Cấu trúc nhà cộng đồng 1 Nhà rông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 58 - 60)

3.1.1. Nhà rông

Nói đến phong tục dựng nhà của các tộc người nhóm Nam Đảo với giá trị nghệ thuật cao phải nghĩ ngay đến việc dựng nhà rông. Nhà rông là ngôi nhà chung của cả buôn làng ở Tây Nguyên được xây dựng khi lập làng. Tuy nhiên trong số 5 tộc người nhóm Nam Đảo chỉ có người Gia-rai mới có nhà rông (loại trừ làng của người nhóm Chor – Gia-rai).

Tộc người Gia-rai là tộc người duy nhất thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo có nhà rông, có thể do cư trú lâu gần cư dân Bâh-nar [23, tr. 125]. Nhà rông là ngôi nhà chung của cư dân trong một plơi. Hơn nữa, nhà rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng, vì thế trong mỗi nhà rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, nhiều khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu... người lạ không được xem những vật này, hoặc nếu muốn xem thì phải cúng rất kỹ càng và nhiêu khê. Trong những thành tố làm nên bản sắc văn hoá Tây Nguyên thì nhà rông Gia-rai chứa một vai trò quan trọng. Quan trọng bởi bên cạnh giá trị vật chất, nó là nơi ẩn chứa những tầng văn hoá tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên. Mà không chỉ là tâm linh, nó là máu, mồ hôi, nước mắt, là vinh quang kiêu hãnh, là dư ba những ước vọng cao cả của con người trước thiên nhiên, trước vũ trụ.

Nhà rông là nơi thiêng liêng nên thường thì phụ nữ không được lên nhà rông, trong các buổi họp làng hoặc nghi lễ, họ được ngồi... dưới gầm sàn để dự. Thảng hoặc có làng làm 2 nhà rông, ngoài nhà rông chính là nhà rông đực, còn nhà rông nhỏ gọi là nhà rông cái cho phụ nữ sinh hoạt. Dù theo chế độ mẫu hệ, nhưng nhà rông cái lại nhỏ hơn nhà rông đực.

Trong nhà rông, hai nơi thiêng liêng nhất là nơi thờ vật thiêng và bếp lửa. Trước sân là cây nêu, nơi hành lễ đâm trâu. Chính tại đây mà các nghi lễ giữa con người và vũ trụ được tiến hành. Cây nêu cao vút cùng với mái nhà rông kiêu

dũng như một lưỡi rìu lộn ngược tạc vào trời xanh như một khát vọng Tây Nguyên cao cả, như một chứng tích của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Thiên nhiên Tây Nguyên đối với người Gia-rai thì đầy nguyên sơ và bí ẩn, và vì thế, mái nhà rông còn như sự khẳng định, sự kiêu hãnh của khí phách con người. Điều đặc biệt trong việc làm nhà rông là nghệ nhân không cần thiết kế, không cần bản vẽ, dụng cụ để hành nghề chỉ là rìu và rựa, và vật liệu chỉ là gỗ, tranh, tre lấy từ trong rừng, không có bóng dáng của đinh, dây thép, bê tông của đời sống văn minh... thế mà vững chãi, mà trường tồn trong thời gian và lịch sử cả vật chất và tinh thần, như sự bảo chứng cho khí phách, sự tài hoa và lòng nhân ái của con người trước tự nhiên đầy bất trắc và khôn lường.

Ngôi nhà tựa như một chiếc rìu khổng lồ, biểu tượng sức mạnh cường tráng của người dân núi rừng Tây Nguyên. Việc thiết kế mái nhà có hình lưỡi rìu ngược cao vút lên tận không trung tượng trưng cho sức mạnh và tránh những cơn gió Tây Nguyên, đồng thời cũng là dấu chỉ đường giúp cho những người dân trong plơi mải mê làm rẫy chẳng may bị lạc thì có dấu hiệu để tìm về.

Nhà rông có hai loại, nhà rông trống và nhà rông mái. Nhà rông trống (tiếng Gia-rai là rông tơ nao) có mái to, cao chót vót. Có nhà rông cao đến 30 mét. Nói chung, nhà rông trống được trang trí rất công phu. Nhà rông mái (gọi là

rông ama) nhỏ hơn nhà rông trống, mái thấp [27, tr. 98].

Hình thức bên ngoài và bên trong của nhà rông đơn giản. Trong nhà rông, người Gia-rai thường để những vật tổ vô giá (tiếng Gia-rai gọi là bang-hơ-dung). Đó là những vũ khí, giáo mác, khiên, tù và… mà xưa kia, ông cha họ đã từng dùng để đánh giặc bảo vệ plơi.

Dựng nhà rông là nhiêm vụ chung của cả plơi. Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu, đưa tất cả về nơi đã được lựa chọn, việc dựng nhà rông bắt đầu. Chỉ bằng những chiếc rìu, người ta bóc hết vỏ cây, đẽo những ngàm vuông ở đầu cột để gác những cây gỗ làm đà sàn vào nhau (hoàn toàn không dùng đinh). Sau đó

người ta bắt đầu đào hố dựng cột, lúc đó người ta dùng những hòn đá tảng kê và thường phải vừa dùng nước tưới vào chân cột, vừa cầu khấn mong cho mọi việc đều tốt đẹp, vui vẻ. Trong vòng 7 ngày người ta phải nhanh chóng hình thành khung sàn và sau đó lắp ráp toàn bộ và hoàn thành việc dựng khung nhà. Sau đó mới buộc nứa cao dần lên thành hai sườn mái. Các vì kéo được xếp rất khéo léo, cùng với dây mây buộc chéo từng nút, thành hình hoa văn như tia sáng mặt trời. Mái nhà rông dốc, thường cao khoảng 10 mét, có hai đầu hồi cũng nhỏ dần lên tận nóc [27, tr. 102].

Sau khi những người thợ buộc tre nứa hình thành “bộ khung xương” của mái nhà, một nhóm khác ở dưới đã chuẩn bị buộc tranh thành từng bó lớn, dùng sào dài chuyển lên trên cao, trải đều, gập đầu tranh xuống rồi ép buộc chặt lại. Lợp từ trên xuống.

Sau khi đã lợp mái, người ta mới đan phên nứa để làm vách, cũng đan hai lớp để tránh mưa tạt.

Nhà rông ở bên trong dù là một phòng chung nhưng vẫn có chia thành các gian. Thường có 3 gian, trong đó 2 gian chính là nơi thờ vật thiêng và bếp lửa.

Nhà rông Gia-rai có giá trị nghệ thuật cao, mang bản sắc độc đáo của vùng Tây Nguyên Việt Nam và chứng nhận vẻ đẹp của văn hóa tộc người Việt Nam.

Như đã nói trên, trong số 5 tộc người nhóm Nam Đảo chỉ có người Gia-rai mới có nhà rông. Dù là như vậy, các tộc người khác cùng nhóm cũng có nhà cộng đồng. Nhà cộng đồng của các tộc người Ê-đe, Ra-glai, Chu-ru là nhà sàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)