Chƣơng 3: Tƣơng phản đối lập trong nghệ thuật xây dựng thời gian và không gian
3.2. Đối lập trong thời gian
Người nghệ sĩ thường có tâm hồn rất nhạy cảm. Họ sống và khao khát được tận hưởng mọi cái hay cái đẹp của cuộc đời và hơn ai hết họ hiểu rằng thời gian của đời người là hữu hạn. Vì thế, nỗi ám ảnh về thời gian dường như là điểm chung xuyên suốt trong các bài thơ của các nhà thơ lớn tự cổ chí kim. Nhà thơ Nguyễn Trãi từng “Đốt đuốc chơi xuân kẻo hết xuân”.Tiếc xuân, níu kéo mùa xuân như ông quả là hiếm thấy: ngày xuân chưa đủ, phải đốt đuốc chơi đêm để tận hưởng triệt để cái hương vị của mùa xuân. Cùng chung ý tưởng với người xưa, cảm thức về thời gian trôi chảy không ngừng khiến Xuân Diệu cũng giục giã:
“ Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ Em ơi em tình non sắp già rồi”
( Vội vàng )
Trong tâm thức của hai nhà thơ có một cái gì hiền lành, cam chịu: con người phải chạy đua với thời gian vì con người đâu có thể chống lại được quy luật của tạo hoá. Vậy mà vẫn có một nhà thơ có ý định ngông cuồng đi ngược lại quy luật đó. Ông đã viết trong một bài thơ của mình:
“ Ai đâu trở lại mùa thu trước Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? Với của hoa tươi, muôn cánh rã, Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!”
(Xuân – Điêu tàn)
Mong ước chế ngự thời gian, níu giữ thời gian ta cũng từng bắt gặp trong thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu muốn thời gian ngưng trôi, muốn giữ lại hương sắc của đời nên :
“ Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi” (Vội vàng)
Còn Chế Lan Viên, giữa Thu này ông lại nhớ về Thu trước, giữa hiện tại mà nhà thơ cứ đắm mình vào quá khứ. Xuân Diệu thì ngược lại, gọi quá khứ về làm hiện tại:
“ Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ Trở về đây, và đem trở về đây! Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây”
( Xuân đầu)
Những tưởng thế đã là táo bạo lắm rồi. Vậy mà Chế Lan Viên còn muốn thay đổi cả quy luật tuần hoàn của vũ trụ: “ chắn nẻo xuân sang” - quả là một ý tưởng ngông nghênh không tưởng, đậm chất Chế Lan Viên thời Điêu tàn. Tại sao Chế Lan Viên lại thù ghét mùa Xuân và mãi mong nhớ mùa Thu đến vậy? Mùa Xuân hay mùa Thu trong thơ ông không đơn
thuần là chuyện cảnh trí thiên nhiên. Ông không miêu tả, cảm nhận thiên nhiên kiểu như “ Mùa xuân chín” - Hàn Mạc Tử hay “Vội vàng” - Xuân Diệu. Hình tượng mùa Xuân, mùa Thu trong thơ ông mang ý nghĩa triết lí về thời gian. Nếu các nhà thơ lãng mạn cùng thời tìm ở mùa thu những gam màu dịu nhẹ, nỗi buồn hắt hiu thì Chế Lan Viên thấy ở Mùa Thu sự tàn lụi, chán nản não nề. Thơ Chế Lan Viên khác xa thơ Lưu Trọng Lư nhưng giữa bài “ Tiếng Thu” và bài thơ của Chế Lan Viên có sự tương giao:
“ Bài thơ anh làm một nửa mà thôi Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá Nó không phải là anh nhưng nó là mùa”
Vẫn là tiếng xào xạc quen thuộc của lá khô nhưng với Chế Lan Viên nó mang ý nghĩa triết lí hơn là tả thực như trong thơ Lưu Trọng Lư.
Là một nghệ sĩ vốn trăn trở rất nhiều về thời gian, Chế Lan Viên đã dành một lượng thơ không nhỏ để viết về đề tài này. Ngay từ tập thơ đầu tay, cảm quan về thời gian đã tràn ngập trong thơ ông. Thời kì đầu làm thơ, Chế Lan Viên hay quay về với không gian Chiêm quốc và gắn liền với thế giới ấy là một thời gian quá khứ xa xôi được đặt trong mối liên hệ với thực tại:
“Tạo hoá hỡi, hãy trả tôi về Chiêm quốc Hãy cho tôi xa lánh cõi trần gian”
(Điêu tàn )
Về với Chiêm quốc ( quá khứ ) để quên đi, xa lánh cõi trần gian (hiện tại) - nơi mà thi sĩ cảm thấy buồn, thấy chán, thấy vô vị nhạt nhẽo hết cả cảnh và người.
Thời gian vốn có quan hệ chặt chẽ với không gian, trong quan niệm của nhà thơ Xuân Diệu, thời gian là chiều thứ tư của không gian và chúng ta đang sống trong một không gian không chỉ có ba chiều.
Thời gian đời người thường vận động trên một trục gồm Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Trong thơ Chế Lan Viên, quá khứ, hiện tại và tương lai luôn luôn được đối chiếu cặp đôi cặp ba với nhau, có khi được xen kẽ, đan lồng vào nhau và cùng có chung một nội hàm, cùng biểu thị một nội dung: Thời gian là sự huỷ diệt:
Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành Và Hiện Tại, biết cùng chăng bạn hỡi Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!
( Những nấm mồ - Điêu tàn)
Chế Lan Viên rất chú trọng khắc hoạ cái ngày hôm nay như một tiêu điểm ngời sáng quy tụ được hình bóng quá khứ và viễn cảnh tương lai:
“ Ngày hôm nay chúng ta trồng cây cho Tổ quốc
Cho những vết thương chiến tranh xưa liền da kín mặt”
hay: “ Bóng ngày nay che lên đầu ngày mai hạnh phúc”
( Giữa tết trồng cây – Ánh sáng và phù sa )
Như vậy, việc trồng cây không chỉ nối liền với quá khứ ( hàn gắn vết thương chiến tranh ) mà nó còn mang bóng mát hạnh phúc đến cả tương lai. Trong tết trồng cây hiện tại, Người đã thấy được ngày mai: “Đối diện với lòng, anh gieo hạt mùa sau…”
Cảm nhận về thời gian của Chế Lan Viên luôn hiện lên trong thơ như một hệ thống vừa nhất quán vừa phong phú đa dạng với những biểu hiện khác biệt qua các thời kì sáng tác khác nhau. Nhưng thường nó nằm trong dạng cấu tứ cơ bản là xưa – nay ( trục liên tưởng đi về quá khứ) và cũng có khi là nay – mai ( trục liên tưởng hướng tới tương lai ) hoặc đi về linh hoạt ngược xuôi từ thời điểm hiện tại.
Chế Lan Viên có cách nghĩ về thời gian bằng cái nhìn so sánh đối lập. Nói cách khác, chính tư duy đối lập đã chi phối đến cảm quan thời gian trong thơ ông : thời gian là tác nhân xui nhớ mà cũng có thể làm
quên, thời gian vô nghĩa khi xuôi chảy vô tư nhưng lại rất có ý nghĩa khi đọng lại ở sự nghiệp, thời gian tàn phá nhưng cũng kiến thiết.
Để tạo sự tương phản, Chế Lan Viên thường đặt hiện tại và quá khứ kề bên nhau ( chúng tôi nhận thấy cặp hôm nay- ngày mai được đặt trong thế tương đồng nhiều hơn ). Tương phản về thời gian lớn nhất trong thơ Chế Lan Viên là giữa hôm qua – hôm nay, xưa kia - bây giờ. Thời “Điêu tàn”, nhà thơ dửng dưng với hiện tại:
“ Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”
Đến “Ánh sáng và phù sa”, cảm quan của tác giả hầu như quay ngược trở lại:
“ Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”
Cách nói của nhà thơ hơi quá tuyệt đối nhưng nó cho thấy sự đối lập quyết liệt giữa xưa – nay, cũ - mới. Xét đến cùng, sự biến đổi này có nguyên nhân từ con mắt nhìn và tâm trạng nhà thơ đã khác trước.
Quan niệm thời gian mang bản chất tiêu cực là đặc trưng cơ bản của thơ Chế Lan Viên thời Điêu tàn. Có thể nói, cả tập thơ toát lên một thông điệp: “ Thời gian của hạnh phúc đã mất, thời gian của huỷ diệt đang chờ”. Thời gian không mang tính kiến thiết dựng xây mà nó đồng nghĩa với sự huỷ hoại . Thời gian ăn mòn xoá nhoà tất cả: “ Những tháp xưa đổ nát dưới thời gian”. Đó là vì dường như Chế Lan Viên muốn đi ngược lại quy luật của tạo hoá, nuối tiếc quá khứ vàng son của một triều đại đã qua, muốn kéo thời gian trở lại.
Đến “Ánh sáng và phù sa” cảm quan về thời gian của tác giả hầu như khác hẳn. Xưa, thời gian là “ tên phá hoại độc ác” của cuộc đời còn giờ đây, thời gian là nhân tố tích cực. Đó là thời gian hiện thực - lịch sử - sự kiện mang kích thước vĩ mô. Thời gian đi những bước cực lớn của nó: mười lăm năm, vạn năm, thế kỉ, bốn nghìn năm. Ngay cả thời gian cá
nhân cũng được thể hiện gắn liền với thời gian lịch sử - xã hội, không còn sự tách rời biệt lập như xưa kia bởi vì con người giờ đây sống giữa cộng đồng, đời sống của cá nhân giờ đây nằm trong sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc. Từ chỗ được quan niệm như một tác nhân tiêu cực, thời gian đã trở thành một nhân tố tích cực trong những tập thơ liền sau năm 1945, đặc biệt là “Ánh sáng và phù sa”. Thời gian nay đi cùng chúng ta, ủng hộ chúng ta như một người bạn trợ lực hữu hiệu để biến cái không thành có, cái ít thành nhiều:
“ Thêm một ngày cho rừng biến thành than Cho lớp đất phù sa thành sữa lúa
Cho lá dâu non dệt thành tơ lụa
Cho lưỡi liềm cong mặt nguyệt nên tròn”
( Nhật kí một người chữa bệnh- Ánh sáng và phù sa ) Thời gian cho sản xuất và rất cần cho chiến đấu. “ Phải có thời gian” – đó là lời kêu gọi, khẩu hiệu, sự động viên đầy hiệu lực:
“ Phải có thời gian! Phải có thời gian Cho hoa cỏ cũng thành ra khí giới Cho rừng tre lên ở chỗ bụi gai tàn Cho lớn dậy những anh hùng trước tuổi Cho mặt trời cười ở chỗ bóng đêm tan”
( Phải có thời gian- Di cảo III)
Thời gian cần cho tất cả. Nó có sức mạnh như một lực lượng, một vũ khí thật sự, nó giúp ích con ngưòi, nó có mặt ở mọi nơi và là một biểu tượng của cuộc đời mới, của sức sống mới. Tóm lại, thời gian nay đối lập với thời gian xưa xuôi chảy, tiêu tan, là một thời gian có sức tái sinh trong sự phát triển vô tận của cuộc sống.
Như trên đã nói, tác giả thường vận dụng cái nhìn đối lập trong thời gian xưa – nay để nói lên sự thay đổi của con người mình. Xưa kia, Chế Lan Viên muốn yêu đời mà phải thù ghét thời gian, nay ông mến yêu thời
gian nồng cháy như mến yêu cuộc đời màu nhiệm. Cách nói của nhà thơ rất giàu hình ảnh:
“ Xưa ở sông Ngô ta đánh mất vàng Đánh mất tâm hồn ta. Nhưng hiện tại Như sông Tương đã trả vàng ta lại Khắp đôi bờ tư tưởng chói hào quang”
( Vàng của lòng tin – Ánh sáng và phù sa )
Nhìn lại những vần thơ của mình, Chế Lan Viên đối lập giữa cũ và mới:
“ Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi”
( Nghĩ về thơ – Ánh sáng và phù sa )
Tác giả đã khéo léo mượn hai hiện tượng thiên nhiên đối nghịch để thể hiện tư tưởng của mình. Khi dõi theo diễn biến của tâm hồn mình, ghi nhận những nỗi đau và soi sáng niềm vui, Chế Lan Viên đã tạo ra những bức chân dung tự hoạ của một thế giới nội tâm đang chuyển biến:
“ Xưa phù du mà nay đã phù sa Xưa bay đi mà nay không trôi mất”
Dường như chưa đủ, nhà thơ tự khẳng định với tâm hồn mình:
“ Dĩ vãng buồn thương mang lá cờ đen Đến làm giặc giữa lòng ta. Ta bắn chết”
Tương phản về thời gian xưa – nay có khi còn là để khẳng định đôi cánh thơ trong thời đại mới:
“ Xưa, ta hái nhành lan mặt đất Nay, vin cành mai đẹp trong trăng”
(Ôi chị Hằng Nga, cô gái Nga - Ánh sáng và phù sa )
Đời người hữu hạn khi đặt trong cái vô hạn của thời gian:
“ Gió thổi mây bay bất trắc Lúc nào không tử biệt sinh ly”
“ Mặt trời sống cùng nhân loại triệu năm Sống cùng anh đâu mấy vạn ngày”
( Thơ về thơ- Di cảo I )
Trong Di cảo thơ, lấy thời gian làm thước đo, Chế Lan Viên dễ dàng phát huy sở trường của mình trong cách nhìn nhận đối lập. Tác giả nghĩ về tồn tại / không tồn tại, sống / chết, còn / mất, khoảnh khắc / vĩnh hằng, có / không, còn / hết. Nhờ biện pháp đối lập, thời gian trong thơ Chế Lan Viên trở nên vô cùng đa dạng: “ thời gian nước siết”, “ thời gian xuôi chảy”, “ thời gian khắc nghiệt”…bất cứ lúc nào có cơ hội, Chế Lan Viên cũng muốn định nghĩa về thời gian. Thời kì này, thời gian trong thơ ông mang đậm tính suy tưởng triết luận.
Ông có những triết lí sâu sắc về thời gian:
“Ồ ồ cũng thời gian mà ri rỉ thạch nhũ cũng thời gian”
Thời gian trôi qua nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào từng chủ thể. Nguyễn Du từng rất có lí khi viết :
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang Ba thu lại ngắn, một ngày dài ghê”
( Truyện Kiều)
Thi sĩ họ Chế có cách nói giàu hình ảnh hơn: ồ ồ hay ri rỉ, trôi nhanh hay chậm cũng vẫn là thời gian. Và đến cuối đời nhà thơ đã dùng hình ảnh thời gian nước siết để giục giã, để chạy đua với thời gian.
Thời gian qua cách cảm nhận của Chế Lan Viên rất độc đáo:
“Điệu chèo như tà áo Mà thời gian thổi bay Cứ mỗi lần xoay Thì năm tháng mất”
( Chèo xứ Bắc- Di cảo I)
Chế Lan Viên đặc biệt có tài trong nghệ thuật xây dựng hình tượng thời gian bằng biện pháp đối lập. Ông hay lấy cái vi mô để chứa cái vĩ
mô: “ Mỗi một phút đợi chờ sâu một bể thời gian”. Cách nói tưởng chừng vô lí nhưng lại hợp lí bởi nó là thời gian tâm trạng, được đo bằng đợi chờ, nhớ thương. Cũng vậy, tác giả chọn cái cụ thể để nói cái trừu tượng: “Đôi cánh đã liệng cả một vòng năm tháng”. Đôi khi nhà thơ còn lấy cái vĩnh cửu để đo khoảnh khắc ngắn ngủi:
“ Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỉ Đã trôi trong một phút vội vàng qua”
( Ngủ trong sao – Điêu tàn )
Ông cũng thường vĩnh viễn hoá những khoảnh khắc ( biến cái khoảnh khắc thành cái vĩnh hằng ): Chỉ một giây phút em ra đi mà lòng anh đã hoá thành bến thu ( Lòng anh làm bến thu - Đối thoại mới ). Còn rất nhiều những khoảnh khắc bừng sáng của nhận thức:
“ Bốn năm đạn lửa chim bay hết Nay tiếng bom im cánh biếc về Tiếng hót đầu tiên, ơ lạ lắm Cả làng rưng lệ đứng im nghe”
( Cánh biếc Vĩnh Linh - Đối thoại mới )
Cái khoảnh khắc một tiếng chim cất vang lên sau bốn năm lửa đạn chính là khoảnh khắc hoá đá của thời gian. Tiếng chim khiến con người nhận ra rằng: sự sống đã được hồi sinh. Đó chính là cái khoảnh khắc vĩnh hằng không thể nào quên được. Không chỉ vậy, nhà thơ còn lấy hư “ gió thổi mây bay bất trắc” để nói thực “ phải tranh thủ làm thơ giữa hai hàng chớp mắt”. Ông nêu hình ảnh “ sóng phù du”, “ bể vô cùng” để kêu gọi : “ Hãy kiến trúc thời gian thành hạt muối”, kêu gọi sự lắng đọng và kết tinh. Có khi nhà thơ không nói gì mà lại nói rất nhiều về thời gian, ở đây sự im lặng đã tạo ý ở ngoài lời:
“ Chờ đá hiện đường vân Trai hoàn thành viên ngọc Chờ gió đọng nên trầm
Thì thơ anh hoá đất”.
Đằng sau hình ảnh đợi chờ và biến hoá này là một tác nhân giấu mặt: thời gian. Thời gian có thể làm biến đổi tất cả theo chiều thuận ( phát triển ) hoặc chiều nghịch ( tàn lụi dần đi ). Thời gian là quy luật của vũ trụ, con người dù muốn dù không cũng không thể thoát ra ngoài vòng của nó.
Cùng với đời người, mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu cũng chịu sự chi phối sâu sắc của thời gian .Chế Lan Viên có một bài thơ tình rất hay, bài thơ được kết cấu theo trục thời gian: bài “Tình ca ban mai”.
Với đặc trưng thơ Chế Lan Viên là luôn thể hiện một khả năng liên tưởng đa dạng và linh hoạt, bài thơ là sự nối kết những sự vật hiện tượng xa cách nhau để tạo nên những ý tưởng mới lạ, độc đáo:
Em đi, như chiều đi Gọi chim vườn bay hết Em về, tựa mai về Rừng non xanh lộc biếc Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che Tình em như sao khuya Rãi hạt vàng chi chít Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều bay hết Tình ta như lộc biếc