Kiểu 1: Tạo sự đối lập nhờ việc đặt hai sự vật hết sức khác biệt kề bên nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư duy đối lập tương phản trong thơ Chế Lan Viên (Trang 51 - 58)

Chƣơng 2: Đối lập tƣơng phản trong các chi tiết hình ảnh, hình tƣợng thơ

2.1.1. Kiểu 1: Tạo sự đối lập nhờ việc đặt hai sự vật hết sức khác biệt kề bên nhau.

biệt kề bên nhau.

Trong cuộc sống, người ta hay thích sự hài hoà, tương đồng. Chiếc lọ nhỏ để cắm cành hoa nhỏ, màu xanh nõn chuối sẽ hợp với màu trắng hơn là màu đỏ. Nhưng trong nghệ thuật không phải lúc nào tương đồng cũng được lựa chọn, đôi khi chính sự khác biệt lại làm nên sự độc đáo không ngờ. Chế Lan Viên luôn biết vận dụng điểm khác biệt, thậm chí trái

ngược nhau của sự vật để tạo tương phản trong thơ, mang đến hiệu quả thẩm mỹ cao. Thi sĩ họ Chế đã tỏ ra có một sức sáng tạo dồi dào, ông luôn thể hiện sự mới mẻ trong cách nhìn, cách suy nghĩ. Để tránh sự sáo mòn vốn là điều tối kị trong nghệ thuật, đôi khi Chế Lan Viên khá táo bạo đặt những sự vật hoàn toàn khác lạ kề bên nhau. Ví như đặt bom lại gần với trăng:

“ Thức dậy vì tiếng bom Bỗng gặp đêm trăng sáng”

Nhà thơ Chính Hữu cũng từng tạo nên một bức tranh thật đẹp với hai hình ảnh súng và trăng: “Đầu súng trăng treo” (Đồng chí ). Đây là một hình ảnh đẹp gợi ra nhiều ý nghĩa biểu tượng: khát vọng hoà bình, vẻ đẹp lãng mạn của người lính khi làm nhiệm vụ và chất thơ toát lên từ chính cuộc sống chiến đấu tuy có gian khổ hi sinh vẫn trong trẻo, lạc quan, tràn đầy. Cũng vậy, trong thơ Chế Lan Viên, trăng và bom vốn là hai sự vật “xung khắc” nhau: trăng tượng trưng cho hoà bình, sự sống còn bom vốn là biểu tượng của chết chóc huỷ diệt, chiến tranh. Vậy mà, nhà thơ đã đặt chúng lại gần nhau để ý nghĩa triết lí loé sáng:

“ Chỉ màu trăng là có Còn chiến tranh là không

Ánh trăng đã át đi tiếng bom, đem đến cho con người cảm giác thanh bình hiếm hoi của thời chiến. Câu thơ như lời khẳng định một niềm tin chắc chắn vào cái đẹp, cái thiện sẽ xua tan cái ác, cái xấu.

Chế Lan Viên có khả năng nối kết những sự vật khác biệt lại gần nhau và tìm ra mối liên hệ giữa chúng: gà rừng và bom là hai sự vật chỉ có duy nhất một điểm chung: “ Gà rừng đẻ vào buổi trưa và bom cũng ném cùng thời điểm” nhưng từ đó tác giả lại liên tưởng đến một hình ảnh thú vị:

“ Nó thì giết, ta thì cục tác Giữa bom gầm, trứng cứ đẻ ra”

( Gà rừng đẻ - Di cảo I )

Tiếng gà cục tác trong thơ Xuân Quỳnh: “ Gà nhà ai nhảy ổ / Cục, cục tác, cục ta” gợi nhớ về một tuổi thơ giữa bình dị xóm làng. Tiếng gà nơi xóm nhỏ gắn với hình ảnh người bà tần tảo chịu thương chịu khó, yêu thương chăm sóc cháu, chắt chiu dành dụm để cháu có cuộc sống đủ đầy, tốt đẹp. Người chiến sĩ hôm nay chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, xóm làng thân thuộc, bảo vệ người bà rất mực yêu thương và còn chiến đấu vì những gì bình dị quen thuộc: bảo vệ những giấc mơ đẹp đẽ, ổ trứng hồng tuổi thơ. Còn ở đây, tiếng gà lẫn với tiếng bom gầm, ý nghĩa triết lí sâu xa cũng vút lên từ đó: trong cái chết , sự sống vẫn sinh sôi, hiện diện. Quả trứng là minh chứng cho sự sống bất diệt, nó tuy nhỏ nhoi nhưng là mầm mống của sự sống không một thế lực nào ngăn cản nổi sự sinh thành của nó. Bài thơ kết thúc đầy dư âm: “ Vinh quang thay là một quả trứng gà”

Cũng vậy, viên gạch và mùa đông vốn khác xa nhau nhưng khi đi vào thơ Chế Lan Viên lại có mối quan hệ:

“ Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Balê

Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá”

Dưới con mắt của người bình thường, một bên là sự vật cụ thể còn bên kia là thời gian trừu tượng không có liên quan gì đến nhau. Còn trong bài thơ này, chúng có mối quan hệ đối nghịch. Viên gạch là vật giữ hơi ấm ngọn lửa để Bác sưởi, xua tan giá lạnh mùa đông. Đối lập ở đây không đơn giản là giữa viên gạch - mùa đông mà sâu thẳm là giữa nóng và lạnh, giữa ít và nhiều ( một viên – một mùa ). Chế Lan Viên thật có tài trong việc biến cái bình thường ( viên gạch ) thành cái phi thường qua đó thể hiện nghị lực mạnh mẽ của Bác trên bước đường “đi tìm hình của nước”.

Với con mắt tinh tường của mình, Chế Lan Viên thường phát hiện ra những nghịch lí: người dệt thảm thì mặc áo rách nhưng lại thêu thảm hoa:

“ Người dệt thảm mặc áo rách và cuộc đời xám xịt Ấy thế nhưng cái nghề dệt mà, ta cứ dệt thảm hoa”

Áo rách - thảm hoa gợi sự liên tưởng sâu xa. Áo rách là của cuộc đời khó khăn vất vả còn thảm hoa là kết tinh của sự khéo léo và trí tuệ của bàn tay người thợ. Phải chăng tác giả muốn mang đến cho người đọc thông điệp: Cuộc sống dù thiếu thốn nhưng vẫn cần những giá trị vật chất và tinh thần, vẫn luôn vươn tới cái đẹp, sự lạc quan vào tương lai.

Trong kiểu đối lập này, Chế Lan Viên cũng hay đặt cái đã có bên cái sẽ có, đặt cái chưa có và cái cần có bên nhau. Ông cũng không khuôn mình trong những đối lập có sẵn mà luôn hướng tới những đối lập mới, thú vị hơn, sâu sắc hơn:

“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”

( Tiếng hát con tàu)

Hai câu thơ đúc kết một quy luật trong tình cảm con người: khi người ta đã gắn bó máu thịt với mảnh đất ấy thì lúc chia xa, người ta sẽ cảm nhận thấm thía rằng nó dường như đã chiếm một khoảng không thể thiếu trong tâm hồn mình. Đất- tâm hồn là sự chuyển hoá đầy tài hoa tưởng chừng vô lí nhưng hợp lí ( đối với tình cảm cái gì cũng có thể xảy ra ). Chính cái trục hành động ở – đi đã tạo tứ cho câu thơ vận động và phát triển.

Đôi khi, phép đối lập được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ đã tạo hiệu quả nghệ thuật cao. Nói về sự hi sinh thiêng liêng, cao quý của Bế Văn Đàn, tác giả viết:

“ Ngã xuống Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam, Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc”

( Nhớ Bế Văn Đàn- Ánh sáng và phù sa )

Mùa cam là mùa hạnh phúc ( khổ tận cam lai ) hay cũng là mùa “ cây cay đắng đã ra chùm quả ngọt”. Nó là cuộc sống mới, cuộc sống

hoà bình ấm no. Còn “dây thép gai đồn giặc” chính là hiện thực bi thương của tàn phá và huỷ diệt, của chiến tranh. Đây cũng chính là sự đối lập giữa hai hình ảnh: cuộc sống hạnh phúc và những mất mát chia lìa. Đôi khi, để có được cuộc sống bình yên cho dân tộc, đất nước, người chiến sĩ đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Do đó, hình ảnh người chiến sĩ chưa từng biết đến hạnh phúc ngã xuống hi sinh cho dân tộc là hình ảnh gợi sự xúc động trong lòng người đọc hơn bao giờ hết. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ và chưa được hưởng phút giây hạnh phúc ngày đất nước thống nhất…

Cũng nói về giây phút hi sinh của người chiến sĩ giải phóng quân, tác giả Lê Anh Xuân đã xây dựng một hình tượng đẹp đẽ, hào hùng, „một dáng đứng tạc vào thế kỷ ‟ :

« Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng. Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng. Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng ……

Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ : Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Tên anh đã thành tên đất nước Ôi ! Anh giải phóng quân !

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân »

Giọng điệu hào hùng với những hình ảnh đẹp về những giây phút cuối cùng của người chiến sĩ giải phóng quân khiến bài thơ của Lê Anh Xuân không chút đượm buồn. Sự hi sinh đã biến thành bất tử, cái chết để đất nước hồi sinh.

Quay trở lại bài thơ Nhớ Bế Văn Đàn - một bài thơ tứ tuyệt mộc mạc giản dị của Chế Lan Viên, chúng ta thấy nhà thơ triết lí nhiều hơn :

Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc

Tôi yêu những người chửa hình dung ra hạnh phúc Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan

Dường như hạnh phúc lại được cảm nhận thấm thía nhất từ những người chưa được biết đến nó. Và người chiến sĩ đã ngã xuống vì đồng đội, vì người khác ấy thật đáng kính trọng biết bao…Không quá phô trương nhưng bài thơ tứ tuyệt lắng lại nơi tâm hồn bạn đọc, ở một xúc cảm khác nhưng cũng không kém phần mãnh liệt, da diết.

Khi hình dung ra bộ mặt kẻ thù, người ta dễ liên tưởng đến những bộ mặt nham hiểm, đằng đằng sát khí . Vậy mà, Chế Lan Viên lại vẽ lên một bộ mặt khác của kẻ thù khiến ta không ngờ tới:

“ Gương mặt kẻ thù ta là gương mặt hay cười”

Nhà thơ đã sử dụng đối nghịch để chỉ ra sự xảo quyệt của kẻ thù, đằng sau bộ mặt giả dối đó, bản chất phi nghĩa của chúng hiện ra:

“ Khi chúng nói hoà bình là chúng đang ngắm bắn”

Không cần nói nhiều, chỉ bằng cách “nói ngược” tất cả bản chất của kẻ thù đã bộc lộ một cách rõ ràng nhất.

Một điều đặc biệt là trong thơ Chế Lan Viên, hiện thực và lãng mạn, trí tuệ và cảm xúc cứ đan chéo, trộn lẫn vào nhau bởi hình ảnh giàu sức tưởng tượng và vô cùng kì thú: “ triệu tấn bom” đi với “ mặt trời hồng”:

“ Tên Tổ quốc vang ra ngoài bờ cõi

Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng”

Cách viết vừa táo bạo vừa tài hoa: Con người trong tư thế kỳ vĩ, vượt qua bom đạn chinh phục mặt trời. Hình tượng thơ thật khoẻ khoắn và mạnh mẽ biết bao.

Đôi khi dùng những đối lập ngược nhau theo kiểu này, tác giả đã tạo sự đối chọi đa dạng trong cái bình thường đơn điệu, tăng cường ý nghĩa và đào sâu năng lực suy nghĩ:

“ Cân những Thái Sơn lại là chiếc hôn nhẹ tựa lông hồng”

Hay: “ Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn”

Đặt Thái Sơn bên cạnh chiếc hôn, nặng bên cạnh nhẹ, Chế Lan Viên không triết lí về sự nặng nhẹ đơn thuần. Ông đã thực hiện một phép “ cân” kì diệu và mở ra cho người đọc nhiều hướng hiểu, hướng cảm nhận khác nhau về một hình ảnh thơ đa nghĩa.

Cũng rất phổ biến trong thơ Chế Lan Viên là những hình ảnh đối lập, chuyển hóa :

- "Xưa phù du mà nay đã phù sa" - "Xưa bay đi mà nay không trôi mất." - "Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ" - "Nếu dưới vực sâu còn dũng khí"

- "Ta nấu xích xiềng ta làm súng đạn"

- "Người ngã xuống tựa máu mình mà đứng dậy" - "Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng" - "Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất" - "Một cái hôn cân vạn ngày lửa đạn"

Có thể nói, kiểu đối lập này được tác giả sử dụng khá thành công trong những tìm tòi sáng tạo mới. Nó tránh được sự khô khan tẻ nhạt nhờ những hình ảnh thơ bổ sung lẫn nhau. Đặt sự vật này bên cạnh sự vật khác, cái đã quen bên cái chưa quen, những hình ảnh đối chọi cùng tồn tại

trong một câu thơ …Chế Lan Viên đã biết dẫn dắt người đọc đến với miền đất của trí tưởng tượng phong phú, nâng sự triết lí của ông lên một vẻ đẹp thông minh sắc sảo hiếm thấy. Đây cũng chính là nét nổi trội, bước phát triển mới của biện pháp đối lập qua bàn tay tài hoa của Chế Lan Viên. Đọc thơ ông, lần đầu tiên người ta thấy bom đi liền với mặt trăng, mặt trời; cuộc đời xám xịt đi với thảm hoa, nụ hôn được đặt cạnh lửa đạn và áo rách là nơi gắn huân chương:

“ Nước cộng hoà gắn huân chương lên ngực anh áo rách”

Kiểu đối lập này thường mang đến cho người đọc những nhận thức và khám phá mới và ta thấy nó xuất hiện rất nhiều trong các bài thơ của Chế Lan Viên. Tuy nhiên, kiểu tác giả hay sử dụng nhất chính là kiểu thứ hai mà chúng tôi sẽ trình bày sau đây.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư duy đối lập tương phản trong thơ Chế Lan Viên (Trang 51 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)