Có thể chính tính trí tuệ, tài hoa của những vần thơ Chế Lan Viên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo những nhà nghiên cứu và cả những bạn đọc yêu thơ. Ngay từ khi mới bước chân vào địa hạt thơ ca, Chế Lan Viên đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu: “ Tập thơ Điêu tàn mà tôi vừa đọc xong là công trình sáng tác của một trí tưởng tượng mênh mang, không bờ bến. Tác giả của nó – Chế Lan Viên – theo lời một vài người, là một thi sĩ mới trên 17 tuổi. Với tuổi này mà đã có
tập thơ kia, thực Chế Lan Viên đã bất chấp cả thời gian và đã để xuất hiện dấu vết của một thiên tài” ( Lê Thiều Quang) [ 30, tr 69]
“Thơ chính là người. Qua thơ, chúng ta sẽ hiểu rõ nhà thơ” [ 13, tr423]. Chế Lan Viên từng nhiều lần phát biểu quan niệm thơ của mình cả trong thơ và văn xuôi, trong đó ông nhấn mạnh: "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ ơ hời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan"
(Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...). Tư duy thơ của Chế Lan Viên có cách tiếp cận riêng với đời sống. Không dừng lại ở xúc cảm, ở bề ngoài của sự vật hiện tượng cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ muốn khám phá sự vật "ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa". Trí tuệ của nhà thơ hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng, và bằng tưởng tượng, liên tưởng mà liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan từ đó làm nảy lên những ý nghĩa sâu sắc. Cuộc sống hiện ra trong thơ Chế Lan Viên, vì thế, không chỉ như nhà thơ xúc cảm về nó, mà còn - và điều này quan trọng hơn - như nhà thơ suy nghĩ về nó. Cuộc sống đi vào trong thơ vì thế mà có thể ít đi phần nào cái cụ thể, chi tiết, sinh động, cái "non tơ" tươi tắn của nó, nhưng lại được làm giàu thêm ở một phía khác ở sức khái quát triết lý, ở sự hư ảo biến hóa, ở sự đa diện và đa dạng của các điểm nhìn, của các quan hệ...Tuy nhiên, cũng dễ nhận ra rằng khi nào trí tuệ chưa đi liền với xúc cảm, hoặc những suy nghĩ chưa bắt rễ sâu vào trong thực tiễn sống động của đời sống mà nặng màu sắc tư biện trừu tượng thì câu thơ, đoạn thơ dễ rơi vào khô khan
hoặc cầu kì, xa lạ.
Nhà thơ đã huy động vào trong công việc sáng tạo nghệ thuật nhiều năng lực và thao tác tư duy như phân tích, so sánh, khái quát hóa, triết lý và một vốn văn hóa, tri thức phong phú, nhiều mặt. Do cách nhìn ấy, thơ Chế Lan Viên không thiên về cảm xúc, cảm giác mà thâm nhập vào bề sâu và các bình diện của mỗi sự vật, hiện tượng, đặt nó trong nhiều mối tương quan để phát hiện những ý nghĩa tiềm ẩn mới mẻ, gây
hứng thú và gợi suy nghĩ cho người đọc. Mỗi ý thơ, mỗi hình tượng thường được tác giả lật đi lật lại, để xem xét các mặt của nó, được đẩy tới tận cùng bằng cách đào sâu, mở rộng, đối sánh với các sự vật và hiện tượng khác.
Năng lực khái quát đi liền với thiên hướng triết lý là một phương diện cơ bản làm nên sức hấp dẫn trí tuệ của thơ Chế Lan Viên. Triết lý ở thơ Chế Lan Viên vừa dựa vào kinh nghiệm, trải nghiệm, vừa dựa vào trí tuệ sắc sảo, thông minh, và vốn tri thức văn hóa phong phú. Cố nhiên, những triết lý trong thơ chỉ có thể đạt được hiệu quả tối đa khi nó là kết quả tổng hợp của cả trí tuệ và trải nghiệm cả suy nghĩ và cảm xúc. Chế Lan Viên cũng không hiếm trường hợp đạt đến sự thành công như vậy.
Không chỉ đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực sáng tác thơ, Chế Lan Viên còn đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực văn xuôi, phê bình và tiểu luận. Ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện sự trăn trở tìm tòi của một nghệ sĩ đích thực, một Chế Lan Viên đầy cá tính và phong cách. Quả thực, ông là một trong số hiếm tác giả mà tên tuổi còn lại mãi. Ngay cả khi đã ra đi theo Nguyễn Du, Xuân Diệu, Chế Lan Viên vẫn còn làm bạn đọc phải sửng sốt trước 3 tập “ Di cảo” đồ sộ. Quả thật, đúng như Hoài Thanh nhận xét: “ Con người này quả là con người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường hòng mà đo được”.
Tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều trường phái thơ phương Tây, nhất là thơ trí tuệ của Valêri, thơ Chế Lan Viên thiên về xu hướng hiện đại, nhưng không ít trường hợp, đặc biệt là trong thể tứ tuyệt lại có được cái hàm súc và phong vị man mác cổ thi. Về thể thơ cũng rất đa dạng. Chế Lan Viên thành thạo, nhuần nhuyễn trong thể bảy tiếng, tám tiếng ngay từ tập thơ đầu, ông cũng là người có nhiều thành tựu nổi bật nhất trong thể thơ tự do thơ văn xuôi, thúc đẩy xu hướng tự do hóa hình thức trong thơ hiện đại Việt Nam. Thể thơ tứ tuyệt, hay nói chính xác hơn là thơ bốn câu của Chế
Lan Viên là sự sáng tạo mới mẻ, hiện đại trên cơ sở một thể thơ truyền thống. Đó là kết quả nghệ thuật đầy năng động vừa tiếp thu và mài giữa những công cụ của truyền thống mà những khả năng tiềm tàng của nó không phải chúng ta đã khám phá hết được, đồng thời lại tìm tòi thể nghiệm để đem đến sự cách tân mang tính hiện đại cho một thể thơ truyền thống?
Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Ông luôn biết kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền văn chương và nhân loại để mang lại cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp riêng. Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.
Hai mươi năm sau khi ông đi xa, nhưng những vần thơ của Chế Lan Viên vẫn khẳng định sức sống mãnh liệt, sự rung động vượt thời gian trong lòng bạn đọc. Thơ ông như “Ánh sáng và phù sa” vẫn đang từng ngày thắp sáng và bồi đắp cho sự giàu có của văn chương đất nước.
Thành tựu nghệ thuật Chế Lan Viên đã đạt được trong quá trình sáng tạo chính là những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung.