Một số nét văn hoá tiêu biểu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 28 - 32)

Các tộc người nhóm Nam Đảo ở Việt Nam là các tộc người tuân theo chế độ mẫu hệ. Mặc dầu trong gia đình đàn ông đóng vai trò quan trọng, nhưng chủ gia đình là phụ nữ cao tuổi. Con cái thường lấy họ của mẹ. Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế thì người chồng phải về với chị, em gái mình. Nếu chết, được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ. Chỉ có con gái được thừa kế tài sản của gia đình, đặc biệt là con gái út, vì phải nuôi cha mẹ già.

Các tộc người Nam Đảo có kho tàng văn học truyền miệng vô cùng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, trường ca, sử thi. Nổi tiếng nhất là khan Đam San và khan Đam Kteh Mlan của người Ê-đê, các truyện “Đăm Di đi săn”, “Xinh Nhã” của người dân Gia-rai. Trong số hàng ngàn ca dao và tục ngữ của người Chu-ru, nổi bật là những câu ca tụng chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền. Nhiều truyện cổ của Chu-ru phản ánh cuộc đấu tranh bất khuất của người lao động với thiên nhiên và xã hội để giành lấy cuộc sống hạnh phúc. Người Chu-ru còn lưu truyền một số trường ca mà các già làng thường kể bên bếp lửa sàn cho con cháu nghe suốt đêm này qua đêm khác. Kho tàng văn học nghệ thuật dân gian của các tộc

người Nam Đảo ở Việt Nam không chỉ có giá trị về mặt văn học nghệ thuật, mà còn là một nguồn tư liệu lịch sử quý giá.

Tất cả các tộc người nhóm Nam Đảo yêu ca hát và thích tấu nhạc. Dân tộc Ra- glai có hình thức hát đối đáp khá phổ biến trong sinh hoạt văn nghệ. Nhạc cụ của người dân Nam Đảo gồm nhiều loại: chiêng, cồng, trống, sáo, khèn, các loại đàn. Nói về các nhạc cụ ưa thích của người Nam Đảo, cần phải chú ý đặc biệt đến dàn chiêng Knah (còn gọi là Cing Knah) của người dân Ê-đê. Đó là một bộ chiêng, mỗi bộ gồm 10 chiêng và 1trống. Người Ê-đê đánh chiêng bằng cách ngồi một hàng dài trên ghế Kpah (ghế chuyên dùng để đánh chiêng dài từ 7 đến 16 mét) mỗi người đặt chiêng lên đùi, tay trái giữ chiêng, tay phải cầm dùi gỗ bọc vải ở đầu đánh vào mặt trong của chiếc chiêng theo bài bản dân gian của cộng đồng.

Tộc người Gia-rai có dàn chiêng Aráp (mỗi bộ có từ 12 đến 18 cái chiêng núm, kết hợp với một cái trống nhỏ). Người Gia-rai đánh chiêng bằng cách đứng một hàng dài (theo thứ tự chiêng nhỏ trước, chiêng lớn sau), tay trái cầm chiêng, tay phải cầm dùi gỗ có bọc vải nhựa đánh vào mặt có núm của chiêng theo bài bản của từng nghi lễ đã quy định (hoặc người ta treo chiêng vào một chiếc sào có hai người khiêng và một đến ba người đánh).

Người Ê-đê còn rất thích Đinh Năm. Đó là một loại nhạc cụ rất phổ biến, nhất là vào các nghi lễ. Người Gia-rai quen thuộc với đàn Tơrưng, đàn Tưng-nưng, đàn Klông-pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của các tộc người Nam Đảo ở vùng Tây Nguyên.

Người Gia-rai, Ê-đê, Chăm, Chu-ru, Ra-glai hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu, không còn đủ sức nữa mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ chức trong buôn, plei… hay trong gia đình.

Người dân nhóm Nam Đảo có rất nhiều lễ nghi phong phú. Các lễ thức theo tập quán có thể chia làm ba hệ thống, đều phục vụ cho ba mục đích chính là cầu xin, tạ ơn và tạ lỗi:

- Hệ thống lễ thức theo nông lịch;

- Hệ thống lễ thức trong các mối quan hệ xã hội ngoài cộng đồng.

Có những lễ thức phải tiến hành thường kỳ trong những khoảng thời gian nhất định của một năm. Nhưng cũng có những lễ thức chỉ khi cần thiết mới được tổ chức.

Khác với người Chăm có hệ thống đền thờ (Tháp), có chủ thể và hiện vật thờ cúng (bà Chúa Pônaga, các Linga, Yôni…), 4 tộc người còn lại (Ê-đê, Gia-rai, Chu-ra, Ra-glai) truyền thống theo quan điểm “vạn vật hữu linh, đa thần”, các thần linh (gọi là Yang) hiện diện ở khắp nơi, chi phối toàn bộ đời sống Tây Nguyên cổ đại. Nói một cách rõ ràng hơn, các Yang chính là những sức mạnh siêu tự nhiên ít nhiều được vật chất hóa và thậm chí nhân cách hóa, cùng sống với hồn của những người đã chết và của các phù thủy ở thế giới siêu tự nhiên [2, tr. 75].

Hệ thống các Yang được chia làm ba tầng theo địa điểm cư trú: trên trời, mặt đất và dưới đất. Ở mỗi nơi đều có các thần tốt và thần xấu. Mối quan hệ giữa các vị thần linh và con người không chỉ tương đồng mà còn rất gần gũi. Thậm chí trong những trường ca – sử thi người và Yang có thể sống lẫn lộn, có thể kết hôn với nhau, có khi còn cãi lộn lẫn nhau [23, tr. 78]. Có ba vị Yang được coi là quan trọng nhất:

1) Thần bến nước (Yang pin ea), giọt nước: nguồn nước được coi là nguồn

sống quan trọng nhất của cả cộng đồng, nên hàng năm phải có sự cúng tế đầy đủ và nghiêm cấm mọi việc làm ô uế bến nước.

2) Thần làng (Yang Ala bon, Yang buôn sang): gồm thần đất (Yang êlăn, Yang

lon), thần nước (Yang ea, Yang ya, Yang Dăk) và thần rẫy (Yang hma). Mọi tai nạn xảy ra trong buôn, bon đều do sự giận dữ của những vị thần này, khi gặp điều gì không vừa ý. Do đó phải vô cùng kính trọng và lễ lạt đầy đủ.

3) Thần nhà (Yang sang, Yang Hnam): được coi như thần bảo hộ cho sự an

toàn của cả gia đình. Khi làm xong ngôi nhà phải cúng rất lớn nhằm cầu xin sự đảm bảo cho sức khỏe và giàu có trong nhà.

Ngoài ra còn rất nhiều các vị thần tốt, thần xấu khác với những quyền năng vô hạn nhưng tính tình thì y hệt như con người. Tuy nhiên, vì có quá nhiều thần linh, nên dù bất cứ việc gì diễn ra trong đời sống của con người, đều phải có lời xin phép. Khi công việc hoàn tất, ắt phải có sự tạ ơn. Vi phạm phải tạ lỗi và bị trừng phạt, do đó mà

nảy sinh rất nhiều các lễ cúng kiếng. Mỗi một lần xin phép, tạ ơn, hay tạ lỗi đều phải có lễ vật hiến sinh. Tùy theo điều cầu xin nhiều hay ít, quan trọng đến mức độ nào đối với gia đình, hoặc đối với cộng đồng, mà con vật hiến sinh lớn hay nhỏ. Ít nhất, nhỏ nhất là một con gà và một ché rượu. Lớn, nhiều là vài con trâu, thậm chí lễ hội của cộng đồng lớn có khi hàng chục trâu, vài trăm ché rượu cũng đã từng diễn ra [23, tr. 79]. Cho nên người dân Nam Đảo tổ chức rất nhiều lễ hội: lễ xung quanh cưới xin và tang ma, lễ liên quan đến việc sinh đẻ, lễ cho việc dựng nhà mới …

Từ cuối thế kỷ XIX đạo Cơ Đốc len lỏi đến Tây Nguyên, bắt đầu từ Kon Tum, lan dần xuống Gia Lai và Đăk Lăk. Dần dần các linh mục truyền giáo đã tiếp cận đến các nhóm Ê-đê và Gia-rai. Đó là một số tộc người đầu tiên ở Tây Nguyên thay đổi tín ngưỡng và đối tượng thờ phụng, từ đa thần sang độc thần; từ hệ thống các Yang sang Đức Chúa Giêsu Crit.

Hiện nay phần lớn người Ê-đê, Gia-rai, Ra-glai và Chu-ru theo đạo Tin lành và đạo Thiên chúa. Một số ít theo Phật giáo tại các vùng đô thị. Họ thường đọc kinh cầu nguyện tại các nhà riêng của mục sư, hiện tại các nhà thờ Tin lành vẫn chưa nhiều. Những người theo Công giáo Rôma thì thường đến các nhà thờ tại địa phương vào ngày chủ nhật, số còn lại vẫn theo nét tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các thần hộ thân cho mình.

Riêng người Chăm có tín ngưỡng khác biệt với các tộc người khác cùng nhóm. Hiện nay, trong đời sống người Chăm vẫn còn tồn tại hình thức tô-tem giáo thể hiện qua tục thờ các loại cây, thờ dòng núi (atau cek), dòng biển (atau tasik) của các dòng họ Chăm, cũng như nhiều loại ma thuật, bùa chú như bùa bát quái, bùa Homkar để cầu phúc chữa bệnh hay để trấn yểm, xua đuổi các tà ma.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo, Hồi giáo, nhưng người Chăm vẫn duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Chăm quan niệm “kút” – nghĩa địa của dòng họ bên phía mẹ là nơi cư ngụ của thần tổ tiên (praok patra). Trong tín ngưỡng của người Chăm, còn phải kể đến những nghi lễ liên quan đến chu kỳ vòng đời người như lễ cúng khi sinh, đám cưới, đám tang, lễ nhập kut…; các lễ hội như múa Riji Nưgar (lễ múa đầu năm), Riji Prông (lễ múa lớn), Riji Harei (lễ múa ban ngày); và

những lễ nghi nông nghiệp như lễ cúng thần lúa (yang sri), lễ xuống cày (ngak yang trun li-ua), lễ đắp đập khai mương (trun bandun tam) [14, tr. 37].

Trong lịch sử, người Chăm chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau từ bên ngoài vào như Bà-la-môn giáo, Hồi giáo. Điều đó được thể hiện rõ ở các công trình kiến trúc, điêu khắc, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật, v.v… Tuy nhiên, đạo Bà-la-môn khi du nhập vào người Chăm đã không còn nguyên mẫu, mà bị bản địa hóa khá nhiều về hệ thống thần điện, nghi lễ cầu cúng, vai trò của tầng lớp tăng lữ trong các hoạt động tôn giáo của cộng đồng.

Sự ảnh hưởng của Hồi giáo vào nền văn hóa Chăm chưa lâu dài và sâu sắc như Bà-la-môn giáo, nhưng nó vẫn góp phần tạo cho nền văn hóa Chăm một bản sắc riêng và cũng giống như đạo Bà-la-môn, đạo Hồi khi du nhập vào cộng đồng người Chăm, cũng bị nguời Chăm cải biến thành đạo Bà-ni. Hồi giáo chính thống (Islam) mới xâm nhập vào địa bàn người Chăm vào những năm 60 của thế kỷ XX và hiện nay có khoảng vài nghìn tín đồ. Những người Chăm theo Islam thực hiện một cách nghiêm túc các giáo luật Hồi giáo và trong mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của họ, Hồi giáo giữ một vai trò chủ đạo [14, tr. 39].

Như vậy, văn hóa các tộc người nhóm Nam Đảo có xuất phát điểm từ tín ngưỡng đa thần và tôn giáo thế giới, tập quán sinh hoạt và gia đình mẫu hệ, nên vô cùng phong phú và rất độc đào. Một trong những tinh hoa đó chính là nghề dựng nhà truyền thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)