Giọng điệu chậm rãi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tập truyện hương rừng cà maucủa nam sơn (Trang 87 - 92)

5. Cấu trúc luận văn

3.2 Giọng điệu trần thuật

3.2.1 Giọng điệu chậm rãi

Giọng điệu được xem là phong cách riêng của mỗi nhà văn, qua đó mỗi tác giả sẽ thể hiện phong cách sáng tác của riêng mình. Thông thường, mỗi nhà văn sẽ sử dụng nhiều giọng điệu cùng lúc để tạo sự sinh động, hấp dẫn cho câu chuyện, tuy

nhiên, trong đó sẽ xuất hiện một giọng văn chủ đạo và nổi bật hơn cả. Với Sơn

Nam, có thể nói chất giọng rề rà, chậm rãi là chất giọng đặc trưng nhất. Gần như

đọc truyện ngắn nào, thuộc bất cứ chủ đề gì, người đọc cũng đều bắt gặp chất giọng này. Nó vừa giúp nhà văn có được sự khách quan trong câu chuyện, đồng thời cũng giúp tác giả bộc lộ rõ tư tưởng và tình cảm của mình.

Đọc truyện Sơn Nam, chúng ta có cảm giác như đang ngồi nghe những vị cao niên kể lại câu chuyện. Với cách viết như nhả từng con chữ, lúc nào cũng mực thước và chín chắn, Sơn Nam hiểu rõ những vấn đề mà mình viết ra nên ông luôn có cách dẫn dắt người đọc nhẹ nhàng đến với mỗi tình tiết trong câu chuyện. Có lẽ với ông không có điều gì phải vội vã bởi cái gì đến rồi sẽ đến, không thể tránh được. Ngay cả khi những người nông dân làm cuộc khởi nghĩa kháng Pháp, ông cũng kể lại một cách từ từ, có chừng mực. Tuy là ủng hộ, là đồng tình nhưng giọng

kể của ông vẫn đều đều: “... Năm 1945 cả xóm ngọn Xẽo Bần không nấu xà bông

nữa. Họ phải lo những chuyện khác cao cả hơn. Nhưng ý nghĩa của cuộc chiến đấu mới nào có gì lạ hơn là làm cho dân giàu, nước mạnh, phát triển nội hóa. Có lẽ vì lí do đó mà họ hăng hái hơn ai hết. Vì họ đã thấy rõ một lần rồi” [29, tr. 81].

Hay trong Đảng cánh buồm đen, ông tường thuật lại cảnh Sáu Bộ cầm roi

đi quyền với đầy đủ điệu bộ, động tác, âm thanh nhưng giọng kể vẫn chầm chậm, nhẩn nha. Người đọc vẫn có thể hình dung được những cử chỉ, động tác và tốc độ đi quyền của nhân vật, nhưng dường như ý văn thiếu mất sự kịch tính vốn có trong câu

chuyện: “Ông đứng thẳng người, hai tay chắp cây roi lên, bái tổ rất kính cẩn. Rồi

thì vụt một tiếng, ngọn roi xoay tròn che lấy thân ông như dải lụa, như nước từ trên thác tuôn xuống chấp chóa. Đến kẻ ngỗ nghịch nhứt cũng không dám ném cây vào để thí nghiệm như ông cho phép” [29, tr. 367].

Sự chậm rãi trong giọng văn Sơn Nam thể hiện trước tiên qua những nét thong dong trong cách cảm nhận cuộc sống của mỗi nhân vật. Đó là buổi bình

minh của ông Bang cà ròn (truyện Ông bang cà ròn) được tác giả miêu tả trải dài

trên hai trang giấy. Trong bức tranh đó có trời, có mây, có đầy đủ sự vận động của

những sự vật hiện tượng và khung cảnh cuộc sống: “Mặt trời vừa ló rạng là ông

Bang Lình bừng mắt. Con đường từ chợ Rạch Giá đến xóm Sóc Xoài quá gồ ghề, chiếc xe lôi nhảy tưng tưng từng chập, ấy thế mà ông Bang ngủ ngon lành. Anh đạp xe thỉnh thoảng day lại cười thầm (…) Mặt trời lên khỏi chưn trời quá nhanh. Ông Bang ho sù sụ vài tiếng (…) Chiếc xe lôi cứ tiến tới một mình. Con đường lộ Rạch Giá – Hà Tiên chạy dài sát bờ kinh xáng, bên kia đường là rừng tràm lưa thưa và đồng cỏ hoang vắng (…) Chợ Sóc Xoài khá phồn thịnh, như hòn đảo xanh tươi nổi lên giữa biển cỏ vàng úa” [29, tr. 751, 752]. Qua những nét phác họa ban đầu, Sơn

Nam đưa bạn đọc trở về với một vùng quê yên bình vào buổi sáng sớm. Đó là những thanh âm gợi lên sự trong trẻo, bình yên giữa cuộc sống xô bồ náo nhiệt. Và tương tự như vậy, nhà văn Đoàn Giỏi cũng từng viết về khu chợ Năm Căn bằng một

giọng văn từ tốn, chầm chậm: “Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông

vui, tấp nập. Vẫn là cái quang cảnh đông vui của xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng… Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông; những lò than, hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng sông chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi, và nơi đây người ta có thể cập thuyền lại, bước sang gọi một món xào, một món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây kim cuộn chỉ,

những vật dụng cần thiết, một bộ quần áo may sẵn hay một món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền. Những người con gái Hoa kiều bán hành lởi xởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những bà cụ người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một sắc màu độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau” [16, tr. 230,

231].

Trong truyện Hương rừng, đó là sự ngỡ ngàng của thằng Kìm trong buổi

đầu đặt chân tới xứ tràm U Minh. Sự êm đềm của thiên nhiên hoang dã choáng ngợp tâm hồn, nó có cảm cảm giác như mình đi lạc vào thứ hang thiên nhiên bất tận. Sau khi biết về câu chuyện tình của chú Tư Lập, nó chậm rãi bước đi giữa xứ

tràm trong buổi chiều gió nhẹ: “Câu chuyện tình của chú Tư Lập hãy còn lảng vảng

trong trí nó. Gió chiều nhẹ thổi. Mùi bông tràm ngào ngạt. Nó nhìn từng gốc cây, từng tiếng lá trở mình mà khoan khoái trong lòng. Rừng U Minh này đối với nó cơ hồ không còn gì là bí mật, khó hiểu nữa (…) Sáng hôm sau, thằng Kìm từ giã ông hương giáo rồi đến ngồi bên mé rạch. Bông vừng tươi thắm, cây cối hai bên bờ giao đầu lại, mát mẻ. Nó chờ đón bất cứ xuồng ghe ai, đi về đâu cũng được, để quá giang ” [29, tr. 577]. Qua giọng kể của Sơn Nam, chúng ta thấy dường như mỗi

nhân vật đều sẵn sàng đón nhận cuộc sống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn tin vào một tương lai tốt đẹp vẫn luôn tồn tại phía trước.

Bên cạnh đó, những câu chuyện của Sơn Nam còn có sức cuốn hút, hấp

dẫn người đọc bởi cách dựng truyện li kỳ cùng những chi tiết giàu tính biểu hình, biểu cảm. Lấy bối cảnh là những câu chuyện xưa nhưng qua giọng văn của

Sơn Nam bạn đọc như được sống lại chính những thời khắc đang xảy ra sự việc. Nó thật gần gũi và thân thuộc. So với những tác giả viết chung đề tài và thể loại như Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc thì truyện ngắn của Sơn Nam được sắp xếp theo những hình thức hết sức đơn giản. Ông thường sắp xếp nội dung câu chuyện theo kiểu kết cấu thời gian, cái nào xảy ra trước kể trước do đó khi tiếp cận tác phẩm người đọc dễ dàng nắm bắt được tư tưởng và chủ đề mà tác giả muốn truyền tải. Với những tác phẩm có dụng ý khắc sâu tính cách nhân vật, nhà văn

thường gây chú ý bằng những lời giới thiệu trực tiếp vào vấn đề. Chúng ta có thể

thấy điều đó qua những tác phẩm: Thơ núi Tà Lơn, Ông Bang cà ròn, Chiếc ghe

ngo, Hòn Cổ Tron, Đóng gông ông thầy Quýt…

Mở đầu tác phẩm Hòn Cổ Tron là hình ảnh một ông Từ Thông ung dung tự tại hiện ra giữa thiên nhiên: “Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi mà nương náu

không biết từ bao niên kỷ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng quần, khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quýt. Một bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông! Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mấy gốc cây săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi.” [29, tr. 523]. Đối với ông Sáu Bộ trong truyện Đảng cánh buồm đen, tác giả lại có cách giới thiệu thật khác: “Từ thuở nhỏ, Sáu Bộ theo một người bạn lên núi Cô Tô để học đạo, nhưng không có đạo nào quyến rủ anh được lâu dài. Hết đạo Ớt qua tới đạo Đất; từ giã ông đạo Đất, anh đến thọ giới tại cốc của ông đạo Nằm. Chán ông đạo Nằm, anh đi lang thang qua núi Dài với ý nghĩa cuốc đất làm rẫy.” [29, tr. 359]. Với những nét phác họa ban đầu, tác giả đã

vẽ cho mỗi nhân vật một nét diện mạo riêng, tạo ấn tượng và lôi cuốn bạn đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm sau này.

Đặc biệt, dựa vào hoàn cảnh và diễn tiến mỗi câu chuyện, Sơn Nam sẽ sử dụng một giọng điệu khác nhau để tạo nên những nét đặc trưng riêng không thể hòa

lẫn. Thông thường đó là giọng bên trong văn bản, tức là giọng điệu của người kể

chuyện. Việc sử dụng giọng điệu này giúp tác giả phát huy hiệu quả vai trò của

ngôn ngữ khi miêu tả tỉ mỉ và chi tiết từng bối cảnh, sự việc. Trong cuộc chiến với con heo khịt, bạn đọc như được sống lại chính thời khắc đang xảy ra sự việc:

“Phía trước mặt họ, con heo Khịt xuất hiện. Ngọn lao cổ phụng gồm hai bộ

phận rời: lưỡi và cán. Hai bộ phận này dính nhau nhờ một sợi dây dài. Lúc phóng tới, lưỡi và cán dính nhau tạm thời nhờ cái khâu lỏng lẻo. Vì nhúc nhích, lưỡi cứ ghim vào mông con Khịt trong khi cái cán sút ra, tòn ten, lê lết trên mặt đất, có sợi dây nối liền. (...)

Ông Năm Tự la to trong khi Mười Hy sợ sệt. Cái cán lao bị kéo dài… Nhưng vài phút sau, vô tình con heo Khịt chui vào bụi rậm.

Cái cán trở thành chướng ngại vật, day ngang giữa hai gốc cây, trở thành một cái neo… Con heo Khịt đứng lại, trì níu. Hai gốc cây tràm rung chuyển… Nó kêu rống vì càng trì níu thì ngọn lao càng xoáy bên hông, giữa hai cái be sườn rướm máu. (…) Con Khịt co chân, phóng tới, ghê thật. Ngọn lao cựa quậy từ bên hông con Khịt vì cái ngạnh lút khá sâu.

Ngọn lao sút ra, làm gãy một khúc như be sườn. Nhờ vậy, con Khịt thoát nạn. Bầy chó xáp lại hiểu rằng con Khịt đã đổ máu quá nhiều… Chó bao vây con khịt. Lúc con Khịt bối rối, ông Năm Tự đến trước mặt nó, cắm một mũi mác vào ngực. Khịt gào thét nhóng lên. Tay ông Năm ghì xuống chịu đựng. Và cứ như vậy suốt mười phút, con Khịt chưa chết, nhưng ông Năm đã run tay, mồ hôi xuống ướt mặt. Mười Hy đứng xớ rớ chưa biết liệu lẽ thế nào.

Lâu lâu con Khịt rống lên xoay trở. Ông Năm Tự quỳ xuống hai tay bám chặt cây mác. Bầy chó dữ phía sau khiến con Khịt hết đường tháo lui. Hai hàng nước mắt tuôn ra tràn trề rưng rưng chảy trên má ông Năm. Ông dư hiểu: Nếu con Khịt chạy vuột thì nó sẽ cắm đầu phóng cái nanh “độc ác” vào bụng ông trong tức khắc. Mắt ông đổ hào quang, cảnh vật chấp chóe đất trời nghiêng ngửa, cây rừng như trở gốc lên trời day ngọn xuống đất.” [29, tr. 259, 260].

Đứng trước con mồi, thông thường người thợ săn sẽ trổ tài săn bắn để hạ gục chúng. Nhưng nhân vật trong câu chuyện của Sơn Nam lại không như vậy. Ông giành một khoảng thời gian để quan sát, nhận xét về về thứ vũ khí sẽ sử dụng. Từ hình dáng, chức năng tới cách sử dụng ngọn lao cổ phụng và hiệu quả sát thương của loại vũ khí này… tiếp đến là diễn tiến câu chuyện cũng được tác giả sắp xếp theo một trình tự nhất định, không vội vàng, hấp tấp. Mặc dù cuộc đi săn đầy kịch

tính nhưng qua lối kể của Sơn Nam chúng ta như được xem lại những thước

phim quay chậm về cuộc săn bắt. Xen giữa sự kịch tính là những câu bình phẩm và

dẫn dắt: “Con heo Khịt đứng lại, trì níu... Con Khịt co chân, phóng tới, ghê thật…

ông Năm Tự đến trước mặt nó… Và cứ như vậy suốt mười phút…” đó là sự chậm

rãi và tính cẩn trọng của một ngòi bút chuyên viết về đề tài Nam Bộ. Trong cuộc chiến khốc liệt với con heo Khịt, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con người Nam Bộ vẫn kiên cường, gắng sức, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh cho dù họ có phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Đọc truyện của Sơn Nam, có những đoạn chúng ta có cảm giác như đang nghe những người nông dân Nam Bộ nói chuyện với nhau. Ví như cuộc đối

đáp giữa anh Tư Én và ông Bang cà Ròn (truyện Ông Bang cà ròn), câu chuyện giữa cha con chú Tư Đinh sau khi thằng Nhi đi len trâu trở về (truyện Mùa len

trâu) hay cuộc đối đáp giữa cậu xã Nê và ông Năm xay lúa (truyện Ông già xay lúa), cuộc đối đáp giữa hương ấp Thum và người dân xóm Tà Lốc quanh việc kéo

tàu cho quan trên (truyện Đồng thanh tương ứng)… Trong mỗi trường hợp,

phương ngữ Nam Bộ luôn được tác giả sử dụng tối đa nhằm tạo sự lôi cuốn cho mỗi câu chuyện.

Với chất giọng đều đều, chậm rãi đi kèm với những câu văn mộc mạc, giản dị, Sơn Nam đã dẫn dắt bạn đọc trải qua những vùng đất khác nhau của miền Nam Bộ. Nó vừa gần gũi, thân quen lại cũng bình yên đến nao lòng. Mặc dù đứng ngoài quan sát toàn bộ diễn biến câu chuyện nhưng ở mỗi góc nhìn, cách đánh giá của Sơn Nam lại vô cùng khéo léo, khách quan. Qua chất giọng này, Sơn Nam đã thổi được cái hồn của con người Nam Bộ vào trong văn chương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tập truyện hương rừng cà maucủa nam sơn (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)