Cấu trúc nhà ở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 63 - 76)

Nói đến phong tục dựng nhà ở của các tộc người nhóm Nam Đảo là nói đến các nhà sàn. Trong số 5 tộc người nhóm Nam Đảo người Ê-đê có nhà sàn ở nổi tiếng nhất.

Xã hội Ê-đê sống từng buôn với những căn nhà dài ba - bốn chục mét, gồm có một hay vài bếp ăn, dành cho một người đàn bà cùng chồng và các con cái của mình hay nhiều người có quan hệ chị em ruột với nhau hoặc là chị em họ bậc hai. Ngày nay trong một ngôi nhà dài có nhiều bếp ăn riêng, nhưng bà chủ vẫn là người hướng dẫn các con cháu làm ăn và giúp đỡ nhau. Như vậy, chính các gia đình lớn mẫu hệ đã dẫn đến sự ra đời và tồn tại của các ngôi nhà dài. Như đã nói trên ngôi nhà dài Ê-đê là nhà sàn, khung tre gỗ, mái nhọn lợp tranh.

Như đã nói trên, đi đôi với đơn vị tính không gian trong nhà là gian, thì đơn vị tính kết cấu khung nhà vốn là bộ vì chia gian. Là nhà sàn, nên trong mỗi vì chia gian có một dầm sàn gọi là “đê” ứng với một đôi cột trong vì, tổng rất dài, cửa ra vào ở hai đầu hồi, nên tính theo mặt nhà thì dầm và quá giang được xem như xà ngang, còn xà nối đầu cột các vì khác nhau là xà dọc.

Đặc điểm của bộ khung nhà dài Ê-đê là không có kèo, mà chỉ có cột, dầm, quá giang và xà dọc [33, tr. 54]. Không có kèo nên vì chia gian là vì cột. Mỗi vì cột gồm có hai cột chôn thẳng xuống đất, cách nhau chừng 4 mét. Sự vững chắc của vì, ngoài việc chôn chân cột, còn được gia cố bởi dầm sàn nối lưng chừng hai cột, trên đầu cột khoét ngoàm long máng dọc để đặt xà dọc nối các vì với nhau, sau đó mới quàng quá giang lên đôi xà dọc. Các xà dọc cứ kéo dài mãi chiều sâu ngôi nhà.

Bộ khung là thân nhà, về kết cấu tách rời với bộ mái. Còn bộ mái gồm một lớp kèo giả là những đòn tay làm hoành để đỡ các rui mè, trên cùng lợp tranh từng cụm theo nguyên tắc ngọn tranh chảy xuôi mái, còn gốc ở trên được bẻ gập lại để đòn tay chèn giữ. Hai kết cấu khung thân và bộ mái thực hiện riêng rẽ, sau được ráp lại: hai mái úp lên khung thân nhà [2, tr. 153].

Chiều dài chạy từ bắc xuống nam, phía bắc có cửa chính với hệ thống cầu thang dành cho nam và khách, được coi là mặt trước nhà, phía nam có cửa sau với cầu thang dành cho nữ. Hai đầu nhà, phía trước cửa ra vào có hiên, và do đó mỗi đầu nhà lại có thêm đôi cột hiên. Nhà hai mái ở hai phía đông và tây, đều hình thang cân ngược đáy dài ở trên còn đáy ngắn ở dưới, nên hai đầu mái nhô hẳn ra từ 1 đến 1,5 mét che cột hiên. Mái xòe rộng cao dốc chảy xuống che lấp nửa thân nhà. Tiếp liền với hiên là sàn lộ thiên, sàn khách ở phía trước dài gấp đôi sàn sau [2, tr. 156]. Ở những gia đình giàu có nuôi voi, trên sàn khách có hai ghế sàn thẳng từ hai cột sàn nhô lên khỏi sàn chừng 0,5 mét. Một số nhà còn làm thêm sàn ở đoạn giữa sườn phía tây có cầu thang riêng để trai gái trò chuyện.

Xung quanh nhà có dựng phên che, phên ở hai đầu hồi dựng thẳng đứng, phên dọc theo chiều dài nhà ở hai sườn đông và tây dựng ngả phía trên ra ngoài.

Ngôi nhà dài Ê-đê với hai đầu mái nhô ra rõ rệt, với cách dựng phên dọc sườn nhà ngả ra “thượng thách hạ thu”, với kỹ thuật cấu trúc tách riêng thân nhà và bộ mái, đã gợi mọi người nhớ đến nhà hình thuyền trên các trống đồng Đông Sơn. Nhà Đông Sơn có bờ nóc cong võng để hai đầu nóc nhô cao và giữa bờ nóc có hình chim, mà ngay nay còn thấy ở Inđônêxia. Nhưng cũng ở Inđônêxia lại có những nhà sàn sống lưng thẳng kiểu như nhà Ê-đê. Cùng với kiểu nhà ở hình thuyền, các “nhà cơm” ở nghĩa địa, các “ghế khách”, “ghế chiêng”, “ghế trống”, thậm chí cả đầu những thang lên nhà sàn cũng đều có dáng hình thuyền [33, tr. 55].

Không gian trong ngôi nhà dài Ê-đê được chia thành hai phần bởi hàng vì “cột ngăn” (Kmêh Kpăng). Phần “nhà ngoài” gọi là “gah” chiếm 1/3 hoặc 2/5 ngôi nhà ở về phía bắc (tức từ cửa chính đến vì cột ngăn). Phần còn lại là “nhà trong” gọi là “ôk” ở phía nam từ vì cột ngăn đến cửa sau. Phần “nhà ngoài” là cả một không gian thoáng rộng để làm nơi tiếp khách, tiến hành các lễ nghi phong tục, tổ chức các sinh hoạt công cộng của gia đình lớn mẫu hệ, nhiều khi còn là chỗ ăn ở của những người đàn ông chưa vợ. Phần nhà ngoài này được bày nhiều đồ đặc quý như những “ghế khách” dài từ 10 đến 20 mét dùng cho khách ngồi, nằm kê dọc suốt phần nhà ngoài, có “ghế chủ nhà” dài 2 mét, rộng 1,5 mét, có bốn chân choãi phỏng dáng ngà voi để người chủ gia đình lớn ngồi điều khiển các sinh hoạt chung, có “ghế chiêng” và “ghế trống” kê ở quanh bếp khách giành cho ngạc công.

Cũng ở phần nhà ngoài còn để các bộ nhạc cụ chiêng và trống, những vò sành lớn ủ rượu cần, những vũ khí, những xương đầu thú săn được hay gia súc làm lễ hiến sinh. Trong bộ cột vì ngăn, cột phía đông là cột chủ, cột phía tây là cột trống. Trong bộ vì có bếp khách, cột phía đông là cột khách, cột phía tây là cột chiêng. Gắn với phần nhà ngoài còn có nhiều bộ phận kiến trúc được chạm khắc trang trí đẹp [33, tr. 56]. Ngay từ cầu thang lên sàn khách ngoài việc đẽo bậc để trèo, ở đầu trên còn khắc nổi hình trăng khuyết và đôi bầu sữa mẹ. Trong nhà, ở vì cột ngăn trên cả cột chủ, cột trống và quá giang đều được chạm nổi các hình đôi bầu sữa mẹ, cặp ngà voi, các nồi bung, nồi ba, nồi bẩy, các con kỳ đà, rùa, chim, cả hình vành trăng non và áo lót nữ cùng với những mẫu thêu.

Phần nhà trong, dọc theo vách phía đông được ngăn ra thành từng phòng nhỏ dành cho các cặp vợ chồng làm nơi nghỉ ngơi và cất giữ tài sản riêng, chia ra theo thứ tự từ cửa sau (hồi phía nam) về tới vì cột ngăn: buồng vợ chồng chủ gia đình, buồng để đồ dùng và dành cho con gái út sẽ thừa kế khi lấy chồng thì ở, rồi đến buồng các chị từ chị cả cho tới chị giáp em gái út. Trong buồng, khi ngủ

quay đầu về phía đông. Trước cửa buồng chủ gia đình có bếp nấu ăn chung và là nơi để nước. Các cặp vợ chồng ăn riêng thì có bếp nhỏ ở trước buồng mình.

Trong chiều dài của nhà ở, ngăn gia đình chiếm một gian – khoảng không gian từ 3 đến 5 mét, được ngăn cách bởi hai vách tre. Cũng có khi, nhưng rất hiếm, lối mở ra hành lang trung tâm cũng được khép lại bằng một tấm vách tre theo kiểu một cửa kéo [2, tr. 160].

Phía sau nhà dài có kho lúa, sàn vuông, cao hơn nhà ở. Các kho lúa được dựng hoặc ở gần nhà hoặc ở vành đai của làng. Thường có một hoặc hai kho cho một gia đình ăn cùng nồi, nghĩa là cùng một ngăn. Đôi khi dưới kho hoặc ngay cả dưới nhà là các chuồng quây kín bằng cây tròn để nhốt lợn qua đêm. Nếu chiều cao của nhà cho phép, những chuồng như vậy cũng được xây dựng cho trâu bò.

Nhà ở truyền thống của tộc người Ra-glai cũng là nhà sàn. Nhưng hiện nay, nhà đất đã khá phổ biến. Những căn nhà thường có dạng hình vuông, chỉ rộng chừng 12-14m2. Một vài nhà lớn hơn, có hình chữ nhật. Kỹ thuật lắp ghép rất đơn sơ, chủ yếu sử dụng chạc cây và dây buộc. Mái lợp bằng tranh hoặc lá mây. Vách được che bằng phên đan hay sử dụng đất trát.

Tộc người Gia-rai sống tập trung thành từng làng từ vài chục đến hơn trăm nóc nhà sàn. Như đã nói trên, tất cả các nhà đều theo hướng làng là nhìn về phía bắc. Mỗi nếp nhà là nơi cư trú của một gia đình nhỏ mẫu hệ, nhưng có hai loại nhà: bên cạnh loại nhà sàn nhỏ kiểu Hđrung trên cao nguyên Plây-cu, còn có cả nhà sàn dài kiểu Ia-yun-pa.

Nhà của người Gia-rai cao hơn nhà sàn Ê-đê nhưng không dài bằng nhà Ê- đê. Nhà sàn dài Gia-rai thường dài 13,5 mét và rộng 3,5 mét, có cột ngăn ở giữa sườn phía tây, từ cột ngăn về phía bắc là “mang oc” dành cho những người đàn bà chủ gia đình mẫu hệ, có cửa hướng bắc là cửa chính khách không được qua lại, trước cửa là sân sàn dành cho sinh hoạt nữ. Ở đây có cầu thang khách không

được lên xuống. Từ cột ngăn về phía nam là “mang mang” dành để sinh hoạt cộng đồng (gồm cả tiếp khách), đầu hồi phía nam có cửa dành cho khách, ngoài hồi là sân sàn cho trai gái trong làng đến vui chơi, có cầu thang cho khách lên xuống [27, tr. 46].

Nhà của người Chu-ru có thể được gọi là đơn giản nhất trong số các ngôi nhà của nhóm Nam Đảo. Nhà ở Chu-ru cũng là nhà sàn. Nhà sàn Chu-ru được làm bằng tre, gỗ, bương, mai, lợp bằng cỏ tranh.

Nhà ở của người Chăm nổi bật vì nó không có đặc điểm chung với các nhà sàn của 4 dân tộc cùng nhóm Nam Đảo. Mỗi đại gia đình có một khuôn viên hình chữ nhật các cạnh ở về chính bốn hướng đông – tây – nam – bắc, trong đó cạnh từ đông sang tây phải dài gấp rưỡi cạnh từ nam sang bắc, cổng ngõ luôn ở cạnh phía nam mà dịch về phía tây với tỷ lệ 1/4 đến 1/3. Trên mặt bằng khuôn viên có ba vị “thần hỏa” ở chính giữa khuôn viên, gần góc tây – nam và gần góc đông – bắc mà khi làm nhà phải tránh ra, trong đó góc đông – bắc còn đào giếng để lấy thủy trị hỏa [33, tr. 53].

Trong mỗi khuôn viên của đại gia đình Chăm thường có đủ bốn ngôi nhà là: Nhà tục (thang dơ), nhà cặp đôi (thang mơ - dâu), nhà bếp (thang gìn) và nhà kho (thang tôn). Một số gia đình còn có thêm nhà ngang (thang cần) và nhà lớn (thang pì-nài).

Nhà tục là ngôi nhà truyền thống, thường dựng trước tiên trong khuôn viên, nhưng nếu vì những quyết định chặt chẽ (như phải lấy tất cả số gỗ trong cùng một cánh rừng) mà buổi đầu chưa vượt qua được, có thể làm nhà khác trước, nhưng chỗ đất vị trí nhà tục phải đổ nền cao giành riêng ra. Nhà tục phải dựng gần góc đông bắc, cách một đoạn để song song với cạnh bắc khuôn viên, cách cạnh đông chừng bốn bước (khoảng 2 mét), hướng nhà là hồi phía trước có cửa sinh nhìn về phía tây. Nhà có 3 gian: gian sâu trong cùng là dầm lúa tức vựa thóc nhưng nếu có nhà kho rồi thì ở đây chỉ để lúa vía, gian giữa là phòng ngủ

của vợ chồng chủ nhà, gian ngoài thực ra là chái là nơi tiếp khách, sinh đẻ và bước đầu làm tang lễ. Gian chái nhà có thể kéo dài mái thành một gian phụ làm nơi ăn uống và xay lúa giã gạo. Nhà tục không có cửa sổ nên gian giữa và gian trong tối, các gian được ngăn ra chừa cửa vào gian giữa và gian trong, ở gian khách có cửa sinh hướng tây không ở chính trước nhà mà lệch sang bên trái cửa nhà thẳng hàng với các cửa vào các gian trong và cửa phụ là cửa tử hướng nam để khi nhà có tang thì rước xác người chết ra bằng cửa này [33, tr. 50].

Nhà tục không có kèo, các vì chia gian tính theo hang cột. Do nhà có hai gian và một chái nên có ba vì đủ cột cái và hai cột con, còn vì mặt trước gian khách chỉ có ba cột chái. Trong một vì, cột cái đội thượng lương và hai cột con ở hai bên nâng đòn tay. Nhà có ba cột cái cao 9 thước 5 tấc, sáu cột con cao 6 thước 5 tấc và ba cột chái cao 5 thước. Thước để dựng nhà là chiều dài từ khủy đến mút ngón tay giữa của ông chủ ngôi nhà. Thượng lương nối ba cột cái dài 11 thước 5 tấc, hai đòn tay nối ba cột con và một cột chái dài 13 thước 5 tấc, ba đòn tay ngang (quá giang) nối đầu hai cột con cùng vi, một đòn tay ngang nối đầu ba cột chái và một đòn tay ngang giữ mái hồi phía sau đều dài 8 thước. Từ đỉnh cột cái gian khách giáp gian ngủ nối đầu ba cột chái và một đòn tay góc dài 8 thước rồi lại chìa thêm ra 1 thước thành 9 thước. Cái dui nối thượng lương với đòn tay, những rui ở trên vì cột làm nhiệm vụ thay kèo [33, tr. 51].

Nhà tục có sàn cao bằng bàn chân dựng đứng. Sàn gian ngoài và gian giữa bằng ván hoặc ghép tre nguyên thân to bằng cổ tay chủ nhà. Sàn gian trong sau khi ghép tre còn phải đổ đất nện nhẵn. Toàn bộ sàn đặt trên những dầm sàn bằng gỗ dài 9 thước kê trên đá tảng cao bằng bàn chân dựng đứng. Gian ngoài và gian giữa đều có ba dầm sàn, gian trong có bốn dầm sàn. Các cột tỳ vào khung gỗ ở trên mặt sàn gồm hai cây đà dọc dài 19 thước ở hai sườn nhà và bốn đà ngang ở sát các vì cột dài 8 thước 5 tấc, đầu đà ngang có khấc để úp lên lung đà dọc.

Vách nhà tục được đan phên rồi trát vữa từ đà lên đòn tay. Dưới gầm sàn để trống thoáng nên trong nhà mát và không bị ẩm.

Gỗ làm nhà tục không được xẻ, để nguyên đoạn thân hoặc cành, chỉ bóc vỏ. Các cấu kiện lắp ghép hoàn toàn bằng buộc dây rừng. Đầu cột được khoét long máng để ôm lấy đòn tay. Lối kết cấu nguyên thủy này rất dơn giản hợp với vùng ít bị bão lụt.

Khi con gái đầu cưới chồng về thì cha mẹ nhường cho nhà tục, nhà nghèo thì làm thêm chái vào sườn nhà tục để cha mẹ ở, thông thường thì làm nhà áp sát sườn phía nam nhà tục để cặp đôi là hình ảnh vợ chồng cặp kè bên nhau, nhà tục là tượng trưng vợ, nhà cặp đôi là tượng trưng chồng phải cao hơn một chút. Nhà cặp đôi vốn xưa theo kiểu nhà tục: cũng ba gian, có sàn, không kèo.

Nhà bếp ở góc tây bắc, kiểu thức theo nhà tục, nhưng thu nhỏ hai gian không có chái, có thể bỏ cột cái cho rộng, cửa nhà bếp nhìn thẳng vào cửa sinh nhà tục [33, tr. 52].

Nhà kho truyền thống bé nhỏ như cái chòi, sàn ít cao, để chứa lương thực và đồ dùng, vật dụng ở phía tây khuôn viên, hướng nhà không tính theo đầu hồi mà ngoảnh mặt về phía đông nhìn xuống sân rộng. Nhà kho có bốn mái, nhưng hai mái hồi chỉ là mái chái nhỏ. Về sau nhiều gia đình Chăm thuê thợ người Việt dựng nhà kho theo kiểu nhà gỗ của người Việt ở Bình Định, có tới ba gian chính để ở và hai gian hồi để chứa [14, tr. 111].

Nhà ngang dựng trước nhà tục nhưng xoay ngang thước thợ với nhà tục, rộng hai gian một chái để chứa đồ vật và xay thóc giã gạo, kết cấu đơn giản, không có cột cái và không có tường vách.

Nhà lớn chỉ gia đình khá giả mới có, gồm hai gian hai chái, cột kèo đều to, tốn nhiều gỗ, dựng song song với tường phía bắc, cửa ở mặt trước nhìn về hướng nam nên chỉ người già (trên 50 tuổi) mới được ở. Nhà này do thợ Bình Định dựng theo kiểu nhà người Việt.

Như vậy, nhà ở của người Ê-đê và Gia-rai có đặc điểm tiêu biểu nhất cho kiến trúc nhà sàn của nhóm tộc người Nam Đảo. Còn nhà ở của người Chăm khác biệt về nhiều mặt và có khi có nhiều nét giống nhà người Kinh.

Nhà sàn của các tộc người nhóm Nam Đảo là một hiện tượng lịch sử, nó ra đời và tồn tại trong điều kiện xã hội còn phát triển thấp, ngày nay đang vắng dần, song nó gợi lên những khu tập thể ấm cúng tình nghĩa và chan hòa với thiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 63 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)