Chọn hƣớng nhà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 38 - 40)

Trong việc dựng nhà người Nam Đảo chú ý đặc biệt đến hướng nhà. Cửa chính trong nhà của các tộc người Nam Đảo phải nhìn ra hướng tốt. Tất nhiên mỗi tộc người trong nhóm nhận định hướng tốt khác nhau.

Chẳng hạn, nhà của người Chăm thường quay mặt về hướng tây, hướng nam và hướng đông. Nhưng tùy từng loại nhà có hướng quy định khác nhau.

Nhà tục (sang ye), mặt tiền hướng tây; đòn dông theo chiều đông - tây, trong đó gốc phía tây, ngọn phía đông. Cửa chính mở hướng tây, cửa phụ mở hướng nam.

Nhà kề (sang mayau), mặt quay hướng tây; đặt đòn dông theo hướng đông - tây; song song đối diện với nhà tục (sang ye) và cũng giống như nhà tục, gốc quay về phía tây, ngọn ở phía đông. Nhà có 2 cửa: một cửa mở về phía tây, một cửa mở về phía nam.

Nhà ngang (sang gen) ở trước mặt tiền nhà tục và cũng quay mặt về hướng tây, nhưng đòn dông đặt theo chiều bắc - nam, gốc phía nam, ngọn phía bắc, vuông góc với đòn dông nhà tục. Cũng có 2 cửa: cửa chính mở hướng tây, cửa phụ mở hướng nam.

Nhà bếp (sang ging), quay mặt về hướng đông, cửa mở đối diện với cửa phía tây của nhà tục; đòn dông đặt theo chiều bắc - nam, gốc phía nam, ngọn phía bắc.

Nhà cao cẳng (sang ton), quay mặt về hướng đông, đòn dông đặt theo hướng bắc - nam, trong đó gốc phía bắc, ngọn phía nam. Nhà cao cẳng chỉ có một cửa mở về phía đông.

Nhà lẫm (sang lâm), quay mặt hướng nam, đặt đòn dông theo chiều đông - tây (gốc phía đông, ngọn phía tây). Ngôi nhà có 2 cửa ra vào đều mở về phía nam [14, tr. 153].

Mỗi loại nhà quay mặt về những hướng khác nhau đều có những ý nghĩa khác nhau.

Người Chăm quan niệm hướng bắc là hướng của ma quỷ, nên nhà cửa tuyệt đối không có nhà nào quay mặt về hướng bắc. Chỉ có riêng đám tang hỏa táng, nhà lễ (kajang) mới quay về hướng bắc với ý nghĩa đây là hướng và cửa đi của ma quỷ (mưlaun).

Hướng nam là hướng đi của trần gian, của người sống nên tất cả những nhà bình thường đều có thể mở cửa về hướng nam. Riêng đám tang chôn (ndam dan) của Chăm Bà-ni, nhà lễ (kajang) không quay về hướng bắc mà quay về hướng nam vì khi chết đi phải nằm quay đầu về hướng bắc, hướng của kajang (hướng của nghĩa địa).

Hướng tây là cửa đi của âm phủ, cửa đi của những người chết để xuống âm phủ về thế giới bên kia với ông bà tổ tiên, nên cửa chính của nhà tục bao giờ cũng mở về hướng tây. Khi trong gia đình (ở trong khuôn viên) có người chết, thì sẽ đưa ra nằm ở gian ngoài (tada ye) và đưa ra cửa hướng tây của nhà tục [33, tr. 50].

Còn hướng đông là cửa đi của thánh thần, cửa trời nên thường dành cho nhà chùa, tháp… Nhà cao cẳng là nơi ở của những người có chức sắc (Cả sư, Phó Cả sư…) hoặc người già cao tuổi và có chức tước trong xã hội (già làng, lý trưởng…) và theo quan niệm của người Chăm, họ là những người đã thoát tục, như là “thần thánh” sống nên trong số các ngôi nhà ở của người Chăm, chỉ có nhà cao cẳng quay mặt và mở cửa về phía đông.

Trong khuôn viên của người Chăm đều bố trí giếng nước ở phía đông - bắc và cổng ở phía tây - nam, thể hiện theo tư duy ngũ hành của họ. Câu cửa miệng “nước bắc, đường nam”, có nghĩa là giếng khơi đào ở phía bắc, cửa ngõ ra vào mở về hướng nam đã trở thành lệ tục bất thành văn của người Chăm từ xưa đến nay [35, tr. 459].

Cách chọn hướng nhà của người Ê-đê không phức tạp như của người Chăm nhưng cũng có một số đặc điểm cần phải chú ý. Nhà dài của người Ê-đê bao giờ cũng

được định hướng theo trục bắc - nam, cửa chính nằm ở đầu nhà, không phân biệt hướng nam hay bắc. Tất cả các cửa sổ trong nhà đều trở về hướng tây, trừ hai cửa mở ra bên vách phía đông của phòng chung – nơi người ta cúng rượu cho tổ tiên sau mỗi lễ hiến sinh có ít nhiều quan trọng, vì hướng đông được xem là nơi những người chết cư ngụ [2, tr. 153].

Nhà của người Gia-rai dù là nhà sàn nhưng cũng có một số sự khác biệt với nhà của người Ê-đê: cửa chính trong nhà Gia-rai nhìn về hướng bắc. Tất cả các nhà đều theo hướng làng là nhìn về phía bắc. Người Gia-rai quan niệm phía tây là phía nghĩa địa, còn hướng đông - tây là hướng của người chết đi. Người Ra-glai và Chu-ru cũng có truyền thống chọn hướng nhà giống người Gia-rai [33, tr. 57].

Như vậy, có thể thấy rõ rằng dù 5 tộc người cùng một nhóm Nam Đảo nhưng phong tục của người Chăm rất khác biệt với các tộc người khác cùng nhóm. Sự khác biệt này cũng được bày tổ trong kiến trúc nhà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong tục dựng nhà của các tộc người thuộc nhóm nam đào ở tây nguyên việt nam (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)