Không gian sông nước, miệt vườn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tập truyện hương rừng cà maucủa nam sơn (Trang 33 - 39)

5. Cấu trúc luận văn

2.1 Không gian nghệ thuật trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của

2.1.2 Không gian sông nước, miệt vườn

Xét về mặt tự nhiên, Nam Bộ là mảnh đất được hình thành trên hệ thống sông ngòi chằng chịt, những ao hồ và ruộng đồng mênh mông. Do cấu tạo tự nhiên có tính đặc thù riêng nên trong sinh hoạt hằng ngày, người Nam Bộ di chuyển chủ yếu bằng đường thủy, trên các ghe xuồng. Những yếu tố tự nhiên này đã tác động

trực tiếp đến cách xây dựng, miêu tả hiện thực con người trong truyện ngắn của Sơn Nam. Có thể nói, hình tượng sông nước là một yếu tố không thể thiếu trong mỗi tác phẩm và cũng bởi nó gắn liền với một phần tuổi thơ của tác giả. Đó là quê hương, là vùng Cà Mau, U Minh rộng lớn. Bạn đọc có thể dễ dàng bắt gặp những dấu ấn của vùng phù sa sông nước như: ruộng đồng, kinh rạch, dòng sông, con đò... trong cuộc sống sinh hoạt của con người Nam Bộ.

Không gian sông nước trở thành không gian sống - một phần không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của con người Nam Bộ. Chính vì vậy, chiếc

xuồng vừa là mái nhà, cũng vừa là phương tiện giúp họ di chuyển qua những vùng đất khác nhau. Đó là cha con chú Tư Đức, vì đi đốn củi lậu bị ông kiểm lâm Rốp bắt

được tịch thu cả chiếc bè và số gỗ lậu nên không còn chốn dung thân (truyện Sông

Gành Hào); là cô Bảy, từ miệt Cần Thơ trôi dạt xuống vùng Cà Mau làm thuê cuốc

mướn; về sau do hoàn cảnh đưa đẩy cô đã lưu lại chốn này làm nghề chèo đò đưa khách qua sông, ban đêm bán bánh bò cho ghe xuồng qua lại. Ở con rạch Cái Mau dân chúng ai cũng biết đến cô nhờ giọng hát “xa lạ nhưng lại quen thân và ấm áp”

(truyện Con Bảy đưa đò). Mối tình oan trái giữa con Lài và thằng Lợi - Đứa con

của hai ông thầy rắn nổi tiếng khắp rạch Thuồng Luồng cùng bắt đầu trên dòng

sông xanh (truyện Cây Huê xà). Hay trong đám cưới thằng con trai út nhà ông cai

tổng Hy cũng dùng xuồng để đón dâu. Đoàn ghe rước dâu nối đuôi nhau chạy dài cả

con sông Ngã Ba Đình (truyện Con sấu cuối cùng).

Nước vừa là không gian sinh tồn lại cũng chính là môi trường để người dân đi lại, kiếm sống và tổ chức các hoạt động xã hội. Để tận dụng những nguồn lợi từ sông rạch, con người trong truyện ngắn Sơn Nam đã có những lối ứng xử sáng tạo, thông minh trước thiên nhiên mênh mông vô tận. Như câu chuyện thú vị của anh Tư

Cồ trong truyện ngắn Ruộng lò bom là một ví dụ điển hình. Tư Cồ đã nghĩ ra cách

làm ruộng lò bom và trồng loại lúa Xom Mà Ca. Làm lúa kiểu này đỡ phải tốn thời gian. Từ ngày gieo mạ đến lúc thu hoạch chỉ tốn có một ngày rưỡi. Theo anh tính: phát cỏ một buổi, gieo giống một buổi rồi bỏ đó, bốn tháng sau đến thu hoạch, tốn

Nước cao ngang cổ. Hai tay Tư Cồ cầm dao, chém cỏ, chém gốc dưới nước. Cỏ nổi lên từng giề (…) Cỏ bị chặt đứt gốc trôi lều bều. Hai tháng nữa, nước giựt xuống. Cỏ đã thúi, trở thành loại phân tốt, rải đầy trên mặt đất. Hai tháng nữa, tức là tháng Hai tháng Ba âm lịch, trời nắng cháy. Vợ chồng Tư Cồ sẽ trở lại đó, đốt cỏ. Rồi gieo lúa giống, loại lúa Xom Mà Ca từ lúc gieo đến lúc trổ bông là bốn tháng”

[29, tr. 791]. Bằng trí thông minh của mình, Tư Cồ đã tận dụng được môi trường sông nước vào phục vụ sản xuất còn thực dân Pháp thì cho rằng vùng này ngập lụt, khó khăn, muỗi mòng không thể sống được.

Bên cạnh đó, không gian sông nước còn là không gian mưu sinh của con

người. Trong truyện ngắn Mùa len trâu không gian này chiếm một vị trí quan

trọng, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho câu chuyện. Con trâu vốn là gia tài của người nông dân, thế nhưng mỗi năm đến mùa nước nổi, nhà nhà lại phải gửi trâu đến vùng Bảy Núi, Ba Thê để tránh nước. Cảnh len trâu hiện lên trước mắt bạn đọc với số lượng hàng trăm con, đen đầu, đặc nước giống như hồi thiên hạ trời đất sơ khai, càn khôn hỗn độn. Nhìn từ phía chân trời có thể thấy vô số con trâu đang lặn hụp thành

từng đàn dưới mặt nước. Sơn Nam viết: “Trâu quậy, sóng nước chuyển nghe đùng

đùng. Hơi thở trâu khì khì như cây rừng nổi gió. Hàng trăm cặp sừng cong vòng, nhọn lễu nhô lên bộ mặt ngơ ngác ba góc, giống hệt như những trái ấu khổng lồ”

[29, tr. 629]. Hết mùa đi len, những tằn khạo (người cai thầu) đem trâu về trả cho chủ cũ và lãnh công bằng gạo hoặc bằng tiền. Đây là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của nhà văn Sơn Nam bởi lẽ nó không chỉ nêu bật lên những nét đặc trưng của vùng Nam Bộ, từ khí hậu, địa hình, ngành nghề mà còn giúp ta thấy được cách nhìn nhận sâu sắc và toàn diện của Sơn Nam về con người Nam Bộ.

Con người trong truyện ngắn Sơn Nam không chỉ biết tận dụng điều kiện thiên nhiên để làm phong phú thêm cho đời sống của mình, mà trên hết đó còn là sự hòa mình với thiên nhiên, hiểu rõ thiên nhiên để tận dụng thiên nhiên một cách hiệu quả nhất. Hình ảnh những con kênh rạch được tác giả tái hiện vô cùng sinh động, đã thể hiện phần nào cách ứng xử của con người nơi đây trước thế giới tự nhiên. Nam Bộ có hệ thống sông rạch chằng chịt là điều kiện lý tưởng cho các loài cá tôm trú

ngụ và sinh sản. Song, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, con người phải tích lũy cho mình thật nhiều kinh nghiệm để nắm bắt những quy luật của thiên

nhiên. Có như vậy, họ mới giành được chiến thắng. Ở Người mù giăng câu, Sơn

Nam đã tái hiện lại hình ảnh một ông già tuy bị mù mắt nhưng vẫn câu được rất nhiều cá. Đó là bởi ông đã nắm được những quy luật của vùng sông nước, đặc điểm

của từng loài cá khác nhau. Ông thường bảo: “Phải có kinh nghiệm mới đỡ cực

nhọc. “Con cá trương vi quạt đuôi ra biển Bắc còn mong gì con cá ấy trở lại chốn cũ ao nhà”. Câu vọng cổ đó nói sai. Cá có hang ở sông Cái. Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự khôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đúng lúc” [29, tr. 712]. Với kinh nghiệm giăng câu nhiều năm,

ông lão đã nghiệm ra một điều về quy luật sinh hoạt của loài cá để từ đó chọn được

thời điểm và dòng nước thích hợp để buông cần: “Rạch nào lắm ghe xuồng qua lại,

cá ở sát bờ. Rạch nào im lặng cá lội ngay giữa dòng. Trước khi giăng cá trê, phải quậy cho nước đục. Mỗi chỗ cá chỉ ăn một lần. Vì nó đi lưu động, mình nên khéo dời chỗ” [29, tr. 712, 713].

Hình tượng sông nước trong truyện ngắn Sơn Nam không chỉ là môi

trường thuận lợi cho con người sinh sống, mà đôi khi nó cũng gây trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. Mỗi mùa nước nổi ngập lụt khắp những cánh đồng, con

người muốn có cuộc sống yên ổn đòi hỏi họ phải có bản lĩnh, chinh phục tự nhiên hoặc nương nhờ thiên nhiên để sinh sống. Với mỗi khó khăn mà sông rạch mang lại,

con người lại có một cách đối phó khác nhau. Trong Tình nghĩa Giáo khoa thư,

khi chèo ghe, gặp đường nước hẹp, con người lại chèo trên đất khô chứ không chèo

dưới nước, để xuồng lướt đi nhanh hơn: “Con rạch thâu hẹp lại. Chiếc tam bản lắc

nghiêng như trái dừa khô trên mặt nước đầy sóng gió. Anh trạo chèo một chèo, nghiêng mình bên hữu. Rồi bỗng nhiên anh chụp mỗi tay một cây chèo mà chèo trên đất khô bên bờ rạch. Chiếc tam bản lại lướt nhanh trong lòng nước quá hẹp vừa đủ lọt bề ngang” [29, tr. 874]. Hay cuộc sống của những người nông dân trong truyện Mùa len trâu, Sông Gành hào cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài những điểm thuận lợi và khó khăn như vừa nêu trên, không gian

sông nước Nam Bộ còn là nơi truyền tải nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của con người nơi đây. Chính điều kiện sông rạch chằng chịt đã sinh ra những điệu hò đối

đáp làm say đắm lòng người. Những câu hò huê tình của con bảy đưa đò (truyện

Con bảy đưa đò) đã mang theo tâm tình của cư dân vùng sông nước, làm sống lại

không khí lễ hội và tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất này. Giữa đêm khuya thanh vắng, những câu hò của con Bảy và chàng trai xứ Bình Thủy thật ngang tài ngang sức. Tiếng hát và lời đối đáp thông minh, lanh lẹ mà nghĩa tình đã làm nảy sinh những tình cảm đẹp đẽ giữa đôi trai gái. Hò đối đáp trên sông là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Nam Bộ thuở xưa. Thể hiện điều này trong truyện ngắn của mình, Sơn Nam cũng nhằm tái hiện cái hồn, nét văn hóa tinh thần của cha ông thời mở đất. Họ lao động mệt nhọc để biến vùng đất hoang vu thành tài nguyên trù phú phục vụ cho cuộc sống của mình, đồng thời họ cũng nghỉ ngơi, đàn ca hát hò để tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc vất vả. Qua những buổi hò đối đáp con người đã nên duyên với nhau.

Bên cạnh những trang viết về không gian sông nước, không gian miệt vườn

cũng trở thành một đề tài thu hút sự chú ý của Sơn Nam. Bởi trong công cuộc

khai phá và xây dựng miền đất mới của người Việt ở miền Nam Bộ, dưới tác động của thiên nhiên, con người càng có ý thức cải tạo thiên nhiên. Lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của những con người thời mở đất. Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng, vườn ở đồng bằng Cửu Long được tập trung lại với nhau thành không gian rộng lớn với những vườn cây trái xanh mướt quanh năm trĩu quả. Sự ra đời của miệt vườn không chỉ có ý nghĩa vật chất mà nó còn có ý nghĩa văn hóa, thể hiện khả năng ứng xử phù hợp của con người trước thiên nhiên. Nhà văn đã dày công xây dựng lên một bức tranh ngập tràn hương sắc với vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho con người nơi đây. Sơn Nam đã viết với tất cả sự say mê và lòng tự hào của một người con Nam Bộ:

“Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên, bất

trớn đu mình sang nhánh ở bờ bên kia để hái trái vừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức ném mạnh. Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng. Lưới lung linh không đứt hẳn; con nhện hoảng hốt thả sợi tơ dài sa xuống. Chợt thấy mặt nước, nó toan rút trở lên. Nhưng trễ quá rồi! Con cá bông phóng mỏ theo táp mạnh. Thằng Kìm ngỡ đó là con trăn” [29, tr. 567]

Và: “Cá lớn bằng cây cột nhà. Vẩy xanh vẩy trắng thêu từng vòng ngời lên

khắp thân mình. No mồi, cá lặn sát đáy, lội nhanh. Bầy cá con di chuyển theo mẹ, hàng trăm con lấm tấm như rắc cườm đầy mặt nước, mất dạng trong bóng mát đằng kia. Bờ sông im lìm, mặt nước thẫn thờ trả lại bóng dáng của cây chồi mọc sát mé bãi: bông vừng buông thong xuống từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành mành. Nhánh vừng khô cằn, lá vàng rụng như mất hẳn. Đôi đọt non nhú lên, mỏng mịn, chưa nhuốm được màu xanh vì thiếu nắng; ở xa, trông như những cánh bướm khổng lồ đang phập phồng, ngứa ngáy, chưa đậu yên chỗ là đã muốn bay” [29, tr. 567]. Một cảm giác ngỡ ngàng và vô cùng thích thú đã đọng lại

trong lòng người đọc bởi hiện lên trước mắt họ là một bức tranh thiên nhiên vô cùng ấn tượng và đặc sắc. Cách viết của Sơn Nam giúp bạn đọc hình dung ra một mảnh

đất phương Nam hiền hòa với những cảnh sắc thật đẹp và yên bình. Và điều đẹp

nhất trong tâm thức nhà văn, có lẽ là đêm trải nghiệm giữa hương rừng ngào ngạt có

mùi hương xa lạ nhưng cũng rất thân quen: “Trên hàng vạn nhánh to, nhánh nhỏ,

bàn tay thần nào rắc lấm tấm hàng hà sa hố đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà hầu khắp các tứ phía. Rừng sáng láng, ai dám nói rừng là âm u? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt” [29, tr. 570, 571] và đó đã trở thành điều đẹp nhất trong ký ức về khu rừng

tràm.

Đến với truyện ngắn Sơn Nam, bạn đọc có cơ hội trải mình qua những vùng quê khác nhau của miền Nam Bộ. Qua mỗi vùng đất, nhà văn đều dừng lại

để giới thiệu, để giải thích cho bạn đọc hiểu rõ hơn về mảnh đất này. Sơn Nam đã đưa bạn đọc đến với những sân chim nổi tiếng, đi qua những khu rừng tràm, rừng đước bát ngát, băng qua những đồng lúa xanh rì và ngụp mình trên bãi biển đầy

nắng gió. Viết về đề tài Nam Bộ là để giới thiệu về chính quê hương, xứ sở của mình và cũng là cách để con người nơi khác hiểu rõ hơn về cuộc sống của con người nơi đây nên Sơn Nam ý thức rất rõ điều đó. Cũng giống như công việc của một nhà nhiếp ảnh, Sơn Nam đã mang đến cho bạn đọc những trang văn đắt giá về một miền Tây giàu đẹp, hoang sơ và đầy sức hấp dẫn. Ở đó có màu xanh của rừng tràm, màu đỏ sẫm của những dòng phù sa hòa trong vô vàn sắc màu của thiên nhiên hoang dã khác. Ông đã đưa người đọc lướt nhẹ bàn chân trên quê hương Nam Bộ bằng nghệ thuật ngôn từ.

Không gian sông nước, miệt vườn trở nên thân thuộc và gần gũi trong mỗi truyện ngắn của Sơn Nam. Mỗi câu chuyện đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Để làm được điều đó, chính là nhờ một phần không nhỏ những ký ức từ thuở ấu thơ gắn với sông nước miệt vườn của ông, cũng như chính tâm hồn nhà văn đã có sự gắn kết tự nhiên với đất mẹ thiêng liêng. Ký ức đó thường bắt đầu từ những điều bình dị nhất như lời ăn, tiếng nói, cỏ cây... trong đời sống thường ngày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tập truyện hương rừng cà maucủa nam sơn (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)