2.1.1 .Kỳ thị nữ sắc, điều tiết bản năng
2.1.2. Cảnh tỉnh thói tham lam
Chuyện đối tụng ở long cung là một câu chuyện có cái kết viên mãn giống như môtip thường thấy trong truyện cổ tích: môtip trừng phạt. Và đây cũng là lời răn đe đối với những kẻ ham mê nữ sắc, ham chiếm đoạt những gì không thuộc về mình. Thần Thuồng luồng cũng đã vào bậc được lập đền thờ, hưởng sự cúng tế mà còn đi cưỡng đoạt vợ người, trái với luân thường đạo lý. Cũng may họ Trịnh là người có tình và may mắn quen được Bạch Long hầu, không thì mối hận bị cướp vợ không biết khi nào mới trả được. Ấy vậy mà trước mặt đức vua, Thần Thuồng luồng còn buông lời xằng bậy, chối bay tội lỗi. Khi cuộc đối chất diễn ra, Dương thị thẳng thắn vạch mặt kẻ cưỡng đoạt: “- Người áo xanh kia là chồng thiếp, còn người áo đỏ
là kẻ thù. Độ trước không may bị cái yêu ấy bắt cướp, trải đã ba năm trời nay. Nếu không nhờ được sự soi lời của vầng thái dương, thì hồn tàn vóc nát sẽ phải chịu nhơ nhuốc trọn đời, còn mong gì được ló mặt ra nữa”[52, tr 86]. Lời của Dương thị cho thấy hai điều. Thứ nhất là tội trạng của Thần Thuồng luồng cướp đoạt Dương thị; thứ hai là mong muốn được gột rửa tiếng nhơ dù thân tàn vóc nát. Hai điều ấy cũng cho thấy cái nhìn sâu sắc của Nguyễn Dữ dưới góc độ đạo đức phong kiến. Là nam nhi, phải tránh xa sắc dục, không tham lam vô độ dẫn tới hậu quả khôn lường. Là nữ nhi phải đặt danh tiết lên hàng đầu. Không may rơi vào cảnh bị làm nhục thì cũng luôn mong mỏi có ngày được rửa sạch nỗi nhuốc nhơ để khỏi hổ thẹn với đời. Trong bản luận tội của Đức vua với Thần Thuồng luồng đã chỉ rõ: “Than ôi, vợ người cố chiếm, đã rất mực mê cuồng, phép nặng không dong, để răn phường gian ác”[52, tr 87]. Tuy nhiên hình phạt đối với Thần Thuồng luồng trong màn luận công luận tội của Đức vua có vẻ chưa làm hài lòng tác giả. Thế nên, Nguyễn Dữ đã nhấn mạnh hơn nữa điều này trong lời bình cuối truyện: “Thế thì cái tội của Thần Thuồng luồng chỉ phải bị đày thôi sao! Quảng Lợi vương dụng hình như thế, thật là chưa đáng. Tất phải làm như Hứa Tốn, Thứ Phi mới là cái việc thú vị được. Cho nên Địch Nhân Kiệt khi làm Tuần phủ Hà Nam tâu xin phá hủy đến một nghìn bảy trăm tòa đền thờ không xứng đáng, thật là phải lắm”[52, tr 88]. Qua câu chuyện về vụ đối tụng ở Long cung, các đấng nam nhi tự rút ra bài học cho bản thân mình. Những kẻ càng có chức tước, được ăn lộc dân thì phải là bậc chính đạo. Nếu có công trạng, được bổng lộc mà làm càn cũng không vì đã từng lập công mà bỏ qua tội trạng. Là kẻ nam nhi muốn được người đời coi trọng, muốn giữ địa vị lâu bền thì phải tránh xa sắc dục, biết tự tiết chế, không nổi lòng tham, không làm điều xằng bậy ắt sẽ được lâu bền.