh niên, cụ già; từ người phụ nữ đến những người đàn ông…tất cả dường như sống trong bi kịch. Nhân vật nông dân thường nghèo khó, cơ cực, những khao khát dù bình dị, nhỏ nhoi nhưng không bao giờ đạt được. Nhân vật người nghệ sĩ thường sống hết mình với những vai diễn, nhưng khi rời sàn diễn họ trở về với đời thường đầy nghiệt ngã, đắng cay. Nhà văn đã đi sâu vào những bi kịch của nhân vật, khai thác, mổ xẻ nó qua tâm trạng nhân vật, từ đó thể hiện quan niệm của mình về con người đồng thời cũng thể hiện quan niệm của mình về nghệ thuật. Khi xây dựng nhân vật, chị thường hướng tới thế giới nội tâm, khai thác những góc khuất trong tâm hồn con người, coi trọng tình cảm, coi trọng tình người. Vì vậy, nhân vật của chị đa số là những con người hiền lành, cam chịu. Họ không khao khát kiếm tiền, không nỗ lực cố gắng tìm lối thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn của hiện tại. Chị có biệt tài trong việc khai thác những truyền thống tốt đẹp của lịch sử, những vẻ đẹp hiển hiện và tiềm ẩn của con người Nam Bộ trong cuộc sống thường nhật.

Điểm nổi bật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là việc xây dựng thành công những hình tượng con người luôn sống hết mình vì người khác với tấm lòng bao dung độ lượng, giàu đức hi sinh vì người khác. Đó cũng là một phẩm chất đẹp của con người Nam Bộ được chị khắc hoạ rõ nét. Trong những truyện viết về đề tài tình yêu dang dở, nhân vật của chị hầu hết đều sống hết mình người khác. Cả nhân vật nữ và nhân vật nam đều có những cách cư xử hết sức cao thượng, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của bản thân để vun đắp hạnh phúc tương lai cho người mình yêu.

Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng họ đều giống nhau ở đức hi sinh. Họ tự coi việc che chở nâng niu hạnh phúc cho người, trách nhiệm gánh khổ đau cho người là bổn phận thiêng liêng của mình. Ông Mười (Mối tình năm cũ) lặng lẽ, âm thầm hành động, chấp nhận mọi điều tiếng và sự hiểu lầm của bà con lối xóm cũng chỉ vì lo cho vợ con. Tình yêu là một tình cảm đặc biệt, người ta có thể hi sinh tất cả

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 35 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)